Roma (Chiesa) – Những lời cáo buộc chĩa vào Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong việc rửa tội hôm lễ Vọng Phục sinh cho một người Hồi giáo cải đạo, Magdi Cristiano Allam – như đã được các cơ quan truyền thông loan tải rộng rãi – đã tạo nên hai phản ứng, trực tiếp và gián tiếp, từ Tòa thánh.

Tòa thánh bày tỏ quan điểm của mình trực tiếp trong báo “L'Osservatore Romano” số ra ngày 25-26 tháng 3, bằng ghi nhận của giám đốc tờ báo là ông Giovanni Maria Vian, và một lần nữa, bằng lời tuyên bố trên Đài Phát thanh Vatican ngày 27 tháng 3 của vị giám đốc đài là Linh mục Federico Lombardi.

Nhưng đáng chú ý hơn nữa là những đường lối gián tiếp Tòa thánh dùng để bác bỏ các lời chỉ trích, cũng trong những ngày đó.

Đấu trường dùng cho các phản ứng gián tiếp đó là, một lần nữa, báo “L'Osservatore Romano.”

Ngày thứ Ba, 27 tháng 3, tờ nhật trình của Đức giáo hoàng dành một bài báo dài để giới thiệu Ramon Lull, một tu sĩ dòng thánh Phanxicô sống giữa thế kỷ 13 và 14, một chuyên gia lớn về ngôn ngữ và văn chương Ả rập, một người nhiệt tâm cổ võ việc giảng thuyết truyền giáo nhằm cải đạo và rửa tội cho người dân Hồi giáo trong các quốc gia vùng Địa trung hải nơi Hồi giáo thống trị.

Bài báo - ký tên Sara Muzzi, một chuyên gia về đề tài này – chính ngay nhan đề cũng đã là hùng biện: “Raimondo Lullo e il dialogo tra le religioni. Se ti mostro la verità finirai con l'abbracciarla [Raymon Lull và cuộc đối thoại trong các tôn giáo. Nếu tôi chỉ cho bạn đâu là chân lý, chung cuộc bạn sẽ tin theo].”

Quả thực, cũng như chứng tỏ trong các sách do ngài trước tác, Lull cố gắng đề cao một hình thức truyền đạo bằng thuyết giảng, hoàn toàn dựa trên sự hiểu biết giữa hai đức tin, trên năng lực của xác tín và trên biện luận hợp lý về chân lý.

Hai ngày sau đó, thứ Bẩy 29 tháng 3, "L'Osservatore Romano" trình bày hai bài báo nói về hai trường hợp đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo, chứng minh rằng cuộc đối thoại này đang tỏ ra có những phát triển đầy hứa hẹn đúng vào những ngày có cuộc tranh cãi về vụ Đức giáo hoàng rửa tội cho Allam.

Dấu hiệu hứa hẹn thứ nhất liên quan đến Indonesia, xứ sở có người Hồi giáo đông nhất thế giới. Trong ngày 8 và 9 tháng 3, một cuộc họp được tổ chức tại Yogyakarta giữa các đại diện Kitô giáo và Hồi giáo, có sự hiện diện của những người Phật tử và Ấn giáo, chủ đề là cách thức các tôn giáo hợp tác với nhau để đáp ứng lại những thách đố do việc toàn cầu hóa đặt ra.

Hơn nữa, trong giai đoạn lễ Phục sinh, tại thủ đô Jakarta, 35 giảng sư Hồi giáo (ulemas) có thẩm quyền của nhiều trường học Hồi giáo tung ra một lời kêu gọi rằng chỉ thị gửi cho các người Hồi giáo trẻ phải được thi hành đúng đắn và tôn trọng, không có bất cứ biện minh nào bằng bạo lực. Bài báo loan tin này có nhan đề: “Tại Indonesia, có những nỗ lực đối thoại giữa người Kitô giáo và Hồi giáo.”

Nhưng "L'Osservatore Romano" còn nhấn mạnh hơn nữa, trên cùng trang báo, về một số các sự việc mới đây tại Saudi Arabia, dưới nhan đề: “Vua nước Saudi ủng hộ một cuộc gặp gỡ “với các người anh em trong đức tin”. Abdullah, trước cuộc khủng hoảng về các giá trị đạo đức, mở rộng cuộc đối thoại với người Kitô giáo và Do thái giáo.”

