Bản sơ thảo để xin ý kiến quý cha và anh chị em.

Ars Antiqua
Âm nhạc cổ. Âm nhạc của thế kỷ 12 và 13.
Ars Artium
Luận lý học, nghệ thuật của các nghệ thuật. Luận lý học được gọi là “nghệ thuật của các nghệ thuật”, bởi vì mọi hoạt động của trí tuệ con người đều tùy thuộc vào lý luận hợp lý.
Ars Moriendi
Nghệ thuật chết. Người ta chỉ có nghệ thuật chết bằng cách thực hiện lối sống đàng hoàng phải lẽ.
Ars Nova
Cuốn Ars Nova. Sách về các chuyên luận của Philippe de Vitry (1291-1361); âm nhạc nửa đầu thế kỷ 14
Article Of Faith
Tín khỏan, tín điều. Là từ ngữ được sách giáo lý của công đồng chung Trente sử dụng, để nói về Kinh tin kính của các Tông đồ: “Các chân lý chính mà Kitô hữu phải tin giữ là các chân lý, mà các thánh Tông đồ, là thủ lĩnh và thầy dạy đức tin, được Chúa Thánh Thần linh ứng, đã chia ra thành 12 tín khoản.” Tuy nhiên từ ngữ “tín khoản" có một lịch sử lâu dài và dùng để chỉ định những gì một người công giáo phải tin, được Giáo hội định nghĩa như là được mặc khải, và thường được thẩm quyền của Giáo hội và huấn quyền phổ quát xác nhận là được mặc khải trong Kinh thánh hoặc thánh truyền. (Từ nguyên Latinh articulus, thành phần, phần nối; nghĩa đen, miếng nối nhỏ.)
Artificial Insemination
Thụ thai nhân tạo. Tiến trình tinh trùng người nam và trứng người nữ gặp nhau mà hoàn toàn không có sự giao hợp. Từ lâu được dùng trong các loài động vật, sự thực hành này không nêu ra vấn đề luân lý nào trong các dạng thấp của sinh vật. Giáo hội Công giáo dạy rằng thụ thai nhân tạo ở người vi phạm nhân phẩm con người và sự thánh thiện của hôn nhân, vì nó trái với luật tự nhiên và luật Chúa. Giáo huấn Công giáo về thụ thai nhân tạo ở người đã được Đức giáo hoàng Pius XII tóm lược trong một bài diễn văn với các bác sĩ công giáo (ngày 29-9-1949). Các chiều kích khác nhau của sự vô luân lý này gồm có: trong sự thụ tinh của người cho (thụ tinh với yếu tố tích cực của người cho); sự xâm phạm của người thứ ba đối với khế ước hôn nhân trong một thứ ngoại tình máy moc; sự vô trách nhiệm của người nam vì không làm tròn trách nhiệm làm bố; và sự bất thường của người nam thủ dâm nhằm có thể cho tinh trùng. Ngay cả khi sự thụ tinh có thể thực hiện một cách nhân tạo mà không cần tinh trùng của người nam (không cần thủ dâm), lời dạy của Đức Giáo hoàng vẫn nói rõ rằng, bất cứ tiến trình nào, xa cách hành vi thánh thiêng của sinh sản trong sự giao hợp thân mật vợ chồng, đều là mâu thuẫn với sự thánh thiện và nhân vị thân mật của sự kết hợp hai người nên một xương một thịt, và chỉ có sự giao hợp như thế mới phù hợp cho việc sinh con cái. Tuy nhiên, bao lâu sự toàn vẹn của hành vi giao hợp vợ chồng được duy trì, các kỹ thuật lâm sàng khác nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho tiến trình thụ thai là không bị lên án.
Artophorion
Nhà tạm trong nghi lễ Byzantine. Là nhà tạm chứa Mình Thánh Chúa trong nghi lễ Byzantine. Các Kitô hữu phương Đông ly khai không có sự tôn kính đặc biệt đối với Mình Thánh Chúa được cất giữ, ngoại trừ khi Mình thánh Chúa được mang tới cho người bệnh.
