Sau khi Mỹ tự ý rút hết quân Mỹ trên bộ (1971), tự ý giảm dần rồi đi đến chỗ cắt đứt luôn viện trợ cho VNCH, Quân đội VNCH tự ý rút lui, thì CSVN, được lãnh đạo bởi những con người, coi mạng người như cỏ rác, luôn tự nhận mình có sứ mạng cứu rỗi cả thế giới bằng chủ nghĩa Mác-Lê, tự ý rơi vào cơn sốt hoang tưởng ta đây đã tự “chiến thắng tên đế quốc đầu sỏ hùng mạnh nhất thế giới”. Do đó tự suy ra mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”. Trong cơn mê sảng đó họ đã tự đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác trong thời hậu chiến. Từ 1986 cho tới nay, cái gọi là “đổi mới” lại đi ngược lại con đường chống Mỹ và đưa đất nước tiến lên XHCN mà trong 40 trước họ đã nướng vào đó sinh mạng của mấy triệu người và đẩy toàn dân đi vào chỗ đói khổ. Cả nước hết đi tới rồi lại đi lui trong vòng bế tắc lẩn quẩn XHCN không lối thoát.

Trong đoàn quân “chiến thắng”, những con người lôi thôi rách rưới đói rách về thể chất, u mê về tinh thần, vênh váo tiến vào thống trị Miền Nam năm 1975, “chân ta bước lòng ung dung tự hào”, cũng còn được vài người có dũng khí dám nói lên cái vỡ mộng tan tành khi được mở mắt ra nhìn thẳng vào sự thật.

Bảo Ninh (Hoàng Ấu Phương), sinh năm 1952 tại Nghệ An. Cũng như tuyệt đại đa số thanh niên miền Bắc bị Bác và Đảng đẩy vào chiến trường khi mới 17 tuổi. Năm 1987 ông xuất bản Nỗi Buồn Chiến Tranh gây chấn động dư luận. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm sau đó tác phẩm đã bị cấm, mặc dù cuốn sách vẫn rất được ưa thích, dịch sang tiếng Anh với tựa “The Sorrow of War”. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã không hề lên án mà thực chất còn ca tụng “phe ngụy” nữa. Người chiến thắng lại mang tâm trạng đau đớn dằn vặt của kẻ chiến bại. Vượng, một lái tăng T54 đã không lái nổi ôtô chạy trên con đường bằng phẳng vì chỉ quen lái tăng trên trên đồi núi lởm chởm. Điều này nói lên rằng khi người ta đã quen sống trong tối tăm mê muội họ sẽ thành phế nhân khi bước ra ánh sáng chân lý. Ai mới đích thực là người chiến thắng và ai là kẻ thất bại của cuộc chiến? Câu hỏi đó bỏ ngỏ để người đọc tự suy ra.

Những anh bộ đội đói rách khi tiến chiếm phi trường Tân Sơn Nhất dành giựt được vài gói mì ăn liền hè nhau ăn lấy ăn để và coi đó là hạnh phúc nhất trên đời. Trên đường “giải phóng Miền Nam” họ nghẹn ngào vì thấy một miền đất hứa đích thực mà họ không thể tưởng tượng nổi, những người “được giải phóng” sống sung sướng hơn ngàn lần người đi “giải phóng”. Vùng thảo nguyên bao la miền Nam Tây Nguyên: Từ đèo Ngoạn Mục, qua Đơn Dương, Đức Trọng, xuôi Quốc lộ 20 láng bóng, thẳng tắp về Di Linh... Người dân sống sung túc, mãn nguyện, yên hàn, dư đủ, có máy cày, máy nổ, TV, xe gắn máy, có hệ thống đường ống tưới nước cho cà phê. Quanh nhà trồng hoa. Sau nhà là vườn ăn quả.

