MỘT KIẾP NGƯỜI

Trời đã về khuya, xa xa đâu đó chỉ có một vài tiếng rao bán hàng rong của những người lao động nghèo. Không gian xung quanh cộng đoàn Anh Em Đức Mẹ Lên Trời ở Bình Lợi, Sài Gòn, bổng trở nên tĩnh lặng, sau một ngày ồn ào, náo nhiệt.

Tôi đóng cửa phòng để chuẩn bị đi ngủ. Vừa mới lên giường, tôi bổng nghe trầm bổng đâu đó tiếng hát: “Cũng một kiếp người, có người đi tìm chân lý. Cũng một kiếp người có người hoang phí thời gian. Cũng một kiếp người có người nghèo khó gian nan. Cũng một kiếp người có người quyền thế cao sang…”

Bài hát đã gợi lên cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Điều đã làm tôi day dứt nhất, đến nỗi tôi không thể đi vào giấc ngủ đó là nhớ về những con người sống cô đơn trong Trung Tâm Dưỡng Lão Vinh Sơn.

Đây là một trung tâm nuôi các bà già neo đơn, không nơi nương tựa do các Soeurs Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn thành lập.

Lần đầu tiên bước vào trung tâm, tôi đã có một cảm giác rất khó diễn tả. Với những dãy nhà cấp bốn đơn sơ nằm đối diện với một ngôi nhà nguyện, xung quanh là cây cối và những cái nhà lợp bằng tranh tre trông thật thoáng mát và yên tĩnh. Cảnh vật như thế đã làm cho tôi có cảm giác đây là một Tu Viện hơn là một Trung Tâm cho người già neo đơn. Thế nhưng, tôi đã nhầm. Bởi vì, từ trong hành lang nằm giữa hai dãy nhà, tôi thấy một bà cụ bước ra với nụ cười rất tươi chào và hỏi thăm tôi trước khi tôi chào và hỏi thăm bà (sau này tôi mới khám phá ra bà cụ này tên là Lê Thị Thu, sinh năm 1927, quê ở tỉnh Sóc Trăng). Một con người tuổi đã cao nhưng lại rất nhanh nhẹn và tỉnh táo. Sau những lời hỏi thăm thân mật, bà dẫn tôi đến gặp Soeur phụ trách Trung Tâm. Được nói chuyện với Soeur, tôi đã hình dung được ít nhiều công việc và hiện trạng của Trung Tâm. Các bà là những người đến từ nhiều tỉnh khác nhau, thậm chí có bà đến từ Campuchia…

Thật hạnh phúc cho kỳ thực tập của tôi: sống và làm việc cùng với các bà. Đây là cơ hội duy nhất để tôi được tiếp xúc, nói chuyện và giúp đỡ các bà trong khả năng có thể của mình. Cùng với các bà đang khoẻ tôi giặt quần áo, chăn mền cho các bà nằm liệt hay nhặt rau và làm thức ăn cùng với các bà, thậm chí đút cơm cho các bà nằm liệt ăn… Tất cả những công việc đó giúp tôi khám phá ra rất nhiều điều liên quan đến cuộc sống, nhất là cuộc sống của những người đang phải đối diện với cảnh già nua, cô đơn, bệnh tật và thiếu thốn. Chưa hết, có một công việc mà tôi cho là ý nghĩa nhất sau thời gian làm việc ở đây là ‘được phép’ gặp gỡ tất cả các bà để lắng nghe những chia sẻ về những khó khăn và niềm vui trong quá khứ cũng như hiện tại của họ. Điều quan trọng hơn hết đối với tôi là đã thấy và ‘sờ mó’ được vào nỗi đau khổ của họ. Họ đã trải qua một quá khứ thật kinh khủng: niềm vui không có, chỉ có nước mắt; thất vọng nhiều hơn hy vọng; đau thương nhiều hơn cảm nhận sự êm ái; bị bách hại nhiều hơn tự do. …Hay như Jean Vanier viết: “Họ cảm thấy yếu đuối, bất lực đương đầu với cuộc sống, đang đi quá nhanh xung quanh họ. Cảm giác đó là không muốn mình phải xảy ra như vậy…” (Le Corps Brisé Retuour Vers La Communion).

Quả thật, khi được nghe những lời tâm sự trong nước mắt của họ, lòng tôi cảm thấy nhói đau. Nhói đau cho một ‘thân phận’ hay như lời trong bài hát trên là ‘một kiếp người” của họ; nhói đau cho những bước đường đầy dẫy những vũng nước mắt mà họ đã đi qua; nhói đau cho những mảnh đời không có một túp lều tranh để cắm dùi trong suốt cả một cuộc đời 70 - 80 thậm chí 90 năm trường; và nhói đau cho sự cô đơn mà bây giờ họ đang phải chịu. Tôi còn nhớ, trong một buổi nói chuyện với Soeur phụ trách Trung Tâm, Soeur kể cho tôi nghe về những bà cụ đã qua đời. Soeur nói: “Các bà đã không có một người nào gọi là thân nhân đến viếng xác khi nằm xuống. Nhìn thấy cảnh này tôi cảm thấy sao mà đau lòng quá! Thật ra, tôi là người chịu trách nhiệm chăm sóc các bà, tôi được các bà kể cho tôi nghe rất nhiều đau khổ trong cuộc đời của họ, tôi rất xúc động và đau đớn, nhưng đau đớn nhất vẫn là cảnh các bà đã nằm xuống mà vẫn cô đơn.”

