Distributive Justice
Công bằng phân phối. Là nhân đức điều hòa các hành động liên quan đến các quyền lợi mà một người có thể đòi từ xã hội. Theo công bằng phân phối, nhà nước có ba bổn phận cơ bản: phân chia trách nhiệm và quyền lợi cách công bằng; tạo điều kiện cho mỗi công dân thực thi các quyền tự nhiên và quyền thủ đắc mà không gặp trở ngại; tăng cường các quan hệ hỗ tương giữa công dân để họ sống chung một cách hòa bình. Ví dụ áp đặt thuế không công bằng là vi phạm sự công bằng phân phối.
Ditheism
Thuyết nhị thần. Là thuyết cho rằng có hai thần, mỗi thần có thần tính khác nhau. Trong thuyết nhị nguyên (Manikêô), một thần là thần tốt và một thần là thần dữ. Trong hạ phục thuyết, Chúa Cha là Chúa cao hơn Chúa Con, Chúa Con phát sinh từ Chúa Cha. (Từ nguyên Hi Lạp di, xếp hai + theos, thần.)
Diversity Of Grace
Đa dạng ân sủng. Là sự khác biệt về mức độ và sự đa dạng về ơn công chính hóa giữa những người sống trong ơn nghĩa Chúa. Như được Công đồng chung Trentô diễn tả, mức độ của ơn thánh hóa thay đổi nơi mỗi người, khi người ấy được công chính hóa tùy theo mức độ phân phát tự do của Chúa, và tùy theo sự sẵn sàng hoặc sự hợp tác của người lãnh nhận (Denzinger 1529). Hơn nữa, ơn thánh hóa được gia tăng bởi các việc lành. Các việc lành khác nhau, được thực hiện cách tự do với sự hợp tác với ý Chúa, được thưởng ban bởi nhiều mức độ khác nhau của ân sủng.
Divide Et Impera
Divide et Impera, Chia để trị. Lúc ban đầu, là một chính sách của Đế Quốc Roma, để cai trị thần dân bằng cách chia họ thành nhiều tỉnh. Các tỉnh này trở thành các giáo phận đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Từ ngữ cũng được dùng trong thần học tu đức khổ chế, để mô tả một phương pháp hữu hiệu đi đến sự tự làm chủ, bằng cách chỉ tập trung vào thực thi một nhân đức hoặc tập bỏ một thói xấu mà thôi.
Divina Commedia, La
Vở kịch La Divina Commedia, vở “Hài kịch tuyệt diệu”. Vở kịch này do Dante Alighieri (1265-1321) viết. Đây là một ngụ ngôn về cuộc đời; một cái nhìn về thế giới hậu lai. Vở kịch dài 100 khổ thơ, phản ảnh đức tin của châu Âu Công giáo thời Trung cổ, và được xem như là một trong các tác phẩm cổ điển hay nhất của văn chương Kitô giáo. Khi viết bằng tiếng bản địa, nhà thơ hy vọng giúp hoán cải một thế giới lầm lạc trở về đường ngay nẻo chính. Triết học của Aristotle (384-322 trước Công nguyên) và thánh Tôma Aquinas (1225-74), khoa thần nghiệm của thánh Bernard (1090-1153) và thánh Âu Tinh (354-430), và thần học của các Giáo phụ thời kỳ đầu đã được tổng hợp trong một ngôn ngữ tinh vi khéo léo. Vở kịch được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1472 tại Ý.
Divine Attributes
Ưu phẩm của Chúa, thuộc tính của Chúa. Là các ưu phẩm của Chúa, mà theo cách suy nghĩ của con người phát sinh từ yếu tính của Chúa và thuộc về yếu tính này. Trong thực tế các ưu phẩm của Chúa là đồng nhất với nhau và với yếu tính của Chúa. Thần học phân biệt các ưu phẩm với yếu tính, bởi vì chúng thích hợp, theo ngôn ngữ loài người, với các đặc tính khác nhau nơi lòai thụ tạo, vốn phản chiếu các sự hòan hảo của Chúa, nếu có thể nói như vậy.
Divine Decree
Sắc lệnh của Chúa. Thuyết cho rằng luân lý tính tùy thuộc vào ý Chúa, chứ không phải vào yếu tính của Chúa. Trong hình thức cực đoan, thuyết cho rằng thiện và ác đã được ý độc đóan của Chúa quyết định rồi. Điều gì được xem là xấu về luân lý cũng có thể tốt về luân lý, và ngược lại. Chúa cũng có thể quyết định rằng bộ luật luân lý hiện nay không ràng buộc thường xuyên. Hình thức hiện đại của thuyết này là một biến thái của luân lý quá trình, vốn mặc nhiên công nhận một Thượng Đế đang tiến hóa, do đó đang thay đổi.
