CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi Hoa Kỳ bảo vệ quyền sống và quyền phản kháng lương tâm của các nhân viên y tế và của mọi công dân.

Tân đại sứ Hoa Kỳ

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 2-10-2009, dành cho tân đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, Ông Miguel Humberto Diaz, đến trình quốc thư. Ông năm nay 46 tuổi (1963), người Mỹ gốc Cuba, và nguyên là một giáo sư thần học.

Trong diễn văn chào mừng tân đại sứ Diaz, ĐTC nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có sự phân định rõ ràng về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ phẩm giá con người và tôn trọng quyền sống bất khả nhượng từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, cũng như bảo vệ quyền phản kháng lương tâm của các nhân viên y tế và của mọi công dân”. Quyền này đang bị đe dọa tại một số bang ở Mỹ khi chính quyền ban hành những đạo luật bắt buộc các nhân viên y tế, kể cả các nhà thương và bác sĩ y tá, dược sĩ Công Giáo, phải làm những điều trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội và xác tín lương tâm của họ.

Cũng trong diễn văn, ĐTC bày tỏ hài lòng vì nghị quyết mới đây của Hội đồng bảo an LHQ, dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Obama, về việc giải trừ võ khí hạt nhân và đề ra mục tiêu tiến tới một thế giới không còn võ khí hạt nhân.

Ngài cũng nhắc đến cuộc khủng khoảng kinh tế trên thế giới đang đòi phải duyệt lại các cơ cấu chính trị, kinh tế và tài chánh hiện nay dưới ánh sáng những đòi hỏi luân lý đạo đức, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho mọi người. Điều đang cần hiện nay là một kiểu mẫu hoàn cầu hóa được sự hướng dẫn của một chủ thuyết nhân bản chân chính, trong đó các dân tộc trên thế giới không những được coi như những người láng giềng nhưng còn như anh chị em của nhau nữa”.

Tiếp đại sứ Hòa Lan

Cũng sáng ngày 2-10-2009, ĐTC đã tiếp kiến tân đại sứ Hòa Lan cạnh Tòa Thánh là nữ Bá tước Henriette Johanna Cornelia Van Lynden Leijten đến trình quốc thư. Bà năm nay 59 tuổi (1950) và từng làm đại sứ tại Bulgari rồi làm Giám đốc phân bộ về Bắc Phi và Trung Đông tại Bộ ngoại giao Hòa Lan.

Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC cũng khẳng định rằng tự do cần phải được ăn rễ sâu trong sự thật về bản tính con người, và cần được hướng tới thiện ích của cá nhân cũng như của xã hội. Cuộc khủng hoảng tài chánh trong 12 tháng qua cho thấy hậu quả của chủ nghĩa duy cá nhân thái quá, chỉ nhắm theo đuổi tư lợi mà loại bỏ các thiện ích khác. Tình trạng đó khiến nhiều người nhìn nhận rằng sự hoàn cầu hóa cần phải được hướng dẫn nhắm đến sự phát triển toàn diện của cá nhân, các cộng đoàn và các dân tộc. ”Thế giới chúng ta đang cần phục hồi ý nghĩa đích thực của tự do”.

ĐTC nhận xét rằng tại Hòa Lan tuy có nhiều người tuyên bố mình là vô thần hoặc không tôn giáo, nhưng hơn 50% dân số vẫn là tín hữu Kitô và càng ngày càng có nhiều người di dân tại Hòa Lan theo các tôn giáo khác, vì thế hơn bao giờ hết chính quyền dân sự cần nhìn nhận chỗ đứng của tôn giáo trong xã hội Hòa Lan.

Sau cùng, ĐTC kêu gọi bảo vệ hôn nhân đích thực và bền vững giữa một người nam và một người nữ, đây là một môi trường huấn luyện rất thích hợp để các trẻ em được lớn lên trong sự tôn trọng và thăng tiến nhân cách của tha nhân, gặp gỡ, đối thoại, sẵn sàng có thái độ vị tha, phục vụ quảng đại và liên đới sâu xa. ĐTC cảnh giác rằng 'Một xã hội khuyến khích những kiểu mẫu gia đình khác, gọi là để bênh vực sự khác biệt, thì sẽ chịu những hậu quả xã hội, không dẫn đến sự phát triển nhân bản toàn diện”.

Tân đại sứ Phi luật tân

Trước khi tiếp hai vị đại sứ của Hòa Lan và Hoa Kỳ, ĐTC đã tiếp kiến tân Đại sứ của Phi luật tân cạnh Tòa Thánh, đó là bà Marcedes Arrastia Tuason. Bà năm nay 79 tuổi (1930), đã từng hoạt động lâu năm trong các tổ chức bênh vực sự sống, gia đình và Hội thừa sai Phi luật tân.

ĐTC bày tỏ hài lòng vi nhiều sáng kiến đang được tiến hành tại nước này như canh tân hệ thống dẫn thủy nhập điền, cải tiến các phương tiện chuyên chở công cộng và các chương trình trợ giúp xã hội. Ngài nhận định rằng ”Cuộc chiến đấu chống nghèo đói kêu gọi phải có sự lương thiện, thanh liêm và lòng trung thành kiên vững đối với các nguyên tắc công bằng, nhất là về phía những người được ủy thác các chứng vụ công quyền”.

Sau cùng ĐTC khích lệ các sáng kiến nhắm tái lập hòa bình tại những vùng có xung đột tại Phi luật tân. Các sáng kiến này cũng nhắm tại điều kiện dễ dàng cho cuộc đối thoại và trao đổi văn hóa, để hướng tới hòa bình, vì hòa bình không bao giờ xảy đến như một sản phẩm của một tiến trình kỹ thuật qua các phương thế luật pháp, tư pháp hoặc kinh tế mà thôi. (SD 2-10-2009)