VietCatholic: Trong quá trình là đào luyện viên trong tu hội, cha cũng từng giữ nhiều chức vụ như quản lý và bề trên trong tu hội Salesian Don Bosco tại tiểu bang Victoria, cũng như mục vụ tại giáo xứ, cha thấy việc đào luyện một người tu sĩ tại Úc có khác biệt với việc đào tạo tu sĩ tại quê nhà không?

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng: Tôi lớn lên và hoạt động trong tu hội Salesian do cha thánh Gioan Bosco sáng lập, nên tôi cũng hấp thụ tinh thần theo Chúa Kitô sống lời khuyên Phúc âm trong ơn đoàn sủng của cha thánh Gioan Bosco có một tinh thần trẻ trung yêu thương đặc biệt dành cho giới trẻ, dù vai trò linh mục là cho mọi người.

- Xưa thời đại của Gioan Bosco (đầu thế kỷ XIX), các linh mục được trọng vọng, sống trong một thế giới huyền bí nên thật xa cách giáo dân. Tương tự thế tại nhiều nơi, đặc biệt trong thế giới Á Châu, các linh mục vẫn được coi là như là một tộc trưởng, một quan tướng hay như vua một cõi!! Thế nên cậu bé Bosco năm xưa đó đã thốt lên với mẹ Ngài: “Mai sau nếu Chúa gọi con làm linh mục, con sẽ là người bạn của giới trẻ và của mọi người, nhất là những người nghèo khổ…” Như Chúa Giêsu nói cùng các môn sinh Ngài: “Thầy đến không phải để được phụ vụ, mà để phục vụ và hiến mạng vì phần rỗi chúng sinh”. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thày gọi anh em là bạn hữu…”

- Tư tưởng và lối sống như trên chính là mục tiêu của năm thánh linh mục mà Đức Benedictô XVI nhắm tới:”… hãy nhìn vào căn tính của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài đã làm người trong cung lòng Đức Maria, và tập trung vào sứ mạng của Ngài là mặc khải Chúa Cha và kế hoạch cứu độ kỳ diệu của Người. Sứ vụ của Đức Kitô bao hàm việc xây dựng Giáo hội: Hãy nhìn ngắn vị Mục tử nhân lành (x. Ga 19,1-21) Đấng trao ban mạng sống cho Giáo hội (x. Ep 5,25).

- Lý tưởng là vậy nhưng phương cách và đường lối thể hiện lý tưởng đó thì muôn vạn nẻo. Xưa tại VN trước năm 75, dù lúc đó là một ông thầy trẻ, tôi được gửi về giúp nhà tập trong vai trò hộ trực các thầy tập sinh… Ở Việt Nam việc đào luyện được đào luyện bằng bài bản, lý thuyết, huấn đức và quanh quẩn trong tập viện… Bề trên tập viện thật oai phong như các huấn luyện viên tại quân trường, binh lính nhìn vào rất sợ… nên ứng sinh với người huấn luyện có một khoảng cách kính sợ…. thiếu tình bạn cởi mở … Nhiều khi ứng sinh chịu trận để vượt qua ải đào luyện, để rồi khi thành đạt thì không sống và thể hiện căn tính của con người linh mục là ‘một Chúa Kitô thứ hai hay một mục tử nhân hậu!’ Nhiều khi tỏ ra uy quyền, tự cao, hống hách và ham hố vật chất. Nói về điểm này, tôi không khỏi đau lòng so sánh hai nếp sống của linh mục như ở Úc hay hải ngoại, người giáo dân tới xin dâng lễ, dù họ cho bổng lễ nhiều hay ít, thì linh mục vẫn cử hành lễ như thường, không có sự khác biệt như tôi nghe kể tại một số nơi có sự phân biệt như bổng lễ nhiều thì đèn nến nhiều, ít bổng lễ thì kém phần long trọng v.v… Tôi không tin nhưng người giáo dân phản ảnh những hoàn cảnh cụ thể thì cũng khó biện bạch được!

- Tại Úc các dòng tu có ít ứng viên tu trì, nên có chương trình đào luyện được tập chung như có ngày theo học các môn tu đức tại chủng viện, hay các ứng sinh các dòng tu tụ họp lại học hỏi chung các môn chuyên biệt cho đời sống tu trì và rồi trở lại tập viện, tập sư giảng dậy về hiến pháp và ơn đoàn sủng của dòng, lịch sử và nếp đan tu của tu hội. Tập sư là người bạn đồng hàn hơn là bề trên, ngài cho tập sinh có nhiều tự do, có nhiều thời giờ riêng tư… tinh thần tự lập như hàng tuần tập sinh có xe đi chơi hoặc thăm viếng hoặc đi coi phim v.v… Về dòng họ chia sẻ với tập sư và tập sư hướng dẫn họ sống đời hiến dâng một cách trưởng thành và trách nhiệm…