VATICAN CITY (CNS) - Đức giáo hoàng Benedict XVI mới đây đã thúc giục các linh mục trên thế giới sử dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông mới, nhưng ở ngay sân sau nhà ngài, cuộc cách mạng kỹ thuật số dường như vẫn còn chỗ thế này chỗ thế khác.

Trang Web của Tòa thánh phần lớn vẫn chỉ là nơi lưu trữ các văn bản đã được in rồi, còn cách thức trình bầy được thiết kế trông giống như trang giấy làm bằng da. Và tuy đã có hơn một thập niên thảo luận về nhu cầu làm cho mạng lưới trở thành nơi tương tác, mạng www.vatican.va vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin chỉ theo một chiều hướng duy nhất: đó là từ Tòa thánh tới độc giả.

Một số các cơ quan của Tòa thánh đã áp dụng những khả năng kỹ thuật số, đáng chú ý là Đài Phát thanh Vatican, đã phát đi các chương trình trên mạng, các podcast và các RSS feed, cùng với những hình ảnh và bản tin chính in ra giấy được.

Còn các phân bộ khác của Tòa thánh vẫn thích bay bên dưới tầm radar. Thánh bộ Rao truyền Tin mừng cho các Dân tộc, chẳng hạn, suốt ba năm nay chỉ đưa lên trang mạng của mình duy nhất một bản tin mới.

Cái cảm tưởng rằng Vatican đã chậm chạp trong chiều hướng sử dụng những khả năng của Internet, đã được khẳng định mới đây khi một Twitter feed của “Tòa thánh Vatican” lại hóa ra là một kẻ giả danh Vatican. Thực ra đó là một trường hợp tin tặc (Twitterjacking) vô thưởng vô phạt, nhưng đã làm phát sinh ra một câu hỏi là: Tại sao Vatican không có một Twitter feed thực sự?

Trong số ít oi các viên chức của Tòa thánh muốn đề cập đến những vấn đề đụng chạm như thế, phải kể đến Tổng giám mục Claudio Celli, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội. Ngài gặp các ký giả để trình bầy sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới của Đức giáo hoàng hôm 23 tháng giêng. Thông điệp này kêu gọi sử dụng tốt đẹp hơn các kỹ thuật truyền thông mới, và nói rằng thông điệp chứa đựng những bài học cho những ai đang phục vụ trong giáo hội.

Ngài nói: “Nguy cơ là những trang mạng của chúng ta sẽ chỉ đưa lên tin tức, mà không phải là chỗ gặp gỡ thực sự.”

Tổng giám mục Celli là người đã giúp thúc đẩy Vatican hướng nhiều hơn về lãnh vực tương tác. Năm ngoái, hội đồng của ngài thiết kế và tung ra một trang mạng đặc biệt của Tòa thánh (www.pope2you.net), để mang vị giáo hoàng lại gần hơn với lớp khán thính giả trẻ tuổi. Trang mạng có các ứng dụng dành cho iPhone và Facebook, và người truy cập đã dùng mạng này gửi đi gần 300 ngàn thiệp điện tử (e-card) cho bạn bè, mỗi thiệp có mang một đoạn trích ngắn lời giảng huấn của Đức giáo hoàng Benedict.

Lễ Giáng sinh năm rồi, pope2you.net đã mời người truy cập gửi lời chúc mừng Giáng sinh bằng hình ảnh và văn bản cá nhân tới Đức giáo hoàng, sau đó được post vào một trương mục Flickr đã nối kết. Đáp ứng là tràn ngập những lời nhắn gửi đến từ tín hữu cũng như từ những người không tôn giáo khắp nơi trên thế giới. Tháng giêng, Tổng giám mục Celli đã bận rộn kết hợp những tin nhắn này lại thành một hình thức hồ sơ chọn lọc có tính cách đại diện để cho Đức giáo hoàng đọc.

Khi Đức giáo hoàng công bố sứ điệp ngày truyền thông, thúc giục các linh mục lợi dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, Tổng giám mục Celli đã làm một điều ngược lại với thứ tự đẳng cấp thông tin thường dùng trong giáo hội: Trang mạng của ngài khuyến khích giới trẻ, sau khi đọc thông điệp của Đức giáo hoàng, hãy bấm chuột vào một link để chuyển thẳng sứ điệp đó cho các vị chánh xứ họ thuộc quyền.

