Bài Giảng Lễ Giỗ Lần Thứ VIII ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.

Theo cái nhìn trên phương diện tự nhiên, thì ngày mà một người sinh ra cũng chính là ngày mà họ bắt đầu lên đường bước vào một cuộc hành trình đi về sự chết.

Dường như cuộc đời của chúng ta cứ mãi lẩn quẩn trong cái vòng xoay của cuộc sống, cứ phải tuân theo một chu kỳ của ‘Sinh- Bệnh- Lão- Tử’. Để rồi cái mục đích mà chúng ta bước ra khỏi lòng mẹ là để đi vào lòng đất.

Và nếu như mà cuộc sống của loài người chúng ta sẽ kết thúc đơn giản bằng cái chết như thế, thì quả thực sự sống này quá phi lý, quá bất công, và vô nghĩa.

Vì ở đời, mỗi người một lẽ sống, mỗi người một cách sống, cho dù là tốt hay xấu, nhưng không ai lại muốn sống để rồi cuối cùng lại đi vào cõi tiêu diệt, cõi hư vô.

Chúa Giê su Kitô của chúng ta giải toả sự phi lý ấy khi công bố ý nghĩa của sự chết: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.”

Niềm tin Kitô Giáo của chúng ta, xác tín rằng: sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, vì lẽ - chết không phải là hết, không phải là dấu chấm tận. Bởi vì thập giá Đức Kitô - đã trở thành một nhịp cầu nối liền hố thẳm của sự chết, để dẫn vào sự sống mới, sự sống vĩnh cửu. Sự sống ấy vững chắc hơn, cao cả hơn và chân thực hơn so với sự sống tạm bợ ở đời này.

Như thế có thể nói: đời sống của mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình, là một chuyến đi, và mục đích của cuộc hành trình ấy, là chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc và là để chuẩn bị cho mình một đời sống vô tận.

Ai đã một lần xa nhà, hẳn cũng đã có kinh nghiệm mong chờ ngày sum họp với gia đình, được về thăm quê hương, về bên cạnh những người thân của chúng ta.

Đời sống của người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, chúng ta sống là để mong chờ ngày trở về với Thiên Chúa, trở về với người Cha nhân hậu của mình. Sống với niềm xác tín đó, chúng ta chẳng những không lo ngại, không e sợ cái chết, mà còn mơ ước, mong chờ và tích cực chuẩn bị cho ngày sum họp tràn đầy hạnh phúc đó.

Hạnh phúc ấy – sẽ không chỉ diễn ra sau khi chết, nhưng đã được khai mở từ ngày chào đời của mỗi người chúng ta. Để giúp chúng ta chuẩn bị chu đáo hơn và kỹ lưỡng hơn cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc sống không bao giờ tàn lụi.

Quả thật, Bàn tay Thiên Chúa đã rộng mở cho đời ta nơi ba mẹ, nơi người thân trong gia đình, nơi bạn bè trong khu xóm, nơi những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời,…những người ân cần bảo bọc, đỡ nâng, và hết tình dìu dắt, an ủi, những người sẵn sàng đồng hành với chúng ta trên nẻo đường tiến về quê Trời.

Trên con đường ấy, lắm lúc đường xa sức yếu, gối mỏi chân chồn, nhưng chúng ta vẫn có thể đi tới đích, vì Thiên Chúa luôn ở cùng và đồng hành với chúng ta.

Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có nhận ra được và biết tích cực cộng tác với ơn Chúa, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời đại để chuẩn bị thật tốt, thật chu đáo cho cuộc gặp gỡ thần linh ấy hay không.

Đây hẳn là điều mà Đức Cố Hồng Y Franxicô của chúng ta đã cảm nghiệm thật sâu xa – và đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng, thật chu đáo, trong suốt đời sống của Ngài.

Ngay từ khi Ngài còn là một cậu giúp lễ, rồi khi trở thành linh mục, giám mục, những năm tháng Ngài bị giam cầm trong nhà tù cộng sản, và rồi những ngày tháng lưu vong nơi đất khách quê người, cả những năm tháng sống và làm việc trong giáo triều Roma với cương vị là một Hồng Y, và là chủ tịch hội đồng tòa thánh bộ Công Lý và Hòa Bình. Và nhất là trong những chặng cuối cùng của cuộc hành trình trần thế của Ngài.

Ngài đã đón nhận và xử dụng mỗi phút giây, mỗi biến cố vui buồn trong cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh và môi trường để cảm tạ Thiên Chúa và để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu mà giờ đây chúng ta tin tưởng rằng Ngài đang vui xướng tận hưởng vinh quang với Thiên Chúa.

Hôm nay, GĐ AC Hùng- Cẩm Anh là con cháu của Ngài mời gọi chúng ta cùng hiệp dâng Thánh Lễ để tưởng nhớ 8 năm ngày Ngài được đòan tụ với Thiên Chúa.

