Giáng Sinh: Nhóm bạn trẻ Khúc Cảm Tạ tại Sàigòn và Biên Hòa đến với người già và người bệnh AIDS

Sài Gòn & Biên Hòa - Nói đến Giáng Sinh người ta dễ liên tưởng đến niềm vui, niềm vui đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh: Con Thiên Chúa làm người cứu chuộc nhân loại. Nhưng để đón nhận Giáng Sinh một cách trọn vẹn thì đó không chỉ là sự vui tươi của lễ hội, cái vẻ đẹp bên ngoài chóng qua của vật chất, của những gì thuộc về trần tục.

Xem hình xin nhấn vào đây

Hội Thánh dành hẳn 4 tuần lễ của Mùa Vọng mời gọi các tín hữu dọn lòng, sửa lối, đến với tha nhân để kiếm tìm sự bình an trong tâm hồn, niềm vui đích thực mà Chúa Giêsu ban tặng cho mỗi con người. Hiểu được điều đó, các bạn trẻ nhóm Khúc Cảm Tạ tại Sài Gòn và Biên Hòa đã hẹn nhau để đến với những cụ già và các bệnh nhân cùng con em họ mang trong người căn bệnh HIV/AIDS.

Truyền thống Á Đông nói chung và truyền thống Việt Nam nói riêng, bao đời nay, khi cha mẹ đến tuổi về già, con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, nhưng điều đó cũng chỉ đúng một phần trong xã hội ngày nay. Cuộc sống khó khăn, lớp trẻ phải chạy vạy kiếm sống, đôi lúc nuôi sống bản thân còn chưa đủ nữa là…, bởi vậy mà xã hội mới nảy sinh một vấn nạn thật đau lòng: bọn bất lương “chăn dắt” các cụ già ăn xin để chúng hưởng lợi trên sức lao động đã kiệt của các cụ (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=349745&ChannelID=89). Ôi! Xã hội Việt Nam hòa nhập vào nền văn minh nhân loại như thế sao?

Nhưng ở một góc của xã hội vẫn còn đó những tấm lòng để thực thi tình bác ái Kitô giáo, một trong số đó là Viện Dưỡng Lão Tình Thương ở ấp Suối Tiên, Cây Gáo, Trảng Bom, Đồng Nai. Tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng hơn 17 năm nay đã cưu mang mấy chục lượt cụ bà rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc bệnh tật.

Sáng thứ Bảy 19/12/2009, các bạn trẻ đã đến để cảm nghiệm cái đơn sơ, khó nghèo của nơi này, tuy nhiên tấm lòng, cái trải nghiệm đời sống của các cụ đã được bộc bạch, chia sẻ làm các bạn trẻ ngộ ra nhiều điều trong cuộc sống. Vẻ e ngại ban đầu dường như đã mất đi, thay vào đó là những câu chuyện huyên thuyên giữa các bạn tuổi mười tám, đôi mươi và các cụ bà đã 60, 70, 80 thậm chí có cụ đã quá 90. Lắng nghe, hỏi thăm và cảm nghiệm về đời sống là điều mà các bạn trẻ học được trong chuyến đi này. Câu chuyện tưởng như không dứt được nhưng cũng phải nhường lại thời gian cho các cụ đọc kinh hằng ngày. Tuy là Viện Dưỡng Lão, nhưng hằng ngày các cụ vẫn giữ 4 phiên đọc kinh để tạ ơn Chúa vì đã được nơi đây cưu mang trong lúc tuổi già, lúc bệnh tật.

Theo Dì phụ trách thuộc Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp cho hay, các cụ đã cao tuổi, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một bản tính, hiện nay có 37 cụ, nhưng vẫn sống chung với nhau được là nhờ lời khuyên nhủ: "Các bà đã rơi vào hoàn cảnh khốn khó, các ân nhân là người xa lạ đến đây giúp của cải, chúng tôi, 3 nữ tu của viện, cũng là người xa lạ đối với các bà mà còn thương yêu chăm sóc các bà thì không lý do gì các bà lại không thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau". Vậy đó, tình yêu thương có ơn biến đổi con người trong mọi hoàn cảnh. Dì phụ trách cho hay các bà vào viện này đủ mọi thành phần, người cơ nhỡ phải bán vé số, đi ăn xin có, người đau yếu, có trường hợp đến mức hoại tử người thân không thể chăm sóc rồi đưa vào Viện cũng có, thậm chí có những cụ bà người gốc Hoa hoàn toàn không biết nói tiếng Việt cũng được đưa vào viện. Đa số họ là người Lương, nhưng nhờ ơn hoán cải, ơn mời gọi nên vài tuần là có các bà xin được chịu Bí tích Thánh Tẩy để theo đạo Công Giáo.