Vân “còm”, cựu sinh viên kinh tế kế hoạch - đưa ra ý kiến: - Đấy, họ sống như thế đấy. Ốc đảo bình yên sung sướng thật. Nhưng tớ nghĩ đến mấy ông thầy của tớ ở trường đại học Hà Nội với những lý luận của các bố ấy mà hãi hùng. Nếu bọn ta đánh thắng có nghĩa là dọn đường cho mấy lão ấy tràn vào. Và khi đó thì nhân dân được giải phóng sẽ biết thế nào là thời thế mới?

Dương Thu Hương (sinh năm 1947) cũng ở trong đoàn quân “chiến thắng”. Trong đời bà có hai lần khóc. Lần thứ nhất khi ở trong đội quân chiến thắng vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải. Lần thứ hai tôi khóc là năm 1984 khi tôi đến Mascơva. Tất cả những người Việt Nam khác đến đấy đều hớn hở, sung sướng. Riêng tôi thì nhục nhã không thể tả được. Vì khi ở trong nước, tôi vẫn có ấn tượng dân tộc mình là dân tộc anh hùng và là một dân tộc cũng có được một cuộc sống xứng đáng. Nhưng khi đến Mascơva trong một phái đoàn điện ảnh trẻ thì tôi mới nhìn thấy ra rằng, người Việt Nam bị khinh bỉ vì đói rách và vô liêm sỉ. Khi đứng ở khách sạn Peking nhìn xuống đường, tôi thấy những đoàn đại biểu Việt Nam trong những bộ quần áo complet gớm ghiếc trông như những đàn bò đi trong thành phố. Tôi hoàn toàn vỡ mộng và tôi khóc.

Cuốn truyện xuất bản vào đầu năm 2009 của nhà văn đã lấy chủ đề là Hồ Chí Minh. Suốt đời ông đã bon chen, bơi trong những dòng nước mắt và máu của toàn dân, trèo được lên đỉnh cao nhất của danh vọng và quyền lực trong toàn bộ lịch sử VN bằng cách đạp đầu cưỡi cổ người khác, đi lên trên những xác người. Trên đỉnh cao chói lọi đó ông bị rớt xuống vực thẳm không đáy trong gọng kìm khống chế của 2 gian tặc Lê Duẫn và Lê Đức Thọ. Ông nhận ra mình đâu phải là một đấng thánh nào cả, thân phận con người của ông vẫn thèm nhất một hơi ấm đàn bà nơi cô Xuân, chỉ bằng 1/3 tuổi ông (một cháu ngoan Bác Hồ), người sau đó bị chính các đồng chí của ông hãm hiếp và sát hại vào năm 1957. 'Đỉnh Cao Chói Lọi' đã thu hút 100.000 lượt người đọc trên internet. Dựa trên quá trình khảo cứu kéo dài 15 năm, Dương Thu Hương tiết lộ cô Xuân đã sinh cho ông Hồ hai người con trước khi bị ám sát, xác bị vứt ra đường giả làm tai nạn giao thông. Sau đó đảng đã xóa bỏ mọi dấu tích của mối tình này. Lúc ông Hồ đã gần 80 tuổi, yếu bệnh, ông tự ý gỡ bỏ ống truyền dịch để chết sớm hơn cho đúng ngày 2-9-1969, ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập, nhằm tỏ thái độ phản kháng trước đảng CS. Nhưng nào chết rồi có được yên thân, ĐCS đã moi tim, moi ruột, hút não ông ra, ướp xác thối của ông để trưng bầy trong lăng HCM trong 40 năm qua, trái với ước nguyện cuối cùng được hỏa táng của ông. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chi phí duy trì lăng hàng năm có thể nuôi sống 200 ngàn người nghèo ở VN. Đó là kết thúc của đỉnh cao chói lọi của HCM.

Tôi cho rằng cuốn sách này đã đích thực tôn vinh ông Hồ bằng cách phục hồi thân phận con người như mọi người bình thường của ông. Chỉ có đảng CS mới sỉ nhục ông bằng cách phong thánh và bắt toàn dân mù quáng sùng bái thây ma HCM như một đấng giáo chủ. Con nít chưa có đủ trí khôn phải nằm mơ thấy Bác. Người lớn phải sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác. Lời Bác là chân lý. Đời Bác là ánh sáng chỉ đường. Bác trở thành một đấng cứu thế mới cho đất nước.

