Mẹ Têrêxa Calcutta, vị Thiên thần của người nghèo

Thật vậy, không chỉ ở Ấn Độ, nhưng còn ở khắp nơi trên thế giới, mọi người đều nhìn nhận và phong cho Mẹ Têrêxa tước hiệu „vị Thiên thần của người nghèo“.

Ngày 26.8.2010 là ngày sinh nhật thứ 100 của Mẹ, và dù Mẹ đã được Chúa gọi về Thiên đàng, nhân loại nói chung và các người nghèo nói riêng vẫn không quên Mẹ, nhất là những dấn thân to lớn và trọn vẹn của Mẹ cho các đồng loại bất hạnh. Cả thế giới đều kính phục và tôn vinh những tận tụy và hy sinh vô bờ bến ấy của Mẹ. Vì thế, khi người ta làm một cuộc phỏng vấn về những nhân vật gương mẫu và đáng kính nhất hiện nay trên thế giới, đã có tới một phần ba những người được hỏi thuộc đủ mọi thành phần xã hội và tôn giao đã nêu danh Mẹ Têrêxa Caltutta. Còn tại Ấn độ, tại một nước mà Kitô giáo chỉ là một thiểu số bé nhỏ khiêm tốn, người ta đã tôn vinh Mẹ têrêxa như một vị thánh và như một đại ân nhân của dân tộc họ. Và để tôn vinh và thưởng công cho Mẹ Têrêxa một cách cụ thể, vừa đây nhà nước Ấn Độ đã lấy tên Mẹ để đặt tên cho một đoàn lửa xuyên tỉnh và đồng thời lấy màu áo Dòng trắng với ba đường kẽ xanh của các Nữ Tử Bác Ái của Mẹ Têrêxa để sơn cho đoàn tàu lửa tốc hành hành đó.

Nhưng người ta cũng tự hỏi là từ đâu Mẹ Têrêxa đã có được sức mạnh và nghị lực phi thường để có thể suốt đời dấn thân phục vụ người nghèo một cách hoàn toàn tận tụy như thế? Và câu trả lời duy nhất là xin thưa rằng chính đức tin sâu xa vào Thiên Chúa và tình yêu tuyệt đối dành cho Người đã không chỉ giúp cho Mẹ Têrêxa có được sự can đảm suốt đời xả thân một cách vô vị lợi cho các đồng loại bất hạnh của mình, mà còn giúp cho Mẹ có đủ sức mạnh để thắng vượt được trăm ngàn tình huống đầy khó khăn và đầy thử thách đến từ mọi phía trong khi phục vụ đồng loại, mãi tới ngày Mẹ nhắm mắt lìa đời vào ngày 5.9.1997.

Bởi vậy, vào năm 1979, để tôn vinh tất cả những hoạt động và những đóng góp cao cả ấy của Mẹ Têrêxa, Hội đồng giải Nobel đã trao tặng Mẹ giải Nobel Hòa Bình. Và nhất là sau 5 năm Mẹ Têrêxa qua đời, tức vào năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nhân danh Thiên Chúa nâng Mẹ lên hàng Chân Phước.

Từ Mezedonien qua Ái Nhĩ Lan tới Ấn Độ

Mẹ Têrêxa sinh ngày 26.8.1910 với tên đời là Agnes Gonxha Bojaxhiu, tại làng Skopje thuộc Mazedonien. Với 18 xuân xanh. Mẹ đã can đảm rời gia đình đầy yêu thương và đạo đức để gia nhập Dòng các Sơ Loretosister tại Ái Nhĩ Lan và đổi tên thành Sơ Têrêxa. Ít lâu sau đó, Mẹ được gửi vào Nhà Tập của Dòng tại Ấn độ. Trước hết, Mẹ được chỉ định dạy học tại một trường dành cho nữ sinh ở Calcutta. Về sau Mẹ thành lập các nhà dùng đón tiếp các kẻ đang hấp hối mà Mẹ tìm gặp trên các đường phố Calcutta, vì Mẹ muốn dành cho các người đau ốm và nghèo khổ đó có được một cái chết đúng với nhân phẩm của mình.

Vào thánh 9 năm 1946, Mẹ đã quyết định hoàn toàn dấn thân cho người nghèo khổ nhất trong xã hội và thành lập ở Calcutta Tu hội Các Nữ Tử Truyền Giáo Bác Ái (Missionaries of Charity). Sau khi Mẹ Têrêxa qua đời và mãi cho tới hôm nay Tu Hội vẫn tồn tại và phát triển không ngừng. Hiện nay các Sơ Nữ Tử Bác Ái của Mẹ Têrêxa hoạt động trong 766 „Nhà Bác Ái“ tại 136 quốc gia. Trong các „Nhà Bác Ái“ đó gồm có những trung tâm dành cho các người hấp hối, cho các bệnh nhân Xi-đa, cho các bệnh nhân phong hủi, cho các người vô gia cư và cho các trẻ em.