Trong câu chuyện với các bạn trẻ, dì phụ trách đã chia sẻ về thân phận con người. Dì cho hay, có tuần, lần lượt đến 3 cụ bà ra đi, trong đó cụ bà qua đời đầu tiên có hoàn cảnh hết sức cùng cực, lục trong hành trang còn lại của bà chỉ còn lại cây gậy, cái bị trong đó có cái chiếu rách tả tơi, còn được hai ba bộ đồ cũng rách nát, vào viện trong tình trạng bệnh tật đã khá nặng, chẳng được bao lâu thì qua đời. Khi liên hệ điện thoại với người đưa cụ đến thì biết họ cũng chỉ là người giúp đỡ đưa đến viện, không phải là thân thích với cụ bà. Dì chia sẻ rằng lúc đó thật sự là lúc khó khăn, khi đưa tang chọ cụ bà, xe tang đi đàng trước, chỉ có mỗi mình dì đạp xe theo sau mà buồn cho một thân phận con người, giờ chia sẻ lại vẫn còn thấy chạnh lòng. Trong câu chuyện, dì luôn nhắc đến chuyện Chúa thương mà sắp xếp mọi việc. Qua câu chuyện nói trên, dì vẫn cầu nguyện để mong muốn lo hậu sự cho các cụ sao cho chu toàn. Quả là Chúa thương thật, đã có một ân nhân giúp lo mai táng mỗi khi có các cụ qua đời, và khi đó cũng có xe để các cụ còn lại tiễn đưa “người thân” trong viện về nơi an nghỉ. Đã có khoảng 40 cụ bà đã an nghỉ trong bàn tay chăm sóc của các nữ tu.

Viện Dưỡng Lão hiện chỉ có một khu nhà lớn cho khoảng gần 30 cụ bà cùng nhau sinh sống, nâng đỡ nhau trong mọi việc, và 3 nữ tu cũng ở khu nhà này. Chỉ mới mấy tháng trước, có một cụ bà bệnh nặng dẫn đến hoại tử, có mùi hôi không chịu nổi nên dì đã cho cất thêm một khu nhà cách khu nhà này khoảng hơn 100m để chăm sóc riêng những cụ bị bệnh nặng, và hiện đang săn sóc gần 10 cụ ở đó, dì nói thêm là phải xây “chui” vì xin phép không được, cũng may, trên huyện, tỉnh có đến cũng không thấy nói gì. Tuy những căn nhà đơn sơ, nhưng về vật chất thiết yếu, các cụ cũng được Viện lo cho hai ba bộ quần áo tươm tất, và các bữa ăn cũng khá đầy đủ, nhìn vào thực đơn hoàn chỉnh được thay đổi mỗi ngày, mỗi tuần có thể thấy nhờ vậy mà các cụ mới có thể sống lâu hơn hoặc có thể chống chọi với bệnh tật.

Dì phụ trách cũng cho hay, ngoài hiện kim, hiện vật ân nhân trao tặng, 3 dì nơi đây cũng tự tìm cách chăn nuôi, trồng trọt để có kinh phí hoạt động. Ba năm trước, khi mới về đây, thấy còn hoang sơ quá mà đất thì lại bỏ trống, dì phụ trách đã thuê xe ủi, xe xúc, để làm đường, đào ao nuôi cá, thả vịt, cuốc đất trồng rau, xây chuồng nuôi heo, lứa vừa rồi thu hoạch được 40 con. Nhờ đó mà đời sống các cụ không bị thiếu thốn. Với cái tuổi 61, nhưng dì trông vẫn khoẻ mạnh, dì luôn khuyên nhủ các bạn trẻ hãy nghĩ đến người nghèo, nghĩ đến tha nhân thì tự dưng có sức làm việc cũng như hãy luôn trông cậy vào ơn Chúa trong mọi việc.

