Thông điệp thứ ba của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã được chính thức công bố vào ngày 7 tháng 7 với tựa đề là “Đức ái trong sự thật” (Caritas in veritate). Đây không phải là một thông điệp chống chủ nghĩa tư bản, nhưng nó lên án chủ nghĩa này khi nó trở thành toàn trị. Đó là lời nhận định của Stefano Zamagni, một giáo sư kinh tế tại Đại Học Bologna và hiện là cố vấn cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.

Theo giáo sư Zamagni, văn kiện này đề cập tới chủ nghĩa tư bản trong hoàn cảnh lịch sử của nó và nhắc lại rằng không một hệ thống kinh tế nào có thể đảm bảo hạnh phúc của con người. Về khía cạnh này, Giáo Hội không đưa ra hay khai triển ra các giải pháp thực tế cho các vấn đề kinh tế, đúng hơn, Giáo Hội bàn tới gốc rễ gây ra các tranh chấp xã hội. Gốc rễ mới là vấn đề quan trọng. Vì theo giáo sư, việc xóa nợ chẳng hạn, nếu không thay đổi cơ cấu, thì 15 năm tới, nợ lại xuất hiện nữa.

Còn Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hòang về Công Lý và Hòa Bình thì đề cập tới các lợi ích mà giới kinh doanh nhận được từ các công nhân. Vấn đề vì thế là phải phân phối lợi ích cho cả hệ thống tư bản lẫn những người tham dự vào thị trường. Văn kiện này không hẳn là duy xã hội hay duy tư bản, mà là trình bày mọi thành tố của xã hội.

Cải tổ Liên Hiệp Quốc

Đức HY Martino cũng nhận định về đề nghị cải tổ Liên Hiệp Quốc của Đức Bênêđíctô XVI trong bối cảnh một cuộc cải cách toàn bộ cấu trúc kinh tế và tài chánh quốc tế. Đức GH cho rằng biện pháp này hết sức cần thiết để quản lý nền kinh tế hoàn cầu; phục hồi các nền kinh tế hiện đang bị khủng hoảng nặng nề; tránh bất cứ suy thoái nào thêm cho cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như sự bất quân bình lớn hơn có thể phát sinh sau này; đem lại sự giải giới, an toàn thực phẩm và hòa bình không thể thiếu và kịp thời; bảo đảm việc bảo vệ môi sinh và điều hòa việc di dân.

Theo Đức Hồng Y Martino, Liên Hiệp Quốc hiện có 191 nước hội viên, gấp quá đôi số hội viên lúc ban đầu, nên tổ chức này cần có thẩm quyền chính trị và hữu hiệu đủ để có thể đáp ứng các đòi hỏi của thế giới, và điều ấy đã được Đức Gioan XXIII đề cập tới trong thông điệp “Hòa Bình Trên Trái Đất”. Đức Bênêđíctô XVI chỉ nhắc lại mà thôi.

Đức HY Martino nhấn mạnh thêm rằng Đức Đương Kim Giáo Hoàng cảm thấy sự khẩn trương phải tìm ra các phương thức canh tân để thực hiện nguyên tắc trách nhiệm bảo vệ các dân tộc nghèo khó nhất, cũng như đem lại cho họ tiếng nói trong việc tạo ra các quyết định chung.

Đương đầu với các vấn đề hiện nay

Các vị giáo phẩm từ Anh, Tô Cách Lan và Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng bình luận về tính liên quan và tầm quan trọng của thông điệp “Đức ái trong sự thật” của Đức Bênêđíctô XVI đối với xã hội ngày nay.

Đức TGM Vincent Nichols của Westminster cho hay: người Công Giáo Anh và Wales nhiệt liệt hoan nghênh thông điệp “Đức Ái trong sự thật”, coi nó như một áp dụng mạnh mẽ và thấu đáo cái nhìn của đức tin Kitô Giáo vào các vấn đề phức tạp trong lãnh vực phát triển nhân bản. Thông điệp này hy vọng sẽ được nhiều người đọc và học hỏi. Chính Đức TGM cũng mong mỏi được học hỏi nó cách thấu đáo hơn. Theo ngài, thông điệp này vững vàng đứng trong giòng giáo huấn xã hội Công Giáo, và nhất là đặc biệt trong truyền thống nhân bản Kitô giáo, từng được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phát biểu trong thông điệp “Tiến Bộ Các Dân Tộc”.

