New York: Một Bác Sĩ Việt Nam tên Nguyễn Mỹ Hương, một tín đồ Phật Giáo ngoan đạo đã chứng nhận một vụ lành bệnh không thể chứng minh được, hồ sơ này có thể mở đường phong Chân Phước cho tôi tớ Chúa là cụ Pierre Toussaint tại New York Hoa Kỳ.

Đây là một sự kiện lạ cho người Việt Nam, trong khi xảy ra những chuyện bức xúc trong tuần qua liên quan đến Chùa Bảo Thiên và Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, không ít thì nhiều cũng có một sự chia rẽ nào đó, thì tại một nơi rất xa xôi tại New York đã có một tín đồ Phật Giáo là Bác Sĩ đã chứng nhận một vụ chữa bệnh không chứng minh được. Một sự kiện khác là di hài tôi tớ Chúa Pierre Toussaint hiện đang được chôn cất tại hầm mộ nhà thờ Chánh Tòa St Patrick tại New York mà tới thứ Sáu tới đây 14/3, cũng long trọng mừng lễ kính Thánh bổn mạng.

Tôi tớ Chúa Pierre Toussaint là một người nô lệ được một người giàu có mua về làm nô lệ vào năm 1766 tại một thuộc địa của Pháp có tên là Saint Dominque, ngày nay là quốc gia Haiti. Cụ Pierre Toussaint đã qua đời tại Thành Phố New York vào ngày 30/6/1853, là người đạo hạnh giàu có và được nhiều người kính trọng vì những công việc bác ái trổi vượt động bác ái.

Hồ sơ phong thánh cho Pierre Toussaint đã chính thức được Đức Hồng Y John J. O'Connor khai mạc tại New York vào năm 1989, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố sắc lệnh tôn lên bậc đáng kính vào năm 1997.

Nhưng phải cần một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Pierre Toussaint để được phong Chân Phước.

Hai ông bà John và Lisa Peacock tại Silver Spring, Md., hy vọng vụ chữa lành lạ lùng của đứa con trai sẽ mở đường để Pierre Toussaint được phong Chân Phước.

Vào ngày 28/10/1999, nữ Bác Sĩ người Việt chuyên về khoa trẻ em, tên Nguyễn Mỹ Hương đã khám nghiệm bé trai 5 tuổi tên Joey Peacock. Bác Sĩ Hương đã phát hiện cột xương sống và sương vai không ăn khớp với nhau. Sau khi chụp X quang và xét nghiệm cho thấy em Joey đã bị chứng vẹo xương sống và phải được chữa trị bằng cách giải phẫu nẹp thanh nối, nếu không càng lớn tình trạng sẽ ra tồi tệ và sẽ bị gù.

Vào đầu năm Thánh 2000, bố mẹ Joey đã đọc cột tin trên nhật báo “The Washington Post” về tin mở hồ sơ phong Thánh của bậc tôi tớ đáng kính Pierre Toussaint. Hai ông bà đã quyết định đến cầu nguyện xin Pierre Toussaint chuyển cầu để chữa bệnh cho đứa con trai mình.

Vào ngày 15/2 năm Thánh 2000, Joey phải đến chụp thêm X quang, nhưng lần này qua các bức ảnh chụp thì thấy cột xương sống đã thẳng tắp không còn bị vẹo như trước.

Bác Sĩ khoa nhi đồng Mỹ Hương là một tín đồ Phật Giáo, đã làm chứng trước hội đồng thẩm tra là vụ lành bệnh này không thể giải thích được theo y học. Bác Sĩ Mỹ Hương nói: “Một cột xương sống bị vẹo không được y khoa can thiệp thì không thể đơn giản tự thẳng ra được trong một sớm một chiều”.

Mặc dầu Bộ Phong Thánh đã duyệt lại tất cả hồ sơ trong vụ này, các viên chức đã nói rằng còn chợ đợi một sắc lệnh cuối cùng sẽ được công bố khi đứa bé qua tuổi dậy thì, là lúc chứng vẹo xương sống có thể tái phát.

Cụ Pierre Toussaint là ai?

Pierre Toussaint đã sinh ra vào năm 1766 trong một thời kỳ cưỡng bức tồi tệ, với những bạo động chống lại Công Giáo, tuy nhiên hẳn đã không ngăn được những thách đố và lòng nhiệt thành để mang sứ điệp của Đức Kitô giúp đỡ người nghèo, những người bất hạnh, cô đơn và bị ruồng bỏ.

