Tư Liệu Thánh Kinh: người và tôn giáo Canaan

Trên Núi Xi-nai, Chúa truyền cho dân Ít-ra-en không được thờ chúa nào khác ngoài Ngài. Vì thế khi vào đất Ca-na-an, người Ít-ra-en phải tránh mọi tiếp xúc với tôn giáo bản địa. Nhưng trước cả lúc họ vào đất Ca-na-an, người Ít-ra-en đã thờ thần Ba-an, vốn là thần của dân Ca-na-an, rồi. Khi họ định cư xong tại Ðất Hứa, Ba-an trở thành địch thủ nghiêm trọng đối với Thiên Chúa của Ít-ra-en.

Sách Thủ Lãnh miêu tả những rắc rối do việc trên tạo nên và cho thấy những người như Ghít-ôn đã chống đối việc thờ ngẫu thần Ba-an ra sao. Mặc dầu việc thờ ấy ít được nhắc đến dưới thời Đa-vít và Sa-lô-môn, nhưng sau đó, dưới thời A-kháp trị vì vương quốc Ít-ra-en ở phía Bắc, thì Ba-an gần như loại hẳn Thiên Chúa của Ít-ra-en qua một bên. Ðó là do công trình của I-de-ven, vợ A-kháp, người vốn xuất thân từ thành Xi-đôn của Ca-na-an và mang theo nhiều giáo sĩ Ba-an với mình. Xh 20:3; 23:23, 24. 1V 16:29 và các chương kế tiếp.

Các thần Ca-na-an: Các thần nam và nữ của Ca-na-an đều là những sức mạnh trong thiên nhiên được bản vị hóa. Ba-an, có nghĩa là ‘chúa’, chính là tước hiệu của Ha-đát, thần khí hậu (tên này có âm gần giống như sấm sét). Hắn kiểm soát mưa, sương mù, và sương sa, và do đó, giữ chìa khóa mùa màng là điều cốt yếu sinh tồn của dân Ca-na-an. Vợ của Ba-an là Astarte, cũng có tên là Anat, nữ thần tình yêu và chiến tranh. Cha của Ba-an là El, chúa tể các thần, nhưng đến thời dân Ít-ra-en vào đất Ca-na-an, hắn chỉ còn hư vị. Vợ của El là Át-sê-ra, nữ thần mẹ và là nữ thần biển cả. Cả Át-sê-ra lẫn Astarte đôi khi được gọi là ‘Bà Chúa’ (Ba-anat).

Các thần hàng đầu khác là Shamash, mặt trời; Reshef, thần chiến tranh và âm phủ; Dagon, lúa; và nhiều thần nhỏ khác tạo thành gia đình và triều đình các thần lớn hơn. Bức tranh tổng quát này thay đổi từ nơi này qua nơi khác vì mỗi thị trấn đều có thần hộ mệnh hay thần sùng kính riêng, cũng được gọi là “chúa’ hay ‘bà chúa’ riêng của họ.

Sự tích các thần: Sự tích các thần nam, thần nữ được các nguồn Ca-na-an và ngoại quốc cung cấp. Tất cả đều tàn bạo, khát máu, thích đấm đá lẫn nhau, và thoả mãn nhục dục hoang dâm vô độ với nhau. Các thần này can thiệp vào thế sự chỉ là vì tính ngông cuồng đùa nghịch của họ mà thôi, không hề để ý đến những hậu quả đau khổ gây nên.

Dĩ nhiên những câu truyện trên gây nhiều tác dụng trên việc thờ phượng của người Ca-na-an. Những hội hè tôn giáo trở thành những cử hành hạ cấp, thoả mãn khía cạnh thú vật trong bản chất con người. Ngay các nhà văn Hy Lạp và La Mã cũng ngỡ ngàng trước những sự việc người Ca-na-an thực hiện nhân danh tôn giáo. Bởi thế không lạ gì khi Thánh Kinh hoàn toàn lên án các tội ác của họ. Ðnl 18:9; 1V 14:22-24; Hs 4:12-14.

Ðền thờ và giáo sĩ: Các thần quan trọng được dâng kính những đền thờ nguy nga tại các thành phố lớn, có đủ giáo sĩ, ca đoàn và gia nhân phục dịch. Vào những ngày lễ thánh, vua chúa xếp hàng dâng hy lễ. Một số được toàn thiêu; một số chừa lại phân phối cho dân. Vào những dịp lễ trọng, người dân thường cũng được gia nhập đoàn rước hay chứng kiến đoàn rước từ xa. Nhưng chính đền thờ thì không lớn, nên chỉ một số nhỏ vào được bên trong.