Divine Election
Việc Chúa chọn cứu độ. Là việc từ thuở đời đời Chúa đã chọn những ai mà Chúa muốn cứu độ cách tuyệt đối. Đây là một vấn đề của đức tin Công giáo, nói rằng việc Chúa chọn như thế bao gồm sự Chúa biết trước mọi công trạng của từng người trước mặt Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa rằng, như một số nhà Cải cách Tin lành và người theo thuyết Jansen (đạo lý khắc khổ) chủ trương, Chúa chọn cứu độ những người Chúa muốn, mà không cần sự hợp tác tự do của họ với ân sủng. Theo nguyên tắc công giáo, việc Chúa chọn cứu độ nhìn nhận sự tự do thật sự của con người trong việc đáp lại ý Chúa.
Divine Essence
Yếu tính của Chúa. Là bản tính của Chúa như được phân biệt với ngôi vị và các ưu phẩm của Chúa. Như thế mỗi một trong Ba Ngôi có cùng một bản tính mà thôi. Và các ưu phẩm khác nhau của Chúa là đồng dạng cách khách quan với yếu tính Thiên Chúa.
Divine Faith
Đức tin thần khởi. Là sự đồng ý của tâm trí với điều Chúa đã mặc khải, để phân biệt với lòng tin con người, vốn là sự chấp nhận lời nói của một con người.
Divine Friendship
Tình thân với Chúa. Là tình trạng ân sủng nhờ đó một người được Chúa yêu thương, trở nên người thừa tự Nước Trời, và khi đến tuổi khôn yêu mến Chúa bằng cách thực lòng làm ý Chúa. Nền tảng của tình thân với Chúa là sự chia sẻ trong bản tính thiên linh được Chúa ban cho. Có một tình thân bởi vì việc Chúa yêu con người được đáp lại bằng việc con người yêu Chúa. Đức ái, kết nối không rời với tình trạng ân sủng, làm cho con người công chính hóa yêu mến Chúa để đáp lại tình Chúa yêu con người.
Divine Glory
Vinh danh Thiên Chúa. Là việc nhìn nhận và ca ngợi sự tuỵêt vời khôn cùng của Chúa. Vinh quang nền tảng của Chúa là lòng nhân từ và cao cả vô biên của Chúa trong mọi ưu phẩm của Ngài. Được xem như các hoàn hảo trong Chúa, các ưu phẩm tạo nên vinh quang nền tảng nội tại của Chúa, nhưng nếu được xem trong sự tỏ lộ của chúng với các thụ tạo, chúng tạo nên vinh quang nền tảng ngọai tại của Chúa. Vinh quang chính thức của Chúa là hiểu biết và yêu mến điều Ngài có về chính Ngài, được gọi là vinh quang nội tại; và sự hiểu biết, tôn vinh và lòng yêu mến Ngài qua các thụ tạo, được gọi là vinh quang chính thức và ngọai tại của Thiên Chúa.
Divine Ideas
Ý tưởng thần linh. Là các hình thức mẫu, không thật sự phân biệt với Chúa và hiện hữu trong Chúa từ thuở đời đời, và theo đó Ngài sáng tạo và tiếp tục điều khiển vũ trụ.
Divine Immanence
Thiên Chúa ở trong mọi sự. Là việc Chúa hiện diện khắp mọi nơi trong tòan vũ trụ. Là sự xâm nhập của yếu tính và họat động của Chúa trong mọi lòai thụ tạo. Trong đức tin công giáo, việc Thiên Chúa ở trong mọi sự không phủ nhận nhưng bổ túc siêu việt tính của Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, và không là một phần của thế giới và không được hòan thiện bởi thế giới. Trong nội tại tính của thuyết phiếm thần, Chúa được cho là hiện diện và họat động trong thế giới, nhưng Ngài cũng trở nên đồng dạng cách nào đó với vũ trụ.