Ascent Of Mount Carmel
Lên núi Carmel. Là tác phẩm đầu tay của thánh Gioan Thánh giá (1542-91) về đời sống thiêng liêng, được viết vào khoảng giữa năm 1578 và 1580. Sách nhắm tới những người đọc là người quan tâm đến việc linh hướng. Chủ đề của cuốn sách là sự thanh luyện cần thiết của tâm trí, ý chí, và ngũ quan để có sự kết hiệp với Chúa.
Asceterion Or Ascetery
Ẩn viện, tu viện, nhà tĩnh tâm. Là tu viện cho các ẩn sĩ; cũng là nhà tĩnh tâm hay nơi vắng vẻ để thực hành linh thao, nhất là linh thao của thánh Ignatius (1491-1556). Tên gọi này được đặt lần đầu tiên cho các tu viện được thánh Charles Borromeo (1534-84) lập ra tại Milan. (Từ nguyên Latinh asceteria, ẩn viện; từ chữ Hi Lạp ask_t_s, ẩn tu.)
Ascetical Theology
Thần học tu đức khổ chế. Là khoa học về các thánh dựa vào sự nghiên cứu cuộc sống của các ngài. Thần học này nhằm làm cho người ta nên thánh bằng cách giải thích sự thánh thiện là gì và làm sao đạt tới sự thánh thiện ấy. Đây là khoa học dẫn đưa các linh hồn đi vào đường thánh thiện nhờ sự trưởng thành trong đức ái và thực hành cầu nguyện dẫn đến chiêm niệm. Nó là một phần của thần học thiêng liêng, vốn tập trung vào sự cộng tác của con người vào ân sủng và nhu cầu cố gắng của con người để đạt tới sự thánh thiện.
Asceticism
Thuật khổ chế, đời khổ hạnh. Nỗ lực hoặc tập luyện thiêng liêng trong đường nhân đức. Mục đích là để tăng trưởng trong sự trọn lành Kitô gíao. Nguyên tắc và qui định của nó được phát triển trong thần học tu đức khổ chế. (Từ nguyên Hi lạp ask_tikos, nghĩa đen là tập luyện; cần cù; áp dụng cho các ẩn tu sống khổ chế để nên thánh.)
Aseity
Tự hữu tính. Là thuộc tính của Chúa là hiện hữu mà không cần sáng tạo. Tạo vật hiện hữu như là kết quả của các sinh vật khác và cuối cùng là bởi Chúa; do đó, sinh vật là “tha khởi” (ab alio). Nhưng Chúa là đấng tự hữu (a se); Ngài là tự hữu hoàn tòan. (Từ nguyên Latinh a, từ + se, mình)
Ashes, Blessed
Tro làm phép. Một á bí tích của Giáo hội được dùng chủ yếu trong ngày thứ Tư lễ Tro, để nhắc nhở tín hữu về sự chết và sự cần thiết phải ăn năn sám hối, nhất là trong Mùa Chay. Việc dùng tro, diễn tả sự tự hạ nhục và buồn thương, là phổ biến trong các tôn giáo cổ, và thường được nhắc đến trong Cựu ước. Được những người trở lại đạo từ Do Thái giáo đưa vào Giáo hội sơ khai, trong nhiều thế kỷ tro chỉ được bỏ trên đầu các người đền tội công khai, những người gây vấp phạm công khai. Tro cũng được rắc trên chiếc áo nhặm của những người đền tội ấy trong ngày Thứ Tư lễ Tro khi họ đứng ở cửa nhà thờ. Ngày nay, người công giáo, kể cả các linh mục, nhận tro đặt trên đầu mình và nghe vị đặt tro đọc lời "Hãy từ bỏ tội lỗi và tin vào Tin Mừng,” hoặc "Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro.” Những cành lá không sử dụng trong ngày Chủ nhật Lẽ Lá sẽ được đốt lấy tro để sử dụng cho ngày Thứ Tư lễ Tro.