Đức cha Peter Moran, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng GM Tô Cách Lan cũng nhất trí như trên. Ngài cho rằng Đức Bênêđíctô XVI nói tới các nguyên tắc và thách đố của việc phát triển nhân bản thực sự trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đối với Đức Cha, thiết lập ra các hệ thống và định chế mà thôi, chưa đủ, còn cần mọi người phải tự do đảm nhận phần liên đới, phần trách nhiệm vào việc phát triển thực sự nữa. Theo ngài, phát triển mà không có các giá trị là một phát triển khô cằn, và các công trình về công lý, hòa bình và phát triển thực ra chỉ là các thành phần trong việc cung ứng đức ái trong sự thật, trong việc đem sứ điệp Phúc Âm cho thế giới.

Hướng dẫn

Đức HY Francis George, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhận định rằng Đức Bênêđíctô XVI, qua thông điệp này, đã đem các nguyên tắc trên của Phúc Âm tới cho xã hội hiện đại. Trong một thông cáo báo chí, vị giáo chủ này quả quyết rằng văn kiện này cung cấp môt hướng dẫn hữu ích để ta tìm ra giải đáp cho các vấn đề xã hội, kinh tế và luân lý của thế giới ngày nay, một thế giới đang đi tìm sự thật.

Theo Đức HY, thông điệp này đưa ra nhiều suy tư sâu sắc về ơn gọi phát triển nhân bản cũng như các nguyên tắc luân lý làm nền cho nền kinh tế hoàn cầu. Nó là lời mời gọi ta phải xem sét mối liên hệ giữa sinh thái nhân bản và sinh thái môi trường và nối kết đức ái và sự thật trong việc mưu cầu công lý, ích chung và việc phát triển nhân bản chân chính.

Thông điệp cũng nhấn mạnh tới các trách nhiệm và giới hạn của chính phủ và thị trường tư, và thách đố các ý thức hệ truyền thống cả tả lẫn hữu, đồng thời mời gọi mọi người có lối suy tư và hành động mới mẻ.

Chào đón sự sống là chủ yếu trong việc phát triển chân chính

Cha Thomas Rosica, CSB, nhà bình luận nổi tiếng người Gia Nã Đại và hiện là một chuyên viên của Vatican nhận định rằng: thông điệp dài 60 trang, gồm 79 đoạn này không phải chỉ đề cập tới đạo đức học kinh tế hiện tại cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay mà thôi, mặc dầu những điều này có ảnh hưởng tới diễn trình soạn thảo ra nó. Đúng hơn, cũng như hai thông điệp đầu từng chứng tỏ tính “Ratzinger”, thông điệp này là một cuộc phân tích của Đức Giáo Hoàng về thời hiện đại.

Đức Bênêđíctô XVI không phải loại giáo hoàng ‘rẻ tiền’. Theo cha Rosica, bất cứ ai muốn tìm giải đáp cấp thời cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay thì không nên đọc thông điệp này, vì nó không có những giải đáp dễ dãi và những vá víu vội vàng. Giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI là một giáo huấn dài, cô đọng, nhiều sắc thái và phức tạp, mời gọi mọi người nghiêm chỉnh suy tư về lịch sử giáo huấn xã hội của ngôi vị giáo hoàng, nhất là văn kiện hết sức phong phú, ban hành sau Vatican II, tức thông điệp “Tiến Bộ Các Dân Tộc” (Popolorum Progressio) của Đức Phaolô VI.

Văn kiện đồ sộ năm 1967 này xem sét nền kinh tế trên bình diện toàn cầu, trong đó có phân tích quyền của công nhân được lập nghiệp đoàn, có công ăn việc làm vững ổn, và các điều kiện làm việc xứng đáng. Trong giáo huấn năm 2009 của mình, Đức Bênêđíctô XVI sâu sắc bàn đến các chủ đề huynh đệ, phát triển kinh tế và xã hội dân sự, việc phát triển con người, các quyền và bổn phận, và môi trường; sự hợp tác của gia đình nhân loại; việc phát triển các dân tộc và kỹ thuật học.

Nhiều lãnh vực trong văn bản của Đức Bênêđíctô đi ngược hẳn lại xu hướng của xã hội ngày nay và chắc chắn sẽ bị bác bỏ bởi các độc giả vốn có vấn đề với Giáo Hội, với thẩm quyền, với chân lý và sự sống con người. Nhưng theo cha Rosica, các lãnh vực ấy lại nằm ngay tại trọng điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng như tình trạng nguy kịch của sự việc thuộc thế giới ngày nay. Vì chúng làm sáng tỏ điều này: khủng hoảng luân lý mới là cốt lõi của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hai chủ đề quan trọng trong triều đại giáo hoàng hiện nay là chủ nghĩa tương đối về luân lý và việc loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài xã hội và sự sống con người. Trong thông điệp này, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng: Một Kitô giáo của đức ái mà thiếu sự thật thì chỉ ít nhiều là một thay thế cho mớ xúc cảm tốt lành, có ích cho sự gắn bó xã hội, nhưng chẳng liên quan chi nhiều. Vì không có chỗ nào dành cho Thiên Chúa. Không có sự thật, đức ái chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp thiếu hẳn mọi tương quan.

