Cha giáo Gioan Baotixita Bùi Chu Thi luôn luôn gieo vào tâm khảm đám học trò của ngài tư tưởng và hành động truyền giáo. Giờ học nào (Thần học luân lý, Tu đức, Thuyết giảng, Mục vụ …) đều có câu truyện về Truyền giáo. Dịp Tết, nói về “môn thịt”, ngài nói sang “thịt chó”, nói tới bác đồ tể: người làm thịt chó nhìn bất kỳ con chó nào đều “cân” đựợc con chó đó nặng bao nhiêu ký, thịt ngon ở mức độ nào, nấu với gia vị nào mới ngon. Truyền giáo cũng vậy, nói chuyện vơi ai, ở môi trường nào có thể nói về Chúa cho họ bằng cách nào (nghĩa là phải có một “bén nhảy” như có một giác quan nơi người làm thịt chó cũng như nơi nhà truyền giáo).

Nhiều lần đi tham quan Hội Hoa Xuân tại Công viên văn hóa Tao đàn Saigòn, kẻ hèn nầy vẫn có một câu hỏi “làm sao nói về Chúa ở đây ” mà người ta có thể chấp nhận đựơc?. Hội Hoa Xuân Bính Tuất Tao đàn năm 2006, đi đến quầy “thư pháp”, kẻ nầy thấy người ta trổ tài viết chữ “rồng bay phượng múa “ tuyệt đẹp, họ cũng trưng bày thư pháp “mười lăm điều Đức Phật dạy “. Ai bảo họ dám “truyền đạo ở đây?”. Qua các quầy quảng cáo trà, kẻ nầy mua “Trà dược thảo “ nhãn hiệu Thiên sơn, Công ty THHH Hồng vương, có thư giới thiệu của Linh mục Bề trên Bêđa Ngô Minh Thuý. Kể ra cũng có một thứ hơi “nhà đạo” ở đây ?!

Tết Đinh Hợi, Hội Hoa Xuân Tao đàn phong phú hơn năm trước và mở nhiều ngày hơn (12-02-2007 – 24-02-2007), nhiều nơi tham dự. Một khu vực khá lớn, ngoài dề bảng: Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Huế, (dưới) Trung tâm công viên cây xanh Huế, có một căn nhà gỗ tuyệt đẹp của Huế đập vào mắt khách tham quan. Những câu đối treo trên cột gỗ, chữ nghĩa treo la liệt ở vách trong. Âm thanh của một bà đọc lên: Phật tâm, lúc kẻ nầy đang học viết trên tay hai chữ nầy. Dưới hai chữ Phật tâm, có tờ giấy đề: vế trên: Phật tại thế gian thường cứu khổ, vế dưới: Phật Tâm vô xứ bất từ bi, Duy Dũng Tác.

Một câu đối gỗ viết bốn dòng chữ Hán, có dịch ra: Đặt Ma Sư Tổ: Kiến tiên thành Phật, Trực chỉ nhân tâm, Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự.

Căn nhà gỗ của xứ Huế chịu ảnh hưởng Phật giáo được trưng bày trong Hội Hoa Xuân Tao đàn Saigon, có thể trên nửa triệu nguời khắp nơi tới chiêm ngắm, ai bảo họ có ý truyền bá Đạo Phật tại đây ? Ngược lại ai bảo họ không nói về Đạo Phật?

Còn nhớ Hội Sách tháng ba năm 2004 tại 111 đường Huyện Thanh Quan, quận 3, Saigòn, rất nhiều nhà xuất bản trưng bày các tác phẩm in ấn của mình. Đi qua một quầy hàng sách Tôn giáo, cảnh chợ chiều vì ít người tới, lưa thưa mấy quyển Thánh Kinh, cũng dễ hiểu thôi vì người trong cuộc không làm, nhân viên Hội Sách làm lấy để cho có đủ lễ bộ. Dịp nầy linh mục Nguyễn Hữu Triết được giải thưởng vì có quyển sách quý hiếm mà ngài sưu tập được. Kẻ nầy mua quyển Từ điển Tôn giáo của Nhà xuất bản Khoa học xã hội để làm kỷ niệm.

Tết Mậu Tý năm 2008, dân Saigon yêu thích chữ NHẪN, số người xin chữ nầy khoảng tám mươi phần trăm. Tại Hội Hoa Xuân Tao đàn, vườn thư pháp trưng bày chữ NHẪN và chữ MẸ nhiều nhất như hình đề ca tụng các bà mẹ nước ta sống và làm công việc cách kiên nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhục. Chữ “nhẫn” là chữ Hán, gồm có: chữ nhẫn ở trên, chỉ cách đọc, nhưng cũng có nghĩa: cái gai, mũi nhọn của dao, chữ tâm ở dưới. Đọc kỹ những giải thích, người ta cũng nói tới Phật Quan âm Thị Kính.

Năm nay (2009), đi xem Hội Hoa Xuân Tao đàn mừng năm Con Trâu, cảnh vật càng phong phú hơn trước, có cả nghệ nhân Hàn quốc và Nhật bổn góp sức, tôi đi vào Khu Trưng bày trong Bộ Tiểu cảnh: tác phẩm thật là “tiểu cảnh” (cây cảnh) đặt trên “mâm”, dài, ngắn, rộng theo cây cảnh.

