Vatican (CNS) – Người Kitô giáo và Hồi giáo phải cùng nhau cộng tác để bảo vệ tự do tôn giáo; họ phải học biết nhau nhiều hơn và phải làm nhân chứng cho thế giới về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là phát biểu của các thành viên tham dự Diễn đàn Công giáo–Hồi giáo.

Tham dự diễn đàn này có 28 đại diện Hồi giáo và 28 đại diện Công giáo, gặp nhau tại Vatican từ ngày 4 đến 6 tháng 11 để thảo luận về sự hiểu biết nghĩa vụ yêu kính Thiên Chúa và yêu thương người lân cận trong niềm tin của họ.

Sau đây là những nét chính trong bản tuyên bố kết thúc Diễn đàn:

Người Kitô giáo và Hồi giáo công nhận phẩm giá và sự thánh thiêng của sự sống con người bởi vì mỗi người đều “được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên”.

Kitô giáo và Hồi giáo đều dạy rằng lòng yêu kính Thiên Chúa và đức tin chân chính dẫn đến tình yêu thương người lân cận và “tình yêu thương người kế cận chân thật đòi hỏi sự tôn trọng những lựa chọn của người ấy về những vấn đề liên quan đến lương tâm và tôn giáo.”

Các tôn giáo thiểu số xứng đáng được bảo vệ; họ có quyền có nơi thờ phượng; các nhân vật và biểu tượng linh thánh của họ “không được đem ra nhạo báng hoặc chế giễu dưới bất cứ hình thức nào”.

Trong một thế giới ngày càng tục hóa và duy vật chất, các thành viên tham dự diễn đàn kêu gọi người Công giáo và Hồi giáo hãy làm chứng nhân cho “chiều kích siêu việt của sự sống.”

“Chúng tôi công nhận rằng người Công giáo và Hồi giáo được kêu gọi trở thành khí cụ cho lòng yêu thương và hài hoà giữa lớp tín đồ và đối với toàn thể nhân loại, chúng tôi phản đối mọi áp bức, xâm lăng, bạo lực và khủng bố.”

Diễn đàn sẽ họp kỳ tới vào năm 2010 tại một quốc gia đa số theo đạo Hồi, nhưng địa điểm chính xác chưa được chọn lựa.

Trình bày bản tuyên bố trong phiên họp công khai ngày 6 tháng 11 tại trường Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, giáo sư Joseph Maila, thuộc Học viện Công giáo Paris, nói rằng các tham dự viên đã “đến đây với tâm tình khiêm nhượng để cố hiểu biết nhau.”

Ông nói: “Điều này thật nhiều rủi ro. Chúng tôi chấp nhận nguy hiểm phô bày chính chúng tôi cho phía bên kia khi nói: “Đây là điều chúng tôi tin tưởng. Đây là điều chúng tôi nhắm tới” trong khi biết rõ là phía bên kia có thể thấy được thực tế và thấy được chỗ nào chúng tôi không đạt tới.”

Giáo sư Maila cho biết rằng các tham dự viên “đã thảo luận những sự việc làm ta đau đớn” như bạo lực, thành kiến, thông tin sai lạc và những trường hợp tín đồ không thể thực hiện được đầy đủ niềm tin của họ.

“Tuy chúng ta không thể chịu trách nhiệm về những hành động gây ra do những người thực hiện bạo lực nhân danh tôn giáo” nhưng các tham dự viên đều đồng ý rằng “chúng ta phải có trách nhiệm trình bày hình ảnh chính xác của tôn giáo chúng ta” bằng cách tố cáo những ai lợi dụng tôn giáo mình.”

Bà Ingrid Mattson, chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ và là giáo sư về nghiên cứu Hồi giáo tại Chủng viện Hartford ở Connecticut, nói rằng lá thư năm 2007 của 138 học giả Hồi giáo dẫn đưa đến việc thành lập Diễn đàn Công giáo–Hồi giáo, đã được tung ra với một “ý thức khẩn thiết, một ý thức rằng tôn giáo đã trở thành nguốn gốc xung đột theo đường hướng tuyệt đối không thể chấp nhận được.”

Bởi vì, theo lời bà, trong thực tế “hàng ngày,có hàng triệu con người do niềm xác tín vào tôn giáo mà dấn thân vào những hành động đạo đức, hào hiệp và từ bi. Điều thiện hảo đó được thực hiện qua hai nguyên lý thiết yếu: yêu kính Thiên Chúa và yêu thương người lân cận.”

Cho rằng các học giả tham dự diễn đàn này đại diện cho “dòng chính lớn lao của thế giới Hồi giáo”, bà Mattson cho biết họ hứa sẽ mang thành quả trở về các cộng đồng của họ, đẩy mạnh những mối liên hệ tốt đẹp hơn với người Kitô giáo và hoạt động để sự tự do tôn giáo cho mọi người được tôn trọng hơn.

Buổi họp công khai tại trường đại học có thời giờ để công chúng đặt câu hỏi, trong đó có sự lên án người Hồi giáo tại Iraq và nhiều nơi khác ở Trung Đông đã ép buộc người Kitô giáo phải trốn chạy.

Đức hồng y Theodore E. McCarrick, là tổng giám mục Washington hồi hưu và thành viên được Toà thánh Vatican chỉ định tham dự diễn đàn, nói rằng: các buổi họp kín cũng như công khai của diễn đàn đều có “những sự thảo luận thành thực, nhưng thảo luận thành thực là điều quan trọng. Nếu không thành thực thì đều vô dụng.”

Đồng thời, theo lời ngài, cuộc họp cũng được ghi dấu bằng “tình bác ái lớn lao” và niềm ao ước được hiểu biết nhau hơn.

Ngài nói: đương đầu với những khó khăn thực tế trên thế giới, trong đó có sự thiếu tự do tôn giáo “tất cả chúng ta phải cộng tác với nhau. Đây là một tiến trình lâu dài. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện; phải tiếp tục đối thoại.”

Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nói với các thành viên tham dự: “mỗi ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, hàng triệu tín đồ đi tới thánh thất, nguyện đường hay nhà thờ” để đổi mới niềm tin của mình vào Thiên Chúa và củng cố quyết tâm sống một cuộc đời đạo đức.

“Chúng ta cần tỏ cho thế giới thấy rằng con người sống không nguyên bởi cơm bánh” nhưng cuộc sống đạo đức đó phải gồm cả việc yêu thương người lân cận và vươn tới những người khác bằng các hành động bác ái cụ thể.

“Đối diện với nhân loại khổ đau, chúng ta phải là chứng nhân cho sự kiện là Thiên Chúa đã cho chúng ta một trái tim, sự tự do và thông minh để nhờ đó xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.”