Tại Đà Nẵng, sáng hôm đó Ba tôi dặn rằng: “Ở nhà đi học ngoan, chiều đi làm về Ba dẫn đi ăn kem nhe”. Tôi “Dạ” một tiếng thật lớn, rồi nhìn chiếc Mobilette của Ba từ từ ra khỏi nhà.
Chiều đến, tôi ngồi trông ra cửa, mong sao cho tiếng máy xe của Ba thật gần, thật gần …, rồi trời tối dần, tối dần … chờ mãi cũng chẳng thấy Ba về dẫn đi ăn kem. Cả nhà tôi phải tắt đèn đi ngủ.

Ngày hôm sau, ngồi trong lớp được người nhà xin cho về sớm.

“Ba em chết rồi!”

Người ta chở về nhà tôi một chiếc quan tài lớn đã đóng kín.

Không như 2 tháng trước lúc Mẹ chết tại Bệnh viện, Ba bế Mẹ đặt nằm ngay ngắn trên chiếc giường phủ ra trắng, rồi quay ra sau lưng nhìn thấy tôi, Ba ôm tôi khóc “Mẹ con chết rồi!”. Tôi thấy được Mẹ tôi nằm đó, mắt hé hé Ba đưa tay vuốt mắt Mẹ.
Rồi tôi cũng khóc khi thấy mọi người cùng khóc.

Còn Ba tôi chết, chị và anh tôi chỉ dấm giúi, quẹt quẹt hai con mắt chẳng thấy ai khóc to tiếng như ngày Mẹ tôi mất, vì thế hình như tôi cũng không có giọt nước mắt nào dành cho ngày Ba tôi mất thì phải? Tôi có nghe hàng xóm vuốt đầu tôi rồi nói “Tội nghiệp tụi nó mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, rồi tụi nó sẽ ra sao?”

Năm đó tôi mới lên tám, vừa bước vào lớp Ba. Chị Cả lớn nhất trong nhà tôi được 16 tuổi còn đang cắp sách đến trường.

Sau này tôi mới nghe kể lại, sáng sớm hôm đó có người đến báo cho chị em chúng tôi biết “Ba chúng tôi đêm qua ngủ lại nơi làm việc, và bị Việt cộng ám sát trong đêm”. Chính quyền phái người đến chở anh chị tôi đến nhận xác Ba, và cho đóng quan tài ngay tại chổ, xong mới đưa quan tài về nhà, vì thân thể Ba bị bắn nát không còn nguyên vẹn.

Và cũng vì chỉ thấy một chiếc hòm đóng kín, và sự sợ hãi cứ bao trùm trong nhà đến độ tiếng khóc không bậc ra trong cửa miệng của các anh chị, mà nhiều năm sau tôi vẫn cứ mơ hồ Ba tôi chưa chết, Ba đi đâu đó rồi sẽ lại về với chị em chúng tôi …

Những năm sau tôi lớn lên trong cô nhi viện, trong nhà Tu …, anh chị em tôi ít có dịp sống chung với nhau để có thể tìm hiểu thêm về cái chết của Ba Mẹ. Vẫn như ngày Ba chết, anh chị vẫn giữ thái độ im lặng với các em nhỏ dại …, Bắt đầu từ tôi trở xuống chưa hề biết rỏ điều gì về Ba Mẹ, thì chị Cả tôi gặp cơn bịnh ngặt nghèo và ra đi thật vội vã, không cho tôi thời gian chuẩn bị trưởng thành để thay chị ấp ủ các em như chị đã từng làm với chúng tôi.

