LTS. Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn, Gioan Baotixita Pham Minh Mẫn, đã khai mạc buổi hội thảo của 180 giáo chức Công Giáo qui tụ về tòa tổng giám mục để suy nghĩ và trao đổi về vấn đề giáo dục và thiên chức nhà giáo. Về thành phần tham dự, ngoài những giáo chức từ ngành mầm non đến đại học, còn có sự hiện diện của nhiều nhà giáo dục của các nhà mở và trường khuyết tật và thuyết trình viên buổi hội thảo là Linh Mục Nguyễn Thái Hợp. Ðề tài thuyết trình: Thách Ðố Của Nhà Giáo Công Giáo.Vietcatholic Network nhận thấy đây là tài liệu có nội dung sâu sắc nên, xin chia sẻ với quý vị độc giả.

THÁCH ÐỐ CỦA NHÀ GIÁO CÔNG GIÁO

Người nói được hay bị ngồi ở đây để chia sẻ về một đề tài mà chắc chắn người nghe nắm vững và am tường vấn đề hơn người nói. Chính vì vậy, những gì được trình bày ở chỉ là vài gợi ý tổng quát để đưa vào thảo luận. Trọng tâm của buổi sinh hoạt này là phần trao đổi ý kiến giữa chúng ta, chung quanh vai trò của Nhà Giáo trong đất nước hôm nay. Và mong ước thâm sâu của đức Tổng Giám mục cũng như của Ban Tổ chức là sau khi đã nhận diện vấn đề, các Nhà giáo Công giáo có thể cùng nhau đóng góp thêm nữa cho nền giáo dục của đất nước thân yêu.

1. Tương Quan Giữa Kiến Thức Và Phát Triển

Nhân loại đang tiến từ thời công nghiệp sang giai đoạn hậu công nghiệp, mà có người gọi nền văn minh trí tuệ hay xã hội chất xám. Hàm lượng về vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên, thiết bị máy móc, vốn và lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm sẽ giảm thiểu, nhưng ngược lại thông tin và hàm lượng về trí tuệ sẽ gia tăng. Sự thành công trong xã hội tương lai phụ thuộc rất nhiều ở nguồn nhân lực sáng tạo, khả năng nắm bắt cái mới, quyết định lựa chọn đúng đắn, khả năng triển khai cụ thể cho từng lãnh vực phát triển. Những người có tri thức mới sẽ có nhiều cơ hội trong thế giới tương lai, ngược lại những người không có tri thức mới sẽ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp hay bằng lòng với số lương thấp trong những ngành công nghệ cổ điển.

Ngân hàng Thế giới cũng công nhận “kiến thức là nhân tố cương yếu trong công cuộc phát triển cũng như trong mọi lãnh vực: thiếu nó chúng ta sẽ không thể làm được gì. Nói một cách giản dị, để sinh sống chúng ta phải biến đổi tài nguyên sẵn có thành những đồ vật mà chúng ta cần, và để thực hiện điều đó đòi hỏi phải có kiến thức. Nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày mai hơn ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn nâng cao mức sống của riêng mình, cũng như của gia đình hay quốc gia – tình trạng sức khỏe khả quan hơn, con cái có một nền giáo dục tốt hơn và môi sinh được bảo vệ tốt hơn – chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc biến đổi nhiều tài nguyên hơn nữa, bởi vì tài nguyên thiên nhiên luôn thiếu hụt. Chúng ta phải sử dụng chúng làm sao để lao động và đầu tư của chúng ta mỗi ngày tăng năng xuất. Để đạt tới điều đó luôn cần thiết kiến thức và tỉ lệ kiến thức này ngày càng lớn so với tài nguyên” .

Trong bản Báo cáo đệ trình UNESCO, Uỷ ban quốc tế về giáo dục của thế kỷ XXI đặt nổi vai trò của giáo dục trong phát triển. Việc tuyển mộ và việc đào tạo các giáo chức nghành khoa học và kỹ thuật để đảm nhận việc truyền đạt kiến thức khoa học có vai trò quyết định để vượt qua tình trạngnghèo đói và chậm tiến . Sử gia H.G. Wells còn quả quyết mạnh mẽ hơn: “Tương lai của nhân loại ngày càng mang dạng thức tình huống của một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm họa”.