Tác phẩm “Xuân bình an” được huy chương vàng: một cây Sam (Xam) núi mọc từ trong một tảng đá (cao chừng 50 cm, với khoảng 16cm x 22cm) vươn ra tỏa bóng dài).

Tác phẩm “Rưng chiều” huy chương bạc gồm chín cây Linh Sam, như hình nghệ nhân có tài tách thân một cây thành chín cây.

Tác phẩm “Cảnh chiều” đươc huy chương đồng la một cây Mai chiếu thủy ở trên đồi phủ hết khu vực.

Tác phẩm “Cây đa bến đò xưa”, “ Dấu ấn thời xưa”, không cần thấy, chỉ cần đọc ta có thể hình dung ra được, nhưng thật ra trăm nghe không bằng một thấy đâu nhé. Thật tuyệt !

Và tôi để ý tới tác phẩm “Niệm Phật”: cây bồ đề mọc trên gò đất, phát triển mạnh, bao phụ ngọn đồi, phía dưới một vị tăng ngồi thiền.

Lạy Chúa, khi nào thì “tác phẩm về Chúa” có mặt tại đây. Như hình công việc truyền giáo ở ta không để ý và nắm bắt thời cơ để hoà mình với dân chúng. Tiếng nói của mình chỉ trong nhà thờ và dành cho người có Đạo, nếu không muốn nói là không có sáng kiến “bung ra”. Thí dụ, mỗi năm người ta vận động có 25 bài hát nói về thành phố, không có một bài nhạc nào của linh mục nhạc sỹ, hoặc giáo dân nhạc sỹ đóng góp để ca tụng tình người trên thành phố (không có chút chính trị nào). Có làm cũng chỉ dành riêng cho người có đạo hát trong nhà thờ.

Đi vào các nhà sách ở Saigon, chi thấy có các sách của Phật giáo, có một vài quyển của ngươi công giáo viết (Ông Hoàng xuân Việt). Còn các sách Đạo chỉ bán nơi các nhà sách Đạo và chỉ phục vụ cho người có Đạo. Vào nhà sách Nhân dân, cầm quyển Việt nam phong tục của Phan kế Binh, do Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1997, tôi giở ra đọc đoạn tác giả viết vê Gia tô giáo, tôi thầm cám ơn tác giả: cụ ơi! ít nhất là có cụ nói về đạo chúng tôi trong Nhà sách nầy, mặc dầu cụ nói không đúng mấy.

Về ngôi Nhà thờ nhỏ bé mang tiếng là “xây dựng” nhưng chưa xây, chưa dựng được, mặt tiền Nhà thờ, một tấm biển cao 4 mét, rộng 6 mét, hình Đức Mẹ Nữ vương bồng Chúa Con, một bên có cây mai khoe màu vàng tươi và bên kia cây đào khoe sắc hồng đào, phía trên có vần chữ Latinh tên thông điệp thứ hai của Đức Bênêdictô 16: SPE SALVI FACTI SUMUS và được dịch là: Nhờ hy vọng, chúng ta được cứu độ, bên dưới có câu: chúc mừng năm mới, câu đối mau trắng in chồng lên hai cây hoa: Xuân đất trời phúc lộc thọ, Tết người thế từ nhân tâm . Rõ ràng đất trời tạo ra bốn mùa, hay nói theo khoa học, vì quả đất quay quanh mặt trời theo quỹ đạo hình bầu dục một vòng mất 365 ngày và quay quanh mình một vòng mất 24 giờ và quanh chênh với đường tâm nên tạo thành bốn mùa, và nếu lần tới nguyên nhân tối cao sáng tạo mặt trời, quả đất thì vũ trụ nầy tự nói chính là Thiên Chúa tạo thành. Tết người thế vì con người lập ra cái Tết: hiện nay, Trung hoa, Việt nam ăn Tết vào mồng một tháng giêng Âm lich, Thái lan ăn Tết vào tháng khác, đồng bào Khờ me ăn Tết vào tháng khác … Ba chữ: PHÚC (may mắn, tốt lành), LỘC (bổng lộc, lương bổng, chỉ tiền của), THỌ (sống lâu), và thường được ghép thành: phúc thọ, phúc lộc, lộc thọ. Nếu lộc nhiều, thọ lâu (trường thọ) mà không có phúc thì …. Nếu lộc nhiều mà chết yểu … Nếu sống thọ mà không có điều kiện sống thì đa thọ đa nhục. Ba chữ: TỪ NHÂN TÂM được ghép thành: từ nhân, từ tâm, nhân tâm. Từ phản nghĩa với ác: ác nhân, ác tâm.Nhưng nếu có nhân, có tâm tốt mà không có từ nhân (lettré) tức là không có học thức, không có kiến thức thì dễ rơi vào sai lầm. Ngày Xuân, xin lãm bàn lấy vui, mong các bậc thức giả miễn thứ cho.

Hai câu đối trên chứa đựng một ước mong, một hy vọng cho một đời người. Nếu tôi biết đặt hy vọng vào Thiên Chúa, nếu tôi biết cậy trông vào Thiên Chúa và với nỗ lực của tôi, tôi sẽ được Thiên Chúa cứu độ tôi và giúp ích cho tha nhân nữa.

Mồng Ba Tết Kỷ Sửu (28-01-2009)