Một Thượng Hội Đồng Ngoại Thường

Thực ra phiên họp lần thứ 12 diễn ra tạ Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành hôm nay, Chúa nhật, mồng 5 tháng 10, là phiên họp thường lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Tuy nhiên, sự hiện diện của một giáo sĩ Do Thái (rabbi), của Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople và của số phụ nữ kỷ lục đã làm nó trở thành ngoại thường. Thượng Hội Đồng (THĐ) này sẽ kéo dài tới ngày 26 cùng tháng với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội”.

Trong cuộc họp báo gần đây, Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, tổng thư ký Thượng Hội Đồng, cho biết một vài nét mới mẻ của lần họp này:

Shear Yashuv Cohen, Giáo sĩ trưởng của Haifa và là đồng chủ tịch uỷ ban song phương Do Thái và Công Giáo, sẽ đọc diễn văn trước toàn thể THĐ vào hôm thứ hai. Sau bài diễn văn của ông, Đức Hồng Y Albert Vanhoye sẽ nói về Dân Do Thái và Sách Thánh của họ trong Thánh Kinh Kitô Giáo, một chủ đề đã được Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh nghiên cứu. Đức HY Vanhoye là thư ký của Ủy Ban này lúc Ủy Ban công bố kết quả nghiên cứu vào năm 2001. Lúc ấy Đức HY Ratzinger là Chủ Tịch Ủy Ban.

Cả hai bài nói chuyện trên sẽ được Đài Truyền Hình Vatican phát sóng, và đây là điều mới mẻ thứ hai. Thượng phụ Chính Thống Giáo của Constatinople, Bartholomew I, sẽ cùng Đức Bênêđíctô XVI chủ toạ buổi Kinh Chiều và cử hành Lời Chúa. Ngài sẽ nói truyện với THĐ chừng nửa giờ, sau đó là bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng.

Hai mươi lăm phụ nữ sẽ đóng góp tài uyên bác của họ cho THĐ, trong đó sáu người là chuyên viên còn 19 người kia là dự thính viên. Đa số các chuyên viên đều là giáo sư Thánh Kinh trong khi một số dự thính viên là bề trên các tu hội hay đại diện các phong trào trong Giáo Hội.

Một điều mới lạ nữa là việc dành nhiều thì giờ hơn cho các buổi thảo luận công khai, một điều từng đã được gia tăng vào năm 2005 tại thượng hội đồng về Phép Thánh Thể. Các can thiệp có chuẩn bị sẽ giới hạn trong 5 phút, dành nhiều giờ hơn cho các thảo luận công khai vừa nói.

Giống THĐ trước đó, cuộc họp tháng Mười này cũng thiếu một điều: đó là sự vắng bóng các giám mục Trung Hoa Lục Địa. Linh mục Dòng Tên, Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Vatican, tường trình rằng không thể đạt được thoả hiệp với nhà cầm quyền Trung Hoa để các giám mục của họ được phép tham dự. Trong THĐ lần trước, Vatican đã mời bốn giám mục Trung Hoa, tất cả đều không được phép tham dự. Ghế của họ tại THĐ vẫn để trống.

Phúc âm Gioan và Thư Do Thái

Đức Hồng Y Albert Vanhoye, Dòng Tên, cựu viện trưởng Viện Giáo Hoàng về Thánh Kinh ở Rôma và trước đây là thư ký của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh mới đây có dành cho hãng tin Zenit một cuộc phỏng vấn. Ngài vốn là giáo sư tại Viện Thánh Kinh từ năm 1963. Từ năm 1998, Ngài phụ trách môn chú giải Tân Ước qua các khóa giảng về Thư Do Thái và các thư của Thánh Phaolô nói chung. Ngài cũng giảng dậy về phương pháp luận, thần học Thánh Kinh và các buổi hội thảo về các Phúc Âm, các Thư Tân Ước, và Sách Khải Huyền. Ngài cũng tham dự vào việc soạn thảo các tài liệu cho Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh như tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội” (1993) và “Dân Do Thái và Sách Thánh của họ trong Thánh Kinh Kitô Giáo” (2001).

Được hỏi lý do nào khiến ngài chú tâm nghiên cứu Thánh Kinh, Đức HY Vanhoye cho hay: Lời Chúa lôi cuốn ngài từ lúc còn bé và đã được tăng cường và thâm hậu lúc ngài học thần học. Khi sắp sửa thụ phong linh mục, ngài khám phá thấy mình say mê phúc âm Thánh Gioan. Một lý do khiến ngài thích nghiên cứu Thánh Kinh là vì khả năng Hy Ngữ của mình. Ngài vốn dạy Hy Ngữ cổ điển cho các tu sĩ dòng Tên để họ lấy các cấp bằng chuyên môn tại Đại Học Sorbonne ở Paris. Nhờ thế, ngài có thể nghiên cứu bản văn cả Tân Ước lẫn Cựu Ước trực tiếp bằng Hy Ngữ.

Đối với phúc âm Thánh Gioan, ngài rất thích chủ đề đức tin của phúc âm này, một chủ đề hết sức căn bản. Vì đối với Thánh Gioan, đức tin hệ ở việc tin vào Con Thiên Chúa. Niềm tin ấy không hệ ở việc gắn bó với một chân lý mạc khải, mà là gắn bó với một con người, một ngôi vị. Ngôi vị ấy chính là Con Thiên Chúa, Đấng luôn thực hiện công việc của Chúa Cha, luôn kết hợp với Chúa Cha và mời gọi ta thực hiện công trình của Người.

