Cụ già Simeon nói về Chúa Giêsu: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc 2, 34 – 35). Câu nói này bật lên bao suy nghĩ.

Ngã xuống hay đứng lên.

Ngã xuống điên cuồng như khung cảnh của buổi sáng của ngày kết án tử Chúa Giêsu: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”, lời hiệu triệu này không do quần chúng tự phát mà do Thượng tế, kỳ lão (những người đứng đầu trong dân khởi xướng). Có nhiều người xướng theo, đó là những con người đang cần có cái ăn, bởi cuộc sống lam lũ của họ phải chịu, không thể nghĩ xa hơn cái bụng. Họ là những con người đã chịu những áp lực của bạo quyền, họ nhọc nhằn gánh chịu biết bao tủi nhục để có được cái ăn từ kẻ bạo quyền ban phát cho. Chỉ có một con đường, xướng theo kẻ cầm quyền để có được cái tự do, có được cái ăn. Một số khác, xướng theo vì tính bầy đàn, thiếu mất độc lập, tự do trong suy nghĩ, tư tưởng, sự khôn ngoan, hiểu biết. Một số khác đã được uốn nắn tư tưởng, rèn luyện trong một hệ thống phi đạo đức…

Đứng lên: Đứng lên là hành vi của một con người đích thực. Nhận thức được sai lầm, họ là những con người can đảm đứng lên khỏi chỗ mình ngã. Kinh nghiệm về yếu đuối của mình và thấy được Tình Chúa yêu thương. Đứng lên để sống như một con người được giải thoát khỏi gông cùm của tội lỗi, một con người đích thực tự do trong ân sủng của Thiên Chúa. Trong số đông những người đứng lên sau vấp ngã của bản án xét xử, có thể thấy như viên đội trưởng đội hành hình, nhiều người đứng xa xa đấm ngực trở về, sau khi Chúa chịu chết trên Thập Giá. Đứng lên để sống nhân ái hơn, để người hơn trong cách đối xử với nhau, để sống đàng hoàng hơn, tử tế hơn. Đứng lên sống với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Dấu hiệu cho người đời chống báng.

Thập giá đã được dựng lên để xử tử Con Thiên Chúa mà Ngài đã không chết, Ngài đã sống lại. Đó là một điều thất bại nhất của những kẻ muốn loại trừ Thiên Chúa. Thập giá đang là mối đe dọa nhiều người lại trở thành dấu chỉ cứu thoát nhiều người, thế mới điên cho những kẻ mưu mẹo giết hại Thiên Chúa. Những kẻ tưởng rằng mình đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi trần thế bằng thập giá lại trở thành kẻ gánh chịu sức nặng Thập Giá vinh quang đè trong tâm khảm họ. Thập giá, dấu chỉ chiến thắng của trần thế lại trở thành dấu chỉ điên rồ của họ. Những con người trong quyền lực thống trị muốn bá chủ trần thế ấy lại một lần nữa ra công dẹp hết những cây thập giá. Càng dẹp bỏ lại càng điên cuồng trong mưu đồ suy tính và thực hiện của mình, vì Thập Giá kia đã trở thành dấu chỉ cứu rỗi. Chỉ có một lối ra khỏi sức đè nặng, phải trở về, phải sám hối, nếu không sẽ chết trong tội của mình.

Bộc lộ nhiều tâm tư.

Người kết án là người có quyền trong dân, muốn bảo vệ quyền hành, sự thống trị của mình, nên đã khởi xướng mưu đồ triệt hạ Chúa Giêsu, đóng đinh vào thập giá với tội chính trị. Chúa Giêsu không phải là nhà chính trị, cuộc đời của Ngài chỉ rao giảng về Nước Thiên Chúa, Ý định của Chúa Cha, cùng Chúa Thánh Thần, kêu gọi con người đón nhận giải thoát khỏi tội bằng việc sám hối, tin vào Thiên Chúa. Hoạt động của Ngài nhằm kêu gọi con người sống với nhau bằng tình yêu như anh chị em con một Cha trên trời.

Kêu gọi sống tình yêu lại là điều không thể chấp nhận đối với những người sống quen với bạo lực? Bạo lực là lá chắn bảo vệ quyền lợi của kẻ có quyền để có tiền. Không thể sống tình yêu như anh chị em một nhà, bởi vì như thế làm sao có bóc lột, bất công…Chính vì thế, kêu gọi và thực hiện công bình là lời kết án với chính con người dùng bạo quyền để cai trị. Chúa Giêsu phải chết, không phải vì lý do tạo lập công bình; nếu thế, kẻ ra lệnh lại tự tố cáo chính họ. Ghép qua tội đồ chính trị, người tạo lập công bình trở thành tội đồ phá vỡ an ninh, hòa bình. Đó là bộc lộ tâm tư đen tối của con người. Càng khuấy động dẹp bỏ thập giá lại càng bộc lộ mưu đồ tăm tối của mình, cho dù họ có thể làm bất cứ gì đi nữa vẫn không thể loại trừ thập giá được nữa, vì đó đã là chứng tích lịch sử, không ghi dấu bên ngoài mà trong tâm hồn của nhiều người. Chỉ có một điều để bộc lộ tâm tư trong sáng của mình là sám hối, đấm ngực trở về, bỏ đường lối bất công, bạo quyền của mình.

Lưỡi đòng đâm thấu tâm hồn bà.

Đức Maria là đại diện cho những con người công chính, trong sạch phải chịu lưỡi đòng đâm thâu tâm hồn. Đó là báo trước cho một thời gian dài của hy sinh để trở thành hiến tế trên Thập Giá cùng Chúa Giêsu. Với những con người theo Chúa, thật không dễ dàng, vì không phải mọi người đã trở về với Thiên Chúa. Chính vì thế, lưỡi gươm đã đâm thấu tâm hồn Mẹ Maria năm xưa vẫn còn đâm thấu nhiều tâm hồn theo Chúa. Lưỡi đòng ấy, muôn hình vạn trạng trong nhiều cách thi hành bạo lực khác nhau qua những thời đại. Lười đòng ấy, vẫn đâm thấu làm đau thương biết bao người, vì còn nhiều người vẫn dùng lưỡi đòng để chinh phục thế giới.

Còn chịu đau thương đến bao giờ? Chẳng thể trả lời, chỉ thấy một câu trả lời nơi Đức Maria là đứng vững trước Thập Giá. Im lặng cầu nguyện trước thập giá mỗi ngày, để sẵn sàng đón nhận cuộc thương khó của Chúa, đó là câu trả lời cho tất cả những con tim đang chịu những lưỡi đòng đâm xé.

Nguyện xin Mẹ Maria, người đã đón nhận tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cũng giúp chúng con đón nhận Chúa Giêsu trong tất cả cuộc đời chúng con, những khi hạnh phúc cũng như những khi phải chịu nhiều đau khổ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con luôn đứng vững trước Thập Giá Chúa.