Divine Judgment
Phán xét của Chúa. Là hành vi của Chúa ảnh hưởng đến sự sống hoặc số mạng của các lòai thụ tạo. Nó được gọi là sự phán xét qua lọai suy với chức năng của một thẩm phán trần gian, khi cân nhắc điều thuận và điều chống của một tình hình, và lấy quyền mình mà quyết định tùy theo đó. Trong cuộc đời, sự phán xét thường quy chiếu đến các điều được xem là hành vi trừng phạt của Chúa, chẳng hạn một số thiên tai. Một cách cụ thể hơn, sự phán xét riêng là quyết định của Chúa cho mỗi người khi người ấy qua đời, và là sự phán xét chung cho lòai người vào ngày tận thế.
Divine Justice
Sự công bằng của Chúa. Là ý muốn không thay đổi của Chúa khi trao ban cho mỗi người điều người ấy đáng được hưởng. Mọi hình thức công bằng đều có nơi Chúa. Ngài áp dụng công bằng pháp lý trong đó thông qua luật tự nhiên và luật luân lý mà Ngài điều phối các thụ tạo cho công ích; đây là công bằng phân phối bởi vì Chúa ban cho thụ tạo mọi sự họ cần để chu toàn mục đích của việc họ hiện hữu; đây là công bằng thù đáp bởi vì Chúa ban thưởng sự lành; và cũng là công bằng trừng báo bởi vì Chúa phạt kẻ có tội.
Divine Love, Our Lady Of
Đền thánh Mẹ của Tình yêu Thiên Chúa. Là một đền thánh ở đường Via Ardeatina, Roma (Ý). Đền thánh dâng kính Đức Mẹ Maria và Con Thiên Chúa được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16, nhưng bức ảnh Đức Mẹ đã có từ đầu thế kỷ 14. Hàng ngàn khách hành hương và người dân Rôma tới cầu nguyện ở đền thánh khi Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng căng thẳng. Lo sợ cho bức ảnh quý giá của mình, người dân đã mang bức ảnh khỏi vùng chiến trận tới nhà thờ Thánh Ignatius cách đó 20km. Ðức Giáo hòang Piô XII đã đặt thành Roma dưới sự bảo trợ đặc biệt của Mẹ của Tình Yêu Thiên Chúa trong suốt chiến tranh, và khi các cuộc xung đột đã ngưng, ngài tuyên bố Mẹ là Ðấng thật sự đã cứu thành Roma. Sau chiến tranh, bức ảnh đuợc mang trở lại về đền thánh gốc kính dâng Mẹ.
Divine Mercy
Lòng nhân từ của Chúa. Là tình yêu của Chúa vượt quá mọi sự mà nhân loại đáng hưởng. Trong nghĩa rộng, mọi sự tỏ hiện của tình yêu Thiên Chúa là sự diễn tả lòng nhân từ của Ngài, bởi vì nói một cách tuyệt đối, Chúa không bị buộc phải sáng tạo gì cả. Nhưng nói theo nghĩa hẹp, lòng nhân từ của Chúa là sự thực thi đức ái của Chúa cho những kẻ đã phạm tội. Như thế, lòng nhân từ là tình yêu liên lỉ của Chúa cho con người mặc dầu con người đã phạm tội, là tình yêu tha tội của Chúa mời gọi họ trở về làm hòa với Chúa sau khi đã phạm tội, là tình yêu tha thứ của Chúa để làm giảm và có thể tha mọi hình phạt bởi tội cho con người, và là tình yêu quá dồi dào chúc phúc cách nhiệm mầu cho người tội lỗi có lòng ăn năn, vượt quá điều họ đáng được hưởng từ Chúa nếu họ không phạm tội.
Divine Mission
Sứ mạng thiên sai. Là việc một Ngôi sai một Ngôi khác đi, tạo ra một sự hiện diện mới trong thế giới tạo thành, vốn phù hợp với nguồn gốc đời đời của các Ngôi trong Thiên Chúa. Chỉ có các Ngôi này được sai đi vào thế giới tạo thành, nhiệm xuất trong Ba Ngôi, và được sai đi bởi Ngôi mà mình được nhiệm xuất. Như vậy, Chúa Cha đi mà không có Ngôi nào sai đi, Chúa Con được Chúa Cha sai đi, và Chúa Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con sai đi. Các sứ mạng là hữu hình hoặc vô hình, tùy theo cách thức sứ điệp của Chúa đến với loài thụ tạo. Do đó, việc Chúa Con Nhập Thể là sứ mạng hữu hình với mức hoàn thành vĩ đại nhất. Các sứ mạng hữu hình của Chúa Thánh Thần dưới hình dạng chim bồ câu và lưỡi lửa là biểu tượng cho sứ mạng vô hình của Ngài, khi ơn thánh hóa được phú ban vào linh hồn một người.
