Vào thời điểm này, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi có đến thăm nhà thờ nào thì cũng có nghĩa là để gặp gỡ các em học sinh ở vùng đó mà thôi. Trước khi đi ngang qua con kênh Nước Mặn để vào ngôi nhà thờ giữa đồng không mông quạnh thuộc xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chúng tôi ghé vào một trường Trung học Phổ thông để tặng quà học tập cho học sinh cấp 3.

Con đường đến nhà thờ

Có lần, một cộng tác viên trong nhóm đã thắc mắc rằng: “Tại sao mỗi chuyến đi công tác chúng tôi thường ghé thăm hai địa điểm, một nơi “có đạo” và một nơi “không có đạo”? Tôi đã giải thích đơn giản rằng: “Ở các nhà thờ, quí cha và quí sơ cũng có quan tâm đến các thiếu nhi, chúng mình chỉ đến hỗ trợ thêm cho vui vẻ; còn bên ngoài xã hội, người ta cũng chăm lo nhưng không xuể, và việc làm của nhóm chúng mình, nếu tốt, cũng là một cách giới thiệu Đức Kitô đấy!”

Trường THPT bán công Cần Đước nằm sau lưng một trường THPT công lập khác. Vì là trường bán công nên một năm các học sinh phải đóng khoảng 80 Usd, chưa kể tiền “học thêm” và các chi phí khác. Chúng tôi đã tặng 40 phần quà học tập để gọi là khuyến khích việc học tập. Việc trao quà cho các em ở đây cần tế nhị, chân thành vì học sinh đã lớn và bầu khí của trường cấp 3 tuy trong sáng nhưng không còn nhẹ tênh ngây thơ nhiều nữa.

Tiếp chuyện với thầy hiệu trưởng, chúng tôi biết rằng năm học này, trường chuyển thành hệ công lập nên tiền học phí chỉ có 40 Usd cho một năm; biết được như thế, chúng tôi cảm thấy vui vì quà học tập gửi đến cũng có phần thiết thực. Năm tới, nếu có tiền, chỉ cần báo cho nhà trường những xuất học bổng mà không cần khệ nệ mang quà.

Trở ra đường cái, chúng tôi đi qua một con kênh. Gọi là kênh Nước Mặn vì người Pháp đã đào một con kênh dài hơn 1 km nối hai đầu của dòng sông có tên là Bao Ngược giúp cho việc giao thông đường thủy được thuận lợi đến hôm nay. Đứng trên phà giữa cái nắng chói chang thì thấy chẳng có gì là thơ mộng, nhưng tôi lại thấy vui vì nói chuyện với hai em học sinh rồi được biết học sinh mà đi qua phà kênh Nước Mặn này thì không phải trả tiền. Thật tuyệt! Không biết có nhiều nơi làm như ở đây không? Làm như thế vừa hợp lý vừa bác ái. Qua con kênh, con đường quê vào buổi trưa, vui hẳn lên vì màu áo trắng, học sinh lớp đi học lớp ra về.

Rẻ bên phải đi vào con đường nhỏ hơn, có nhiều cây lá hơn, chúng tôi thấy dễ chịu. Gần đến nhà thờ thì chung quanh tầm mắt chúng tôi là những ô ruộng nhỏ và những vuông tôm. Tôi ngồi ngẫm nghĩ: Cũng hay thật! Cả vùng Cần Giuộc khô khan nước ngọt, không có một ngôi nhà thờ nào; đến vùng Cần Đước thì ở sâu trong chỗ đồng trống này bỗng dưng xuất hiện một ngôi nhà thờ, bên cạnh đó là một dãy nhà đẹp thuộc dòng mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Cha sở tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Cạnh ngôi nhà thờ cũ dùng làm nơi dạy học tình thương. Ngồi ở đây nhìn ra sẽ thấy thợ đang xây dựng nhà dạy giáo lý có cơ cấu một trệt một lầu trên diện tích 80 mét vuông. Sân nhà thờ còn ngổn ngang gạch cát, còn nhà thờ thì đã khang trang sạch đẹp, chắc chắn là đáp ứng được nhu cầu thiêng liêng của 120 gia đình Công Giáo ở đây.

Bữa cơm trưa thanh đạm có trà đá làm chúng tôi tỉnh hẳn lên. Ở đây sao cũng nắng quá! Chúng tôi có sáu người như chuyến trước: hai cộng tác viên đứng tuổi, ba sinh viên trẻ và tôi. Giữa trời nắng chang chang, chúng tôi gặp gỡ các em dưới gốc cây bàng, sinh hoạt vài trò chơi rồi phát quà học tập; cha sở cầm nón lá, mặc áo may-ô đi vòng vòng quanh đó. Các em ở đây lành như đất. Việc chia và phát quà học tập đối với chúng tôi đã là nhuần nhuyễn, còn đi vào nhà các em để phát học bổng mới là lạ nước lạ cái.

