THẬP GIÁ LÀ TÌNH YÊU HIẾN TẾ

Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta (Mt 16,24)

Một điều kiện rất khắt khe, rất tiên quyết mà Đức Giêsu đưa ra để làm tiêu chuẩn cho những môn đệ của Ngài. Người ta hỏi “Thập giá là gì?” và câu trả lời đã quá rõ ràng: Thập giá đồng nghĩa với đau khổ và sự chết.

Đứng trước Thập giá, chính Phêrô cũng vấp phạm, Phêrô đã kéo Chúa ra một nơi riêng: “Thưa Thầy xin Thiên Chúa cứu Thầy khỏi điều đó, Thầy chẳng phải như vậy đâu” (Mt 16, 22). Phêrô can Chúa vì Chúa nói:“Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ dữ, sẽ bị đánh đòn, bị giết chết và ngày thứ ba mới sống lại” (Mt 20,19). Lời can gián của Phêrô đã đưa đến một lời nhận xét thẳng thừng của Chúa Giêsu với Phêrô rằng: “Satan! Hãy lui ra đằng sau Thầy. Con không biết việc của Thiên Chúa, con chỉ biết việc của loài người” (Mt 16,23). Đúng là Phêrô chỉ biết việc của loài người chứ không biết việc của Thiên Chúa. Việc của loài người là càng tránh xa được đau khổ càng tốt, càng tránh được rủi ro càng hay. Con người ai cũng muốn mạnh khỏe bình an, xuôi thuận trong mọi công việc và cuộc đời gặp được toàn may mắn. Bây giờ, Đức Giêsu ra một tiêu chuẩn “ Những người là môn đệ Thầy, phải từ bỏ mình, vác Thập giá”, thật là khắt khe, thật là nghiêm khắc. Đến lượt chúng ta tự lại hỏi: “Tại sao Chúa lại đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe như vậy? ”. Câu trả lời duy nhất là: “Vì chính Chúa Giêsu đã chọn con đường đó”. Chúa Giêsu chọn con đường Thập giá, con đường của hy sinh và sự chết. Điều đó biểu cảm cho chúng ta thấy ý nghĩa gì? Người Việt Nam chúng ta thường nói “Hoa hồng nào mà chẳng có gai”. Hoa hồng là biểu trưng cho tình yêu, nhưng tình yêu nở trên gai góc. Như vậy, tình yêu luôn luôn được đặt trên thử thách, trên đau khổ, trên hy sinh, đến nỗi người ta có thể nói rằng “Yêu là chết cho mình một ít”. Vì vậy, Chúa chọn con đường Thánh giá, con đường hy sinh, con đường sự chết chính là để cho chúng thấy một tình yêu cứu độ lớn lao của Ngài, một tình yêu đi bước trước không phải là một ách, nhưng đó là một công việc của TÌNH YÊU.

Chúa yêu chúng ta trước, chọn hy sinh và sự chết. Bây giờ những người yêu mến Chúa chọn Thập giá, bước theo chân Ngài là đáp lại tình yêu mà Chúa đã trao ban. Do đó, những người nào thao thức đi tìm Chúa bằng con đường Thập giá thì những người đó sẽ gặp Chúa, nhưng những người nào càng tránh Thập giá thì những người đó lại càng gặp Thập giá, bởi lẽ thực ra Thập giá là một án phạt cho thế giới. Đức Giêsu chọn chính Thập giá là “lấy độc trị độc” để biến Thập giá thành Thánh giá vì đã mang thân xác thánh thiện của Đức Giêsu và Chúa biến Thập giá trở thành bàn thờ tế lễ Đức Chúa Cha. Vì thế, người ta không chọn Thập giá riêng rẽ, tách rời nhưng Thập giá phải gắn liền với Đức Giêsu Kitô và Thập giá của Đức Giêsu Kitô là tình yêu hiến tế, do đó, vác Thập giá theo Chúa là chấp nhận một con đường, một tình yêu, một hy sinh, một hiến tế. Như vậy, nói đầy đủ ra: Công thức dành cho các tông đồ “Đi theo Chúa” là những người dám yêu và dấn thân vì một tình yêu.

Hiểu nghĩa như vậy thì Thập giá không phải là một gánh nặng, một sự chúc dữ nhưng Thập giá là một biểu hiện của một tình yêu lớn lao. Những con người suốt đời sợ hãi, và tránh xa, những con người chỉ thích hưởng thụ và được mọi sự như ý muốn. Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mạng sống mình thì lại mất ” (Mt 16,25). Trong Thực tế đã chứng minh, cả thế giới này có ai giữ được mạng sống mình cho dù nâng niu, cho dù chiều chuộng, cho dù thuốc bệnh thì cái chết vẫn cứ đến. Không ai là yêu mạng sống mình mà giữ được mạng sống. Thế nhưng, mạng sống ấy có ý nghĩa khi dấn thân, khi phục vụ, khi trao ban thì mạng sống ấy được chính Đức Giêsu bảo lãnh bằng tình yêu hiến tế đạt tới sự sống đời đời. Người đi theo chân Đức Giêsu Kitô là người đem lại hoa trái của tình yêu thương cho những người khác.