Thế còn Thư Do Thái? Ngài cho hay: có một số bài báo do kết quả công trình nghiên cứu trên về phúc âm Thánh Gioan. Nhưng sau đó, vì nhiệm vụ giảng dạy, ngài không tiếp tục nghiên cứu được nữa. Thay vào đó, ngài khám phá ra nhiều điều thích thú trong Thư Do Thái. Bởi thế, lợi dụng hàng năm có mấy tháng rảnh, ngài bèn chuẩn bị một luận án về Thư này, một Thư đến lúc đó ít được nghiên cứu.

Thế là ngài chú tâm nghiên cứu Thư Do Thái, và khám phá thấy nó hết sức sâu sắc, là một tổng hợp tuyện diệu về Kitô học theo cái nhìn tư tế. Ngài luôn ca ngợi sự sâu sắc của Thư này, một thư trên thực tế vốn là một bài giảng, trong đó, mầu nhiệm Chúa Kitô được trình bầy dưới mọi chiều kích của nó, từ chiều kích cao nhất Kitô Con Thiên Chúa, vẻ chói lọi của vinh quang Thiên Chúa, hoạ ảnh bản thể của Người, tới Kitô anh em chúng ta, Đấng mang lấy mọi thảm hại của ta, tự hạ mình xuống hàng tội nhân án tử để đem tình yêu đến cho ta và mở cho ta con đường lên với Thiên Chúa.

Bản văn đức tin và bản văn lịch sử

Đối với ĐGY Vanhoye, phải có đức tin mới học hỏi được Thánh Kinh, vì Thánh Kinh vốn là bản văn của đức tin. Muốn tiếp nhận nó cách nghiêm chỉnh và sâu sắc, ta cần phải đi vào dòng suối đã sản sinh ra nó. Nhưng mặt khác, Thánh Kinh cũng là một sách có tính sử học chứ không hoàn toàn lý thuyết. Nó là mạc khải bằng sự việc, với nhiều biến cố; nó là một thực tại hiện sinh thuộc lịch sử cần được nhìn nhận như thế.

Đối với các khó khăn trong lãnh vực giải thích, Đức Hồng Y Vanhoye cho hay: Sách Thánh chủ yếu nói về việc nhận biết Chúa Kitô, lên đồng hình đồng dạng với Người, khám phá mọi chiều kích trong mầu nhiệm của Người. Có một mối liên kết hết sức chặt chẽ giữa việc nghiên cứu có tính chú giải, việc thâm cứu đức tin và đời sống thiêng liêng. Vì những điều ấy, ngài không bao giờ do dự trong việc dấn thân nghiên cứu, dồn hết cố gắng và khả năng vào việc nghiên cứu Thánh Kinh vốn có tầm quan trọng chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội.

Đối với ngài, Phúc âm Gioan nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc làm của Chúa Giêsu và việc làm của Chúa Cha: việc làm của Người là do chính Chúa Cha ban cho: “Cha Ta tiếp tục làm việc và Ta cũng thế” (Ga5:17). Đây quả là một chủ đề để thâm hậu hóa cuộc sống thiêng liêng, không những theo nghĩa tư duy mà còn theo nghĩa thực hành nữa. Như Chúa Cha đã trao công việc của mình cho Chúa Giêsu thế nào, Chúa Giêsu cũng trao việc của Người cho chúng ta như vậy. Điều ấy đã nuôi dưỡng ta vì ta thấy ta phải luôn thực hiện công việc của Chúa Kitô với Chúa Kitô. Mà muốn làm công việc của Chúa Kitô cùng với Chúa Kitô, điều cần thiết là phải kết hợp với trái tim Chúa Kitô để công việc của Người không phải là công việc hành chánh cần phải làm với một thái độ hờ hững, nhưng là một công việc của tình yêu. Đây là một xu hướng tốt đẹp, sâu sắc và nhiều đòi hỏi hướng dẫn ta trong việc học hỏi Lời Chúa. Chúa Kitô là tác giả, ta chỉ là người phụ tá. Nhưng người phụ tá này phải cần mẫn vì Chúa Kitô đang làm một công việc quan trọng và tốt đẹp. Cần có thái độ đó khi đụng tới Thánh Kinh.

Hai điều quan trọng

Theo ĐHY Vanhoye, muốn cho Thánh Kinh trở thành chủ yếu trong cuộc sống thiêng liêng của tín hữu, họ cần hai điều. Trước nhất, cần có trợ huấn cụ trong tay giúp họ ở vào thế tốt đẹp để có thể tiếp nhận Thánh Kinh. Thứ hai, họ cần phải suy niệm bản văn Thánh Kinh. Cám ơn Chúa, cả hai điều đó đều hiện diện đầy đủ trong Giáo Hội và từ Công Đồng Vatican II tới nay, chúng mỗi ngày mỗi được tăng tiến hơn. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều cố gắng để tăng tiến hơn nữa. Một mặt, cần phải giáo dục tín hữu biết cách tiếp nhận Lời Chúa một cách hoàn toàn không những chỉ trong trí mà còn trong tâm và nhất là trong đời họ nữa. Mặt khác, để việc giáo dục đó thực sự hữu hiệu, tín hữu cần phải biết suy niệm Lời Chúa, suy đi nghĩ lại, tư duy sâu sắc. Nhờ hế, cuộc sống họ sẽ được sức mạnh của Lời ấy biến đổi từ từ.

(Còn tiếp)