Ash Wednesday
Thứ tư lễ Tro. Ngày đầu tiên của mùa Chay. Ngày này được đặt tên như vậy vì trong ngày lễ ấy thường có rắc tro làm phép lên đầu các tín hữu. Ngày diễn ra lễ này tùy thuộc vào ngày Chủ nhật Phục Sinh. Trong thời Giáo hội sơ khai, các người đền tội công cộng được chấp nhận cho làm việc đền tội kể từ thứ Tư này. Và khi tập tục này không còn được áp dụng, từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ mười, việc ăn năn sám hối chung của toàn cộng đoàn được tổ chức. Việc này được tượng trưng bằng sự rắc tro lên đầu các giáo sĩ và giáo dân.
Askesis
Askesis, sự thực hành linh thao. Một từ ngữ trong truyền thống đan tu phương Đông, để chỉ mọi hình thức giữ kỷ luật, qui định của cộng đoàn, nhận lãnh các bí tích, và tham gia vào phụng vụ thánh, để nhờ đó một tu sĩ lớn lên về đường thiêng liêng.
Asperges
Asperges, rảy nước thánh. Từ ngữ Latinh đầu tiên của Thánh vịnh "Xin Chúa dùng cánh hương thảo rảy nước trên tôi”, được dùng để gọi nghi thức rảy nướ thánh lên các tín hữu ở đầu lễ chủ nhật. Trong mùa Phục sinh, ca vịnh "Asperges" được thay thế bằng ca vịnh "Vidi Aquam" (Tôi đã thấy nước.) (Từ nguyên Latinh asperges, hãy rảy nước; từ chữ aspergere, rảy nước.)
Aspergill
Que rảy nước thánh. Một que nhỏ hoặc dụng cụ nhỏ dùng để rảy nước thánh trong các nghi thức phụng vụ.
Aspersion
Rảy nước (Kiểu rửa tội); sự rảy nước thánh. Là việc rửa tội, trong trường hợp khẩn cấp, bằng cách rảy nước thánh lên đầu người chịu phép Rửa tội. Từ ngữ này cũng dùng để gọi việc rảy nước thánh nói chung.
Aspiration
Lời nguyện tắt. Là lời nguyện ngắn theo công thức với khoảng mười chữ. Nó được diễn tả trong việc chọn từ ngữ, đôi khi là thi ca, với mục đích giúp người ta duy trì tinh thần hồi tâm trước sự hiên diện của Chúa vào đầu ngày. Các lời nguyện tắt này thường được Giáo hội ban tiểu xá. (Từ nguyên Latinh aspirare, nghĩa đen là thì thầm.)
Assent
Tin nhận, tín phục. Sự chấp nhận bằng trí tuệ một phán đóan đặc biệt là đúng sự thật. Sự đồng ý này là từ nội tâm, nhưng cũng có thể diễn đạt ra bên ngoài bằng lời nói hoặc dấu hiệu. Vì Giáo hội là một định chế hữu hình, các thành phần của Giáo hội không chỉ đồng ý với các gíao huấn của Giáo hội từ nội tâm, mà còn biểu lộ ra bề ngòai nữa. Và trong việc nhận lãnh một số bí tích, sự đồng ý bề ngòai cần được nêu rõ, chẳng hạn một vài dấu hiệu diễn tả việc chấp thuận người bạn đời của mình trong lễ cưới. (Từ nguyên Latinh assensus, đồng ý, chấp thuận, nhất là về phần tâm trí, tín phục.)