Hai anh tôi đi Lính đóng quân ở xa nhà, tôi loay hoay bận rộn cho cuộc sống nhiều bất hạnh hơn an vui với các em, cho đến ngày mất Nước …

Nước mất, nhà chúng tôi cũng mất, anh em còn lại mỗi đứa đi mỗi nơi tìm đường sinh sống. Tôi vào tận Sông Bé với những ngày vô cùng cơ cực, nỗi sầu khổ chứa chan đến độ tôi cứ hình dung Ba tôi lại trở về. Ba tôi sẽ đến mang tôi ra khỏi cái địa ngục nơi đây, Ba tôi sẽ cho tôi ăn sung mặc sướng như ngày nào, đưa chúng tôi đi đến một nơi nào đó, không phải là nơi đây …. Lúc nào tôi cũng mơ màng như thế cho qua đi thời gian dài đằng đẳng nơi vùng kinh tế mới khắc nghiệt, thiếu thốn đủ mọi điều …
Sao cuộc sống đầy đọa chúng con đến độ như vậy hả Ba?

Và thế là tôi đi tìm Ba, tôi đi tìm Ba tôi qua những người có giọng nói Quãng Nam, Đà Nẵng, gặp ai nói tiếng Quãng tôi cứ sà đến hỏi “Bác quê ở đâu? Có biết làng Phú Quý, Quận Đại Lộc không?”

Cả một vùng Sông Bé, hơn mười năm tôi chôn chân, chẳng ai biết được Ba tôi. Tôi theo cuộc sống đi dần về Sài Gòn vẫn không quên hỏi thăm quê làng Phú Quý của Ba tôi mà tôi chỉ biết ghi trong giấy tờ. Tôi vẫn ôm bên cạnh các giấy tờ để chứng minh chúng tôi là con của Quốc Gia, giấy tờ đất gia phả hương hỏa của Ba tôi tôi vẫn còn giữ, giấy khai sinh, giấy khai tử của Ba Mẹ … Cũng nhờ thế, tôi biết được ngày chết của Ba Mẹ tôi, mà rất nhiều năm sau khi chết, Ba Mẹ mới được tôi lập bàn thờ làm ngày Giỗ kỵ.

Rồi thì Trời đã không phụ lòng người, hay Ba tôi không nở để tôi đi tìm mãi … Tôi gặp được một người đàn ông khá lớn tuổi trong một tiệc cưới của bạn con trai tôi tại Sài Gòn.

Tôi vẫn hỏi:
- Chú Quê ở đâu vậy?
- Tôi Quê Đại Lộc
- Chú biết làng Phú Quý không?
- Ồ làng của tôi, cô hỏi ai?
- Chú có biết ông Quý làm Công An, năm 1960 bị Việt cộng ám sát không?
- Ủa, Bác của tui đó. Cô là ai mà biết Bác tui?

Sự ngạc nhiên cùng cực trong mắt người đàn ông ấy, và sự vui mừng không nói nên lời trong tôi. Tôi nín thở trả lời:
- Tôi là con gái Ông ấy.
- Hả? Thật không???... Vậy em là em của chị đây …

1960 – 2010. Năm mươi năm sau ngày Ba tôi chết.

Tôi biết mình có một Gia Tộc Nguyễn rất lớn, Ngày Giỗ Tộc tổ chức 2 lần vào tháng Hai cho số người đi lập nghiệp trong Miền Nam và ngày Giỗ chính nhằm mười lăm tháng Ba âm lịch hằng năm tại Làng Phú Quý, Đại Lộc.

Từ người em họ mới nhận ra ấy, tôi gặp các con của Bác tôi là anh Bốn Chi … Anh em gặp nhau nước mắt chảy dài. Anh nói:
- Ba anh lúc hấp hối cứ bảo phải đi tìm bằng được các em, nghe đồn người ta bảo các em đi vượt biên rồi mất tích, Ba anh cứ lo Mồ Mã của Ba Má các em thất lạc làm sao đưa về với nghĩa trang Gia Tộc? Anh gặp lại các em mừng còn hơn trúng số độc đắc, anh vui lắm. Em có biết là anh lang thang nhiều ngày ở Sài Gòn để đi hỏi thăm tin tức về các em nhiều năm trước không?