Thông thường mà nói, việc chúng ta dâng thánh lễ Giỗ, là để chúng ta cầu nguyện cho người quá cố, là để chúng ta xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm, những thiếu xót mà họ đã mắc phải trong cuộc sống trần gian, mà sau khi chết họ không thể đền bù được. Qua thánh lễ chúng ta dâng, qua lời cầu nguyện và những việc lành của chúng ta, chúng ta xin được đền thay cho họ.

Thánh Lễ giỗ mà giờ đây chúng ta dâng lên để tưởng nhớ Đức Cố Hồng Y, lại mang một ý nghĩa khác. Chúng ta dâng thánh lễ này đúng hơn là để tạ ơn Thiên Chúa vì đã tặng ban cho chúng ta một con người sứ giả anh hùng của tin mừng Chúa Kitô.

Niềm vui này không chỉ dành riêng cho những người thân trong gia đình của Đức cố HY, mà là cho cả giáo hội công giáo hoàn vũ nói chung và cách riêng là giáo hội việt nam, và đặc biệt hơn là cho mỗi con người việt nam chúng ta.

Trong lịch sử của Giáo hội, chúng ta đã từng tự hào với giáo hội hoàn vũ vì con số đông các anh hùng tử đạo đã anh dũng đổ máu mình ra chứng minh cho đạo Chúa trên quê hương việt nam chúng ta. Bài ca hào hùng ấy đã vang dội từ đầu thế kỷ thứ 17, và đã không ngừng trải qua muôn thế hệ.

Ngày nay, giữa một thế giới mà tiền bạc và sở hữu được nhiều người xem là một thứ bảo đảm duy nhất, thì cuộc đời của ĐHY lại là một minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và niềm tin. Ngài đã làm chứng cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Ngài rằng: khi mọi cánh cửa của cuộc sống bị đóng kín, thì con người vẫn có thể vượt qua mọi trở ngại và lớn lên giữa dòng đời - nếu người ấy biết sống trong yêu thương và được yêu thương.

Đó là những hạt lúa mì đã rơi vào lòng đất, đã chết đi và đã sinh nhiều bông hạt cho đời sống đức tin của chúng ta.

Tấm gương sáng ngời của một tình yêu và lòng nhiệt huyết trong tinh thần phục vụ vì tình yêu và cho tình yêu. Tình yêu quê hương, yêu đồng bào việt nam, của DHY càng cao vời càng sâu đậm và tha thiết hơn trong thời gian Ngài bị lưu đày xa xứ.

Trong suốt quãng đời còn lại, tuy Ngài bị ngăn cấm không được về thăm quê hương thân yêu của mình, nhưng không ai có thể ngăn cấm hay xóa đi được tình yêu đó trong khối óc và quả tim của Ngài.

Theo lẽ thường tình, nếu như bằng một lý do nào đó khi mà tình yêu của chúng ta bị cưỡng chế, bị ngăn cấm không được về thăm quê hương, thăm thân nhân. Chúng ta sẽ dễ dàng biến cái tình yêu trong sáng đó, thành lời oán hận, than trách.

Đối với con người của DHY, tình yêu của Ngài khi bị ngăn cấm lại càng trào dâng tha thiết nhưng không mang một lời oán hận. Chúng ta có thể nhận ra được tình yêu đó của Ngài được diễn tả qua bài thơ mà Ngài đã lưu lại cho chúng ta.

Con có một Tổ Quốc: Việt Nam

Quê hương con yêu quý ngàn đời

Con hãnh diện và Con vui sướng

Con yêu non sông gấm vóc, Con yêu lịch sử vẻ vang

Con yêu đồng bào cần mẫn - Con yêu chiến sĩ hào hùng

Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn,

Núi cao cao xương cất cao hơn

Đất tuy hẹp nhưng chí lớn- Nước tuy nhỏ nhưng danh vang

Con phục vụ hết tâm hồn- Con trung thành hết nhiệt huyết

Con bảo vệ bằng xương máu- Con xây dựng bằng tim óc

vui niềm vui đồng bào, Buồn nỗi buồn dân tộc

Một nước Việt nam- Một dân tộc Việt nam

Một tâm hồn Việt nam, Một văn hóa Việt nam, Một truyền thống Việt nam.

Hôm nay, trong khi chúng ta dâng thánh lễ này, bên cạnh niềm tự hào về con người của DHY, chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của DHY ban ơn cho chúng ta cũng biết học hỏi, bắt chước theo gương sống của Ngài.

Cuộc đời của ĐHY được gắn liền một cách tuy huyền nhiệm nhưng rất thực tế với máu của các vị tử đạo đã đổ máu trong những thế kỷ qua. ĐHY đã học nơi các vị tử đạo bài học xin vâng. Một sự xin vâng vô điều kiện và vô giới hạn đối với tình yêu Chúa. Nhưng đồng thời cũng là một lời phủ nhận những sự dua nịnh, những sự thỏa hiệp bất công, cho dù là với mục đích cứu vãn chính cuộc sống của mình. Đây không những là một sự anh hùng, nhưng còn là một sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo.