Assisi
Átxidi. Thành phố của thánh Phanxicô ở miền trung nước Ý. Là một trong các trung tâm nhiệt thành nhất về đường thiêng liêng của Kitô giáo. Tại đó, có một nhà thờ nhỏ trong một nhà thờ lớn, đó là nguyện đường Porziuncula được dòng Biển Đức tặng lại cho dòng Phanxicô và được thánh Phanxicô (1181-1226) đích thân trùng tu. Chính nơi đây, thánh nhân nhận được lời mời gọi của Chúa Kitô, và thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn. Cũng tại nơi đây thánh nữ Clara (1194-1253) nhận áo dòng và dòng nữ Clara khó nghèo thành hình. Cũng tại đây vào năm 1216, trong một thị kiến thánh Phanxicô tiếp nhận từ Chúa Kitô "Đại xá Átxidi," vốn trao đại xá cho bất cứ người hành hương nào đủ điều kiện nhận lãnh. Năm 1569 thánh Đức Giáo hòang Pius V ra lệnh xây cất một nhà thờ lớn tại đó, và Porziuncula trở thành một đền thánh nhỏ mà thôi. Nhà thờ đổi tên thành nhà thờ Đức Mẹ các Thiên thần, và đến năm 1909 được Đức Giáo hòang Puis X nâng lên hàng vương cung thánh đường với một nhà nguyện giáo hòang. Trận động đất năm 1832 phá hủy phần lớn phần bên trong nhà thờ, chỉ có mái vòm và nhà nguyện Porziuncula còn nguyên vẹn. Nhà thờ được trùng tu năm 1840. Nhà thờ thánh Đamianô, nơi các bà Clara đầu tiên trú ngụ cho tới năm 1260, được xây dựng một phần từ thế kỷ thứ tám. Nơi đây có phòng hát kinh và nhà ngủ nhỏ, nơi Đức Giáo hòang đã đến thăm thánh nữ Clara trước khi bà qua đời. Trên bàn thờ trong ngôi nhà nguyện dài bằng đá thô, có bản sao của cây thánh giá mà từ đó Chúa Kitô nói với thánh Phanxicô "Hãy đi sửa lại nhà Ta." Cây thánh giá gốc đã được đem đến vương cung thánh đường mới kính thánh Clara, khi nhà thờ cũ bị bỏ đi. Nhiều thánh tích Phan sinh được để trong vương cung thánh đường này, trong đó có mộ của thánh nữ Clara ở tầng hầm. Còn vương cung thánh đường dâng kính thánh Phanxicô nằm chồng lên một nhà thờ lớn khác, nơi có hầm mộ của "Il Poverello" (Tiểu tử thanh bần, một tên gọi của thánh Phanxicô.) Phần trên của nhà thờ có nhiều bức họa trên tường của danh họa Cimabue. Vương cung thánh đường phía dưới có nhiều ngôi nhà thờ nhỏ kính nhiều vị thánh, được trang trí với nhiều bức họa của các họa sĩ Giotto (1266-1337), Cimabue (1240-1302), và Lorenzetti (thế kỷ 14). Trong gian ngang của nhà thờ là bức họa nổi tiếng có nền mạ vàng, vẽ Đức mẹ, Chúa Hài nhi, với thánh Phanxicô và thánh Gioan, Đức Trinh nữ đang chỉ tay, nói với Con dấu ái của Ngài về vị tu sĩ thánh thiện. Áo dòng, mũ trùm đầu, và đôi dép cũ của thánh nhân, bộ luật dòng đầu tiên, và lá thư viết tay để chúc lành cho thầy Lêô còn được lưu giữ tại đây.
Assistants At The Throne
Các vị phụ tá ở ngai tòa. Đây là tên dành để gọi các thương phụ, tổng giám mục, và các giám mục, là những vị kể từ thế kỷ 11 được Đức Giáo hòang tôn vinh cách đặc biệt, vì trong các nghi thức phụng vụ, các vị được ngồi cạnh Đức Giáo hòang. Hiện nay các vị phụ tá ở ngai tòa cũng là các giám chức ở giáo triều (antistites urbani). Các vị không mất chức khi Đức Giáo hòang băng hà.
Assumption Chapel
Nhà nguyện Đức Mẹ Lên Trời. Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ Lên rời, được xây dựng để tạ ơn Đức Mẹ, do Đức Mẹ đã giúp khử trừ nạn châu chấu ở khu vực vào mùa xuân năm 1877. Nhà nguyện này tạo lạc ở Cold Spring, bang Minnesota (Mỹ), phía tây bắc của Minneapolis.
Assumptionists
Tu sĩ Dòng Mông Triệu. Đây là dòng tu sĩ Âu Tinh Đức Mẹ Mông Triệu, được Emmanuel Daudé d'Alzon thành lập tại Nîmes (Pháp) năm 1845. Dòng được Đức Giáo hòang Pius IX cổ vũ qua một đỏan sắc năm 1864, và được chính thức thành lập vào năm 1923. Bị giải tán bởi một sắc lệnh nhà nước Pháp năm 1909, dòng đã có nhiều công sức về giáo dục, viết sách và sứ vụ mục vụ. Dòng xuất bản tạp chí Echos d'Orient (Tiếng vọng phương Đông) từ năm 1897, và trong số các vị tham gia viết bài có nhà giáo phụ học F. Cayre và chuyên viên về Kitô giáo phương Đông M. Jugie. Sáu tu hội của Dòng nữ Mông Triệu có quy chế tòa thánh.