Tôi nghĩ không chỉ riêng ông Hồ, mà mọi người sinh ra trên thế gian đều mang bản chất khao khát vươn lên một đỉnh cao huy hoàng. Nhà thơ Xuân Diệu đã tài tình nói lên bản năng gốc này của chúng sinh qua câu thơ nổi tiếng:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.


Người tin vào Đức Giê-su biết rằng chỉ có một đỉnh cao đích thực duy nhất có khả năng giải phóng con người: Đỉnh Cao Thập Giá.

Đó là con đường của Đấng đã từ đỉnh cao tuyệt đối: chính là Thiên Chúa, đi xuống vực thẳm tận cùng: trở nên con người và bị đóng đinh vào Thập Giá.

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”
. (Pl 2,6-11)

Con người Giê-su đó có một sức hút lạ lùng vì ngoài Người ra nào có ai có những Lời sáng soi cho kiếp người lầm than như thế. Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Nhưng nhiều người muốn bẻ cong Lời để mưu lợi riêng cho mình, vì thế Lời thay vì mang đến ơn cứu độ lại trở thành án phạt cho họ. Thiên Chúa đã đặt hài nhi (Giê-su) này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên (Lc 2,34).

càng ngày càng có nhiều giáo phái Ki-tô mới nở rộ ra, họ cũng tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su nhưng tha hồ diễn dịch Lời ra sao cũng được. Cũng như các chính trị gia muốn lấy phiếu của đa số cử tri, các giáo phái này cũng muốn chiêu mộ thật đông tín đồ khi không kết án các tệ nạn phá thai, ly dị, tự do tình dục, đồng tính luyến ái, trợ tử… Tại Trung Quốc số người gia nhập các giáo hội Tin Lành đã lên con số trăm triệu. Trong đời mình, Phao-lô cũng đã gặp nhiều thành phần như thế. Nhưng thánh nhân đã có một tiêu chuẩn không thể nhầm lẫn được để biết đâu mới đích thực là Đức Giê-su Cứu Thế. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá (1Cr 2,2).

Theo Đức Giê-su để đi lên đỉnh cao Thập Giá không có cách gì khác là phải cùng vác thập giá với Người. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt 10,38)

Thập giá đó là chấp nhận suốt đời mình chỉ một người vợ người chồng cho dù người này luôn có những giới hạn, có khi ốm đau, có khi thất nghiệp, có khi trái tính trái nết.

Thập giá đó là nhất quyết không phá thai mà dám đón nhận những đứa con, cho dù có thể chúng sẽ tật nguyền, kém cỏi, trở thành gánh nặng suốt đời cho mình.

Thập giá đó là đón nhận con người và cuộc đời của ta, có những giới hạn, bệnh tật, đau đớn hoang mang cô đơn cho tới phút cuối cùng khi xuôi tay nhắm mắt trong kiếp người.

Thập giá đó là dám chia sẻ đi những cái ít oi mà mình có cho những người nghèo hơn, khốn khổ hơn.

Thập giá đó là trung thành với ơn gọi làm Ngôn Sứ cho đời của mình cho dù luôn bị hiểu lầm, kết án và nguyền rủa.

Đức Giê-su đã trở về với địa vị Thiên Chúa của Người chỉ bằng con đường Thập Giá mà thôi. Con đường Thập Giá của Người luôn mở rộng và chào đón mọi người tin dấn bước theo để sau cùng họ sẽ được bước vào ngôi nhà đời đời của Thiên Chúa như những người con Thiên Chúa thật sự giống như Đức Giê-su.

Đỉnh Cao Chói Lọi của Hồ Chí Minh đã làm ông chết ngạt không toàn thây nhưng Đỉnh Cao Thập Giá của Đức Giê-su sẽ làm cho mọi người được sống và sống dồi dào cho tới kỳ cùng.