Pierre Toussaint đã đi tham dự Thánh Lễ vào 6 giờ sáng mỗi ngày và có lòng tận hiến nhiệt thành đến Bí Tích Thánh Thể và năng lần chuỗi Mân Côi, cứ như thế kéo dài trong suốt 60 năm tại nhà thờ St Peter ở đường Barclay. Pierre Toussaint đã hoàn tất những bài học Giáo Lý và có thể hăng say truyền đạt cho người khác với một sự khôn ngoan và can đảm.

Vào năm 1778, người đã mua Pierre Toussaint từ St Dominique (nay là Haiti) về làm nô lệ tại NewYork là ông Jean Berard, mang thân phận nô lệ thì không được hưởng bất kỳ một quyền lợi gì và quyền sinh sát được phó mặc cho người chủ. Vào năm 1787 Ông Jean Bernard đã đưa người vợ mới cưới và nhiều người nô lệ trong đó có Pierre và người em gái của Pierre là Rosalie về New York. Ông chủ Jean Bernard đã khuyến khích Pierre đi học để biết đọc và biết viết.

Khi người chồng qua đời, bà Marie Elizabeth Berard đã dạy Pierre Toussaint làm thợ uốn tóc trong cửa tiệm nổi tiếng nhất của bà tại thành phố New York. Là một người cần cù, kiên nhẫn, khéo tay và chịu học hỏi, Pierre Toussaint đã có một tay nghề rất vững chắc. Sau này nhiều phụ nữ đã tìm đến Pierre Toussaint để cắt và uốn tóc và họ tin rằng mái tóc mình có được đẹp, gọn gàng quyến rũ hay không nếu không do bàn tay của thợ uốn tóc Pierre Toussaint. Nhờ số tiền kiếm được, Pierre đã mua chuộc cho sự tự do của người em gái Rosalie, còn phần mình Pierre Toussaint vẫn quyết định ở lại làm nô lệ, và Pierre Toussaint cũng tin rằng chính ông có thể đảm nhận và săn sóc trung thành cho bà chủ Elizabeth Berard.

Vào năm 1807, bà Elizabeth Berard trên giường bệnh đã trăn trối và thả tự do cho Pierre Toussaint lúc đó ông đã được 41 tuổi. Nhờ sự tự do mà Pierre Toussaint mới có thể lập gia đình vào năm 1811, và ông đã thành hôn với một người phụ nữ nô lệ mà trước đây ông đã mua chuộc để cho cô ta tự do khi được 15 tuổi đó là Juliette Noel cũng là người Haiti. Cũng như Pierre Toussaint, Juliette đã đến một “Tân Thế Giới” trong thân phận một người nô lệ, giờ đây Juliette tiếp tục công việc của chồng trong các dịch vụ bác ái. Như đã nhìn thấy ngày nay, những người Việt làm nghề “nail” đã tạo một sự nghiệp và có gia sản kếch sù thì thợ uốc tóc ngày xưa cũng thế, Pierre Toussaint đã lợi dụng cơ may đến cho mình qua số tiền của các phụ nữ đến cắt và uốc tóc, để dành tiền làm những công việc bác ái. Pierre Toussaint đã mở một viện mồ côi, một văn phòng cơ quan tìm kiếm công ăn việc làm, một nhà hưu dưỡng cho những người sắp qua đời và một văn phòng cho người nghèo mượn tiền, mở trường học để dạy nghề cho các trẻ em Mỹ đen. Chính những người bạn của Toussaint nói rằng: “đủ sống rồi sao không về hưu đi hưởng nhàn”, nhưng Toussaint trả lời: “phần tôi thì quá đủ, nhưng nếu tôi về hưu thì sẽ không giúp được gì cho người khác”.

Vợ chồng Pierre & Juliette Toussaints hiếm con nên đã nhận người cháu làm con nuôi là con của người em gái Rosalie sau khi đã qua đời, nhưng người cháu cũng đã qua đời lúc lên 14 tuổi đã khiến cho hai vợ chồng Toussaints rất buồn bã.

