Tại Sao Phải Cầu Nguyện với Đức Maria?

Đức Maria tại Tiệc Cưới ở Cana
Tính cho đến nay, đã có rất nhiều sách và các bài báo viết và đề cập rất nhiều đến tầm quan trọng của việc sùng kính Đức Mẹ và tầm quan trọng của Mẹ trong Thánh Kinh - tuy nhiên, ngoại trừ những người Công Giáo gốc Á Châu như Việt Nam, Phi Luật Tân, vân vân..., vẫn còn rất nhiều người bản xứ Hoa Kỳ hay những người bản xứ tại các quốc gia tự do khác mà chúng ta hiện đang sống, vẫn hay thường vặn hỏi chúng ta câu này: "Tại sao phải cầu nguyện với Đức Mẹ?" trong bất kỳ cuộc trò chuyện, hay giao tiếp nào chúng ta có với họ. Thì câu hỏi kiểu này đôi lúc cũng khiến cho chúng ta lúng túng không biết phải nên trả lời như thế nào cho thật đúng, và thật dễ hiểu để giúp người hỏi thay đổi quan điểm và cái nhìn của họ về Đức Mẹ.

Thú thật mà nói, riêng bản thân tôi - với nhiều năm viết bài cho VietCatholic và lần mới đây nhất có viết loạt bài (dài 8 kỳ) về việc "Tìm Hiểu về Thánh Kinh qua Các Chủ Đề Của Cuộc Sống," thế mà hôm kia trên đường về nhà sau khi dự buổi lễ tưởng niệm Ngày Chiến Sĩ Trận Vong 2008, tình cờ tôi gặp lại hai người bạn củ là Deanna Johnson và Steven Collins - thưở còn học Cao Học tại trường Webster University 8 năm về trước - sau cuộc trò chuyện rất dài về rất nhiều chủ đề, bất ngờ họ lại chuyển sang vấn đề tôn giáo và vặn hỏi tôi câu đó,... khiến tôi không kịp trở tay...

Cả Deanna và Steven đều là Công Giáo chính gốc, thế nhưng họ gần như đã bỏ đạo Công Giáo. Deanna sau khi học Cao Học, đã tìm được một công việc tại thị trường chứng khoáng New York và hiện đang làm Fund Manager (Giám Đốc của một Quỹ Đầu Tư) cho hãng Putnam Investment. Còn Steven thì làm việc cho một hãng luật nổi tiếng ở Washington, D.C. - một công ty luật tầm cở thế giới chuyên xử lý về các thương vụ có liên quan đến thương mại, và bản quyền thế giới.

Tình cờ gặp lại họ, điều quan tâm đầu tiên của tôi dành cho họ là muốn dọ hỏi xem sự thành công về mặt trường đời của họ có sóng bước ngang bằng với sự trưởng thành về mặt đức tin Công Giáo của họ hay không, vì xét cho cùng, cả ba chúng tôi vẫn thường rủ nhau đi xem Lễ vào mỗi tối Thứ Tư hằng tuần trước khi vào trường học, và Chủ Nhật thì cùng nhau đi tham dự Thánh Lễ lần lượt tại hầu hết các giáo xứ trong Giáo Phận Charleston, SC thưở nào.

Cả hai bạn này đều cho tôi biết rằng giờ đây họ đã không còn tin vào Đạo Công Giáo nữa, hay nói khác hơn, bất kỳ một tôn giáo nào, ngoài tôn giáo "tiền" (tức trường đời) của họ. Steven thì cho biết thỉnh thoảng Anh có đọc qua Thánh Kinh, để biết và hiểu đủ về Chúa Giêsu mà thôi. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất vẫn là điều mà hai người bạn học củ này nói rằng họ chưa thật sự hiểu ra cho được lý do tại sao mà những người Công Giáo cầu nguyện với Đức Mẹ, vì theo họ, trong Thánh Kinh, chẳng có đoạn nào là đề cập đến việc cầu nguyện với Đức Mẹ cả.

