Giáo xứ Cầu Rầm và Đại Chủng Viện Vinh Thanh: Bài học truyền đạo

Mỗi chiều Chủ nhật, tôi hay rời thành phố Vinh đi về các thôn làng để tận hưởng bầu không khí đồng quê và cầm theo chiếc máy ảnh để chụp đôi cảnh thiên nhiên cho khuây khỏa đầu óc. Chủ nhật này, ngày 15.11.2009, tôi đi về miệt huyện Hưng Nguyên, cụ thể là xã Hưng Yên. Nhưng khi về đây, tôi không chỉ được giải trí cuối tuần bởi cảnh sắc ngoại ô, mà còn học được bài học quý giá từ các tu sỹ Công giáo.

Vài tuần nay thời tiết Bắc và Trung Bộ đã vào mùa đông. Khoác trên mình chiếc áo ấm, đi dưới bầu trời đầy mây phủ, tôi cảm thấy lòng khoan khoái nhưng lại có cái gì đó đưa mình vào yên tĩnh nội tâm. Giữa sự phẳng lặng tâm hồn và cảnh quan đất trời, tôi bất chợt bị xáo động, rộn ràng bởi một đám đông đứng kín một đoạn đường trong tiếng la hét, vung tay đá chân vui sướng. Tiến lại gần, nhìn xuyên qua đám đông, tôi thấy có hai đội bóng đang thi đấu. Vốn là một "tín đồ" của "túc cầu giáo", tôi không bỏ lỡ cơ hội để xem trận bóng này. Khi mới tới gần, nghe các cổ động viên la ó sảng khoái, tôi nghĩ chắc hai đội này đá hay lắm. Nhưng quan sát một chút, tôi thấy các cầu thủ thi đấu ở mức độ trung bình. Nhưng có lẽ vì lai lịch các cầu thủ này và cách thức mà họ tổ chức trận đấu đã làm cho đám đông bị cuốn hút.

Trước hết là lai lịch của các cầu thủ. Không phải là các cầu thủ đến từ các câu lạc bộ hạng 2, hạng 3, không phải là các sinh viên tại các trường đại học của chính phủ, cũng chẳng phải là các trai làng vạm vỡ cơ bắp, sức khỏe hơn người, mà là những thanh niên trai trẻ đến từ hai trung tâm đào tạo tu trì Công giáo: Khóa VIII của Đại chủng viện (ĐCV) Vinh Thanh và Khóa VI lớp Tu Sinh tại giáo xứ Cầu Rầm, trung tâm TP. Vinh.

Có lẽ lâu nay, nhiều người dân nói chung, trong đó có cả tôi nghĩ rằng giới tu trì thì chỉ biết kinh kệ, nghiêm nghị trong bộ áo nhà tu, nếu có vui đùa thì chỉ là những câu chuyện, những bài giảng ở lớp học và bục giảng mà thôi. Vì thế, hôm nay thấy các tu sỹ đá bóng với nhau, có những động tác kỹ thuật khá cơ bản, thi đấu nhiệt tình nhưng không hề có va chạm ác ý, thậm chí khi đối thủ bị chấn thương, chính cầu thủ bên kia chăm sóc một cách tận tình, đã khiến nhiều tín hữu và những người dân khác kéo đến xem.

Bên cạnh sự biểu diễn của các cầu thủ trên sân cỏ, phía ngoài sân cũng có sự khác thường so với các trận đấu nằm trong khuôn khổ điều hành của Ngành Thể Thao, là họ có loa đài, có người bình luận trực tiếp. Cái hay của nhóm bình luận nơi đây, mà theo một số người đứng xem và cả chính bản thân tôi, là họ bình luận rất trung dung, công bằng và có nghệ thuật tạo hứng thú cho người xem. Các bình luận viên trung dung ở chỗ không thốt ra những từ ngữ có ý thiên vị bên nào. Thêm vào đó còn biết biện minh một cách hợp lý cho những động tác không có tính kỹ thuật cao khiến khán giả được gợi ý sự cảm thông và vui cười, cũng như các cầu thủ không bị ảnh hưởng tâm lý, ngược lại còn thất tự tin, phấn khởi hơn. Tôi đã phải xem hết hơn một hiệp đấu về cuối, với mục đích vừa để thả hồn theo những đường bóng của các tăng sỹ, vừa để xem nhóm bình luận viên này sẽ tiếp tục nói những gì. Lắng nghe kỹ điều họ nói, tôi thấy họ tổ chức một trận bóng đá với nhiều mục đích, và theo tôi, họ đã thành công.

Lấy mục đích hàng đầu là giao lưu bóng đá giữa lớp đàn anh cuối kỳ đào tạo ở ĐCV và lớp đàn em đầu đời tu trì, nhưng đàng sau đó họ có những mục đích khác thật cao cả và ý nghĩa.