Chúng tôi cùng một Ông Cố, Ông Nội anh là anh ruột Ông Nội của tôi, anh kể tôi nghe nhiều chuyện về Ba tôi mà anh biết.

- Ba em tội lắm, rất yêu thương anh em, làng mình nằm trong vùng mất an ninh, ai theo Quốc Gia thì phải bỏ làng ra đi như Chú anh hiện nay ở Mỹ, cũng nhờ Ba em bảo lảnh mà ra khỏi làng vào Nam đi lính Nhảy Dù đến năm 1975 thì lên Tàu đi Mỹ luôn, anh sẽ báo cho Chú Mười Nghiêm biết là đã tìm ra được các em.

- Ngày đó không có Ba em thì Ba anh cũng khốn đốn. Mỗi lần ngày Giỗ kỵ Ông Bà, Ba em về làng 3,4 xe đi theo hộ tống … Điều đau lòng là lúc Ba em mất, anh và chú Mười Nghiêm đã vào Sài Gòn không về đưa tang được, nên các em không biết được nhiều bà con bên Nội, lại nữa các em còn nhỏ dại quá…

Tháng Ba vừa qua Bác Mười Nghiêm từ Mỹ về Việt Nam đưa tôi về thăm làng Phú Quý của Ba. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy mộ Ông Nội, mộ Cô ruột của tôi, và tất cả những ngôi mộ của Ông Cố, Ông Tổ cùng bà con bên Nội của tôi …

Sau đó tôi liên lạc được thêm 2 Cô em họ của Ba cũng đang ở Mỹ.

Cảm động nhất là đứa cháu ở Úc, đã tìm ra tung tích của tôi qua bài báo, nhờ anh em cùng trường Tu Gioan Đà Nẵng tìm hộ. Ba cháu gọi tôi là chị, ông gọi điện cho tôi nói rằng ông là người đứng ra lo tẩm liệm, tang ma cho Ba tôi ngày đó. Ba tôi không những là Bác mà còn là Ân Nhân của gia đình ông vì thế suốt 50 năm qua ông luôn xin Lễ cầu nguyện cho Ba Mẹ và chị tôi. Ông mong có dip về Việt Nam để gặp gỡ anh em chúng tôi, và kể cho tôi tất cả những gì tôi muốn biết về Ba tôi.

Ba ơi! Thế là con đã tìm ra Ba rồi. Con vẫn nói với Ba hằng ngày bên bàn thờ của Ba Mẹ:
“Ba Mẹ nhớ cầu xin Chúa thật nhiều cho 5 đứa con mà Ba Mẹ bỏ lại đây nhe Ba Mẹ, Ba Mẹ biết tụi con côi cút đến chừng nào không? Đừng bỏ rơi tụi con nữa, phù hộ cho từng gia đình anh em tụi con có cuộc sống tốt nhe Ba Mẹ …”

Bây giờ hằng ngày Bác tôi cách xa tôi nữa vòng trái đất vẫn thường gọi “KH con đâu rồi? Bác đây, Bác cháu mình nói chuyện đi” và các Cô em của Ba tôi hay email và gởi quà về cho anh em chúng tôi, cả người em ở bên Úc lúc nào vợ chồng cũng luôn miệng nói Ba tôi là ân nhân, và cũng cất công tìm kiếm anh em chúng tôi rất nhiều năm qua …

Đó có phải là món quà tuyệt vời nhất mà Ba tôi đã dành cho anh em chúng tôi trong những năm dài tìm kiếm Ba trong vô vọng không?

Cảm tạ Ơn Chúa! Cảm ơn Ba đã cho chúng con những tháng ngày đầy ấp yêu thương của những tình cảm ruột thit, bà con, mà Ba đã để lại. Con thật lòng biết ơn những người đã vì Ba mà san sẻ cho chúng con những yêu thương, ngọt ngào mà chúng con quá thiếu thốn từ ngày Ba Mẹ đã bỏ lại tụi con đi thật xa.

Father’s Day 2010