Trong khi lắng nghe hai bạn đó phân trần với nhau, nhiều ý tưởng bổng chớp lóe trong tâm trí của tôi: không biết là mình nên tìm cách nào để giải thích cho họ hiểu được đây, vì thiết nghĩ, đã là người Công Giáo thì chắc chắn họ phải được giảng dạy và học hiểu về tầm quan trọng qua vai trò của Đức Maria có trong Giáo Hội, trong Thánh Kinh, và tại sao điều quan trọng là chúng ta phải biết chạy đến và cầu nguyện cùng với Mẹ.

Vì cả hai bạn này giờ đây đều theo khuynh hướng thực dụng của dòng đời, nên tôi tìm cách sử dụng hình thức đối đáp logic và phải hết sức thực tế để giải thích cho họ, và cũng nhân vì Steven lúc nãy có đề cập tới việc Anh ta thỉnh thoảng cũng hay đọc Thánh Kinh, nên tôi mới hỏi như thế này:

"Steven, bạn nói bạn thỉnh thoảng đọc Thánh Kinh, thế để tôi thử cố giải thích cho bạn câu hỏi đó cũng bằng việc dùng qua những đoạn trong Thánh Kinh xem sao nhé.

Trong Sách Phúc Âm Luca, ở Chương 1 từ Câu 41-48 [lúc đó tôi không có nhớ rõ Chương & Câu - chỉ nhớ có Phúc Âm Luca mà thôi] về việc Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth, có đoạn viết rằng:

'Bà Êlizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: 'Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.' Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?'

Rồi sau đó, bạn hãy chú ý đến phần đầu trong câu trả lời của Đức Maria cho câu hỏi của Bà Elizabeth rằng: 'Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?' thì Đức Maria trả lời:

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi." (My soul doth magnify the Lord: And my spirit hath rejoiced in God, my Saviour)."

Thế tôi muốn hai bạn hãy cùng nhau suy nghĩ về câu trả lời đó đi!"

Cả hai đều bối rối, ngạc nhiên, trợn mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn đến tôi, có lẽ, cả hai đang phân vân tại sao tôi chỉ quan tâm đến phần này mà thôi, trong cả đoạn Thánh Kinh. Để hai bạn đó suy nghĩ trong giây lát... tôi mới liền hỏi tiếp:

"Thế chữ 'magnify' [tức phóng đại, khuếch đại hay mở rộng theo nghĩa tiếng Việt] có nghĩa là gì?"

Cả hai liền nhìn tôi với vẽ mỉa mai, thế nhưng trước khi cho họ mở miệng trả lời, tôi liền giải thích thêm cho họ như thế này:

"Khi các bạn phóng đại một vật thể lên, thì các bạn sẽ nhìn thấy được rất nhiều thứ khác có trong vật thể đó một cách rõ ràng hơn mà chúng ta ít khi thấy được nơi vật thể đó, đúng không?

Chẳng hạn như khi có ai đó nhìn vào một hột kim cương mà Deanna rất thích chẳng hạn, thì họ nhìn thấy những tia sáng óng ánh chiếu tỏa ra từ hạt kim cương đó, và thế là người đó sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp của viên kim cương đó. Thế nhưng khi hạt kim cương đó được nhìn qua kính phóng đại, hay được phóng đại lên, thì chúng ta có thể nhìn thấy những gì mà chúng ta không thể thấy trước đây bên trong và bên ngoài của hạt kim cương đó đúng không? Hay nói khác đi, qua sự phóng đại, chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn tất cả mọi khía cạnh làm cho viên kim cương sáng lên một cách rất lóng lánh và diệu kỳ.

Thì cũng dựa vào phép suy luận tương tự như thế, chúng ta cùng tìm hiểu xem cách mà Đức Maria làm việc chúng ta nhé, vì khi chúng ta chạy đến cầu nguyện cùng Đức Maria, thì suy cho cùng, nếu xét về bản thân mình, thì Đức Maria chẳng giữ lại gì cho riêng bản thân của Mẹ cả. Thay vào đó, Mẹ sẽ làm khuếch đại / phóng đại / hay mở rộng ra rất nhiều khía cạnh khác nhau của Thiên Chúa cho chúng ta, để cho phép chúng ta cầu xin đến trái tim của Mẹ, để từ đó chúng ta có thể hiểu được một cách sâu sắc và tỏ tường hơn về chính đời sống của Người Con Chí Thánh của Mẹ."

