Tế bào gốc phôi thai dưới nhãn quan xây dựng và nhãn quan phát triển

Theo tin của hãng CNA (Hãng Tin Công Giáo) ngày 9 tháng Ba, các nhà lãnh đạo Công Giáo và phò sự sống đã lên tiếng chỉ trích việc ông Obama hủy bỏ các hạn chế của chính phủ liên bang đối với việc sử dụng tế bào gốc để nghiên cứu, cho rằng sự thay đổi này “là một cái tát vào mặt” và đưa ra biện luận cho rằng tiến bộ khoa học không thể nào đi đôi với việc hủy diệt các mạng sống con người đang ở giai đoạn phôi thai.

Hành động của Obama

Hôm thứ Hai vừa qua, ông Obama đã ký hủy bỏ lệnh hành pháp năm 2001 của Tổng Thống George W. Bush từng ngăn cấm không được tài trợ bất cứ cuộc nghiên cứu nào sử dụng tới tế bào gốc của phôi thai được tạo ra sau ngày 9 tháng Tám năm 2001. Ông Paul A. Long, Phó Chủ Tịch phụ trách Chánh Sách Công của Hội Đồng Công Giáo Michigan, nói rằng lệnh hành pháp của tổng thống “đáng tiếc thay đã đặt ý thức hệ và lập trường chính trị lên trên cả các tiến bộ khoa học về trị liệu có giá trị… Hiện đã có vô vàn cuộc nghiên cứu và truyện kể về các bệnh nhân từng được chữa trị, thậm chí chữa khỏi các trạng huống làm suy nhược, nhờ trị liệu pháp dùng tế bào gốc nhưng không nhất thiết phải hủy diệt các phôi thai người, ấy thế mà hôm nay, tổng thống lại ký ban hành pháp lệnh biến mọi công dân Mỹ chịu thuế trở thành người đồng lõa bất đắc dĩ của việc hủy diệt các phôi thai người cho mục đích nghiên cứu thí nghiệm”.

Ông Long cũng trích dẫn lời nhận xét của Tổng Thống Obama đưa ra tại Buổi Cầu Nguyện Toàn Quốc sáng ngày 3 tháng Hai “Không một Thiên Chúa nào lại bỏ qua việc lấy mất sự sống của một con người nhân bản vô tội. Điều ấy, chúng tôi biết rất rõ”. Nhận định về nhận xét ấy của tổng thống, Ông Long cho hay: “điều bất hạnh, là giữa câu công bố sâu sắc ấy và pháp lệnh ngày hôm nay, không có sự nhất quán nào, vì thực ra, hủy bỏ các phôi thai nhân bản chính là lấy mất sự sống của các hữu thể nhân bản vô tội”.

Brian Burch, chủ tịch trang mạng CatholicVote.org, cho hay: “Mọi người Mỹ nên rùng mình” khi nghe công bố việc thay đổi chính sách trên. Ông Burch gọi các hành động mới đây của Tổng Thống Obama là các hành vi ảo thuật chống lại sự sống. Ông đơn cử các vụ việc sau: việc Obama đề cử Thống Đốc Kathleen Sebelius, “một thống đốc phò phá thai hạng nhất trên đất nước này”, làm Bộ Trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, động thái của chính phủ trong việc bãi bỏ các khoản luật nhằm bảo vệ lương tâm cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe, và việc ông ta ủng hộ dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu.

Ông Burch cho rằng cuộc nghiên cứu dùng tế bào gốc của phôi thai là “một cuộc nghiên cứu không được chứng nghiệm, một cuộc nghiên cứu không có hứa hẹn gì về phương diện khoa học và thực sự hủy diệt sự sống của trẻ chưa sinh”. Theo ông, các chính sách của Obama khiến những người Công Giáo từng ủng hộ ông làm tổng thống phải xấu hổ, vì các hành động của ông rõ ràng cho thấy ông là tổng thống phò phá thai hạng nhất trong suốt lịch sử của đất nước Hoa Kỳ.