Divine Notion
Tư cách của Chúa. Là một hoạt động nội tại của Chúa, làm ra đặc tính riêng của mỗi Ngôi trong Ba Ngôi và phân biệt các Ngôi với nhau, trái với các hành vi yếu tính là chung cho cả Ba Ngôi. Trong thực tế các tư cách của Chúa là trùng hợp với các ưu phẩm. Do đó, bất sinh xuất tính và nhiệm sinh là tư cách của Chúa Cha, nhiệm sinh thụ động là dấu chỉ căn tính của Chúa Con và thụ xuy là tư cách của Chúa Thánh Thần.
Divine Office
Kinh nhật tụng, Thần vụ. Là nhóm các thánh vịnh, thánh thi, lời cầu, các bài đọc Kinh thánh và thiêng liêng do Giáo hội sắp xếp, để hát hay đọc vào các giờ quy định trong mỗi ngày. Nguồn gốc Kinh nhật tụng là có vào thời các thánh Tông đồ, khi nó bao gồm hầu hết các thánh vịnh và các bài đọc từ Kinh thánh. Các linh mục buộc phải đọc tòan bộ phần Kinh nhật tụng mỗi ngày, trong khi các tu sĩ không linh mục buộc đọc tùy theo luật sống của Dòng họ. Ần bản mới nhất của Kinh nhật tụng đã được Đức Giáo hòang Phaolô VI công bố bằng tông hiến Laudis Canticum năm 1970. Kinh nhật tụng này là bản duyệt lại tòan bộ phần bản văn và sắp xếp của Phụng vụ Các Giờ Kinh theo các hướng dẫn của Công đồng chung Vatican II (Hiến chế về Phụng vụ, IV, 83-101). Như được chứa trong Sách nhật tụng, Kinh nhật tụng được chia thành Chu kỳ các Mùa, với các bài đọckinh thánh và bài giảng; các lễ Trọng trong năm; Phần Thường niên của kinh nhật tụng; phần Thánh vịnh, hoặc các thánh vịnh được chỉ định cho mỗi giờ kinh trong ngày trên cơ sở bốn tuần của một tháng; phần Riêng các Thánh, theo ngày lễ các vị thánh; Phần Nhật tụng chung, phù hợp với các lễ ngọai lịch trong phụng vụ Hy tế Tạ ơn; và Kinh nhật tụng cho người qua đời. Một phần phụ thêm chứa các thánh ca và bài đọc Tin mừng cho lễ vọng, các lời chuyển cầu ngắn và bản chỉ dẫn chi tiết.
Divine Operation
Họat động của Chúa. Là các họat động bên ngòai của Chúa. Còn gọi là họat động ad extra (hướng ngọai) của Chúa, ngược lại với họat động bên trong Chúa Ba Ngôi. Công đồng chung Lateran IV và Công đồng chung Florence dạy rằng mọi họat động của Chúa bên ngòai Ba Ngôi đều được Ba Ngôi thực hiện đồng thời và bình đẳng như nhau. Do đó, mọi điều Chúa làm trong thế giới thụ tạo, dù là tự nhiên hay là siêu nhiên, đều là họat động của Ba Ngôi.
Divine Plan
Chương trình của Chúa, kế họach của Chúa. Là trật tự của vũ trụ từ thuở đời đời trong Chúa, vì Ngài biết trước mỗi một lòai, sự đa dạng và thứ bậc của chúng, họat động và mối tương quan của chúng, và cách thức chúng phục vụ mục đích của chúng phù hợp với ý Chúa.
Divine Procession
Nhiệm xuất, nhiệm xuy. Là nguồn gốc của một Ngôi từ Ngôi khác qua sự chuyển thông yếu tính của Chúa một cách kỹ thuật số. Có hai nhiệm xuất nội tại trong Ba Ngôi: Chúa Con nhiệm sinh từ Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần nhiệm xuy từ Chúa Cha và Chúa Con. Chính các Ngôi, chứ không phải bản tính Thiên Chúa, là chủ thể của việc nhiệm xuất nội tại. Ngôi Hai nhiệm xuất từ trí tuệ của Chúa Cha bằng sự nhiệm sinh, và do đó có tương quan với Ngôi Cha như là Con với Cha. Ngôi Ba nhiệm xuất từ ý muốn hoặc tình yêu hỗ tương của Cha và Con, như từ một nguyên lý duy nhất, bằng sự nhiệm xuy.