Lạy Cha chúng con

Suốt hơn bốn năm qua, Đức Bênêđíctô XVI không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng việc ý thức hệ bác bỏ Thiên Chúa và chủ nghĩa vô thần dửng dưng, quên cả Đấng Tạo Hóa và đang dần quên cả các giá trị nhân bản, đã gây trở ngại cho việc phát triển ngày nay. Trong thông điệp này, ngài viết rõ: Một nền nhân bản loại bỏ Thiên Chúa là một nền nhân bản phi nhân.

Xin trích chính lời của ngài: “Các Kitô hữu mong thấy toàn thể gia đình nhân loại kêu cầu Thiên Chúa là ‘Cha chúng con’! Kết hợp với Con duy nhất của Người, mọi người hãy học biết cầu nguyện với Chúa Cha và, như lời dạy của chính Chúa Giêsu, xin Người ban cho ta ơn biết làm vinh danh Người bằng cách sống theo ý Người, được tiếp nhận bánh ăn hàng ngày mà ta cần có, hiểu biết và quảng đại đối với những người mắc nợ ta, đừng bị cám dỗ quá mức chịu đựng và được giải thoát khỏi sự dữ”.

Theo cha Rosica, những lời như trên không phát xuất từ từ vựng của chủ nghĩa chính xác chính trị và chủ nghĩa bao hàm giả tạo. Chúng phát xuất từ tâm trí của một trong những nhà tư tưởng lớn nhất thời ta.

Một lãnh vực khác chắc chắn cũng làm phiền lòng nhiều độc giả hay khiến họ phải bác bỏ chính là phẩm giá và lòng kính trọng sự sống con người, một lãnh vực không thể nào tách rời khỏi các vấn đề có liên quan tới việc phát triển các dân tộc. Đức GH cho rằng: Trong các nước đã phát triển về kinh tế, việc làm luật trái với sự sống hiện rất phổ thông, và nó đã lên khuôn cho các thái độ và thực hành luân lý, góp pần vào việc phổ biến não trạng chống sinh sản; nhiều cố gắng thường xuyên đã được đưa ra nhằm xuất cảng não trạng này tới các quốc gia khác như thể đó là một hình thức tiến bộ văn hóa vậy. Ngài nói thêm: “Chào đón sự sống là điều chủ yếu đối với sự phát triển chân chính. Khi một xã hội tiến tới việc bác bỏ hay dập tắt sự sống, nó không còn tìm được động lực và năng lực cần thiết để cố gắng phục vụ điều thiện đích thực của con người nữa. Nếu sự nhậy cảm có tính bản thân và tính xã hội đối với việc chấp nhận sự sống mới mất đi, thì các hình thức chấp nhận khác có giá trị đối với xã hội cũng tàn lụi theo”.

Theo cha Rosica, không có câu nào trong thông điệp tóm tắt đầy đủ cuộc khủng hoảng và cả thông điệp nữa hay hơn câu này: “những thiệt hại nhân bản luôn bao gồm các thiệt hại kinh tế, và khủng hoảng kinh tế luôn liên lụy tới các thiệt hại nhân bản”.

Các cái nhìn cũ và mới của Thông Điệp

Cha David O’Connell, chủ tịch Đại Học Công Giáo America tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, nhận định rằng thông điệp mới của Đức Bênêđíctô XVI đã dùng các nguyên tắc cổ truyền để soi sáng các vấn đề xã hội thời nay như hoàn cầu hóa, nền kinh tế, kỹ thuật học và mội trường.

Cha O’Connell đồng thời cũng là nhà tham khảo tại Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh, và là phát ngôn viên toàn quốc của Giáo Hội về các vấn đề giáo dục cao đẳng Công Giáo.