Tony Perkins, chủ tịch Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình, cho hay: chính sách của tổng thống là “một cú tát vào mặt các người Mỹ từng tin vào phẩm giá của mọi sự sống nhân bản…Tôi tin rằng sử dụng sự sống con người, dù là sự sống phôi thai nhỏ bé, để tạo tiến bộ cho khoa học quả là một điều vô đạo đức. Dù, bất hạnh thay, cuộc nghiên cứu như thế có hợp pháp chăng nữa, thì vẫn không nên bắt người chịu thuế phải gánh chịu phí tổn cho những cuộc thử nghiệm đòi phải có việc hủy diệt sự sống con người… Sự thay đổi chính sách của Tổng Thống Obama càng làm ta hết sức bối rối khi đã có sẵn những tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng tế bào gốc người lớn để điều trị các bệnh nhân mà không gây hại hay không hủy hoại các phôi thai nhân bản”. Theo Perkins, dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu là thứ “khoa học nghèo nàn nhất về tế bào gốc”. Ông khuyến cáo nên gia tăng tài trợ cho việc dùng tế bào gốc người lớn để điều trị, vì hiện nay nó đã được dùng rộng rãi để điều trị hơn 70 chứng bệnh và bệnh trạng. Các tiến bộ gần đây trong việc tái thảo chương các tế bào của da người vào các tế bào gốc giống như phôi thai nên được tài trợ vì việc ấy không hủy diệt sự sống và do đó không đi ngược lại đạo đức học.

Chủ tịch tổ chức Phụ Nữ Quan Tâm Tới Hoa Kỳ là Wendy Wright nhấn mạnh tới việc hàng triệu Mỹ kim đã được đổ vào việc dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu tại các nơi như California và Anh. “Kết quả cho thấy một thất bại ê chề vì các tế bào gốc của phôi thai càng ngày càng bị coi như các cục bướu gây tử thương”. Bà nhận xét thêm rằng người ta đã chứng tỏ rằng các phương pháp thay thế cho việc dùng tế bào gốc phôi thai hiện đang “hữu năng, hữu hiệu và thực sự đang chữa trị được nhiều bệnh nhân”.

Jenn Giroux, chủ tịch hội Phụ Nữ Gây Ảnh Hưởng Cho Quốc Gia, nói rằng quyết định (của Obama) là một nhục mạ và xúc phạm tới những ai vốn tin tưởng Hoa Kỳ được xây dựng và duy trì nhờ “văn hóa sự sống”. Sau khi liệt kê nhiều hành động phò phá thai của Obama, Giroux tố cáo rằng hành động mới nhất của ông “khiến người ta có cảm giác như thể cả một đám khói đen dầy đặc đang che phủ đất nước và lính cứu hỏa thì tìm khắp không ra để mà giập tắt ngọn lửa”

Mục sư Patrick J. Mahoney, Giám Đốc Liên Minh Bảo Vệ Kitô Giáo, thì cho hay: việc thay đổi chính sách này cho thấy tổng thống “coi thường công bình xã hội và nhân quyền… Y khoa từng xác nhận rằng phôi thai chính là sự sống nhân bản, bất kể Tổng Thống Obama có thiếu giáo dục hay hiểu biết về vấn đề đó hay không. Trong quá khứ, ông Obama có lần nói rằng ‘mức lương của ông’ không giúp ông biết rõ lúc nào sự sống con người bắt đầu. Tôi muốn đề nghị điều này: như một phần trong kinh phí hàng tỉ mỹ kim của gói kích thích, mức lương của Tổng Thống nên được gia tăng để ông có thể theo đuổi hơn nền giáo dục tráng niên và hiểu được các sự kiện căn bản về sinh học và công bằng xã hội”.

Giống những người trên đây, Mahoney cũng cho rằng việc bãi bỏ hạn chế dùng ngân quĩ liên bang tài trợ cho việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai là một cú tát vào mặt những người Hoa Kỳ phò sự sống. Tổng thống Obama một lần nữa đã phá bỏ lời hứa lúc tranh cử là xây dựng sự hợp nhất và nhất trí giữa mọi tầng lớp”.