Ông Karl-Heinz Melters, cựu phóng viên nhiếp ảnh của tờ nguyệt san „Missio Actuell“ của cơ quan từ thiện Missio Công Giáo Đức từ năm 1967 cho tới ngày ông về hưu vào năm 1999, đã nhiều lần được hân hạnh tiếp xúc với Mẹ Têrêxa và các Sơ Nữ Tử Bác Ái của Mẹ, đã phát biểu: „Điều làm tôi có ấn tượng sâu xa nhất là đức tin bất lay chuyển của Mẹ Têrêxa, một đức tin có thể chuyển núi dời non.“ Nhưng trường hợp ông Melters được tiếp cận Mẹ Têrêxa như thế là một trường hợp hi hữu ngoại lệ, chứ rất ít phóng viên được cái may mắn ấy, vì một lý do duy nhất là Mẹ Têrêxa vô cùng khiêm tốn nên rất ít muốn người ta chụp hình và hỏi han về Mẹ. Và ông còn thú nhận: „Thật là một điều không dễ dàng để có thể gặp riêng Mẹ Têrêxa. Vâng, thật vô cùng khó khăn để có thể đến thăm riêng được Mẹ, nhất là việc hiểu hết con người và cuộc sống của Mẹ Têrêxa là một điều hoàn toàn bất khả.“

Đối với một người cầu nguyện, thì không có gì là không có thể

Phóng viên Karl-Heinz Melters đã đưa ra một ví dụ cụ thể để chứng minh đức tin bất lay chuyển của Mẹ Têrêxa vào Thiên Chúa, ông nói: „Năm 1977 khi cuộc nội chiến ở nước Ê-Thi-ô-piê bùng nổ, thì có vô số người bị giết chết một cách vô tội. Chỉ có trẻ con là người ta để cho sống, vì thế chúng kêu gào khóc lóc chạy khắp cả thành phố để tìm chỗ ẩn núp, chỗ ăn ngủ và sự giúp đỡ. Nhưng đáng tiếc thay là không một ai thèm quan tâm lo lắng cho chúng ngoài một mình Mẹ Têrêxa, vì may thay vào lúc cực kỳ khốn cùng ấy Mẹ đang có mặt tại Ađis Abeba, thủ đô của Ê-thi-ô-piê. Mẹ đã đón tiếp tất cả đám trẻ con bất hạnh ấy vào trong nhà các Sơ. Mẹ Têrêxa nói với tôi và một phóng viên khác: chúng ta phải đi xuống miền Nam, nơi đang có hai Sơ người Đức cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhưng đó là một ý tưởng hoàn toàn không hợp lý và bất khả, vì vào thời điểm lúc bấy giờ ở chính thủ đô mà an ninh chưa được bảo đảm, huống hồ đi xuống miền Nam. Bởi vậy, chúng tôi đã nói: „Thưa Mẹ, điều này thật sự là một điều bất khả!“ Nhưng Mẹ Têrêxa đã cự tuyệt: „Tại sao các ông nói là bất khả, tôi cầu nguyện cho các ông mà.“ Và đó quả là một cuộc hành trình tồi tệ và nguy hiểm nhất trong tất cả các cuộc hành suốt đời ký giả của tôi. Vâng, xe chúng tôi cứ đi được khoảng bốn cây số lại bị chận lại và chúng tôi bị lôi ra khỏi xe, phải đứng thẳng dựa lưng vào thành xe để người ta khám xét và rồi lại được phép đi tiếp. Cuối cùng chúng tôi đã tới được chỗ hai Sơ người Đức ở bình an và cũng hoàn toàn được bình an trở lại thủ đô A dis Abeba. Và khi chúng tôi trở lại Addis Abeba thì Mẹ Têrêxa đã đứng sẵn chờ chúng tôi ở cổng Nhà Dòng rồi. Chúng tôi muốn kể cho Mẹ nghe tất cả những gì chúng tôi đã phải khốn khổ trải qua trên đường đi xuống miền Nam. Nhưng Mẹ Têrêxa đã lấy ngón tay đặt lên miệng ra hiệu bảo chúng tôi đừng nói gì cả và Mẹ đã nói: „Tôi đã cầu nguyện cho các ông, nhất định các ông phải vượt qua được mọi sự.“

Nhân dịp kỷ niệm đệ nhất bách niên ngày sinh của Mẹ Têrêxa, cơ quan từ thiện Missio ở Đức đã tổ chức triển lãm 16 bức hình đặc biệt của Mẹ Têrêxa do phóng viên nhiếp ảnh karl-Heinz Melters chụp, kèm theo các lời cầu nguyện của Mẹ Têrêxa.

Nói tóm lại, qua cuộc sống dấn thân trọn vẹn cho đồng loại, nhất là cho các đồng loại bất hạnh, của Mẹ Têrêxa, chúng ta lấy ra được bài học cụ thể này là „cho đi thì tốt hơn là nhận lãnh“ (thánh Phaolô), vì những gì chúng ta giữ lại cho mình thì có ngày sẽ bị mai một đi, trái lại những gì chúng ta đem chia sẻ cho các anh em đồng loại đang cần đến sự giúp đỡ của ta, thì sẽ mãi mãi là của ta và luôn luôn đồng hành với ta cho tới muôn đời. Vâng, „chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là lúc vui sống muôn đời!“ (thánh Phanxicô Assisi).