Theo cha, đây là một thông điệp rất sáng chói. Dựa vào huấn quyền của nửa thế kỷ trước đây, Đức Thánh Cha đã đưa lại cho chúng ta một lăng kính thần học, được khai triển sau nhiều suy tư lâu dài về mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, chân lý và tự do, và tính tối thượng của con người nhân bản trong hiệp thông tình yêu, mà ta phải sử dụng để xem sét giáo huấn và lý thuyết xã hội của Giáo Hội. Có thể coi thông điệp này như một cử hành đối với giáo huấn xã hội của Giáo Hội, nhất là đối với thông điệp nổi tiếng của Đức Phaolô VI, “Tiến Bộ Các Dân Tộc”. Trong thông điệp này, Đức Cố Giáo Hoàng cổ xúy việc phát triển con người toàn diện, coi nó như trách nhiệm của Giáo Hội và toàn thể nhân loại trong mọi chiều kích của cuộc sống họ.

Phải phát triển con người toàn diện, vì theo cha O’Connell, con người, trong tư tưởng của Đức Bênêđíctô XVI cũng như của các vị tiền nhiệm, không phải chỉ là tổng số các phần trong con người của họ, mà là một toàn bộ gắn bó gồm mọi chiều kích thể lý, thiêng liêng, xã hội, tâm lý, xúc cảm, tính dục… Giáo huấn của chúng ta không chỉ bàn đến con người toàn diện trong chính họ mà thôi, mà còn bàn đến tính toàn diện của họ trong bối cảnh một cộng đoàn những con người đang cố gắng đạt tới công lý trong và qua việc phục vụ ích chung.

Theo cha O’Connell, giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn có tính khai triển, xây dựng trên những gì đã có trước đó. Dù Đức Thánh Cha tỏ ra thông thạo các truyền thống thần học và giáo hội học của Giáo Hội, ngài vẫn có những đóng góp đúng nghĩa vào việc triển khai niềm tin Công Giáo qua việc lồng các trước tác và tầm nhìn của riêng ngài vào bản văn.

Theo cha O‘Connell, điều quan trọng hơn cả là ý thức và khả năng của Đức Giáo Hoàng trong việc nói với xã hội đương thời trong tính hết sức phức tạp của nó bằng cách liên hệ học lý của Giáo Hội với thế giới ta đang sống: hoàn cầu hóa, nền kinh tế, các vấn đề về sự sống, kỹ thuật học, môi trường v.v… Cái nhìn thần học của ngài cho thấy một tầm nhìn và một vẻ đẹp “luôn luôn cũ và luôn luôn mới”. Nói đến đức ái như tâm điểm giáo huấn xã hội của Giáo Hội là nói tới mệnh lệnh xưa của chính Chúa Giệsu đòi ta phải yêu thương người lân cận. Thích ứng giáo huấn ấy vào các vấn đề hiện nay khiến thông điệp này mới mẻ và có liên quan một cách đặc biệt.

Về tương quan giữa đức ái và sự thật, Cha O’Connell cho hay: chân lý như ánh sáng và đức ái như hậu quả thuận lý của ánh sáng đó đã trở nên cho nhân loại con đường đạt được công lý và thể hiện được ích chung. Trong tư cách thầy dạy phổ quát, “sự thật” hết sức quan trọng đối với Đức Thánh Cha. Trong tư cách mục tử phổ quát, “Đức ái” phải đứng hàng đầu.

Viết thông điệp này, Đức Thánh Cha muốn nói với mọi người thiện chí. Ngài đã dành cả hai năm để chuẩn bị. Cho nên đây là một sứ điệp có chất lượng đòi phải được đọc đi đọc lại cẩn thận, được phân tích và bình luận đàng hoàng cũng như suy tư cầu nguyện. Hy vọng nó được dùng làm đề tài giảng lễ cũng như giảng thuyết trong thế giới Công Giáo cũng như làm chủ đề cho các lớp thần học và kinh tế học để các đề tài chính của nó đạt được một cử tọa đông đảo.

Về vấn đề kỹ thuật, Đức Bênêđíctô XVI viết rằng thách đố phát triển nhân bản ngày nay có liên hệ với tiến bộ kỹ thuật. Ngài gọi kỹ thuật học là một thực tại có tính nhân bản sâu sắc, có liên hệ với sự tự chủ và sự tự do của con người. Ngài cũng cho rằng kỹ thuật là khía cạnh khách quan trong hành động của con người nhưng cảnh cáo rằng tiến bộ kỹ thuật có thể làm nẩy sinh ra ý niệm tự coi mình là đầy đủ. Theo ngài, cả việc say mê lẫn việc phát triển kỹ thuật phải đi đôi với các quyết định phát sinh từ tính trách nhiệm nhân bản. Không thể có phát triển toàn diện và ích chung phổ quát, nếu không quan tâm đến phúc lợi thiêng liêng và tinh thần của con người, được xem sét trong tính toàn bộ gồm cả thân xác lẫn linh hồn.