Dĩ nhiên là trước kia khi đọc Thánh Kinh [tức phiên bản Anh Ngữ chánh gốc của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ], tôi chẳng tài nào hiểu được ý nghĩa của từ "magnify" trong bài ca tụng về Đức Maria cho lắm, thế nhưng cách lập luận như vậy là rất chính xác, vì suy cho cùng bản thân tôi không phải là Linh Mục hay một Thần Học Gia nên tôi không thể tìm ra cách giải thích nào cho thích hợp và dễ hiểu hơn cho hai người bạn "gần như vô thần" của tôi, qua một sự thật rất rõ ràng rằng: Thánh Nữ Elizabeth đã ca tụng Đức Maria và qua sự nhún nhường, Đức Maria đã nhanh chóng chuyển lời ca tụng đó sang cho chính Người Con Chí Thánh của Mẹ ngay lập tức, chứ Mẹ không hề muốn nhận lời ca tụng đó.

Hay nói theo cách trần tục, tội lỗi thì "Đức Maria không muốn phỏng tay trên những gì là không thuộc về mình!"

Nghe xong, Steven mới hỏi lại: "Thế làm sao mà bạn dám chắc về lời giải thích như thế?"

Chưa kịp trả lời câu hỏi này, thì Deanna liền bất ngờ "nhảy bổ" vào họng tôi và nói lớn một cách thiếu kiên nhẫn:

"Thế còn trong Phúc Âm của Gioan thì sao khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu, và Ngài đã gọi Đức Maria là 'woman'? Thì điều đó chứng tỏ cho tôi thấy rằng: Đức Maria chỉ là một người phụ nữ bình thường thôi, cũng giống hệt như chúng ta - những người bình thường mà thôi."

Trả lời Deanna tôi liền nói:

"Deanna ạ, bạn không thể đọc Thánh Kinh theo cách hời hợt và thiển cận đến như vậy.

Tiệc Cưới ở Cana chính là một ví dụ rõ ràng, điển hình, và xứng đáng nhất để cho thấy cách mà Đức Maria giúp chuyển cầu cho chúng ta đến với Người Con của Mẹ như thế nào.

Trong phần đề cập đến Tiệc Cưới có trong Phúc Âm của Gioan, hai bạn có thể nhìn thấy một cách rất rõ ràng về việc Đức Maria quan tâm đến mối lo ngại của nàng dâu và chủ rể về việc họ đã hết rượu rồi, mà khách mời hãy còn đông và tiệc cưới vẫn chưa tàn.

Thế còn có ai có thể chú ý đến điều này nữa không, nếu như không ngoài Đức Maria duy nhất mà thôi?

Thì đây chính là một hình thức hết sức tiêu biểu cho thấy việc Đức Maria luôn ngó nhìn và trông nom cho chúng ta.

Quay lại với Người Con của mình, Đức Maria nói: 'Họ hết rượu rồi!', tức là Đức Maria đã và đang chuyển cầu mối quan tâm của nàng dâu, chú rể và gia đình trong tiệc cưới đến cho chính Người Con của Mẹ rồi.

Và Đức Giêsu đáp: 'Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.' (Woman, what is that to Me and to thee? [M]y hour is not yet come).

Thì có rất nhiều điểm để lý giải về câu trả lời này của Chúa Giêsu.