Vấn đề danh dự khiến ông vua nào cũng muốn làm cho đền thờ càng tráng lệ bao nhiêu càng hay, lát tượng thần cũng như các bức tường của đền thánh bằng đủ thứ qúy kim, và cung cấp những chén dĩa bằng vàng để đựng thức ăn cho các thần. Ngoài tượng thần, hay một con vật biểu tượng cho vị thần ấy (Ba-an được biểu tượng bằng con bò đực, Át-sê-ra bằng con sư tử), còn có bàn thờ để dâng lễ, bàn thờ để niệm hương, và vô số trụ đá nữa. Những cột này vốn được tin là nơi ngự của các thần. Cũng có những trụ đá, bàn thờ, và cột gỗ hay thân cây dựng tại những ngôi đền trống mái để thường dân có thể tới đó dễ dàng mà dâng lễ vật hay cầu khấn. Trụ thường biểu tượng cho Ba-an, còn cột tượng trưng cho Át-sê-ra (xem Ðnl 12:3). Khi dâng của lễ, giáo sĩ thường quan sát bộ lòng của con vật để tiên đoán vận hên sui cho người thờ phượng (xem Tôn giáo Át-sua và Tôn giáo Ba-by-lon). Những cách bói toán khác là ngắm các vì sao, liên lạc với người chết, và thôi miên. Các giáo sĩ cũng được yêu cầu chữa bệnh bằng cầu khấn hay niệm thần chú.

Của lễ: Của lễ dâng cho các thần thường là thú vật hay thực phẩm. Sự kiện Ít-ra-en được truyền phải tránh lấy người làm hy lễ, và sau này tư liệu từ các văn bản Hy Lạp cũng như La Mã, chứng tỏ việc này có xẩy ra, nhưng không rõ có xẩy ra thường xuyên hay không. Có lẽ hình thức dâng lễ ấy chỉ xẩy ra trong những hoàn cảnh bất thường mà thôi, như giải pháp cuối cùng để có thể được thần thương đoái. Thần Molech, vị được nêu danh khi hình thức hy lễ này được nhắc tới hình như là vị thần của âm phủ.

Ngôn ngữ Ca-na-an và ngôn ngữ Hi-bá-lai có một số từ ngữ chung chỉ về hy lễ, giáo sĩ, và những vấn đề tôn giáo khác. Ngoài ra còn có những thuật ngữ khác giống nhau nữa. Hiển nhiên hai ngôn ngữ này đều có một kho từ ngữ chung; nhưng các ý niệm được chúng biểu hiệu thì khác nhau tùy theo nơi và tín ngưỡng. Lv 18:21; Ðnl 12:31; 2V 3:27.

Tôn giáo Ít-ra-en và tôn giáo Ca-na-an: Tôn giáo của người Ca-na-an hoàn toàn khác tôn giáo của người Ít-ra-en. Trong tôn giáo Ca-na-an, không có chứng cớ gì về một bộ luật điều hướng đức hạnh con người như Mười Giới Răn. Cũng không thấy nhắc đến tình yêu đối với bất cứ vị thần nào và xem ra chẳng có niềm vui cũng như niềm hạnh phúc nào trong việc thờ phượng của người Ca-na-an. Mặt khác, tư liệu của chúng ta khá giới hạn, và cần nên nhớ rằng người ta chờ mong vua phải chăm sóc kẻ nghèo, các quả phụ và cô nhi.

Những người Ít-ra-en đến xâm nhập dễ bị cám dỗ trong việc tôn kính các thần hiện đang được tôn kính tại mảnh đất này và chịu trách nhiệm về sự mầu mỡ phì nhiêu của nó. Song song với điều trên, việc thờ phượng các thần Ca-na-an quả không có những đòi hỏi gắt gao như luật lệ và nghi thức của It-ra-en. Nên nhiều người Do Thái đã không cưỡng lại được cơn cám dỗ trên. Kết quả dần dần họ đã tuột dốc rớt xuống những thảm hoạ được kể lại trong Sách Các Vua. Chúa của Ít-ra-en đòi người ta phải tuyệt đối trung thành.

Người Ca-na-an

Khoảng năm 1330 Trước CN, ‘Ca-na-an’ là một tỉnh của Ai Cập gồm Li-băng, Xi-ri và vùng đất sau này trở thành lãnh thổ Ít-ra-en. Ðịa danh này đầu tiên rất có thể chỉ đồng bằng duyên hải, sau đó mới nới rộng để bao gồm luôn các bộ tộc sống tại vùng rừng núi, tức người E-mô-ri (xem Ds 13:29; 35:10; Gs 5:1). Ngoài hai sắc dân Ca-na-an và E-mô-ri, còn có những sắc dân khác sống tại vùng này. Ðnl 7:1 liệt kê 5 sắc dân ấy. Nên hạn từ ‘người Ca-na-an’ được dùng để chỉ nhiều nhóm dân hỗp hợp.