Asterisk
Vật trùm bánh thánh. Là một dụng cụ phụng vụ trong nghi lễ Hi lạp. Nó được làm bằng hai đường vòng bằng bạc hay vàng, đan chéo nhau để tạo thành một vòm cung đôi; nó được đặt trùm lên bánh thánh trong phần đầu thánh lễ nhằm không cho tiếp xúc với khăn che chén.
Athanasian Creed
Bản tuyên tín thánh Atanaxiô. Là lời tuyên xưng đức tin có từ cuối thế kỷ thứ tư và được gán cho thánh Atanaxiô (296-373) là tác giả. Nó khác với các bản tuyên tín tiêu chuẩn khác về độ dài lạ thường của nó, và về các vạ tuyệt thông chống lại những ai chối bỏ các tín lý của bản tuyên tín này. Chữ mở đầu Quicumque cũng được lấy làm đầu đề cho bản tiếng Latinh, và câu đầu tiên viết: “Nếu ai muốn được cứu độ, trước tiên phải giữ đức tin công giáo.”
Atheism
Chủ nghĩa vô thần. Là sự chối bỏ một Thiên Chúa bản vị, Đấng khác hòan tòan với thế giới Người đã dựng ra. Chủ nghĩa vô thần hiện đại đã trở nên rất đa dạng và lan tràn đến nỗi Công đồng chung Vatican II đã xác định ít nhất tám dạng vô tín ngưỡng trong một từ ngữ duy nhất atheismus (chủ nghĩa vô thần): "Thực vậy, có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa cả. Có người muốn cứu xét vấn đề về Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Có người hình dung ra cho mình một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi biểu tượng mà họ bài xích không còn điểm nào là Thiên Chúa của Phúc Âm cả. Cả vấn đề về Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó" (Giáo hội trong thế giới ngày nay, I, 19). Dưới ánh sáng của lọat vô tín ngưỡng này, công đồng chung có lý khi tuyên bố rằng chủ nghĩa vô thần là một trong các vấn đế lớn nhất mà con người phải đối mặt trong thế giới hôm nay. (Từ nguyên Hi Lạp atheos, chối bỏ thần, không tin có Chúa.)
Athos
Núi Athos. Là “Núi thánh” nổi tiếng hoặc một bán đảo nhô ra biển Aegean từ bờ biển Macedonia và kết thúc ở Núi Athos. Khỏang 20 tu viện Chính thống giáo tọa lạc trên bán đảo này, và các tu viện đang lưu giữ nhiểu bản viết tay có gía trị và nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Attachment
Sự gắn bó, quyến luyến, sự dính bén. Một sự lệ thuộc về tình cảm, hoặc của người này với người khác, hoặc của một người với một vật có thật hay là ảo tưởng. Các sự quyến luyến giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển đường thiêng liêng, bởi vì điều kiện đầu tiên trong tiến bộ về đường thánh thiện là phải làm chủ các sự gắn bó quá đáng của mình.
Attention
Sự tập trung, tập chú, chú ý. Sự tập trung cố ý về một hành vi hoặc một việc làm, chẳng hạn cầu nguyện hoặc ban các phép bí tích. Đây là sự tập trung trong cầu nguyện, mặc dầu chủ yếu là một thái độ của tình cảm và ý chí. Sự tập trung tâm trí chỉ là cần thiết trong chừng mực mà ý chí đòi hỏi sự nhận thức của trí tuệ về người chúng ta đang cầu nguyện với hoặc chúng ta đang hiện diện trước mặt ai. Điều quan trọng hơn đó là sự sắp xếp sẵn sàng của tâm hồn.