Cuối cùng Marjorie Dannenfelser, chủ tịch Danh Sách Susan B. Anthony, nhận định rằng: dù Nước Mỹ “đang kinh qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng… Người ta hết sức kinh hoàng khi nghe biết ưu tiên hàng đầu của Tổng Thống Obama là cổ vũ ý niệm cho rằng người chịu thuế Mỹ có nhiệm vụ phải tài trợ cho việc hủy diệt mạng sống nhân bản… Không phải là một trùng hợp khi việc hủy bỏ chính sách này lựa đúng giờ để bảo đảm nhận được tối đa ngân khoản của người chịu thuế. Các Viện Y Tế Quốc Gia đã nhận được 10.4 tỉ Mỹ kim trong Gói Kích Thích của ông Obama. Pháp lệnh hôm nay nhằm hủy bỏ chính sách của Ông Bush để cho phép Tổng Thống đẩy nhanh hàng tỉ bạc của người chịu thuế vào chương trình nghiên cứu tế bào gốc của phôi thai, mà không cần các lợi ích cho công chúng hay tranh cãi của Quốc Hội”.

Tại sao chống phá thai nhưng lại ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc phôi thai

Nhân mùa bầu cử năm ngoái, Hãng Tin Công Giáo (CNA), ngày 9 tháng Chín, có phát đi một bài viết của tiến sĩ Richard Stith bênh vực cho tính nhân bản của bào thai đang phát triển. Vị bác sĩ này khởi đầu bài viết của mình bằng cách nhắc tới một bài báo khác đăng trên tờ New York Times hồi tháng Mười Hai năm 2005 của nhà xã hội học Dalton Conley. Ông này cho rằng: phần đông người Mỹ coi bào thai là một cá thể đang được xây dựng (under construction). Quan điểm phổ quát về một phôi thai và bào thai “đang được xây dựng” chính là chìa khóa để ta hiểu tại sao người tốt vẫn coi luận điểm phò sự sống là phi lý, nếu không thì cũng không hợp lý, chỉ có tính tôn giáo, nhất là khi nói tới việc dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu.

Ý niệm xây dựng cũng giải thích lý do tại sao ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa là John MaCain đã có thể ủng hộ cả hai việc: quyền sống từ lúc tượng thai và dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu.

Chỉ cần nghĩ tới một cái gì đang được xây dựng, như một căn nhà, hay một công trình bác học, hay ta nên lấy thí dụ một chiếc xe đang được lắp ráp. Chiếc xe đó bắt đầu ở đó lúc nào? Đến thời điểm nào trong diễn trình lắp ráp, ta mới có thể nói “Chiếc xe đây rồi”? Một số người trong chúng ta có thể chỉ cần nhìn bề ngoài, cho nên nói rằng: chiếc xe kia rồi, khi thân xe tương đối đã hoàn chỉnh (tương tự như bào thai lúc được 10 tuần chẳng hạn). Một số người khác rất có thể chú ý tới khía cạnh vận hành (functional), cho nên chiếc xe chỉ có khi bộ máy xe đã được lắp ráp (giống như lúc bào thai bắt đầu biết đạp bụng mẹ). Nhiều người khác đợi tới lúc bánh xe được lắp ráp (giống như lúc bào thai có khả năng sống thoát) hay tới tận lúc chiếc quạt của kính chắn gió (nghĩa là lúc có thể sống thoát dưới mưa nắng). Nhưng cũng không thiếu người muốn nói: “Nó không phải là chiếc xe cho tới lúc lăn bánh ở ngoài đường (giống như lúc sinh ra)”. Ý kiến như thế khá dị biệt.

Tuy nhiên, có một điều mà có lẽ ai cũng phải đồng ý là: không ai bảo chiếc xe đã có đó ngay từ giây phút đầu của dây chuyền lắp ráp, khi con ốc đầu tiên hay con tán đầu tiên được gắn vào hay khi hai hay ba mảnh kim loại được hàn lại với nhau. Các mảnh kim khí hàn lại với nhau hình như chẳng ăn khớp chi với ý niệm của người ta về chiếc xe.