Divine Property
Sở hữu của Chúa. Là sự sở hữu riêng thuộc về một Ngôi trong Ba Ngôi, và phân biệt Ngôi này với hai Ngôi kia. Các sở hữu tạo nên Ngôi là việc làm cha (Ngôi Nhất), làm con (Ngôi Hai) và thụ xuy (Ngôi Ba). Sở hữu nổi bật nhất là sự vô thủy nơi Chúa Cha. Bởi vì sự nhiệm xuy chủ động là sở hữu chung của hai Ngôi, là Ngôi Cha và Ngôi Con, nên nó không phải là sở hữu theo đúng nghĩa.
Divine Right Of Kings
Quyền làm vua bởi Chúa. Là thuyết cho rằng các người đứng đầu Nhà nước có quyền bính từ sự ban quyền trực tiếp từ Chúa. Chúa không chỉ trao quyền bính cho Nhà Nước, Ngài còn tự mình chọn các nhà cầm quyền, hoặc bằng sự can thiệp tích cực, như trong trường hợp Vua Saul trong chế độ thần quyền Do Thái, hoặc bằng sự chấp thuận ngầm nhà cầm quyền được chọn qua chỉ định, bầu cử, và nhất là theo cha truyền con nối. Một kết luận hợp lý cho thuyết về quyền làm vua bởi Chúa là: việc hạ bệ họ, dù họ cai trị tồi tệ đến mấy chăng nữa, là vô luân.
Divine Touches
Sự đụng chạm của Chúa. Là các tình cảm thiêng liêng, đầy sự an ủi, gây ấn tượng ngay tức thời trên ý chí bằng một sự đụng chạm của Chúa, kèm theo một sự soi sánh mạnh trong tâm trí. Có hai hình thức đụng chạm như thế trong văn chương thần nghiệm. Hình thức bình thường để lại một dấu ấn trên khả năng tình cảm cùng với sự sáng tâm trí. Hình thức nền tảng là sâu hơn đến nỗi các đụng chạm dường như diễn ra trong sâu thẳm của linh hồn. Trong trường hợp này, chỉ có sự thăm viếng của Chúa đạt đến các khả năng của con người, nhưng sự tiếp xúc tạo ra một cảm nghiệm thiêng liêng thân tình nhất.
Dom
Dom, dominica—ngày chủ nhật.
Dominations
Quản thần. Là các thiên thần ở bậc cao nhất trong thứ bậc các thiên thần, trong đó có bậc Quyền thần và bậc Dũng thần, nhưng bậc Quản thần có quyền chỉ huy việc thực hiện các công tác giao phó cho các bậc thiên thần khác.
Dominative Power
Quyền cai trị. Là quyền chỉ huy hành vi của con người trong các xã hội nhỏ, như quyền người chồng đối với vợ mình, cha mẹ đối với con cái, chủ đối với tôi tớ. Trong Kitô giáo, quyền này được cân bằng với bổn phận thương yêu.
Dominion
Quyền sở hữu. Là sự sở hữu của cải vật chất, mang danh người chủ có quyền tư hữu, nghĩa là sử dụng, thay đổi, bảo quản, hoặc tống khứ vật sở hữu của mình. Kitô giáo xem quyền sở hữu là không tuyệt đối, nhưng luôn tương đối với công ích của xã hội. (Từ nguyên Latinh dominium, thống trị, quyền hành; từ chữ dominus, chủ.)
Dominus Vobiscum
Dominus Vobiscum, “Chúa ở cùng anh chị em”. Lời chào bằng tiếng Latinh của linh mục trong Thánh lễ, nói với những người dự lễ. Lời đáp lại của những người này là "Et cum spiritu tuo [và ở cùng Cha]."
Dom. Prel.
Dom. Prel., Giám chức nội vụ.
Donation Of Constantine
Di chiếu của Constantine. Một văn kiện thuộc thế kỷ thứ tám hay thứ chín, được cho là do Hòang đế Constantine (khỏang năm 275-337) viết ra, trao cho Đức Giáo hòang và Giáo hội nhiều tài sản lớn và đặc quyền chính trị. Di chiếu này không bao giờ được các Đức Giáo hòang xem như là nguồn quyền bính của mình, cả trong quyền tài phán dân sự lẫn quyền bính tinh thần.