Tổng giám mục Celli, một giáo sĩ nay 68 tuổi đã phục vụ trọn cả đời người tại Giáo triều Roma, nhận biết rằng những điều mới mẻ về truyền thông thường được đưa vào sử dụng tại Vatican một cách rất chậm rãi nhẹ nhàng. Ngài sẵn sàng thừa nhận là, ở lớp tuổi của ngài, khi phải tiếp cận với kỹ thuật truyền thông mới, ngài có thể gặp phải trở ngại.

“Chúng tôi có những phân cách về kỹ thuật số. Tôi nghĩ về mình thế này: Tôi không sinh vào thế hệ kỹ thuật số. Tôi thuộc vào một thời kỳ mà người ta cảm thấy thoải mái hơn khi cầm quyển sách trên tay.” Ngài nói với các ký giả như thế. Chẳng hạn như, theo lời ngài, ngài thật ngỡ ngàng thán phục Kindle (sách điện tử), nhưng thật khó mà tưởng tượng ra cảnh thấy mình “ngồi trên ghế, nhìn các trang sách trôi chảy qua như một dòng suối trên màn hình nhỏ bé.”

Ngài nói: Điều thách đố cho giáo hội không phải là khuyến khích các linh mục và các chủng sinh trẻ dùng truyền tin kỹ thuật số, vì họ đã làm như thế rồi. Vấn đề khó khăn hơn là thuyết phục các linh mục trung niên hay trong lớp tuổi già áp dụng những khả năng đó.

Tổng giám mục Celli nói hội đồng của ngài cũng ao ước giải quyết một vấn đề tế nhị hơn nhiều – về nhiều mặt, đây là vấn đề cốt lõi – trong hoạt động truyền thông của Vatican: đó là vấn nạn về ngôn ngữ.

“Đây là một đề tài chúng ta cần đương đầu bằng một cung cách rõ ràng dứt khoát. Nhiều khi chúng ta nói, nhưng bằng một thứ ngôn ngữ không còn dễ hiểu nữa.” Đó là một điều có thể đặt làm trọng tâm của cuộc họp khoáng đại sắp tới trong hội đồng của ngài.

Nói thứ ngôn ngữ của truyền thông mới, là một vấn đề tế nhị chính bởi vì nhiều viên chức tại Vatican không có niềm tin chắc chắn rằng những lối truyền thông này có thể diễn đạt chính xác về giáo hội, mà chỉ đặt con người vào một trình độ còn nông cạn hơn. Họ nghi ngại không biết ngôn ngữ của Internet có tương hợp với vẻ đẹp và chiều sâu của thần học và phụng vụ Công giáo hay không.

Đức ông Paul Tighe, bí thư hội đồng truyền thông, đã tung ra điều có thể gọi là một trái banh thăm dò về vấn đề ngôn ngữ trong một bài gần đây trên báo Văn hóa và Đức tin, do Hội đồng Giáo hoàng và Văn hóa phát hành.

Trong khi công nhận những nguy cơ về tính nông cạn, ngài nói rằng người ta nên nhớ là ngôn ngữ của nền văn hóa số không thể thay thế cho tín điều hoặc thần học, nhưng nên được sử dụng chủ yếu là để tiếp cận lần đầu với những người xa lạ với đức tin.

Ngài nói: Như sự kiện cho thấy, giáo hội dựa quá nhiều vào văn bản, thường dùng một thứ ngữ vựng và hình thái phát biểu được coi là “khó hiểu và làm bối rối ngay cả đối với lớp độc giả có cảm tình.”

Ngài nói giáo hội cần công nhận rằng lớp thính giả trẻ trung ngày nay thông thạo một “ngôn ngữ bén rễ sâu từ điểm hội tụ của văn bản, âm thanh và hình ảnh”, và sẽ mau chóng lướt qua nếu sự chú ý của họ không được lôi kéo ngay lập tức.

Đức ông nói rằng chung cuộc, giáo hội nên nhìn vào tấm gương Chúa Kitô: Người đã nói với lớp dân chúng cùng thời bằng các từ ngữ, chuyện kể và dụ ngôn, cũng như những việc làm và hành động. Giáo hội cũng có thể quay về với gia tài phong phú là âm nhạc và nghệ thuật.

“Tương tự như những hình ảnh trên tranh ghép bằng kiếng mầu ở các nhà thờ chính tòa thời trung cổ ngày xưa đã nói với lớp thính giả thất học (illiterate) cho họ hiểu được, chúng ta cũng phải tìm ra những hình thức truyền đạt phù hợp với một thế hệ học nhiều hiểu rộng, được mô tả bằng từ ngữ hậu trí thức (post-literate).