Thiển nghĩ đó chính là phương thức nhiều người dùng để nhìn một phôi thai, giống như chiếc xe tương lai đang nằm ở chỗ khởi đầu của diễn trình xây dựng. Trong các giai đoạn đầu của diễn trình xây dựng ấy, bạn chưa có được một căn nhà, một chiếc xe, một cá thể nhân bản. Không bao giờ bạn có được điều bạn đang chế tạo ngay ở lúc bắt đầu tạo ra nó. Điều ấy không có nghĩa: các ông bạn “duy xây dựng” (constructionist) của chúng ta chống lại sự sống. Họ có thể nghĩ rằng một trẻ thơ chỉ cần được bảo vệ tuyệt đối khi nó được tạo ra một cách hoàn bị. Cho nên, đối với họ, trước thời điểm ấy, phá thai đâu phải là sát nhân.

Điều gì sẽ xẩy ra khi một người duy xây dựng nghe người phò sự sống bảo rằng phôi thai con người cũng có cùng một quyền sống y như mọi hữu thể nhân bản khác? Nhà báo Michael Kinsley, người viết cho tờ Washington Post, đã phát biểu sự ngạc nhiên cùng cực của ông như sau: “Tôi không thể nào chia sẻ được, mà ngay cả dò chừng được, niềm xác tín của người phò sự sống cho rằng cái chấm li ti của kính hiển vi kia, cũng dễ bỏ qua như một viên sỏi, còn sơ khai hơn cả con trùng, lại có cùng một quyền lợi như những người đang đọc bài báo này”.

Bên dưới sự ngạc nhiên của Kinsley, ta thấy có một sự thật sâu sắc. Không có gì chắc chắn về một loại sự vật cho tới khi nó có được hình dạng của loại sự vật ấy, và hình dạng của một sự vật đang được xây dựng thì rõ ràng là chưa có ngay ở lúc khởi đầu của diễn trình xây dựng. Nó chưa có ở đó vì hình dạng kia còn đang được áp đặt từ bên ngoài và những con người hay lực lượng thực hiện việc xây dựng chưa có khả năng tạo khuôn cho vật liệu thô thành cái cuối cùng nó trở thành.

Thành ra, ý niệm xây dựng có một sự ăn có khá đặc biệt đối với cuộc tranh luận về nghiên cứu tế bào gốc phôi thai. Conley nhìn nhận có một thứ phẩm giá đặc thù, ít giá trị nơi một công trình đang diễn tiến (work-in-progress). Thí dụ, nếu ta nghĩ Thiên Chúa đang dấn thân vào việc tạo ra một Evà mới, bằng một chiếc xương và một hơi thở, chắc ta không nỡ hủy diệt công trình đang diễn tiến của Người, chỉ vì lòng kính trọng đối với Người. Như thế, nhiều người chúng ta có thể nghĩ chiếc xe Corvette Tương Lai cũng đã khá đẹp ngay lúc còn đang ở trên dây chuyền lắp ráp, một cái gì đó ta không nên phá hủy, vì nó đang ở trên đường trở thành một cái gì đó mà ta thực sự quan tâm. Nhưng nếu xưởng xe hơi sập tiệm sớm, thì mấy cái mảnh kim loại hàn lại với nhau trên dây chuyền lắp ráp kia chả là cái thá gì; cùng lắm chỉ còn là chất thải có thể tái chế biến mà thôi. Cũng thế, một phôi thai được thụ thai bên ngoài dạ con, mà không một kế hoạch nào được đưa ra để cấy nó giúp nó có khả thể được sinh ra, thì nó đâu có ở trên đường trở thành một cái gì. Do đó, nó có rất ít hay không có chút phẩm giá nào của một công trình đang diễn tiến, và phẩm giá của một công trình đang diễn tiến mới có giá trị đối với Conley và những người nhất trí với quan điểm duy xây dựng của ông ta.

