Chương Trình Thánh Kinh “Hồng Ân Tin Mừng”của Tổng Giáo Phận Galveston-Houston


Tổng Giáo Phận Galveston-Houston vừa hoàn tất một tập tài liệu học Thánh Kinh với những chủ đề được rút ra từ Tin Mừng Thánh Luca. Việc học tập theo chủ đề này được thực hiện qua những bài chú giải và những câu hỏi, nhằm mục đích đưa học viên đến gần Thiên Chúa hơn và có thể gặp gỡ riêng Ngài qua Mặc Khải của Ngài. Tài liệu này là tập thứ nhất trong bộ “Hồng Ân Tin Mừng”. Những tập tài liệu còn lại sẽ được lần lượt phổ biến vào những năm sau là Matthêu, Marcô, và Gioan. Ủy ban Giáo Lý Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận đã được trao phó trách nhiệm chuyển ngữ tập tài liệu này sang tiếng Việt Nam. Sau gần một năm phiên dịch và kiểm soát, bản dịch tiếng Việt đã được chuẩn y và được đưa vào trang Web của Tổng Giáo Phận.

Dưới đây là tóm lược nội dung các bài trong tập thứ nhất về Tin Mừng Thánh Luca.

Lời Mở Đầu - giới thiệu tác phẩm và tác giả.

Dẫn Nhập - cung cấp các dự kiện căn bản về chương trình học: các tài liệu của Hội Thánh, đại cương về các chủ đề, và các hình thức căn bản để học, suy niệm riêng và chia sẻ nhóm nhỏ.

Bài Thứ Nhất: trình bày chung về Quy Điển Thánh Kinh, các thánh ký, việc phát triển các sách Tin Mừng, và những nhóm người Do Thái trong thời Chúa Giêsu, cùng cái nhìn tổng quát về tác giả, các đặc tính và các chủ đề căn bản của Tin Mừng Thánh Luca.

Bài Thứ Hai: Tường Thuật Giáng Sinh, Phần 1, trình bày những biến cố xảy ra trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Câu truyện Giáng Sinh được cấu trúc quanh một số cảnh, mỗi cảnh được trình bày bằng hai cặp truyện: Cuộc truyền tin cho ông Dakaria, và cho Đức Maria; Đức Maria viếng thăm Bà Êlidabeth; việc sinh hạ Thánh Gioan và Chúa Giêsu.

Bài Thứ Ba: Tường Thuật Giáng Sinh, Phần 2 - tiếp tục câu truyện thời thơ ấu. Suy niệm về việc Chúa Giêsu Giáng Sinh, các lời tiên tri của ông Simeon và bà Anna, cùng chuyến viếng thăm Đền Thờ của Chúa Giêsu.

Bài Thứ Tư: Chân Dung Chúa Giêsu, Quan Điểm 1 - Chúa Giêsu ở giữa Tin Mừng Thánh Luca như Đấng Cứu Thế, vị Thầy khôn ngoan, vị Ngôn Sứ và Đấng Thiên Sai, Đấng Chữa Lành và Nhà Truyền Giáo tận tâm, Con Thiên Chúa và Đầy Tớ của Đức Chúa, Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh. Bài này nhìn đến gốc Do Thái của Chúa Giêsu, các danh hiệu về Đấng Thiên Sai dành cho Chúa Giêsu, và bao gồm những biến cố chính trong cuộc đời công khai của Người.

Bài Thứ Năm: Chân Dung Chúa Giêsu, một Quan Điểm khác - tiếp tục nghiên cứu về chân dung Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Luca. Bài này được chia thành hai phần. Phần thứ nhất bàn về Chúa Giêsu như một con người cầu nguyện, phần thứ nhì về vai trò Chúa Giêsu như Đấng Chữa Lành.

Bài Thứ Sáu: Lời Mời Gọi làm Môn Đệ - tìm hiểu về việc làm môn đệ như người ta hiểu trong thời đại của Chúa Giêsu cũng như những nhóm môn đệ đặc biệt trong các Tin Mừng. Bài này còn nhìn đến Đức Mẹ như mẫu gương môn đệ, đồng thời cung cấp cho chúng ta những chân dung đặc biệt của những người theo Chúa Giêsu, gồm cả những dụ ngôn về việc làm môn đệ.