Ông bà anh Chị em thân mến, Đó là một trong những bài học quý giá về tình yêu và lòng trung thành mà mỗi người chúng ta cần phải noi theo khi đang sống nơi viễn xứ. Nghĩa là chúng ta cần phải học hỏi và bắt chước nơi Ngài. Đây là một gia sản cần được đón nhận trong mỗi ngày sống của chúng ta hôm nay, tuy đầy khó khăn nhưng chúng ta có thể làm nó trở nên chan hòa yêu thương và dịu hiền.

Vâng tình yêu đó đã được phú bẩm đã được tặng ban cho chúng ta qua những vị anh hùng tử đạo. Nhưng tình yêu đó phải được lớn lên và phải được trau dồi bằng chính những nỗ lực bản thân của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Hôm nay, khi chúng ta nhìn lại quãng đời mà Đức Cố HY của chúng ta đã đi qua, mỗi người chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhìn ra và khẳng định rằng Ngài là một người có tài và có đức. Vì vậy trước khi lìa trần, Ngài là một trong những ứng cử viên trong danh sách những vị sẽ thay thế Đức Cố GH JPII.

ĐHY đã ra đi trong tình yêu và trong sự tiếc nuối của tất cả mọi người. Các thân nhân của Ngài. Giáo Hội yêu quí của Ngài tại Việt Nam, và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tòa Thánh cũng khóc thương Ngài.

Như vậy chúng ta có thể nói rằng sự ra đi của Ngài là một sự ra đi trong chiến thắng hào hùng, một sự thanh thản ra đi trong yêu thương và bình an.

Vậy lý do nào đã khiến Ngài làm thay đổi cái lý thường tình mà nhà văn Nguyễn Du, trong tác phẩm ‘truyện kiều’ nổi tiếng của mình, khi ông đưa ra một định luật chung, ‘chữ tài chữ mệnh sao mà sánh duyên’.

Rõ ràng khi ông mô tả về cái tài và cái đức của hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng và về cái chết đau thương của họ. Chính bản thân ông cũng không tránh khỏi sự ngạc nhiên khi nhận ra một điểm chung trong cuộc sống ‘chữ tài liền với chữ tai một vần’.

Nhà văn Nguyễn Du đã dùng sự sống và cái chết của hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng, để minh chứng cho lập luận của ông là những người có tài thì cho dù cuộc sống của họ có tốt đến mấy đi nữa thì rồi cuối cùng họ cũng sẽ gặp phải tai bay vạ gió, và cái chết của họ sẽ rất thảm thương.

Cuộc đời của DHY Franxicô của chúng ta thì lại hoàn toàn khác biệt, Ngài đã vượt ra khỏi cái chân lý đời thường của con người. Vì Ngài đã biết sử dụng đúng lúc và đúng chỗ cho cái tài và cái đức của mình.

Ngài đã biết vận dụng một văn hóa việt nam, một truyền thống việt nam vào đời sống xã hội và cả đời sống tâm linh của Ngài. Thưa cái văn hóa đó, cái truyền thống đó văn học Việt nam chúng ta gọi là ‘Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa’.

Đây cũng là một chân lý sống của Đức cố Hồng Y mà chúng ta cần phải biết thụ hưởng, phải làm duy trì và làm phát triển trong chính cuộc sống chúng ta.

‘Thiên thời’, Đối với Thiên Chúa, Ngài đã biết dành thời gian để yêu thương và phục vụ Người. ‘Địa lợi’, Ngài đã biết sử dụng đúng vào cái lợi điểm của tùy hoàn cảnh, của mỗi địa phương cho phép để làm phát triển đời sống tâm linh cho chính mình và cho người khác. ‘Nhân Hòa’, Đối với tha nhân đồng loại, Ngài đã phục vụ mọi người bằng tất cả tình yêu thương ôn hòa và nhân hậu.

Tất cả những bí quyết của ĐHY là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ mà Ngài đã chấp nhận với lòng yêu mến.

Thật vậy, chỉ khi nào biết sẵn sàng hy sinh bản thân, Người Kitô hữu mới có thể góp phần vào việc cứu độ trần thế. Đó là điều mà ĐHY, người cha, người thầy đáng kính của chúng ta đã thực hiện.

Ngài đã giã từ chúng ta, nhưng tấm gương của Ngài vẫn tồn tại. Đức tin của chúng ta cho phép chúng ta khẳng định rằng Ngài không chết, nhưng Ngài đã bước vào một đời sống vĩnh cửu không bao giờ tàn lụi.

Đây chính là hạt lúa mì đã được gieo vào lòng đất việt nam của chúng ta, đã được chết đi trong giáo hội của chúng ta, và đã nảy sinh hoa trái trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta.

Trong chúc thư cuối đời của mình, ĐHY quả quyết: "Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse". Chúc thư tinh thần của ngài kết thúc với ba lời nhắn nhủ: "Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người".

Đây chính là tổng hợp bí quyết trọn cuộc sống của ĐHY. Đây cũng là bài học vô giá Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta. Amen