Pierre Toussaint đã đón tiếp những du khách nghèo khó, những người vô gia cơ, các linh mục đi hành hương hay đến viếng thăm và nhất là giúp tiền để xây dựng một Nhà Thờ Chánh Tòa St Patrick tọa lại tại được Mulberry, nay được gọi là nhà thờ Chánh Tòa cũ St Patrick. Một chuyên viên lưu trữ văn khó của Tổng Giáo Phận, ông Chris Flatz cũng là người tôn kính Pierre Toussaint một cách đặc biệt đã thố lộ rằng “Chính nhà thờ Chánh Tòa cũ St Patrick là một bằng chứng đến sự khiêm nhượng của Pierre Toussaint không thể chối từ được”.

“Chính vào ngày nhà thờ chánh tòa được thánh hiến, Pierre Toussant cũng lũ lượt với tất cả người Công Giáo tại New York chậm rãi tiến qua các cửa của nhà thờ chánh tòa. Thế nhưng những người hướng dẫn đã từ chối không cho Pierre Toussant vào ngôi thánh đường”. (Có lẽ vì ông là một người Mỹ đen).

Và theo lời tường thuật của Chirs Flatz cho biết, chính Pierre Toussaint là người đã cung cấp tài chánh để xây ngôi Thánh Đường nhưng nay đã bị từ chối không cho vào, lúc đó Pierre Toussaint khiêm nhường chỉ nói lời xin lỗi và quay trở về. Nhưng chính lúc ấy một linh mục đã nhận diện ra Pierre Toussaint, đã quát mắng người hướng dẫn và dẫn Pierre Toussaint vào hàng ghế danh dự trong nhà thờ chánh tòa.

Năm 1851, lúc đó đã 85 tuôi, cụ đã trải qua sự đau khổ nhất trong đời ông là người vợ Juliette đã qua đời. Nỗi buồn của cụ không thể quên được người vợ yêu dấu đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của cụ và 2 năm sau đó, Pierre Toussaint đã qua đời vào ngày 30/6/1853, hưởng thọ 87 tuổi, được chôn cất tại nghĩa trang của nhà thờ chính cụ đã cung cấp tiền để xây, kế mộ phần của Juliette và người con nuôi Euphemia. Những lời trăn chối cuối cùng từ miệng Pierre Toussaint là “Chúa ở cùng con”, và khi hỏi cụ còn muốn điều gì nữa, cụ Pierre Toussaint đã trả lời “không còn muốn gì trên thế gian này”.

Năm 1941, Cha Charles McTague đã khám phá ra được phần mộ của cụ Toussaint. Vào năm 1990, Đức Hồng Y O'Connor đã ra lệnh để cải mộ Toussaint và rước về để chôn cất tại khu hầm mộ của Nhà Thờ Chánh Tòa St Patrick ngày nay là ngôi thánh đường mới tọa lạc tại con đường số 5 (Fifth Avenue).

Đức Ông Robert Richie, chánh xứ nhà thờ Chánh Tòa St Patrick nói rằng “Toussaint là một giáo dân duy nhất được chôn cất tại khu hầm mộ nhà thờ chánh tòa kế cạnh gian cung thánh, là nơi chỉ dành cho các Đức Hồng Y qua đời tại New York”.

“Chúng tôi rất hãnh diện để có Vị Tôi Tớ Đáng Kinh Pierre Toussaint hiện diện với chúng ta. Thật đó là một phúc lành cho giáo hội và cho cả thành phố”.

Cho đến lúc này Tòa Thánh vẫn chưa xác định vụ lành bệnh của cậu Joey có phải là một phép lạ hay không, thế nhưng gia đình Peacock vẫn tin rằng Pierre Toussaint đã chuyển cầu để Joey trở thành một cậu bé khoẻ mạnh bình thường như những bạn trẻ khác.

Cậu Joey đã khôn lớn và đã được chịu phép Thêm Sức vào ngày 5/2 vừa qua. Chính Đức Tổng Giám Mục tại Washington Donald W. Wuerl đã ban phép Thêm Sức và Joey đã chọn tên “Pierre” làm tên bổn mạng Thêm Sức.

Bà Lisa Peacock mẹ của cậu bé đã nói “chúng tôi quá đỗi vui mừng để nhìn thấy Joseph Joey buớc lên cùng với bố mẹ đỡ đầu và người anh John để nhận lãnh hồng ân Chúa Thánh Linh. Khi nhìn thấy cháu bước lên không phải mang nạng hay phải qua cuộc phẫu thuật để chỉnh lại hai khúc vẹo nơi cột xương sống thật là một điều kỳ diệu và vui mừng cho gia đình chúng tôi”.