Bài Thứ Bảy: Các Phụ Nữ chung quanh Chúa Giêsu - nhìn đến nhiều phụ nữ mà Chúa Giêsu đã gặp dọc cuộc hành trình của Người cũng như các phụ nữ ở dưới chân Thánh Giá và ngôi mồ. Cũng nghiên cứu về việc Chúa Giêsu chữa lành và các dụ ngôn liên quan đến các phụ nữ để giáo huấn: phép lạ chữa người phụ nữ tàn tật, các dụ ngôn: người phụ nữ và nắm men, góa phụ và đồng tiền bị mất, góa phụ và ông thẩm phán bất lương, cùng bà góa nghèo và quỹ Đền Thờ.

Bài Thứ Tám: Đồng Bàn với Chúa Giêsu - bàn đến việc Chúa Giêsu cùng ăn uống với nhiều người khác nhau. Đối với Chúa Giêsu bữa ăn là một cách để dạy về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người, nhất là những người cần đến sứ điệp của Thiên Chúa nhất. Những bữa ăn của Chúa Giêsu với người nghèo, người tội lỗi và những người bị tẩy chay là những dấu đoàn kết với những người bị xã hội khinh chê và ruồng rẫy. Những bữa ăn này là dấu chỉ của Tiệc Trên Trời mai sau.

Bài Thứ Chín: Các Dụ Ngôn – xét đến việc các dụ ngôn kể lại một sự kiện xảy ra trong đời sống thường nhật dưới hình thức súc tích và biểu tượng để minh họa một chân lý thiêng liêng như thế nào. Bài này sẽ giải thích về: dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Từ; ba dụ ngôn về Nước Trời: Người Gieo Giống, Hạt Cải, và Nắm Men; các dụ ngôn về giàu nghèo: Người Phú Hộ Khờ Dại, Người Quản Lý Bất Lương, Người Phú Hộ và Lagiarô; cùng 3 hình ảnh về Thiên Chúa: Người Mục Tử Nhân Lành, Người Tìm Kiếm Tốt và Người Cha Tốt.

Bài Thứ Mười: Tường Thuật Thương Khó, Phần 1 - tìm hiểu về những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu. Ở đây bạn sẽ bàn về ý nghĩa của việc Chúa Giêsu vinh thắng tiến vào Giêrusalem và những việc làm của Người trước Bữa Tiệc Ly, cùng những bài giảng và những lời tiên báo cuối cùng của Người.

Bài Thứ Mười Một: Tường Thuật Thương Khó, Phần 2 - tiếp tục sự Thương Khó của Chúa Giêsu, việc đóng đinh và mai táng của Người; tìm hiểu về ý nghĩa của những cảnh này, cũng như vai trò của những người có liên hệ với những cảnh ấy, ở Vườn Cây dầu, việc Người bị bắt, bị bách hại, xử án và đóng đinh.

Bài Thứ Mười Hai: Những Câu Truyện Phục Sinh - xét đến việc các câu truyện Phục Sinh có một tầm quan trọng tột bực thế nào trong Kitô giáo. Bài học nghiên cứu kỹ về câu truyện Đường Emmau, suy niệm về những cuộc hiện ra và Chúa Giêsu đã làm gì khi hiện ra. Bài học chấm dứt bằng sứ điệp cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và việc Người lên trời.

Văn Phòng Giáo Lý Tổng Giáo Phận Galveston-Houston cho phép các Giáo Xứ và Giáo Dân Việt Nam trên toàn cầu được tải xuống, in bài và phân phát để học tập miễn là không sửa chữa hay làm kinh tài với tài liệu này hoặc đưa tài liệu này lên các trang web của mình. Để tải tài liệu hoặc nối kết tài liệu này trên trang web, xin dùng địa chỉ dưới đây:

Tiếng Việt: http://www.archgh.org/wog/vietnamese/giftofthegospels.htm

Tiếng Anh: http://www.archgh.org/wog/giftofthegospels.htm