Attitude
Thái độ. Bẩm chất quen thuộc để suy nghĩ hoặc hành động trong cách nào đó. Thái độ còn là tổng cộng tính cách luân lý của một người đáp trả với một người, một ý tưởng hoặc một tình hình nào đó. (Từ nguyên Latinh aptitudo, sự thích hợp, xu hướng, phù hợp.)
Attrition
Ăn năn, úy hối. Là sự ăn năn sám hối còn thiếu sót, là sự ăn năn về tội, dựa vào đức tin, từ các động cơ quan tâm đến mình chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa trọn vẹn. (Từ nguyên Latinh ad, đến + terere, xóa: attritio, sự xóa sạch, sự nghiền không hoàn tòan; sự ăn năn chưa trọn vẹn của tâm hồn.)
Attritionism
Thuyết úy hối. Là thuyết nói rằng sự ăn năn bất tòan, nghĩa là ăn năn vì tội không phải vì lòng yêu mến Chúa đầy đủ, là chưa đủ cho việc tha tội hợp lý trong bí tích hòa giải. Luther (1483-1546) tấn công úy hối như là như là “sự ăn năn của giá treo cổ” do sự sợ Chúa phạt. Nhưng công đồng chung Trent tuyên bố rằng sự úy hối là sự chuẩn bị đạo đức tốt cho bí tích hòa giải.
A.U..
Alma Urbs, Thành đô yêu dấu, Roma
Auction
Sự bán đấu giá. Việc bán công khai trong đó hàng hóa được trưng ra và được bán cho người trả giá cao nhất. Luân lý công giáo dạy rằng bất cứ gía nào bán trong cuộc đấu giá sẽ là giá hợp lý, miễn là người ta không dùng các phương tiện gian lận để nâng gía bán hoặc hạ giá.
Auctorem Fidei
Sắc chỉ Auctorem Fidei. Là sắc chỉ của Đức Giáo hòang Pius VI, vào năm 1794, lên án 85 luận đề của Nghị hội phái Jansenist của Ý ở Pistoia, do giám mục Scipione de'Ricci (1741-1810) cầm đầu. Trong các quan điểm khác bị lên án có thuyết cho rằng các hội đồng giám mục cấp quốc gia có quyền cởi buộc độc lập với Tòa thánh.
Audiences, Papal
Yết kiến, tiếp kiến. Cuộc tiếp kiến Đức Giáo hòang dành cho các người liên quan, giáo sĩ hay giáo dân, cần bàn việc với Tòa thánh. Cuộc tiếp kiến đòi hòi sự có mặt của Trưởng Văn phòng Quản gia Giáo hòang (Maestro di Camera), ngay cả đối với các giám mục, đại sứ hoặc bề trên dòng tu. Các dòng tu được tiếp vào ngày ấn định. Các hồng y tổng trưởng các thánh bộ được Đức Giáo hòang tiếp đều đặn, các lời khuyên được ban và các sắc lệnh được ký trong cuộc tiếp này. Các nguyên thủ quốc gia được tiếp trong cuộc tiếp kiến chính thức. Các cuộc tiếp kiến đặc biệt hoặc riêng tư dành cho các nhóm các nhân đi theo một trật tự đã định. Thông thường một lá thư giới thiệu từ một Giám mục địa phương được một chức sắc ở Vatican tiếp nhận, và vị này chuyển lời thỉnh cầu đến Trưởng Văn phòng Quản gia Giáo hòang. Nếu cuộc tiếp kiến được dự trù, thẻ chấp thuận tiếp kiến với ngày giờ được ấn định sẽ được chuyển đến người xin tiếp kiến. Các cuộc tiếp kiến chung mới được thực hiện cách đây vài chục năm. Cuộc tiếp kiến diễn ra tại Sảnh Tiếp kiến, được xây dựng năm 1971, trong Vương cung thánh đường hoặc Quảng trường thánh Phêrô, hoặc tại dinh thự mùa hè Castel Gondolfo của Đức Giáo hòang.
