Một chính quyền chuyên nghề xuyên tạc, tham nhũng và bớt xén

Mấy tuần nay, các giáo dân Việt Nam hải ngoại nói riêng và các giáo dân Công giáo trên toàn thế giới nói chung, rất quan tâm đến các diễn tiến tại Thái Hà và Toà Giám Mục Hà Nội. Qua những cơ quan truyền thông đáng tin cậy, người ta được biết rằng: các báo chí và đài truyền hình của nhà nước cộng sản Việt Nam đã xuyên tạc, bớt xén những lời phát biểu của đức TGM Ngô Quang Kiệt trong cuộc trao đổi với các giới chức quyền của Hà Nội. Họ làm vậy nhằm kích động những người dân quá khích, kém hiểu biết, không có đầu óc suy luận phải, trái công minh, đứng lên chống đối lại đức TGM Ngô Quang Kiệt, do vậy họ đã dùng những lời lẽ hết sức xấc xược, vô lễ.

Để kiểm chứng lại xem đức TGM Ngô Quang Kiệt đã nói gì, chúng tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn ghi âm lời phát biểu của Đức Tổng trong buổi nói chuyện với các cấp chính quyền hôm đó. Rõ ràng là các cơ quan truyền thông đã cắt xén, cố làm sai đi ý nghĩa của câu nói, với mục đích hết sức bần tiện mà theo tôi nghĩ chỉ có các tay sai chuyên nghề xuyên tạc, tham nhũng tại Việt Nam mới đắc lực đưa lên những bản tin theo ý của các ông chủ đang hứa hẹn ban phát huê hồng. Bởi vì tham nhũng là ăn bớt, ăn xén của công hay của người khác… Chúng ăn ngon ơ, riết rồi quen. Người ta nói: “ngủ ngày quen mắt, cắp vặt quen tay”, chúng đâm ra méo mó nghề nghiệp, đi đến cả chuyện ăn bớt, ăn xén những câu nói của người ta.

Trong niềm suy tư khắc khoải về chuyện ăn bớt, ăn xén bài phát biểu của đức TGM Ngô Quang Kiệt, tôi nhớ lại một bài viết về “Tham Nhũng” của Gã Siêu, xin được trích một đoạn dưới đây:

“Nghệ thuật ăn bớt, ăn xén, ăn cắp…của các quan thì thiên biến vạn hóa đến quỉ thần cũng không lường nổi.

Chẳng hạn như Nhà nước trao cho quan xây dựng một công trình. Quan liền ký hợp đồng với một công ty nào đó, thỏa thuận nâng giá thành lên để rồi chia nhau phần sai biệt. Làm như vậy, cả hai đều có lời, nhưng lại là một thứ cấu kết liên doanh với ma quỉ.

Rồi khi mua sắm vật tư, quan có thể làm hóa đơn khống, nghĩa là không mua mà vẫn có hóa đơn, hay mua một nhưng ghi thành hai, hay mua rẻ nhưng ghi thành mắc…Vì thế, quan càng làm, càng có tiếng với dân, lại càng có nhiều miếng để mà đớp.

Quan đánh hơi thấy chỗ nào có mùi tiền là liền vươn vòi bạch tuộc tới đó, hay chịu khó nhúng cả bàn tay lông lá vào ngay. Thậm chí có những quan vui vẻ xơi ở cả những chỗ không đáng xơi.

Chẳng hạn đồng tiền của những cơ quan viện trợ giúp cho những người phong cùi hay mồ côi, chạy vòng vo tam quốc, thế nào cũng rò rỉ vào túi các quan một mớ, quan lớn xơi nhiều, quan bé xơi ít, để rồi khi tới tay trại phong cùi hay viện cô nhi thì chẳng còn bao nhiêu. Chỉ là như mấy giọt nước tong teo được nhỏ xuống mà thôi.

Gã còn nhớ, năm 1978 vùng gã ở bị lụt lớn. Nhà nước kêu gọi toàn dân nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách. Thậm chí ngay cả những thày cô giáo vùng gã, vốn mang danh là những người “húp cháo”, lại đang gặp thiên tai cũng phải hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ. Mà không hưởng ứng cũng không được vì thiên hạ trừ tật vào tiền lương của mình. Thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều, lá rách vừa vừa đùm lá rách te tua, cứu trợ bất dắc dĩ cũng chẳng sao, đổi khóc thành cười mà miệng thì cứ méo xệch.

Theo số liệu trên báo chí thì khoản tiền cứu trợ này thật đáng khích lệ, nhưng cuối cùng trong cả ấp của gã thì chỉ có mấy gia đình thuộc hạng “khố rách áo ôm”, nghèo rớt mùng tơi là được chiếu cố, đi lãnh mấy ký gạo hẩm và một lít nước mắm thối của cái được gọi là cứu trợ đồng bào bị thiên tai. Quả là đầu voi đuôi chuột.

Những vị quan có máu tham nhũng được sánh ví như là những con chuột nhắt đục khoét bồ lúa, hay như một loại mối mọt ăn rỗng cây cột và làm cho cây cột bị gẫy đổ lúc nào không hay. Quĩ của Nhà nước mỗi ngày một tóp lại và trở nên rỗng tuếch, còn quĩ của các quan mỗi ngày một phình ra, nào nhà lầu, nào xe hơi và trăm thứ lỉnh kỉnh khác nữa.”
(ngưng trich)

Thật ra chúng ta chẳng lạ gì về một chế độ ô hợp, độc tài đối xử với dân chúng ra sao, trừ ra những người đang được hưởng quyền lợi do chúng ban tặng. Với một chính quyền chuyên xuyên tạc, tham nhũng, cắt xén, ăn bớt của công và của dân quen rồi, bây giờ đến cả một bài phát biểu của một vị chức sắc tôn giáo cũng bị họ cắt xén, ăn bớt, thì có gì là lạ!

Đó là lý do tại sao đất nước mình cứ chậm tiến, nghèo nàn, lạc hậu và đầy tham nhũng. Thật đáng buồn thay!