KUALA LUMPUR (AFP) - Một tuần báo Công giáo ở Malaysia (Mã lai á) đã bất chấp lệnh cấm không được dùng từ “Allah” để phiên dịch từ “God” (Thiên Chúa), trong cuộc tranh chấp với chính quyền khi nhà nuớc đe dọa đóng cửa tờ báo này.

Biên tập báo Herald là Lm Lawrence Andrew cho biết rằng từ ngữ bị cấm đó sẽ được sử dụng trong số báo ra tuần này và cha có ý định tiếp tục dùng như thế cho đến khi vấn đề được toà án quyết định vào tháng tới.

Cha nói với thông tấn xã AFP: “Chúng tôi thấy sự hạn chế không được dùng từ “Allah” là điều không thể chấp nhận được, bởi vì chúng tôi đã dùng từ này để phiên dịch từ “God” tại Malaysia suốt bao nhiêu thế kỷ.”

Nhà chức trách nói rằng từ ngữ đó chỉ được dùng trong phạm vi người Hồi giáo mà thôi.

Tháng trước, chính quyền ra lệnh cho tờ Herald không được dùng từ này trong ấn bản tiếng Mã lai cho đến khi tòa án ra quyết định; đó cũng là điều kiện để báo này được tiếp tục in các ấn bản tiếng Anh, Hoa và Tamil.

Nhưng sau khi tờ Herald cảnh báo rằng họ sẽ dùng các biện pháp liên quan đến pháp luật để lật ngược lệnh cấm của chính quyền thì bộ nội vụ nhượng bộ và nói rằng báo có thể tiếp tục phát hành với điều kiện không được dùng từ ngữ đang tranh chấp trong các bản dịch.

Cha Andrew nói: “Munshi Abdullah, người cha của nền văn chương Mã lai hiện đại, đã phiên dịch Thánh kinh ra tiếng Mã lai năm 1852, và ông đã dùng từ “Allah” để dịch từ “God”; đó là chứng cứ lịch sử mạnh mẽ về những từ ngữ chúng tôi đang sử dụng đã có từ hàng thế kỷ trước.”

Tờ báo Herald lưu hành trong nhóm người Công giáo trong nước (khoảng 850 ngàn người), năm ngoái đã suýt mất đi giấy phép xuất bản vì đã dùng từ ngữ đang bị tranh chấp đó.

Tôn giáo và ngôn ngữ là những vấn đề nhậy cảm tại Malaysia, nơi 60% dân số cả nước (27 triệu người) đều là người Mã lai theo Hồi giáo.

Phần dân số còn lại gồm các bộ tộc thổ dân cũng như người gốc Hoa và Ấn độ, theo các tôn giáo như Phật giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác.

Các nhóm thiểu số này than phiền về việc đất nước bị “Hồi giáo hóa” và nói rằng quyền của họ bị mất dần.