Auditor
Chưởng lý. Người chuẩn bị hồ sơ cho một vụ án theo thủ tục của Giáo hội. Người ấy triệu tập và giới thiệu các người chứng, chuẩn bị tài liệu pháp lý, và tóm lược các hồ sơ. Người ấy không bao giờ công bố lời tuyên án cuối cùng, trừ khi được phép đặc biệt để làm việc này. Người ấy được Giám mục bổ nhiệm, hoặc là thường xuyên hoặc theo từng vụ án. Chưởng lý của Tòa Thánh phụ trách phần việc giúp bổ nhiệm các giám mục mới.
Augustine, Rule Of St
Luật thánh Âu Tinh. Tên này thường được gọi thay cho Regula Sancti Augustini (Luật thánh Âu Tinh), do một trong các môn đệ của thánh Âu Tinh (354-430) soạn ra, nhưng dựa vào các chỉ thị của thánh Âu Tinh cho hai nhóm người thánh hiến: các giáo sĩ được thánh nhân đào tạo trong một cộng đoàn đan tu, và các nữ tu đã được ngài viết cho một lá thư nổi tiếng nêu ra cách thức sống đời tu (năm 423). Không được áp dụng nhiều sau khi thánh nhân qua đời, luật trên được áp dụng trở lại vào cuối thế kỷ 11, và từ đó được nhiều hội dòng đan tu và chiêm niệm chọn, trong đó dòng Đa Minh, dòng các nữ tu dòng Đức Mẹ đi viếng.
Augustinianism
Học thuyết thánh Âu Tinh. Là tư tưởng của thánh Âu Tinh và các môn đệ của ngài. Trong một nghĩa kỹ thuật hơn, đó là sự giải thích thần học của thánh Âu Tinh, được Giáo hội chuẩn thuận, về sự sa ngã của con người, ân sủng, và sự tự do của ý chí trong sự hợp tác với ân sủng Chúa. Trong học thuyết của thánh Âu Tinh, có nhiều trường phái tư tưởng, và tất cả đều thuộc chủ nghĩa đa nguyên thần học của Giáo hội.
Augustinians
Tu sĩ Dòng thánh Âu Tinh. Đây là một tên chung để gọi một số các dòng tu nam nữ dựa lối sống của mình vào Luật của thánh Âu Tinh. Trong các dòng nam có kinh sĩ Âu Tinh, từ thế kỷ 11; các thầy ẩn tu Âu Tinh, và Martin Luther thuộc nhóm đan sĩ này; tu sĩ dòng Cải tổ thánh Âu Tinh, hoặc ẩn tu đi chân đất; và tu sĩ Âu Tinh Mông Triệu, hoặc gọi tắt là tu sĩ Dòng Mông Triệu. Có tất cả 14 dòng tu theo luật thánh Âu Tinh.
Augustinus
Luận thuyết Âu Tinh. Là luận thuyết của Cornelius Jansenius (qua đời năm 1638), được xuất bản sau khi ông qua đời, trình bày các nguyên tắc cơ bản của thuyết Jansenius (đạo lý khắc khổ. Dựa vào các tác phẩm chống lạc thuyết Pêlagiô của thánh Âu Tinh, luận thuyết Âu Tinh chối bỏ sự hiện hữu của một trật tự siêu nhiên và sự có thể chống lại ân sủng. Luận thuyết này bị Đức Giáo hoàng Innocent X lên án là lạc giáo trong năm luận đề.
Aureola
Hào quang. Là phần thưởng đặc biệt trên thiên đàng cho ba lọai người đã chiến đấu và chiến thắng ở trần gian trong việc phục vụ Chúa. Hào quang dành cho các trinh nữ đã chiến thắng xác thịt (Kh 14:4); dành cho các vị tử vì đạo do đã chiến thắng thế gian (Mt 5:11-12); và cho các người thầy trung tín dạy sự thật vì đã chiến thắng ma quỷ, cha sự dối trá (Daniel 12:3; Mt 5:19). Đặc điểm chủ yếu của hào quang là sự vui mừng nổi bật vì đã chiến thắng các kẻ thù của việc cứu độ con người. (Từ nguyên Latinh aureola, hào quang, một vầng hào quang; từ chữ aurum, vàng.)