Đầu tiên là "thâm ý" của vị linh mục quản xứ và là giám sư của lớp Tu sỹ Cầu Rầm, linh mục Hoàng Sỹ Hướng, trong việc chọn thời gian và địa điểm thi đấu. Ông không tổ chức vào những dịp đại lễ Noel, Chúa sống lại, hay gần hơn là ngày lễ Nhà Giáo Việt Nam - 20.11, mà chọn Chủ nhật ngày 15.11.2009.

Được biết, ngày hôm qua, đạo Công giáo Việt Nam mừng lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, ngày mà như nhóm bình luận nói là ngày giỗ cha ông của họ, ngày tưởng nhớ các chứng nhân bất khuất của niềm tin. Bài học mà vị linh mục quản xứ Cầu Rầm cùng linh mục đặc trách Văn Hóa Thể Thao của ĐCV Nguyễn Hiệu Phượng muốn gửi tới học trò của mình và các tín hữu là: Muốn được vinh quang trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống trần thế thì họ phải biết nỗ lực, biết cố gắng, họ phải biết học lời dạy của sứ đồ Paul là kiêng khem, tập luyện và tiến tới để đạt được triều thiên trong Thiên quốc.

Bên cạnh thời gian là việc chọn địa điểm. Ông không mượn các sân bóng trong nội thành, không đến sân bãi của các giáo họ nằm trong địa bàn Thành phố, mà lại chọn sân bãi của giáo họ nhỏ bé Yên Pháp ở ngoại ô. Đơn giản là vì sân cỏ này nằm sát bên trục đường đi về một số xã vùng Hưng Nguyên, địa bàn mà đang có những nghi vấn là nguyên quán của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Địa điểm thuận lợi và có loa đài rộn ràng khiến nhiều khách qua đường, nhiều ít gì cũng đã đứng lại ngó xem và nghe những điều họ nói.

Ý nghĩa sâu xa của linh mục Hoàng Sỹ Hướng khi có lời mời giao lưu bóng đá đã đành, mà theo tôi các tu sỹ đến từ Xã Đoài có cao ý không kém khi chỉ chọn giáo xứ Cầu Rầm để giao lưu bóng đá trong dịp này.

Cũng theo nhóm bình luận, tôi được biết, Cầu Rầm trong nghi vấn là giáo điểm Kẻ Rum mà nhà truyền giáo và cũng là nhà sáng tạo ra chữ quốc ngữ cho Việt Nam, Alexande de Rhodes, nói đến trong tác phẩm Hành Trình Truyền Giáo và Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Người bình luận nói rằng, trong hai tác phẩm ấy, Alexande de Rhodes cho biết, sau khi ở Quảng Bình mấy tuần, Alexande de Rhodes trở lại Nghệ An (1629), nơi mà trước đó một thời gian ngắn ông đã làm phép nhập đạo cho một số người. Và khi trở lại đây, được phép của nhà cầm quyền tỉnh lỵ Nghệ An, ông và đồng nghiệp đã làm phép nhập đạo cho khoảng 4.000 người.

Nhìn lại địa hình TP. Vinh tôi nghĩ điều mà người bình luận đó nói có lý, bởi thành Vinh nằm sát cửa sông Lam và rất gần với biển đông. Với phương tiện di chuyển thời xưa, thì chắc là nhà truyền đạo đó đã theo cửa sông Lam vào gặp quan Nghệ An để xin phép truyền đạo. Và một khi đã được phép thì ông chẳng cần đi đâu xa, khu vực thành Vinh và các làng xã lận cận ven các con sông quanh thành Vinh đủ cho Alexande de Rhodes dạy đạo. Nếu điều đó là sự thật, thì thầy trò nhóm khóa VIII có một cách hành hương và truyền gửi sứ điệp thật sâu sắc. Người bình luận cho biết: Chỉ tuần sau thôi, Đạo Công giáo Việt Nam sẽ mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm, và kỷ niệm 300 năm thành lập hai địa phận đầu tiên ở Việt Nam, nên nhóm sứ đồ tương lai này hành hương về đây để gợi nhắc sứ mạng truyền giáo cho mình và để gọi mời các tín hữu trong cứ điểm truyền giáo cách đây 390 năm của Alexande de Rhodes nhớ đến món quà đức tin và cũng là "món nợ" mà họ cần phải trả cho người khác. Họ đã thành công không chỉ nhắc nhở chính mình và gửi sứ điệp cho các đồng đạo, mà còn công khai nói đến chuyện đạo, nói lời của Đức Chúa Giêsu cho những người đến xem đá bóng và khách qua đường.

Bài học cho tôi là, trong cuộc sống, nếu một khi mình đã có lý tưởng cao cả thực sự và có khát khao thể hiện lý tưởng, thì mình sẽ có cách để bày tỏ. Và điều mà các tôn giáo có thể học được bài học là họ có thể tận dụng những trò chơi trong cuộc sống để qua đó nói về đạo lý, nói về ý nghĩa của cuộc sống một cách sinh động, khiến người nghe không cảm thấy bị gượng ép mà còn phấn khởi muốn nghe.

Lữ khách cuối tuần