Do đó, những người như John McCain và một số người khác cực lực phản đối ngừa thai, cả ở giai đoạn đầu, mới có lý do để cảm thấy thoải mái bỏ phiếu ủng hộ việc tài trợ cho các chương trình sử dụng phôi thai để nghiên cứu. Hình như theo họ, một bào thai hay phôi thai trong dạ mẹ là một công trình nhân thần vĩ đại đang diễn tiến và do đó không được phá bỏ, dù vừa mới được thụ thai, chỉ vì nó đang trong giai đoạn được xây dựng. Trong khi đó, hàng ngàn phôi thai đang được đông lạnh, do ống nghiệm tạo ra mà các khoa học gia muốn dùng để thí nghiệm thì không ở diễn trình đang được xây dựng, chỉ là những mảnh vụn vứt bỏ sau các cuộc điều trị IVF (thụ thai trong ống nghiệm), nên chúng có thể được tái biến chế mà không cần phải thắc mắc chi.

Phát triển thay vì xây dựng

Dù các giải thích của Conley dựa vào các ẩn dụ xây dựng có sức mạnh rất lớn để người ta hiểu cuộc tranh luận hiện nay về các vấn đề thuộc sự sống, nhưng từ căn bản, nó có tính cách lừa dối liên quan đến bản chất của việc thai nghén. Vì thực ra, thân xác các sinh vật không được xây dựng, dù là do Chúa hay do bất cứ ai. Không hề có người xây dựng hay người chế tạo ở bên ngoài. Sự sống không được chế tạo. Sự sống phát triển.

Trong xây dựng, hình dạng (form) xác định ra thực thể đang được xây dựng chỉ xuất hiện từ từ, như thể được thêm thắt từ bên ngoài. Trong phát triển, hình dạng xác định ra sự sống đang lớn lên (điều mà các truyền thống chính của Kitô giáo gọi là linh hồn) thì vốn ở bên trong nó ngay từ lúc đầu. Nếu việc sản xuất ra chiếc Corvette bị hủy bỏ, hai mảnh kim loại khởi thủy đã được gắn với nhau có thể trở thành khởi điểm cho một cái gì khác, có thể là một loại xe hơi khác, hay một chiếc máy giặt. Nhưng dù bạn có lấy một phôi thai nhân bản ra khỏi dạ mẹ, bạn cũng sẽ không bao giờ có thể triển khai nó thành một con chó con hay một con mèo con.

Các sinh vật không được tạo hình hay xác định từ bên ngoài. Nó tự xác định và tạo hình lấy mình. Hình dạng hay bản chất một sinh vật đã có ở đó từ lúc ban đầu, trong những gien đã được sinh động hóa, và từ cái hình dạng ấy nó bắt đầu tự biểu lộ mình ra ngay từ giây phút đầu của cuộc hiện sinh, trong một tác động qua lại tự định hướng có tính thay đổi hệ di truyền (self-directed epigenetic interaction) với môi trường của nó. Các phôi thai không cần phải được lên khuôn thành một kiểu loại hữu thể. Nó vốn đã là một loại hữu thể nhất định.

Ý niệm phát triển này, một thứ hiện diện liên tục nhưng tiệm tiến xuất hiện của một hữu thể, nằm rất sâu trong chính chúng ta. Sau đây là một điển hình phát triển không có tính sinh vật. Giả thiết ta trở lại với thời kỳ hình ảnh trước lúc có kỹ thuật số và bạn đang có trong tay một máy hình Polaroid và bạn chụp được một tấm hình bạn cho là độc đáo và giá trị, thí dụ tấm hình chụp một con báo đốm phóng ra từ một cánh rừng Mễ Tây Cơ. Con báo đốm bây giờ đã biến mất, nên bạn không có cách chi chụp lại được một tấm hình như vậy nữa, và bạn hết sức trân quí tấm hình ấy. (Ta đang cố gắng làm cho thí dụ này sóng đôi với con người nhân bản, vì ta vốn cho rằng mọi hữu thể nhân bản đều có giá trị độc đáo). Khi bạn kéo tấm phim đó ra và đang chờ “rửa” (phát triển) nó, thì tôi giật mất tấm phim đó khỏi tay bạn và do đó làm hư tấm phim. Khi bạn nổi nóng với tôi, tôi chỉ nói một cách vô tình: “Sao mà khùng quá vậy. Đó chẳng qua chỉ là một tấm giấy dơ bẩn mầu nâu. Tôi không thể tưởng tượng nổi có người lại bận tâm đến thế về một tấm giấy dơ bẩn như vậy”. Thử hỏi bạn có cho tôi là một tên mất trí hay không? Tấm ảnh của bạn đã có ở đấy rồi. Chỉ là chúng ta chưa có dịp nhìn thấy nó mà thôi!

