Praha, Điểm Dừng Chân

BA LAN - Vào tuần cuối cùng của tháng bảy vừa qua, chúng tôi rất may mắn thực hiện được một chuyến hành hương đến với đất nước Balan. Nói đến đất nước và dân tộc này, người ta nhắc ngay đến một trang sử bi thương của những người Do Thái tại Ba lan nói riêng và dân bản xứ nói chung trong bối cảnh của Đệ nhị Thế chiến. Đặc biệt, với người công giáo và những người dựng xây nền hòa bình nhân loại, không thể không nhắc đến một mẫu gương sáng ngời, đó là Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã sống và chết trong việc dấn thân rao giảng Tin Mừng sự sống và cổ võ cho nền công lý, hòa bình cũng như quyền làm người.

Chính vì vậy, thật có ý nghĩa trong Năm Thánh Hóa linh mục được hành hương tìm theo những bước chân của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để đến những địa danh mà chính Ngài đã sinh ra, lớn lên và đã từng phục vụ Giáo hội Ba lan và các anh em đồng loại. Về thành phần tham dự, tuy đoàn hành hương không nhiều người, nhưng hội đủ đại diện của các thành phần Dân Chúa: linh mục, tu sĩ, gia trưởng, hiền mẫu và thiếu niên.

Sau ngày đầu tiên của chuyến hành hương, chúng tôi vượt qua quãng đường hơn 700 km bằng ôtô. Điểm dừng chân đầu tiên là Praha, Thủ Đô của Cộng Hòa Séc. Đây là một quốc gia không lớn và chỉ có khoảng hơn 10 triệu dân, trong đó có chừng một triệu hai trăm ngàn dân sống tại Thủ Đô. Quốc gia non trẻ này được thành lập vào năm 1993. Khi làm một phép so sánh nho nhỏ, mọi người không tránh khỏi sửng sốt khi nói về cộng đồng người Việt tại đây. Có khoảng 60 ngàn kiều bào đang sinh sống tại Cộng hòa Sec. Cho dù là một cộng đồng trẻ, nhưng tính về tuổi tác của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại đây không hề thua kém độ tuổi của nước Cộng Hòa Séc. Trung tuần tháng tám vừa rồi, cộng đồng đã mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10.

Đây là cộng đồng trẻ trung và đầy sức sống. Hầu hết các thành viên sinh sống tại đây chỉ khoảng trên dưới mười năm đổ lại. Thật khó có thể tìm được một vị cao niên trong cộng đồng. Đa phần là người có gốc từ xứ Bắc trở vào cho đến Hà Tĩnh. Hiện nay đang có sự hiện diện của ba linh mục Việt Nam để làm mục vụ cho các anh chị em Công Giáo. Cho đến bây giờ, các ngài đã gầy dựng được trên dưới mười cộng đoàn trên toàn quốc. Hàng năm, đại hội được tổ chức trong vòng vài ngày vào Mùa Giáng Sinh. Dịp đại hội năm ngoái đã quy tụ được khoảng 300 giáo dân tham dự.

Praha được mệnh danh là con tim của Châu Âu. Những đền đài nguy nga cổ kính và những ngôi nhà thờ đầy sự linh thiêng đã làm cho thủ đô này được ghi vào danh sách của các thành phố tên tuổi xứng tầm trên thế giới. Quả thật, với vẻ đẹp kiêu sa đầy tính độc đáo, Praha có thể làm hài lòng những vị khách khó tính nhất đến từ khắp nơi trên thế giới. Tại quảng trường trung tâm Thủ Đô, trước mỗi giờ, du khách đổ về rất đông để vừa nghe tiếng chuông đồng hồ điểm và vừa để chiêm ngắm các vị thánh Tông Đồ lần lượt xuất hiện trên tháp đồng hồ.

Cách Quảng trường trung tâm Thủ Đô không xa, vượt ra khỏi cổng thành theo hướng dòng sông, có một cây cầu mang tên vị vua Charlemagne. Hai bên thành cầu được bày bố rất nhiều tượng các thánh. Đặc biệt, chiếc cầu này gắn liền với một vị linh mục từng là cha giải tội của một hoàng hậu. Vì nghi ngờ hoàng hậu ngoại tình, vị vua đã tra hỏi linh mục giải tội. Vị linh mục hết mực giữ bí mật nơi tòa giải tội và thế là bị quẳng xuống sông cho chết. Ngày nay các bạn trẻ đến đây để xin ngài chuyển cầu và chúc lành cho mối duyên tình của mình. Cầu này cũng được người dân Việt mình gọi là Cầu Tình.

Trong hai ngày tại đây, chúng tôi được cộng đoàn đón tiếp hết sức chu đáo. Đặc biệt có được thời gian cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể để xin Thiên Chúa chúc lành và nâng đỡ mỗi thành viên trong cộng đoàn. Trong bữa cơm thân mật, chúng tôi đã có dịp giao lưu. Những bài hát sinh hoạt, những điệu hò quen thuộc và những bài thánh ca đã tạo nên một bầu khí thật chân tình. Chúng tôi cũng lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của cộng đoàn. Trong đó ước ao lớn nhất là làm thế nào để một ngày gần đây sẽ có sự trao đổi giữa Giáo Hội Séc và Giáo Hội Việt Nam để đưa ra một chương trình mục vụ về lâu về dài cho cộng đoàn.

Rời Praha, chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho cơ hội được gặp gỡ những người anh em của mình, được hun đúc chất đạo mang đậm bản sắc của Nước Việt thân thương. Tiếp tục một chặng hành trình mới Praha-Krakow, mỗi người trong đoàn mang theo những tâm tình, những ưu tư cháy bỏng của cộng đồng và ấp ủ chúng trong lời kinh tiếng hát cũng như lời cầu nguyện và cúi xin Thiên Chúa đoái thương nhận lời.