Nỗi cô đơn! Đó là điều đã bám theo các bà trong suốt cả cuộc đời, ngay cả khi xác các bà đã nằm xuống đó. Nỗi cô đơn này của các bà đã làm cho tôi tiếp tục liên tưởng đến những tâm tình của Jean Vanier. Ông nói: “Cuộc đời của họ đã bị tổn thương và từ cảm giác tổn thương này sinh ra một nỗi lo buồn, một sự hoang mang, nhưng rạn vỡ nứt nẻ nội tại, một sự thiếu tin tưởng vào chính mình và nơi người khác, nó sẽ biến thành bạo lực, suy thoái và những hành động điên khùng, và như thế, họ càng bị tách ra xa, bị vứt bỏ, họ không còn cảm giác mình thuộc về một nơi nào hay thuộc về ai.” Quả đúng như vậy. Tôi đã nhận ra được điều này khi nhìn vào những hành động của một số bà trong Trung Tâm.

Tuy rằng các bà đã được Trung Tâm và những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để có một cuộc sống không thiếu thốn về vật chất, nhưng trong tâm thức của các bà vẫn còn lo toan cho cuộc sống hoặc băn khoăn cho những nhu cầu của mình. Có một lần, tôi vào phòng để thăm và nói chuyện với bà Trần Thị Rớt. Vô tình, tôi khám phá ra bà có rất nhiều ‘tài sản’. Những tài sản thực ra đó chỉ là những tờ báo củ, nhưng hộp cát tông, những cái thìa, cái muỗng, những củ gừng, củ nghệ, thậm chí đó là những cái khăn lau nhà bếp đã hư… Bà khẳng định đó là “tài sản” của bà.

Tại sao bà lại hành động như vậy? Xin các bạn trả lời giúp tôi câu hỏi này. Tôi tin chắc rằng mỗi bạn sẽ có câu trả lời khác nhau…

Đối với đời sống tinh thần của các bà cũng vậy. Mỗi ngày có rất nhiều cá nhân, đoàn thể đến thăm hỏi và động viên các bà, nhưng những cuộc tiếp xúc đó chỉ làm cho tấm lòng của các bà hân hoan trong một chốc lát và sau đó là cả một ‘khoảng lặng’ kinh khiếp mà các bà phải tiếp tục đón nhận.

Đau thương vẫn còn đó, đau khổ lại càng day dứt hơn! Đó là chưa kể đến nỗi cô đơn của họ khi họ phải đối diện trong từng giây phút của cuộc sống.

Riêng đối với bản thân, tôi hoàn toàn đồng ý với Jean Vanier trong lời nhận định thật chí lý của ông: “Theo dòng thời gian, khi sống với con người đã bị bầm dập… tôi khám phá ra một điều mới lạ. Nhẹ nhàng nhưng con người đó đã dẫn tôi vào tận sâu thẳm của chính con tim tôi, với cái hoà trộn ánh sáng và bóng tối của nó. Những con người đó đã đưa tôi vào mầu nhiệm của đức Giêsu và thông điệp của Ngài trong cõi thầm kín của nhân loại và lịch sử của nó…”

Vậy:

- Chúng ta sẽ phải làm gì đây?

- Tấm thân đã bị nghiền nát nơi các bà cụ mách bảo cho chúng ta điều gì?

- Trong chúng ta, có ai muốn nhìn thấy những người thân của chúng ta luôn bị nghiền nát như các bà cụ đó hay không?

- …

Hãy hành động ngay bây giờ! Cha Emmanuel d’Alzon, Đấng sáng lập Dòng Đức Mẹ Lên Trời (http://mevetroi.org/) đã “luôn mang bên mình nỗi đau khi thấy người ta loại bỏ Thiên Chúa và Thiên Chúa đang bị đe dọa nơi con người và con người là hình ảnh của Thiên Chúa đang bị đe dọa”. Hãy hành động ngay bây giờ! Lời Mẹ Têrêxa Thành Calcutta đã nhắn nhủ trong bài Diễn Văn Nhận Giải Nobel năm 1979: “Vấn đề không phải là chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là chúng ta đã đặt bao nhiêu tình yêu cho việc mình làm…” Hãy hành động ngay bây giờ! Jean Vanier viết: “ Hãy bước theo một con đường, một con đường nhỏ mà Đức Giêsu muốn đem đến cho tất cả những ai, từ khắp mọi nơi, muốn đi theo Ngài. Đó là một con đường rất đơn sơ, rất ẩn dật, nhưng là nguồn mạch của việc chữa lành; một con đường dẫn chúng ta vào trong tình yêu của Đức Giêsu và của Cha Ngài…” Cuối cùng chúng ta hãy hành động ngay bây giờ cùng với tất cả những người khác đã hành động ngang qua một giao ước tình yêu đối với người nghèo, người yếu đuối và những người bị bách hại trong và xung quanh môi trường mà chúng ta đang sống hôm nay.