Donatism
Phái ly khai Donatus. Nguyên là một ly giáo rồi một lạc giáo trong thế kỷ thứ tư và thứ năm, cho rằng hữu hiệu tính của các bí tích tùy thuộc vào tính cách luân lý của thừa tác viên, và cho rằng người có tội không thể là thành viên của Giáo hội, và cũng không thể được Giáo hội đích thực dung thứ, nếu tội lỗi của họ được biết công khai. Phái ly khai Donatus xuất hiện ở châu Phi trong thời kỳ bạo loạn tiếp sau cuộc bách hại đạo thời Vua Diocletian (245-313). Một người đàn ông tên là Caecilian được tấn phong Giám mục giáo phận Carthage năm 311, nhưng một nhóm người theo chủ nghĩa khắc khổ cho rằng đây không phải là một giám mục hợp pháp, bởi vì vị tấn phong cho ngài là Felix of Aptunga là một kẻ phản bội, nghĩa là một ngưởi bội giáo. Những người chống đối này được sự ủng hộ của các Giám mục ở Numidia, khi các ngài chuẩn bị tấn phong Majorinus như là đối thủ của Caecilian. Sau đó Majorinus được sớm kế nhiệm bởi Donatus (thế kỷ thứ tư), và phong trào ly khai trên được đặt tên theo tên ngài. Các chủ trương của phái ly khai này đã bị kết án bởi Đức Giáo hòang Miltiades (310-14), và Công đồng Arles (314). Khi chính quyền dân sự cũng chống đối phái ly khai, các nhà thờ của phái bị tịch thu và nhiều người thuộc phái đã bị lưu đày. Tuy nhiên phái này không biến mất cho đến khi người Hồi giáo xâm lăng châu Phi vào thế kỷ thứ bảy.
Donkey Bead
Vòng cổ con lừa. Là một vòng đá may mắn dị đoan ở Đông phương. Được dịch từ chữ "Khar Mohreh" (có nghĩa là “dấu vết con lừa”), nó được đặt chung quanh cổ con lừa để xua đuổi tà ma cho nó. Qua nhiều năm tháng, nó được dùng như vật trang điểm, để trang trí đẹp và vì nhiều mục đích khác. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là mang lại cho người đeo “sự may mắn” và “sống thọ”, và hiện nay nhiều Kitô hữu cũng đeo nó. Vòng cổ con lừa được làm bằng thạch anh, được tán thành bột, mài và tráng men với cobalt. Màu truyền thống của vòng này là xanh đậm, với biến thái rất nhẹ. Vòng được làm bằng tay, và mọi phần đều khác nhau.
Doom
Phán xét, tận thế. Là lời tuyên án hoặc phán quyết trong nghĩa lên án ai. Thường được dùng như một từ ngữ chung cho Ngày Phán xét, và vẫn còn trong một số từ ngữ như chữ doomsday (ngày tận thế, ngày phán xét), cũng đọc là domesday.
Doors, Holy
Cửa thánh. Là cửa chính của các vương cung thánh đường như Nhà thờ thánh Phêrô, thánh Gioan Lateran, thánh Phaolô, và Nhà thờ Đức Bà Cả, và các cửa này không mở ra trừ trong dịp các năm thánh. Đức Giáo hòang mở cửa Nhà thờ thánh Phêrô để khai mạc Năm thánh, và đóng cửa lại khi Năm thánh kết thúc. Các Hồng y được ủy quyền để làm như thế với cửa chính của ba nhà thờ kia. Tục lệ này có từ năm thánh 1450, thời Đức Giáo hòang Nicholas V. Giữa hai năm thánh, các cửa thánh được đóng bởi hai liếp ngăn bằng gạch, và ở giữa đặt các tấm kỷ niệm và một giấy da ghi lại năm thánh đã hòan tất.
Dormition
Lễ Đức Mẹ An giấc Ngàn thu. Đây là tên nghi lễ Byzantine cho lễ Đức Mẹ Mông Triệu Thăng Thiên, và là tên của nhà thờ Biển Đức nổi tiếng trên núi Zion ở Jerusalem. (Từ nguyên Latinh dormitio, sự ngủ; từ chữ dormire, ngủ.)
