Trung Đông (Al Jazeera) - Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đề cập đến “lòng tôn kính sâu xa” đối với Hồi giáo khi mới đặt chân đến Trung Đông trong cuộc tông du của ngài.

Sau khi tới Amman vào hôm qua Thứ Sáu, ngài nói rằng ngài đến thủ đô nước Jordan trong cương vị một “người hành hương đến kính viếng những địa điểm thánh thiêng đã đóng một vai trò quan trọng trong một số những biến cố chính yếu của lịch sử Kinh Thánh.”

Cuộc tông du kéo dài một tuần lễ của ngài được coi là nỗ lực nhằm sửa chữa những mối liên hệ căng thẳng với người Hồi giáo cũng như Do thái giáo, và yểm trợ cho thiểu số người theo Kitô giáo trong khu vực này.

Đức giáo hoàng nói rằng cuộc viếng thăm này cho ngài “cơ hội được nói lên lòng tôn kính sâu xa đối với cộng đồng Hồi giáo.”

Ngài nói: “Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người, và hy vọng tha thiết cũng như lời nguyện cầu của tôi là sự tôn trọng những quyền bất khả nhượng và phẩm giá của mỗi người nam nữ sẽ ngày càng được khẳng định và bảo vệ, không những chỉ toàn vùng Trung Đông, mà còn mọi nơi trên thế giới.”

Chuyến đi “thử thách”

Chuyến đi đầu tiên của ngài tới Trung Đông trong cương vị giáo hoàng, sẽ gồm cả cuộc viếng thăm Israel và vùng Tây Ngạn đang bị Do thái chiếm đóng.

Tòa thánh Vatican nói rằng cuộc hành hương của Đức giáo hoàng là “chuyến đi được trông chờ nhất và có lẽ thách đố nhất từ trước đến nay” của triều đại giáo hoàng Bênêđictô.

Tòa thánh cũng nói nguyên sự kiện chuyến đi thực hiện được đã là “một dấu chỉ hy vọng” rằng Đức giáo hoàng có thể đóng góp vào việc hòa giải tại Trung Đông.

Thông tín viên Barbara Serra thuộc hãng tin Al Jazeera, tường trình từ Amman, nói rằng giai đoạn thử thách nhất trong chuyến đi của Đức giáo hoàng sẽ là tại Israel và vùng Tây Ngạn

Bà nói: “Vatican thật khôn khéo muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là chuyến đi về chính trị… nhưng tôi nghĩ rằng thật là một điều ngây thơ khờ khạo nếu không nghĩ là mỗi lời Đức giáo hoàng thốt ra trong ít ngày sắp tới đây sẽ được một số người xét đoán qua lăng kính chính trị.”

“Đây quả thực là một thời gian nhạy cảm khó mà tin được, cho bất cứ vị giáo hoàng nào, nhất là chỉ ít tháng sau cuộc chiến tranh của Israel tại Dải Gaza.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô đã viếng thăm trung tâm Regina Pacis tại Amman dành cho người tàng tật hôm qua thứ Sáu trước khi hội kiến với gia đình hoàng gia nước Jordan.

Theo tin, ngài cũng sẽ viếng thăm các địa điểm ghi trong Kinh Thánh, như Núi Nebo, - nơi từ xa, Moisê đứng nhìn Vùng Đất Hứa -, và cử hành thánh lễ tại Amman với ước chừng 30 ngàn người tham dự.

Cuộc thăm viếng bị chỉ trích

Yousef Al-Sharif, Bộ trưởng thông tin nước Jordan đã hoan nghênh cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng, ông nói: “Chúng tôi thật vui mừng vì ngài đã bắt đầu cuộc hành hương khởi điểm từ Jordan.”

Nhưng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Jordan đã chỉ trích cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng vì bài diễn văn gây tranh cãi ngài đọc hồi năm 2006.

Vị giáo hoàng này đã làm nhiều người Hồi giáo tức giận khi trưng dẫn một văn bản hồi thời Trung cổ đã gán cho một số giáo huấn của Tiên tri Muhammed là “xấu xa và vô nhân.”

Sau này Đức giáo hoàng có nói rằng ngài “ân hận sâu xa” về phản ứng mà bài diễn từ gây ra, và giải thích rằng văn bản ngài trưng dẫn đã không phản ảnh những quan điểm của chính ngài.

Tổ chức Huynh đệ kêu gọi phải có một lời xin lỗi những người Hồi giáo trên cả thế giới, nói rằng lời tuyên bố hối tíếc của Đức giáo hoàng là “không đủ.”

Mặt trận Hành động Hồi giáo, một đảng đối lập tại Jordan, cũng đã kêu gọi Đức giáo hoàng xin lỗi về bài diễn từ đó, họ nói là nó nhắm mục tiêu vào Hồi giáo.

Zaki Bani Rsheid, chủ tịch đảng nói trên nói với thông tấn xã AFP: “Điều chúng tôi đòi hỏi là một sự thay đổi trong các chính sách của ngài, để cho phù hợp với những lời giảng huấn của Đức Giêsu về lòng yêu thương, hòa bình, công lý, bình đẳng, và những lời kết án tội ác cũng như chủ nghĩa khủng bố của người Do thái.”

Nền hòa bình “bị xáo trộn”

Đức giáo hoàng đã nói ngài tới thăm viếng vùng Trung Đông như “một người hành hương cổ võ hòa bình” trong một miền đất tràn lan tai họa vì bạo lực, bất công, ngờ vực và khiếp đảm.

Nhưng hồi tháng giêng ngài đã làm nhiều người Do thái tức giận khi cất vạ tuyệt thông cho Richard Williamson, một giám mục cực kỳ bảo thủ người nước Anh đã chối bỏ không có việc dùng những phòng giết người bằng hơi ngạt trong cuộc diệt chủng Do thái.

Liên quan đến bước đi đó, Bênêđictô đã thú nhận là Vatican đã phạm phải lầm lỗi, nhưng ngài kêu gọi người Công giáo ngưng đấu tranh nội bộ về vụ việc này.

Trong một lá thư gửi cho các giám mục Công giáo trên toàn thế giới hồi tháng 3 vừa qua, ngài viết: “Sự kiện hai tiến trình chồng chéo và trái ngược đã xảy ra và tức thời xáo trộn sự an bình giữa các Kitô hữu và người theo Do Thái Giáo, cũng như bình an trong nội bộ Giáo Hội, là điều tôi không biết nói gì hơn là hối tiếc sâu xa.”