Đi giữa be bờ các vuông ruộng, làn gió mát của buổi trưa nắng gắt vẫn làm chúng tôi dễ chịu. Một bạn nói: “Đoàn mình là sáu người đi khắp thế gian phải không cô?” Tôi cười: “Thế gian hẹp như cái be bờ này hay rộng như biển Đông thì tùy lòng người mà thôi!”. Ruộng ở đây mỗi năm chỉ có một vụ nên còn nhiều nhà nghèo, người làm mướn vẫn thiếu gạo. Còn vuông tôm thì bỏ trống bốn năm qua do nước đã bị ô nhiễm vì ảnh hưởng nước thải ở Sài Gòn. Nhiều người dân ở đây lên Sài Gòn đi mua bán ve chai, làm hồ, còn số khác đến Đồng Tháp Mười cắt lúa mướn. Nhà ở đây cách xa nhau một quãng, thế nên đi đến nhà mười em là chúng tôi bắt đầu thấm mệt, bụng óch ách toàn nước trà. Đến nhà kia, có một cháu bé bốn, năm tuổi mà tay gấp giấy vàng mã để người ta xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc – dùng để cúng tế - mà đôi tay nhanh thoăn thoắt. Trẻ con ở đây có thể kiếm tiền bằng cách gấp giấy vàng mã này nhưng tiền công quá rẻ nên nhiều em không mặn mà lắm.

Chúng tôi ghé vào thăm cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở đây. Nhà rộng mà chỉ có ba dì ở. Câu chuyện khá vui. Một người hỏi thăm về vụ giáo xứ Thủ Thiêm và đất nhà dòng, một bạn trẻ trả lời ngắn gọn: “Tòa Giám Mục đã tuyên bố rồi, có “ngon” thì nhào dzô!”. Tôi nghiêm mặt: “Đó là chuyện của người lớn con ạ! Đừng nói năng cái kiểu đó!” Bạn trẻ bẽn lẽn: “Dạ”

Chúng tôi trở lại nhà thờ để uống thêm một đợt trà đá nữa. Thú vị nhất là trước khi ra về, được nghe cha sở kể lược sử nhà thờ Mỹ Điền này.

Lịch sử giáo xứ Mỹ Điền

Lịch sử giáo xứ Mỹ Điền không được tài liệu nào của Giáo Hội hay của xã hội lưu trữ lại. Theo một số vị cao niên có uy tín kể lại:

Vào thập niên 1820 – 1830, gia đình ông Phêrô Nguyễn Tấn Tài chạy trốn cuộc bách hại đạo Công giáo của nhà Nguyễn nên rời khỏi quê hương Búng (Lái Thiêu) đến định cư tại vùng rừng đước mặn, là một bán đảo, cách sài Gòn 50 cây số theo hướng Đông Nam. Bán đảo được bao bọc bởi dòng sông Bao Ngược, là cuối nguồn của những con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Cần Giuộc.

Cùng đi với gia đình ông Tài còn có một số gia đình ở miền Bắc, miền Trung, vùng lân cận như Gò Công…Thế là vùng rừng đước mặn được khai hoang, làng Long Hựu thuộc Tổng Lộc Thành Hạ được hình thành (nay là hai xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây của huyện Cần Đước. Đến năm 1970, nhiều gia đình Công giáo khác cũng đến đây nên nhu cầu đời sống thiêng liêng là cần thiết và một ngôi nhà thờ bằng cây đước, lợp lá dừa nước được dựng lên ngay trung tâm của làng, cách bờ sông nửa cây số. Quí cha ở các họ đạo lân cận thỉnh thoảng có đến giúp và dâng thánh lễ.

Năm 1903, trận bão lụt lịch sử “năm Thìn” đã tàn phá nặng nề làng Long Hựu, nhà thờ bị dòng nước cuốn trôi. Năm sau, cộng đoàn tín hữu dựng lại một ngôi nhà thờ như thế cách nền cũ 1 km về hướng Tây Nam. Năm 1940, dưới sự sắp xếp và điều hành của cha Phaolô Hưng, nhà thờ được xây bằng gạch tự nung, mái lợp ngói.