Một cây tre xanh tốt trong khu vườn nọ. Ông chủ đến ngắm nghía cây tre và rất hài lòng. Mỗi ngày cây tre một vươn cao xanh tốt, cho đến khi ngả màu óng ả, đẹp đẽ. Ông chủ nói với tre:

Tre ơi! Ta yêu tre lắm, nhưng muốn cho tre trở thành một việc có ý nghĩa thì Ta phải đốn tre xuống.

Cây tre nói:

Ôi, ông chủ ơi! Xin ông chủ thương tôi. Nếu ông chủ đốn tôi xuống thì tôi chết mất.

Nếu ta không đốn ngươi thì ngươi cứ mãi mãi ở đây, chẳng làm được việc gì.

Cây tre suy nghĩ một lát rồi nói:

Vâng, thưa ông chủ. Thế thì xin ông chủ hạ tôi xuống.

Nhưng mà tre ơi – ông chủ nói tiếp – để cho ngươi trở thành công ích thì ta phải chặt hết các cành của ngươi đi.

Cây tre thốt lên:

Ông chủ ơi! Thế thì mất hết vẻ đẹp của tôi còn gì. Xin ông đừng chặt các cành của tôi đi.

Ông chủ đáp;

Nếu ta không róc hết các cành, ta không làm được và ngươi chẳng làm được việc gì cả. Tiếng gió lướt qua kẽ lá như khuyên tre.

Tre thều thào:

Vâng, thưa ông chủ, vậy xin ông chủ chặt hết các cành của tôi đi.

Nhưng ta còn một việc nữa, ta phải chẻ đôi thân ngươi ra.

Trời ơi! Ông chủ ơi! Thế thì tôi sống làm sao được.

Nhưng nếu ta không chẻ ngươi ra, ngươi chẳng sử dụng được việc chi hết.

Tiếng gió mạnh mẽ hơn thúc đẩy cây tre. Cây tre cố gắng lần nữa:

Vâng, tôi xin tuân theo ý ông chủ. Vậy thì ông chủ cứ bổ đôi tôi ra.

Ông chủ chưa hết dự định, ông chủ nói cho tre biết:

Tre ơi! Nhưng ta còn phải róc hết các mắt của các đốt ngươi đi thì ta mới làm được việc.

Cây tre đến đó thì không thể làm gì nữa nên thưa với ông chủ:

Vâng, xin ông chủ muốn làm gì ông chủ cứ làm.

Thế là ông chủ đốn cây tre xuống, chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt, rồi chắp mảnh nọ vào mảnh kia, hứng nước từ trên núi trong lành chảy về đồng ruộng, tưới cho hoa màu. Năm đó hoa quả bội thu nhờ những cây tre đã biết chấp nhận để cho ông chủ chặt hết cành, bổ đôi, róc hết mắt. Nếu cây tre không chịu như vậy thì làm gì có một mùa hoa quả tốt tươi mọc lên trên cánh đồng kia.

Hình ảnh của hy sinh, hình ảnh của hiến tế, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô không chỉ đem lại hoa quả trên cánh đồng mà còn đem lại hoa trái thánh thiện và sự sống đời đời nữa. Do đó những người muốn theo chân Đức Giêsu Kitô hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày, hiểu rằng đây không còn là một điều kiện tiên quyết khắt khe nữa. Đây là một ân huệ mà Chúa đã chọn con đường ngắn nhất. Con đường tình yêu lớn nhất để trao cho những người tình nguyện làm môn đệ của Ngài.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con biết lựa chọn:
đừng nhìn thấy Thập giá mà sợ hãi
để rồi như Phêrô,
Chúa phải thốt lên:
“Ngươi không biết việc Thiên Chúa chỉ biết việc của loài người”.
Hôm nay chúng con đã thấm thía,

THẬP GIÁ LÀ HIẾN TẾ TÌNH YÊU.

Xin cho chúng con can đảm vác thánh giá mỗi ngày theo Chúa
để chúng con cũng được đáp lại
trong muôn một tình yêu hiến tế lớn lao của Chúa
và chính tình yêu ấy cho chúng con nên giống Chúa
trong sự sống hiến thân phục vụ
và nhất là được đồng hưởng vinh quang với Chúa
trong Nước hằng sống muôn đời. Amen.