Tại sao có đôi lúc ta thấy quan điệm duy xây dựng xem ra có giá trị, trong khi những lúc khác, quan điểm phát triển xem ra lại nghĩa lý hơn? Thiển nghĩ, xét theo trực giác, quan điểm duy xây dựng có tính cách lôi cuốn, bất cứ khi nào ta đẩy tương lai ra khỏi tâm trí … Bất cứ khi nào phôi thai hay bào thai được mô tả duy nhất bằng những nét hiện hữu biểu kiến hiện tại, thì ta đều rất dễ rơi vào chủ nghĩa duy xây dựng. Thí dụ, nếu ta thoáng chụp được bức hình lúc phôi thai mới chỉ là một quả cầu tế bào tí hon, thì việc tự định hướng đầy sinh động của nó sẽ không ai nhìn thấy. Quả cầu ấy thật bất động, vô lực. Thực thể nào chỉ có các đặc điểm phôi thai làm trạng thái tự nhiên sau cùng của mình quả không có tư cách là một hữu thể nhân bản, cho nên người ta dễ tưởng tượng việc thực thể trong bức ảnh kia không phải là người. Nhận thức khoa học về sinh hoạt nội tại của thực thể ấy vẫn không đủ để vượt qua cảm nghĩ trên, vì khó mà nhận ra một hình dạng chưa ai nhìn thấy.

Tuy nhiên, khi ta nhìn ngược lại thời gian hay dùng tâm trí hình dung ra hình dạng cụ thể sau cùng của một sinh vật, thì quan điểm phát triển lại lôi cuốn hơn, cả về phương diện trực giác. Vì nhờ biết rằng hình ảnh chờ khai triển của máy Polaroid đáng lẽ ra đã trở thành hình con báo đốm, ta nhận ra điều này: gọi nó là “tấm giấy dơ bẩn mầu nâu” quả là không thích đáng chút nào. Nếu bằng cách nào đó ta có được tấm hình cũ của anh bạn Thiện nào đó, chụp lúc anh ta mới được tượng thai trong lòng mẹ, lúc ấy dĩ nhiên anh ta chỉ là một núm tế bào nhỏ, nhưng giờ đây khi khoe anh ta, ta đâu có ngần ngại bảo anh ấy: “ê Thiện, là mày đó!”. Bởi vậy, cách hay nhất để đem quan điểm phát triển ra chống lại cuộc nghiên cứu hủy diệt phôi thai là nói với những người chủ trương ấy rằng: “Mỗi một người trong số bằng hữu của bạn trước đây đều là một phôi thai. Đáng lẽ ra mỗi một phôi thai bị hủy diệt một ngày kia đã trở thành người bạn của bạn rồi”.

Gỡ bỏ và khuyết tật

Sự chống chọi giữa hai quan điểm duy xây dựng và phát triển có thể cũng giúp ta làm sáng tỏ sự hiểu lầm hỗ tương hiện nay liên quan tới an tử, hay chết êm ái (euthanasia). Nếu chiếc Corvette dần dần bị gỡ bỏ hay tháo tung ra, thì tựu chung, nó hết còn danh xưng là một chiếc xe. Nếu bạn được tặng cái thân xe đã bị tháo tung của chiếc Corvette ấy, đã mất máy hay bánh xe, liệu bạn có cảm nghĩ là mình được tặng chiếc xe hay không? Nếu bạn chỉ nhận được chiếc khung xe mà thôi, thì sao? Đã đành, rất có thể những người yêu loại xe Corvette vẫn duy trì được một lòng ‘tôn kính’ đối với cái thân xe ấy, hay một phần khung xe ấy, vì dù sao, nó vốn là thành phần của chiếc Corvette kia, cho nên đối với họ, cố tình quăng bỏ nó đi là điều không đúng. Nhưng việc ấy xem ra không đến nỗi tệ bằng hủy diệt trọn cả chiếc xe. Ta thấy lối suy nghĩ ấy chả có chi sai nếu nói về các sáng chế nhân tạo, như chiếc xe hơi chẳng hạn. Một khi các thành phần cần thiết làm ra chiếc xe ấy đã không còn, thì chính hình dạng của nó không còn và do đó, chiếc xe cũng không còn nữa.