Được hình thành lâu năm, thế mà mãi đến ngày 15 tháng 7 năm 2002, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã ký quyết định nâng cộng đoàn dân Chúa Mỹ Điền lên thành giáo xứ Mỹ Điền với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Cha Gabriel Nguyễn Hữu Kỳ làm cha sở tiên khởi. Cuối năm 2006, Đức Cha đã đến dâng lễ cung hiến thánh đường mới.

Sau hơn 130 năm hiện diện và lớn lên, từ 1870 đến 2009, cộng đoàn Mỹ Điền qua bao thăng trầm vẫn lớn mạnh trong đức tin và lòng cậy trông. Đặc biệt có hai câu chuyện mà nhiều tín hữu cao tuổi rất tự hào về đạo của mình.

Vào những năm chiến tranh khốc liệt, 1965 – 1975, giáo dân chỉ tụ họp đọc kinh cầu nguyện với nhau trước Mình Thánh Chúa trong nhà tạm. Do sợ bom đạn tàn phá nhà thờ và dù khát khao rước lễ nhưng không ai dám mở nhà tạm. Sáu năm sau, nhân một linh mục đi ngang qua, giáo dân xin cha mở nhà tạm đưa Mình Thánh Chúa đi. Thật là lạ, sau sáu năm ròng Mình Thánh Chúa vẫn còn nguyên vẹn thơm tho như mới được truyền phép vậy.

Kỳ lạ hơn là chuyện cái giếng nước ngọt. Từ năm 1984 trở về trước, người dân Mỹ Điền dùng nước ngọt ở ao hồ tự đào, nhưng từ sau 1984, nguồn nước ngọt không còn nữa do chính sách đắp đê ngăn mặn của chính phủ làm phèn từ trong lòng đất nổi lên, nước ao đìa không thể dùng được. Chính quyền đã xin nhiều tỷ đồng của các cơ quan từ thiện quốc tế để khoan giếng. Sau 20 năm tích cực tìm kiếm, hao tốn nhiều tiền của và công sức, nước ngọt vẫn không có, người dân vốn nghèo nay còn khổ sở hơn.

Đầu năm 2004, cha sở quyết định khoan giếng. Khi xin phép để tiến hành, chính quyền đã khuyên can rất thật lòng: “Chúng tôi đã tốn nhiều tỷ đồng và bằng những phương tiện rất hiện đại nhưng vẫn thất bại…” Dù có nao lòng nhưng cha sở vẫn nhất định khoan giếng sau khi đã mời gọi giáo dân cùng lần hạt, cầu nguyện xin Chúa trợ giúp. Giữa tháng tư, nước ngọt được tìm thấy từ giếng khoan của cha. Thế là chính quyền đến chúc mừng: “Các anh không hơn gì chúng tôi cả, các anh có nước ngọt là do Chúa của các anh ban cho.” Từ đó đến nay, mọi người trong xã Long Hựu Tây nói riêng, cù lao Long Hựu nói chung, dù “lương” hay “giáo” đều trầm trồ ca ngợi Chúa khi nói đến giếng nước ngọt của giáo xứ Mỹ Điền.

Một chút suy tư thay lời kết

Chuyến đi Long An lần này tuy không cười dữ dội như chuyến đi Đồng Tháp nhưng chúng tôi lại chia sẻ niềm vui nho nhỏ: đó là mua hai đặc sản là bánh in nhân gừng của Cần Đước và cốm ngò của Cần Giuộc mà trao tặng cho nhau.

Với những phần quà học tập cho trường cấp 3 và những phần học bổng, tập, áo trắng cho thiếu nhi giáo xứ Mỹ Điền, chúng tôi hoàn tất bốn điểm đã chọn trong hai chuyến đi Đồng Tháp và Long An. (Còn xóm nhà lá ở Cần Giờ với hai mươi phần quà học tập, một xuất học bổng đặc biệt cũng đã được cho đi. Chương trình đến đây được coi là tạm ngưng vì hết tài chánh!)

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thật tự hào về những ngôi nhà thờ hơn một trăm năm tuổi vì những thánh đường này đã sóng đôi cùng hành trình đức tin của các tín hữu. Điều quan trọng là người giáo dân không được bỏ nhà thờ trống dù bị chiến tranh hay phải tha phương cầu thực, vì nếu để nhà thờ bỏ hoang, việc lấn chiếm sẽ xảy ra và chuyện tranh chấp sẽ có. Hình ảnh giáo dân gắn bó, bảo tồn và phát triển xứ đạo luôn là hình ảnh đẹp theo dòng lịch sử của Giáo Hội, như nhà thờ Mỹ Điền hôm nay.