Thương mãi: Những người sống dọc theo duyên hải phần lớn là thương nhân. Thực vậy, thương mãi là sinh hoạt quan yếu trong cuộc sống người Ca-na-an đến nỗi hạn từ ‘người Ca-na-an’ đồng nghĩa với ‘lái buôn’ trong ngôn ngữ Hi-bá-lai (như trong Châm ngôn 31:24). Các hải cảng chính là Tia, Xi-đôn, Beirut và Byblos. Từ những hải cảng này, gỗ tuyết tùng, những thùng dầu, rượu và những hàng hóa khác đã được xuất khẩu qua Ai Cập, Cơ-rết-ta và Hy Lạp. Ngược lại, những hàng xa xỉ và giấy viết của Ai Cập, đồ gốm của Hy Lạp, và quặng sắt đã được nhập cảng qua các hải cảng trên. Bên kia biên giới Ca-na-an, là thành phố lớn Ugarit (gần Latakiya ngày nay), vốn có nhiều đặc điểm chung với người Ca-na-an. Thành này cũng phồn thịnh về thương mại.

Vị thế của Ca-na-an như chiếc cầu nối giữa Tiểu Á và Ai Cập cũng như các sinh hoạt thương mãi của nó đã giúp người Ca-na-an tiếp thu ảnh hưởng văn hóa từ nhiều nguồn khác nhau. Các dinh thự và đền đài có thể được xây theo kiểu Ai Cập cho một tổng trấn địa phương hay cho một trại quân tại thành này. Nhưng tại thành khác, rất có thể lại theo kiểu Xy-ri. Tượng bọ hung và đồ châu báu theo kiểu Ai Cập khác rất thịnh hành, song song với những con triện hình tròn của Ba-by-lon và những đồ bằng vàng của người Khết nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các ảnh hưởng này thấy rõ trong việc người Ca-na-an sử dụng cả lối viết của Ai Cập (tượng hình) và Ba-by-lon (hình nêm).

Mẫu tự: Di sản lớn lao người Ca-na-an để lại cho thế giới chắc chắn là mẫu tự, được họ sáng chế khoảng giữa các năm 2000 và 1600 trước CN. Ảnh hưởng của Ai Cập dẫn đến việc dùng giấy sậy (papyrus) làm chất liệu để viết. Nhưng mẫu tự này nay đã không còn, chỉ còn lại hiếm hoi một vài mẫu thô sơ, được tìm thấy nơi những chiếc ly tách còn sót lại.

Thành thị và Các nhà cai trị: Các thành của người Ca-na-an được bao bọc bằng những bức tường phòng thủ làm bằng đất và đá để chống cướp bóc và thú dữ. Bên trong những bức tường ấy, nhà cửa chen chúc với nhau, giống như các thành phố cổ của Cận Ðông ngày nay. Người dân bình thường tự làm lụng lấy cho mình trên những mảnh đất nhỏ, hay một số nghề thủ công, hoặc làm công cho vua, địa chủ, và thương nhân. Bên ngoài các thành phố, có những căn làng rải rác của nông dân hay chăn nuôi.

Các nhà cai trị các thành thường hay tranh chấp và gây chiến lẫn nhau không ngừng. Ðôi khi họ cũng bị những tên cướp hoặc những kẻ phạm pháp khác ẩn núp trong rừng tấn công. Tài liệu tựa là Các Thư Amarna, tìm thấy tại Ai Cập, diễn tả tình trạng trên vào khoảng năm 1360 trước CN. Và các Sách Thánh Kinh Giô-suê và Thủ Lãnh cho thấy cùng một tình trạng ấy xẩy ra một hay hai thế kỷ sau đó. Ðiều ấy giúp cho cuộc chinh phục của người Ít-ra-en trở nên dễ dàng hơn. Một Ca-na-an đoàn kết tất nhiên sẽ khó cho họ chinh phục hơn nhiều (xem danh sách các vua trong Gs 10 và 12).

Người Ca-na-an và người Ít-ra-en: Ngôn ngữ của người Ca-na-an có liên hệ gần gũi với tiếng Hi-bá-lai, có khi còn như nhau nữa. Sinh hoạt của người nông dân Ca-na-an không khác lắm so với sinh hoạt của người Ít-ra-en tại Ai Cập trước thời nô lệ. Bởi thế, người Ít-ra-en đã có thể định cư tại Ðất Hứa cách dễ dàng. Và họ cũng dễ rơi vào các tập tục khác của Ca-na-an. Nhưng tôn giáo của Ca-na-an thì khác xa tình yêu Thiên Chúa và sự tuân phục lề luật luân lý rõ rệt của Ngài. Bởi thế, người Ít-ra-en bị cấm không được trà trộn và kết hôn với người Ca-na-an.