Aureole
Vầng hào quang. Là chùm tia sáng mạnh thỉnh thoảng được thấy chung quanh Mặt trời hoặc Mặt trăng. Được chọn từ thời Trung Cổ như là biểu tượng vinh quang thiên đàng của các thánh, vầng hào quang diễn tả vinh quang gắn với con người. Nó phải được phân biệt với vầng sáng hoặc quầng sáng trên đầu. Lúc ban đầu, nó chỉ được dùng để diễn tả Thiên Chúa mà thôi.
Aureole Of The Saints
Hào quang các thánh. Là các phần thưởng thiên đàng đặc biệt vượt quá hạnh phúc được nhìn thấy Chúa. Các phần thưởng này tương ứng với một hay nhiều chiến thắng của một vị thánh khi còn ở trần gian, nhất là chiến thắng xác thịt trong sự trinh tiết, chiến thắng thế gian trong sự tử vì đạo và chiến thắng ma quỷ trong việc rao giảng chân lý.
Auricular Confession
Xưng tội tòa kín. Là việc buộc theo luật Chúa phải xưng các tội trọng của mình, đã phạm sau khi chịu phép rửa rội, với một linh mục đủ tư cách. Việc xưng tội này gọi là xưng tội tòa kín, bởi vì việc xưng tội phải thực hiện bằng miệng nói cho vị linh mục nghe rõ, trước khi ngài xá tội cho. (Từ nguyên Latinh auricula, tai ngòai.)
Auriesville
Đền thánh Auriesville. Đền thánh dâng kính các thánh tử vì đạo Bắc Mỹ, gần Albany, New York, sát sông Mohawk. Năm 1642, linh mục Isaac Jogues (1607-47) và thầy trợ sĩ dòng Tên René Goupil (1606-42), từ Pháp mới đến và cố gắng cứu trợ cho người Da đỏ vùng Huron có nguy cơ chết đói, bị bộ tộc Iroquois bắt giữ và tra tấn tàn ác tại Ossernenon, nay là Auriesville. Thầy René Goupil bị chết sau đó. Còn cha Jogues phục hồi sức khỏe và được thuyết phục trở về Pháp, nhưng năm 1646 ngài trở lại địa điểm cũ cùng với John La Lande, một thanh niên Pháp 19 tuổi. Cả hai chịu tử vì đạo năm 1647. Auriesville, trước đó mang tên Ossernenon, đã được xác minh bằng tài liệu giấy tờ và các cuộc khai quật trên 600 mẫu Anh (243 ha). Cuộc hành hương đầu tiên được thực hiện năm 1885. Nhà nguyện nhỏ đã trở nên quá nhỏ để đón tiếp khách hành hương. Nhà thờ thứ hai chứa được 500 người, đã được thay thế bởi một khán đài vòng cung vào năm 1931 chứa được 16.000 người. Bốn bàn thờ chỉ bốn hướng nằm ở trung tâm của tòa nhà bằng gạch màu da bò, và trong mùa hè và mùa thu phải tăng thêm nhiều dãy ghế để chứa đủ lượng người đến dự lễ và chầu Mình thánh Chúa. Auriesville là một trung tâm tĩnh tâm quanh năm. Một viện bảo tàng bên cạnh nhà thờ lưu giữ nhiểu thánh tích quan trọng của các nhà truyền giáo và người Da đỏ trở lại đạo. Cha Jogues, thầy Goupil, và thanh niên La Lande được phong thánh năm 1930 cùng với Brébeuf (1593-1649), Lallemant 1610-49), và Daniel (1601-48), các bạn của họ qua đời như thánh tử vì đạo khi cố gắng giúp người Da đỏ Canada trở lại đạo. Lễ mừng chung các vị này được ấn định là ngày 19-10 hàng năm.
Auri Sacra Fames
Auri Sacra fames, lòng ham muốn vàng bạc. Cụm từ ngữ lấy theo câu nói của thánh Phaolô là lòng ham muốn vàng bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác. (I Tm 6:10).
Ausculta Fili
Ausculta Fili, “Con ta ơi, hãy nghe”. Lời mở đầu của Luật thánh Biển Đức. Châm ngôn của việc Giáo hội lo lắng cho các tín hữu, thúc giục họ sống đời nên thánh.