Lật lại trang sử bi thương

Sau những ngày dừng chân tại thủ đô Praha, chúng tôi tiếp tục chặng đường tiếp theo của chuyến hành hương để tiến về Krakow (Ba Lan) với chiều dài khoảng 600 km. Chúng tôi di chuyển trên xa lộ từ phía Đông sang hết phía Tây của Cộng Hòa Séc. Trên đường đi lại có dịp chiêm ngắm những cảnh vật hai bên đường. Với 12 triệu dân, mật độ dân số khá thưa thớt. Những cánh đồng rộng mênh mông đang phơi bày những bông lúa mì trĩu nặng đầy sức sống dưới ánh nắng vàng hứa hẹn một mùa gặt bội thu. Xa xa, đàn bò sữa đang nhởn nhơ đánh chén trên đồng cỏ xanh rờn. Một bức tranh làng quê thanh bình thoáng hiện hai bên đường đi. Mặt đường xa lộ khá tốt, nên tốc độ di chuyển đạt mức tối đa. Dù là một đất nước trẻ, nhưng Cộng Hòa Séc đã và đang bắt kịp với đà tiến của khối Châu Âu. Cứ nhìn dáng vẻ bề ngoài cũng đủ khẳng định rằng quốc gia này đã có những tiến bộ đáng kể.

Trong xe, chúng tôi dành nhiều thời gian để lần chuỗi và hát thánh ca. Nhiều ý cầu nguyện được nêu ra để mọi người cùng hiệp ý, đặc biệt là cầu nguyện cho các linh mục trên khắp hoàn cầu nói chung và các linh mục Việt Nam nói riêng. Sau những chàng chuỗi Mân Côi, đều có đọc kinh cầu cho các linh mục. Thời gian còn lại, mọi người được nghe một số bài chia sẻ về cuộc đời Cố Giáo Hoàng, về những thông điệp dưới triều đại của ngài, về những chuyến tông du, đặc biệt là những kỳ đại hội giới trẻ thế giới.

Sau một buổi chiều di chuyển, chúng tôi đã vượt qua cửa khẩu của Séc và Ba Lan. Từ khi hai quốc gia này gia nhập cộng đồng Châu Âu, thì cánh cửa biên giới đã được rộng mở để mọi người dân trong khối tự do đi lại mà không hề phải dừng lại đây để làm bất cứ thủ tục nào hết. Có điểm khác biệt giữa hai quốc gia này đó là việc di chuyển trên đường của Ba Lan tương đối khó đi vì mặt đường không mấy bằng phẳng. Thêm vào đó, nhiều rada được lắp đặt để bảo đảm an toàn giao thông. Chính vì thế tốc độ bị giới hạn rất nhiều.

Ngược thời gian trở về lịch sử trong bối cảnh đệ nhị Thế chiến, chúng tôi tìm đến địa danh mà nhiều người biết đến đó là trại tập trung Auschwitz. Hàng triệu người Do Thái trên khắp đất nước Balan và trong Châu Âu đã bị Đức Quốc Xã đưa về đây để bị hành quyết. Trại tập trung nằm tại một vùng hẻo lánh. Một quần thể khoảng hơn bốn mươi dãy nhà xây bằng gạch đỏ nằm bất động dưới những lùm cây im lìm và được cách ly với thế giới bên ngoài bằng những tường thép gai cao. Cho dù sử sách đã ghi lại biến cố tang thương này, tuy nhiên sẽ chẳng có lời lẽ nào có thể lột tả hết tội ác chống nhân loại của Đức Quốc Xã cũng như chẳng có ngòi bút nào mô tả cho thấu những cực hình mà những tù nhân Do Thái đã phải chịu đựng.

Chúng tôi lặng lẽ bước đi trên con đường chính dài thăm thẳm của trại giam trong một buổi chiều tà. Hai bên đường, các nóc nhà giam mọc san sát với những cửa sổ cũ kỹ cùng với không gian trầm lặng. Chúng tôi hình dung ra bên trong phía khung cửa kia của những dãy nhà này trước đây biết bao số phận của những con người vô tội đã bị đầy đọa và hành hình cho đến chết. Cũng vẫn trên con đường chính này dẫn đến khu thiêu người và phòng hơi ngạt. Khu thiêu người được thiết kế theo hình tròn, bên trong có hai lò thiêu. Trước mỗi cửa lò thiêu là chiếc xe goòng bằng sắt dùng để đưa các tù nhân vào lò thiêu. Ai nấy đều xót xa cho cho các nạn nhân trước đây. Thật vậy họ đã bị chính đồng loại đối xử tàn nhẫn. Những số phận ấy bị đối xử chẳng khác gì như những con vật, thậm chí cũng chẳng bằng loài vật là đàng khác.

Khi bước ra khỏi nơi đây cũng là lúc ngày đã tàn và bóng đêm chuẩn bị bao phủ. Những hàng cây đứng lặng lẽ chịu tang và như đang tiếp tục trầm ngâm suy nghĩ về một trang sử bi thương của nhân loại. Khẽ rùng mình, tôi liên tưởng đến bóng tối của tà thần đã một thời hoành hành nơi đây và nhấn chìm nhân loại trong đại dương của sự chết chóc. Hơn bao giờ hết nền hòa bình, quyền được sống và phẩm giá con người cần được tôn trọng và đề cao vào mọi nơi và mọi thời. Để có được như vậy, trước hết mỗi người phải là sứ giả loan truyền thông điệp này.