Chính trong viễn tượng đó mà Ngân hàng Thế giới đã nhận định: “điều làm cho người nghèo – xét như cá nhân hay quốc gia – phân biệt với người giàu nằm ở chỗ người nghèo không những có ít vốn mà đồng thời cũng ít kiến thức nữa. Thông thường, việc tạo ra kiến thức phải trả bằng giá rất đắt, do đó kiến thức thường được sản xuất trong những nước kỹ nghệ. Tuy nhiên, những nước đang phát triển có thể thủ đắc kiến thức nơi những nước khác và cũng có thể tự mình tạo ra nó” . Lợi thế của các nước đi sau trong quá trình phát triển kinh tế và kỹ thuật là có thể tiếp thu nhanh và ít tốn kém kinh nghiệm phát triển đã tích lũy hàng chục năm của các nước công nghiệp.

Việc đầu tư vào vốn con người để nâng cao trình độ và khả năng sử dụng kỹ thuật được coi là một trong những nhân tố quyết định của việc phát triển. Tại Mỹ, chẳng hạn, một nghiên cứu mới đây cho thấy việc kéo dài thêm thời gian giáo dục ở học đường đã làm tăng trưởng khoảng 25% lợi tức bình quân trên đầu người trong khoảng thời gian từ 1929 – 1982. “Bốn mươi năm về trước, Nam Hàn và Ghana có thu nhập trên đầu người hầu như bằng nhau. Sự So sánh giữa Nam hàn và Ghana càng cho thấy rõ vấn đề hơn. Vào đầu thập niên 90, thu nhập của Nam Hàn gấp sáu lần thu nhập của Ghana. Một số chuyên viên cho rằng một nửa sự cách biệt này là do Nam Hàn đã thành công trong việc tiếp thu và sử dụng kiến thức” .

Trên phương diện lý thuyết, người ta thường so sánh kiến thức với tính phổ quát của ánh sáng: nó được nhiều người sử dụng đồng thời, có thể tới đến một cách dễ dàng tận hang cùng ngõ hẻm, chiếu sáng cuộc đời của mọi người và làm rõ nét những giao dịch kinh tế. Thomas Jefferson đã diễn tả mối tương quan này qua câu nói ví von: “Khi một người lãnh hội một ý tưởng của tôi, dĩ nhiên họ có thêm kiến thức, nhưng không vì thế mà tôi u mê hơn, tương tự như khi một người nào đó châm lửa từ ngọn nến của tôi: họ đón nhận ánh sáng, mà vẫn không làm cho tôi rơi vào bóng tối”.

Với cuộc cách mạng tin học, nhiều kiến thức đã trở thành gia sản chung của nhân loại và mọi người có thể sử dụng dễ dàng và hầu như không phải trả một đồng xu nào. Đây cũng là vận may cho các nước đang phát triển. Thay vì vất vả đi lại từ đầu để tái phám phá những gì đã trở thành tri thức chung của nhân loại, các nước nghèo có thể tiếp thu và sử dụng những kiến thức sẵn có tại các nước tiên tiến.

Trên thực tế, việc tiếp thu kiến thức không luôn luôn dễ dàng và lạc quan như vậy. Khả năng kỹ thuật và kiến thức của một cá nhân hay một tập thể, được thủ đắc qua giáo dục, kinh nghiệm và nghiên cứu, chỉ có thể chuyển thông sang môi trường khác một phần thôi. Dĩ nhiên, ngày nay các nước đang phát triển có thể mua một cách khá dễ dàng và trong một thời gian ngắn sản phẩm kỹ nghệ tối tân. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật không đồng nghĩa với việc mua hay sử dụng những sản phẩm kỹ nghệ. Tiến bộ kỹ thuật cũng không luôn đi đôi với khả năng kinh tế của những người tiêu thụ sản phẩm kỹ thuật. Việc chuyển thông đích thực về kiến thức và kỹ thuật phải được thực hiện trong đầu của các cá nhân hơn là trong các sản phẩm mà người ta có thể mua trên thị trường.

Ngoài ra, tạo ra kiến thức đòi hỏi phải đầu tư lâu dài và rất tốn kém. Các nước giàu và các xí nghiệp đa quốc gia đang nắm độc quyền kiến thức mới và kỹ thuật tân tiến. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho hiện tượng phân cực giàu – nghèo hiện nay ngày càng sâu thẳm. Để rút ngắn hố phân cách này đòi hỏi rất nhiều cố gắng để đầu tư vào vốn con người, mở cửa cho công nghệ nước ngoài, phát triển công nghệ thông tin, cộng với chính sách hữu hiệu của Nhà nước để rút ngắn hố cách biệt về kiến thức và sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức quốc tế . (Ngày mai: Sứ Vụ Của Giáo Dục).