Trước hết, trong thời đại của Chúa Giêsu, theo thói quen khi gọi một người phụ nữ hay đàn bà, thì người ta vẫn thường dùng từ "woman" là để biểu hiện sự kính trọng hay sự tôn kính. Chẳng hạn, trong giây phút quan trọng nhất trong chính cuộc đời của Chúa Giêsu, khi Ngài đang chết dần chết mòn trên cây Thập Giá, Ngài cũng đã dùng đến từ "woman" để ám chỉ đến Mẹ Người,

'Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: 'Thưa Bà, đây là con của Bà.' Rồi Người nói với môn đệ: 'Đây là mẹ của anh.' Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.'' (Gioan 19:26).

Kế đến, việc Thiên Chúa dùng đến từ "woman" là để tất cả mọi người ("all men") có thể hiểu được rằng: Đức Maria chính là người đàn bà mà Thiên Chúa là Cha thường đề cập đến trong Sách Sáng Thế Ký: người đàn bà mà Thiên Chúa dựng nên để "gây mối thù giữa mi và người đàn bà" (Sáng Thế Ký 3:15).

Còn về câu trả lời của Chúa Giêsu cho Đức Maria: 'Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.' Điều đó có nghĩa là: giữa Thiên Chúa và Thân Mẫu của Người, luôn có một sự hiểu biết sâu sắc và độc nhất vô nhị với nhau về sứ mạng mà Người sẽ gánh vác lấy để cứu chuộc nhân loại.

Cũng qua sự chuyển cầu của Mẹ Người mà Thiên Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên nơi công chúng là: phép lạ hóa nước thành rượu.

"Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." (Gioan 2:10).

Thì từ chính điều này mà chúng ta có thể nhận thấy rằng không chỉ Thiên Chúa chấp nhận tất cả những lời thỉnh cầu của Mẹ Người, mà Người còn mang lại điều / thứ tốt đẹp và hoàn hảo nhất để làm hài lòng Mẹ của Người."

Thánh Louis de Montford
Giải thích xong tới lúc này, thì tôi mới nhận thấy cả hai Steven và Deanna đều có vẽ buồn và dường như không mấy vui lòng cho lắm trước những câu giải thích và kết luận của tôi về tầm quan trọng của Đức Maria trong Thánh Kinh, và tại sao chúng ta phải cần chạy đến cầu nguyện cùng với Mẹ - không những trong Tháng 5 này mà còn nhiều năm tháng dài nữa.

Sau cùng rồi cả hai đều cười, và dường như tôi đã vô tình giúp hai bạn đó giải tỏa được thắc mắc của họ, vốn đã "ẩn chứa" từ bấy lâu nay, và có lẽ cũng vì chính thắc mắc đó, mà hai người bạn này đã xa lánh đi đức tin của mình, để theo tiếng gọi hấp dẫn của trần thế.

Chúng tôi chấm dứt buổi nói chuyện dài bên hông thư viện của Thành Phố Smyrna, GA.

Tôi đứng đó và nhìn theo bóng dáng họ ra đi mà lòng chất chứa một sự thanh thản lạ thường, một ý nghĩ chớp nhoáng liền chạy trong tâm trí tôi "Thật là một sự an ủi đến từ Thiên Chúa để giúp cho tôi có được sự sùng kính và biết chạy đến cùng Mẹ trong những lúc tôi vui lẫn mệt nhoài nơi phố chợ!"

Thánh Louis de Montfort, trong cuốn sách có nhan đề "Lòng Sùng Kính Thật Sự đến Cho Đức Maria" (True Devotion to Mary), Ngài có viết rằng:

"If God willed His Son to come into the world through Mary, it is only proper we go to Him through Mary."

(Nếu Thiên Chúa đã có ý định gởi Người Con của Ngài xuống trần gian thông qua Đức Maria, thì cách đúng đắn nhất để đến với Ngài là qua Đức Maria).

Nguyện cho những ngày còn lại của Tháng 5/2008 này và thêm những ngày sắp tới nữa trong tương lai sẽ là những ngày mà chúng ta biết gọi kêu tất cả những người bản xứ - bè bạn của chúng ta - để cùng đưa họ trở về với Chúa Giêsu thông qua Đức Maria mặc cho mãnh lực tội lỗi của cuộc sống có mạnh bạo lôi cuốn họ đến cở nào!