Mở đầu bài báo, tờ báo của Tòa thánh trưng dẫn lời Abdullah:

“Tôi đã có một tư tưởng từng ám ảnh tôi suốt hai năm trời. Thế giới đang đau khổ, và cuộc khủng hoảng này đã gây ra một sự mất cân bằng về tôn giáo, về đạo đức, và về tất cả bản chất con người. […] Chúng ta đã đánh mất niềm tin vào tôn giáo và mất sự tôn trọng nhân tính. Sự tan rã của gia đình và sự lan truyền rộng rãi chủ thuyết vô thần trên thế giới là những hiện tượng khủng khiếp mà mọi tôn giáo phải xét tới và khắc phục […]

Vì lý do này, tôi nghĩ tới việc mời các giới chức tôn giáo bày tỏ quan điểm của họ về những gì đang xảy ra trên thế giới, và, theo Thượng đế mong muốn, chúng ta sẽ bắt đầu tổ chức những cuộc họp với các anh em của chúng ta, những người thuộc các tôn giáo độc thần, giữa các đại diện của những người tin vào thiên kinh Koran, sách Tin mừng và Kinh thánh.”

Tờ báo của Tòa thánh nói thêm rằng đề nghị của vua Abdullah đã được sự đồng ý của các học giả Hồi giáo hàng đầu trong vương quốc.

Nhưng những điểm nhấn mạnh lý thú nhất do báo "L'Osservatore Romano" loan thêm là hai sự kiện khác.

Điểm thứ nhất liên quan đến ngày tháng nơi bản tuyên bố của vua Abdullah: ngày 24 tháng 3, đối với người theo Kitô giáo thì là ngày thứ hai sau lễ Phục sinh.

Điều này muốn nói rằng: chính vào lúc nổ ra những lời kết án Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về việc rửa tội cho Allam, thì vua nước Saudi không những đã không đếm xỉa đến những lời kết án, mà còn chính mình bày tỏ giọng điệu hoàn toàn trái ngược.

Điểm nhấn mạnh thứ hai trình bày trong tờ báo của Đức giáo hoàng là đoạn văn sau đây:

“Đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo; cộng tác giữa những người Kitô giáo, Hồi giáo và Do thái giáo nhằm thúc đẩy hòa bình. Đó là những chủ đề, vào ngày 6 tháng 11 năm 2007, đã là trọng tâm cuộc họp tại Vatican giữa Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và Abdullah, trong cuộc tiếp kiến nhà vua cùng với đoàn tùy tùng.

Trong phiên họp lịch sử - đó là cuộc viếng thăm Đức giáo hoàng lần đầu tiên của một quốc vương nước Saudi – cũng đã đề cập đến sự hiện diện tích cực của cộng đồng Kitô giáo tại quốc gia này (chiếm khoảng 3% số dân gần như hoàn toàn theo Hồi giáo). Mấy ngày trước đây, chính quyền Riyadh quyết định bắt đầu những khóa học bồi dưỡng cho 40 ngàn giáo trưởng (imams), trong nỗ lực thúc đẩy một đường lối giải thích Hồi giáo ôn hòa hơn và làm nản chí những người quá khích.”

Ai có tai để nghe thì hãy nghe. Theo thẩm định của Giáo hội Roma, cuộc đối thoại với Hồi giáo không chỉ giới hạn vào việc triển khai lá thư của 138 người – một trong những người chỉ đạo của nhóm này là Aref Ali Nayed, đã hướng sự chỉ trích cực kỳ nghiệt ngã vào Đức giáo hoàng vì đã rửa tội cho Allam – nhưng cuộc đối thoại được phát triển trong nhiều lãnh vực, một số được Giáo hội tin tưởng là hứa hẹn hơn những địa hạt khác.

Còn về Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, điều càng ngày càng rõ rệt, là cả bài diễn từ của ngài tại Regensburg lẫn quyết định rửa tội cho một người tân tòng dịp lễ Vọng Phục sinh tại đền thánh Phêrô, đều không phải là những cử chỉ gây ra đổ vỡ, mà trái lại, chính xác là làm cho dễ hiểu và rõ rệt – đối với người Hồi giáo cũng như Kitô giáo – ước muốn đối thoại của ngài, đã biểu hiện, chẳng hạn, nơi việc lặng lẽ cầu nguyện tại Ngôi Đền Xanh ở Istanbul, và trong cuộc gặp gỡ nồng nhiệt với vua nước Saudi Arabia.