Đóng góp cho xã hội là vậy, nhưng không thể tin được là sau hơn 17 năm tồn tại, Viện phải đối mặt với nguy cơ hạn cuối 31/12/2009 phải có giấy phép nếu không thì phải đóng cửa. Trớ trêu thay cái tờ giấy phép, dì phụ trách cho hay cũng đã làm ba bốn đề án nộp lên tỉnh nhưng cứ bị trả lại vì họ không duyệt nhưng Viện Dưỡng Lão vẫn cứ tồn tại qua năm tháng, đến nay thì họ ra cái hạn cuối nhưng không biết sau cái hạn cuối đó Viện Dưỡng Lão sẽ đi về đâu?

Từ biệt các dì, chúng tôi ra đi mà lòng luyến tiếc về một nơi chăm sóc cho người già, người đau yếu mà chưa được tạo điều kiện phát triển xứng tầm với công cuộc bác ái của Giáo Hội. Dưới cái nắng chói chang và gió nóng cuối Đông, bên quán cóc gió bụi ven đường trở về Sài Gòn, các bạn trẻ đã chia sẻ về Ơn Chúa và nhắc nhau hãy phó thác vào sự quan phòng của Chúa trong mọi việc.

Rời xa miền quê, nhóm bạn trẻ trở về với bao lo toan, nhộn nhịp ồn ào, hối hả và thậm chí là “ô nhiễm” của chốn thành thị nhưng vẫn hẹn nhau tại Nhà thờ Phanxicô Đakao để chia sẻ một niềm vui khác cùng với các bệnh nhân AIDS.

Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tuy đã được tuyên truyền rộng rãi về căn nguyên bệnh, hình thức lây lan, cũng như cần được đối xử công bằng để giúp họ hòa nhập cộng đồng (thậm chí người ta còn gắn liền việc chống AIDS với bao cao su, một phương thế trái với luân lý Kitô giáo, thay vì giáo dục con người sống nhân bản, có đạo đức trong mọi hành vi). Tuy nhiên, những người mang căn bệnh này vẫn bị phân biệt đối xử trong xã hội làm cho đời sống càng thêm khốn khó, mặc cảm. Nhưng vẫn còn đó những Dòng tu, những mái ấm mở rộng vòng tay chăm sóc họ trên quãng đường của cuộc lữ thứ trần gian. Hàng tuần, tại một nhà nguyện trong khuôn viên Giáo xứ Phanxicô Đakao vẫn có những buổi sinh hoạt dành cho các em nhỏ có cha mẹ mắc bệnh AIDS do các tu sĩ thuộc Tu Hội Chúa Giêsu (I.J)chăm sóc.

Chúa nhật 20-12-2009, khuôn viên nhà thờ Phanxicô Đakao rộn ràng trong niềm vui khi các bạn trẻ đến để tiếp xúc, giúp đỡ và sinh hoạt cùng những bệnh nhân AIDS. Từ sáng sớm các bạn trẻ từ Biên Hòa đã lên đường để kịp hẹn nhau lúc 8h có mặt tại đây cùng nhau chia sẻ, vui chơi với con em bệnh nhân. Cái trẻ trung của người trẻ cộng với cái vô tư của trẻ nhỏ đã làm cho không khí sinh hoạt rộn ràng nhưng ấm cúng, để quên đi căn bệnh với những ưu phiền mà nó gây ra cũng như xóa tan những định kiến xã hội về căn bệnh nơi các bạn trẻ tham gia hoạt động này.

Trong nhà nguyện nhỏ của Tu Viện Phanxicô ĐaKao, các bệnh nhân và nhóm bạn trẻ đã được cùng nhau tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật để dâng tâm hồn lên Chúa cầu cho các bệnh nhân. Cha chủ tế giảng về lòng quảng đại và sự cho đi, sự cho đi vô điều kiện, cho đi những gì quý giá bằng tất cả tấm lòng chứ không phải cho đi những gì thừa thải, không cần thiết nơi cuộc đời mình, đó là sự cho đi và chia sẻ trong niềm cảm thông. Cha cảm ơn các bạn trẻ đã thực hành sự cho đi ấy trong chính hoạt động đến với các bệnh nhân và con em họ. Sau Thánh Lễ, thay mặt Tu Hội Chúa Giêsu, tu sĩ Phêrô Lê Văn Hoàng, I.J đã có lời cảm ơn các bạn trẻ đã đến chia sẻ với những anh chị em nơi đây nhân dịp Giáng Sinh. Mọi người và các bệnh nhân vỗ tay tán thưởng. Tu sĩ Phêrô đã bày tỏ hy vọng về khả năng các bạn trẻ đến đây hàng tuần sau Tết Dương Lịch cùng Tu Hội sinh hoạt, nâng đỡ, khích lệ các bệnh nhân và con em họ để niềm an ủi luôn được đồng hành với họ trong cuộc lữ hành trần thế chống chọi với bệnh tật.