Tuy nhiên, sự sống có khác. Hình dạng (bản chất, danh từ triết học thường gọi là mô thức) của một sinh vật vừa đi trước vừa đi sau (perdures) một cách độc lập đối với dáng vẻ bề ngoài và chức năng của nó. Cái hình dạng đã sinh động hóa kia được gắn sâu vào mọi phần, mọi tế bào bên trong sinh vật ấy (trong hệ DNA đầy sinh động của nó). Bao lâu sinh vật khuyết tật còn là một cái gì đó, nghĩa là bao lâu nó còn duy trì được nó cách nào đó, chứ không trở thành một mớ hỗn độn các món đồ hỗn tạp, nghĩa là bao lâu nó vẫn còn sống, thì nó vẫn là cái nó luôn luôn là từ lúc khởi đầu mới phát triển. Thực vậy, tấm hình làm thí dụ trên đây không hoàn toàn nắm được bản chất sự sống. Tấm hình không tự duy trì được mình. Nếu bạn làm nó trầy sát sau khi đã được “rửa”, đến cố gắng tự làm lành lặn trở lại, nó cũng không làm được. Giống như một thực thể được xây dựng, nó chỉ là sự lắp ráp của nhiều thành tố khác nhau, bên trong không hề có một sức mạnh liên tục tự duy trì lấy hình dạng (hay mô thức) của mình. Vì sinh vật không phải chỉ là sự lắp ráp của nhiều thành tố, nên thực ra ta không thể đơn thuần xây dựng lên nó. Các người có quan điểm duy xây dựng, cả xưa lẫn nay, phải quay qua và đã quay qua quan điểm phát triển vào một thời điểm nào đó của thai kỳ, hay không bao lâu sau thời điểm ấy, để có thể giải thích được sự kiện này: các hữu thể nhân bản sống động quả có một hình dạng (mô thức) sống động và kết hợp bên trong, cho đến ngày họ qua đời.

Người chủ trương gỡ bỏ (deconstructionist) quên khuấy sự thật ấy và chủ trương một cách gây sai lầm rằng người đang trong trạng thái vốn có tên là “liên tục sống như rau cỏ” không còn phải là một hữu thể nhân bản nữa, đã vĩnh viễn đánh mất điều chúng ta vốn cho là đặc thù đối với chủng loại mình. Nhưng sự thật là người như thế không bao giờ đánh mất sức mạnh kết hợp luôn cho thấy tính người của mình, cho đến lúc họ qua đời. Mọi phần trong cơ thể đang hư hại của họ, mọi gien của họ, đều đang sinh động cố gắng tự sửa chữa các hư hao, và nói lên lý lẽ, ý chí và sự nối kết tự nhiên của họ với những người họ vốn yêu thương từ trước đến nay. Họ không bao giờ trở nên một cái gì khác, như rau cỏ chẳng hạn. Chính vì thế, tình trạng của họ bi đát, vì họ có một bản chất người, một bản chất đang hết sức thất vọng. Ta không thấy cái bi đát rau cỏ thực sự, vì con người lúc nào cũng có khả năng biểu lộ cái bản chất bên trong của mình.

Do tai nạn hay tuổi đời, nhiều người chúng ta sẽ trở thành hết còn khả năng phát biểu tốt, hay không còn phát biểu chi được nữa, các lời nói, các lý lẽ, các chọn lựa và tình yêu mà từ khi được tạo hình chúng ta vốn có. Tính người của chúng ta lại một lần nữa trở thành bị che phủ một phần, giống như lúc ta vừa được tượng thai, nhưng nó vẫn còn đó.