Dositheus, Confession Of
Tuyên tín Dositheus. Là bản tuyên xưng đức tin mẫu của Chính thống giáo Đông phương, được phác thảo năm 1672 nhằm đáp trả thách thức của đạo Tin lành. Bản tuyên tín này đọc giống như tuyên bố của Công đồng chung Trent, bênh vực chức Linh mục, Thánh lễ và bảy phép Bí tích, phẩm trật giám mục, việc xưng tội, Đức Mẹ là Mẹ của Chúa và đồng trinh trọn đời, và sự cần thiết của việc con người cộng tác tự do với ân sủng Chúa để đáng hưởng vinh quang đời đời.
Douay Bible
Kinh thánh Douay. Là bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Anh vào thế kỷ 16 và 17, khởi đầu tại Trường Cao đẳng Anh ở Douai, Flanders. Trường này sau đó được dời về Reims, nơi bản dịch Tân Ước được hòan thành và xuất bản. Bản dịch Cựu Ước được hoàn thành và phát hành vài năm sau đó, khi trường dời về lại Douai. Bản dịch, vốn tìm sự chính xác hơn là văn phong văn chương, được thực hiện từ bản Kinh thánh phổ thông Latinh Vulgate, được so sánh cẩn thận với bản gốc Do Thái cổ và bản Hi Lạp. Bản dịch là công lao chủ yếu của Gregory Martin (qua đời năm 1582). Trong thế kỷ 18, bản dịch được Giám mục Challoner (1691-1781) duyệt lại đáng kể, và cho đến giữa thế kỷ 20, bản dịch được người công giáo trong các nước nói tiếng Anh sử dụng nhiều.
Double Consecration
Truyền phép kép. Là sự truyền phép riêng biệt bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Sự truyền phép riêng biệt này tạo nên yếu tính của Thánh lễ như sự tái tạo hy tế trên đồi Canvê. Nó tượng trưng cái chết của Chúa Kitô, vốn bị gây ra bởi sự tách rời mình và máu. Mọi phần khác của Thánh lễ là không tuyệt đối cần thiết, thậm chí cả việc linh mục rước lễ, vốn mặc dầu là bắt buộc, thuộc về sự vẹn tòan của hy lễ tạ ơn hơn là thuộc về yếu tính của của hy lễ này.
Double Standard
Tiêu chuẩn nước đôi, tiêu chuẩn kép. Là thuyết diễn tả rõ ràng rằng không có bộ luật luân lý đồng nhất cho mọi người, và một số người có tiêu chuẩn luân lý khác với số người còn lại. Thuyết tiêu chuẩn kép này là hấp dẫn đặc biệt cho những người làm việc công, dù là dân sự hay Giáo hội. Việc họ có quyền và được miễn một số hình phạt thông thường có thể dẫn họ có hai mức ứng xử, một mức cho người khác và một mức khác cho bản thân mình.
Doubt
Hoài nghi, ngờ vực, nghi ngờ. Là sự do dự của tâm trí giữa hai quan điểm mâu thuẫn nhau, đi kèm với một nỗi sợ sai lầm. Trong sự hòai nghi có phương pháp, một người ở trong tình trạng biết mình chắc chắn, nhưng tách rời khỏi sự việc này để xem xét một cách quyết liệt sự thật của một vấn đề. Đây là sự đối nghịch với hòai nghi thật sự. Trong sự hoài nghi thực tiễn, tâm trí không chắc chắn về chuỗi hoạt động hoặc sự chắc chắn luân lý về một điều phải làm ngay. Trong hòai nghi suy đóan, không có sự chắc chắn cả về sự thật hay sai lầm thuần túy của điều gì đó, và cả về sự tốt lành trừu tượng của chuỗi hành động nữa. Hòai nghi phổ quát là tình trạng không đồng ý về bất cứ sự thật nào. Trong hòai nghi chủ ý, ý chí không đồng ý cả khi có có bằng chứng khá đầy đủ. (Từ nguyên Latinh dubium, nghi ngờ; từ chữ dubitare.)
Doubtful Conscience
Lương tâm hoài nghi. Là tình trạng tâm trí khi không thể chắc chắn quyết định thuận hay chống một chuỗi hành động, và làm cho người ấy không chắc chắn về luân lý của điều mình cần làm, hoặc điều mình có thể làm. Một dấu hiệu của lương tâm hòai nghi là làm nổi lên một phán đóan tích cực với nỗi lo sợ thận trọng là mình có thể sai lầm, hoặc làm nổi lên một phán đóan tiêu cực trong đó người ấy không biết liệu hành vi là hợp pháp hay không.