Thuốc men, bữa cơm đạm bạc, những món quà nhỏ là những gì các bạn trẻ mang đến với cả tấm lòng dành cho các bệnh nhân AIDS. Bởi vì là một nhóm bạn trẻ qua công cụ truyền thông mà biết nhau (khuccamta.net), họp nhau bằng việc đến với người khốn khó, nên những câu chuyện, những hỏi thăm nhau về công việc, về giáo xứ, ca đoàn, giáo lý, học hành, đời sống… là điều không thể tránh khỏi sau khi công tác đã xong. Một ổ bánh mì ngọt nhỏ ăn để lót dạ, chống đói trong câu chuyện huyên thuyên tưởng chừng không ngớt, gần 30 bạn trẻ Khúc Cảm Tạ chia tay nhau ra về vào lúc 12h30 và hẹn gặp lại nhau vào một dịp gần đây để tiếp tục chia sẻ tình thương cho những ai cần đến.

Một xã hội tiêu thụ, thực dụng, tục hóa, một xã hội cần nhiều lòng quảng đại và phục vụ. Chúng ta như nghe âm vang lại những lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban cho các bạn trẻ khắp nơi trong thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới 2008 tại Sydney, Úc: “Các con có đang sống đời mình trong một cách thế mở ra không gian cho Thánh Thần Chúa giữa lòng một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay thậm chí phủ nhận Ngài dựa trên một cảm nhận sai lầm về tự do?! Các con để lại cho thế hệ tương lai một di sản nào? Các con tạo nên được sự khác biệt nào? Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên và, một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng.”

Chúa Giêsu đã hạ sinh từ hơn 2000 năm trước, trong khi loài người vẫn mưu cầu hạnh phúc. Tại Đại Hội giới trẻ Sydney, Đức Hồng Y George Pell giải thích về điều này “Hạnh phúc đến từ việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận nhỏ nhặt thường ngày, để từ đó vươn lên và thắng vượt các thử thách khó khăn“. Điều này làm cho ta suy nghĩ về bổn phận mỗi người trong cuộc sống thường nhật. Cầu mong rằng trong Đại Lễ Giáng Sinh này, qua các buổi cầu nguyện và lễ lạc, “tinh thần của giới trẻ sẽ dâng cao”, trong niềm hân hoan đón chào Chúa Giêsu Hài Đồng để sống đạo vào đời làm cho Hạt giống Tin Mừng luôn triển nở trên quê hương Việt Nam.

“Mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần và dù có vui vẻ hăng hái phấn khởi đến đâu đi nữa thì cũng đừng quên lắng đọng và cầu nguyện” là lời nhắn nhủ không những dành cho người trẻ mà còn dành cho mọi tín hữu con cùng một Cha. Với thực trạng văn hóa và tinh thần như tình trạng chúng ta đang sống hôm nay, khuynh hướng gạt bỏ Thiên Chúa vào lãnh vực riêng tư, coi Ngài như không quan trọng và thừa thãi hay chối bỏ Ngài một cách tỏ tường, gia tăng, liệu người trẻ có ý thức được điều đó để sống đạo một cách hữu hiệu trong xã hội Việt Nam?

Giáng Sinh 2009 cũng là Giáng Sinh đầy hồng phúc đối với Giáo Hội Việt Nam khi cử hành Năm Thánh. Giới trẻ Công Giáo Việt Nam sẽ được gì qua Năm Thánh và sống đạo ra sao giữa lòng xã hội nhân dịp này vẫn là câu hỏi mở nơi tâm hồn mỗi người trẻ.