Doubting Faith
Đức tin hoài nghi. Là thuyết nói rằng, ít là trong thời hiện đại, người ta có thể là một người Công giáo tốt trong khi vẫn hoài nghi tích cực một hay nhiều tín điều. Mặc nhiên trong thuyết này, vốn bị Công đồng chung Vatican I lên án, là việc cho rằng “hòai nghi là một sự rèn luyện tinh thần”, vốn giả định “sự cởi mở thường xuyên cho sự thật”. Thuyết bỏ qua sự việc rằng Chúa luôn ban đủ ân sủng để tin, mà không chối bỏ hoặc nghi ngờ điều Chúa đã mặc khải là chắc chắn đúng.
Dove
Chim bồ câu. Là biểu tượng phổ quát của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa chịu phép rửa, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được ghi nhớ bằng chim câu đậu xuống trên Chúa Kitô (Mt 3:16; Mc 1:10, với các đọan tương tự trong Ga và Lc). Đi kèm với hình chim bồ câu trong nghệ thuật là Bảy Ơn Chúa Thánh Thần, thường được diễn tả bằng các lưỡi lửa. Chim bồ câu với bảy ngọn lửa cũng là biểu tượng cho bí tích Thêm sức. Hình nhiều chim câu tượng trưng cho các linh hồn và thường được vẽ với chén thánh, diễn tả việc các linh hồn được nuôi dưỡng với Máu Châu Báu Chúa Kitô. Chim câu mang cành lá ôliu là biểu tượng của hòa bình. Chung quanh hình thánh giá có 12 chim câu, đó là tượng trưng cho 12 thánh Tông đồ. Thánh Ambrose, thánh Âu Tinh, thánh Gregory Cả và thánh Gioan Kim Khẩu đều có hình chim câu như một biểu tượng của các ngài.
Dowry
Của hồi môn. Là một số tiền quy định hoặc của cải tương đương mà một nữ tu mang đến cho tu viện khi nhập Dòng. Số tiền này dùng để hỗ trợ cuộc sống cho nữ tu ấy, và thuộc về tu viện sau khi nữ tu khấn Dòng. Nếu nữ tu tiếp tục tu trì, số tiền ấy không được sử dụng với bất cứ lý do nào cho đến sau khi nữ tu qua đời. Trong trường hợp nữ tu không tu nữa, của hồi môn sẽ được trả nguyên vẹn cho cô, nhưng không tính liền lãi phát sinh từ khi cô vào Dòng. Của hồi môn cũng áp dụng cho số tiền hoặc tài sản mà người vợ đem về nhà chồng khi kết hôn. (Từ nguyên Latinh dotarium, từ chữ dos, quà tặng, hồi môn.)
Dowry Of Mary
Của hồi môn của Đức Mẹ Maria. Là danh hiệu ca ngợi dành cho người dân nước Anh thời xa xưa. Từ ngữ nầy được Thomas Arundel (1353-1414), Tổng giám mục Canterbury, diễn tả vào năm 1399: “Chúng tôi người Anh là người thừa hưởng di sản đặc biệt của Đức Mẹ và là của hồi môn của Đức Mẹ, như chúng tôi thường được gọi, nên chúng ta cần phải vượt qua nhưng người khác trong việc chúc tụng và sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.” Cũng còn gọi là “Của hồi môn của Đức Bà”.
Doxol
Doxol, Doxologia – Vinh tụng ca, câu kinh tán tụng.
Doxology
Vinh tụng ca, câu kinh tán tụng. Kinh Vinh danh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”, được đọc hay hát trong Thánh lễ, là Vinh tụng ca quan trọng. Còn kinh Sáng danh “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần” là Vinh tụng ca ít quan trọng hơn. (Từ nguyên Hi Lạp doxa, ý kiến, vinh danh + logia, khoa học, hiểu biết.)
D.R.
D.R., Decanus ruralis – linh mục hạt trưởng, linh mục phụ trách một số giáo xứ.
Drachma
Đồng hào drachma, đồng quan. Là đồng xu sử dụng như tiền bạc; người Hi Lạp đặt tên cho đồng tiền này. Trong dụ ngôn được thánh Luca kể lại, đồng quan bị đánh mất là tương đương với một denarius của người Roma (Lc 15:8-10). Nó có giá trị bằng tiền một ngày công thời Chúa Giêsu. (Từ nguyên Hi Lạp drachm_, một nắm.)
D.Sc.
D.Sc., Doctor scientiae (Scientiarum)—Tiến sĩ khoa học.