Tình hình bách hại Kitô hữu trong bang Orissa, Ấn Độ

Phỏng vấn Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, về tình hình bách hại Kitô hữu tại Ấn Độ

Hôm 30-1-2008 là ngày kỷ niệm 60 năm ông Mahatma Gandhi bị ám sát. Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng lý tưởng bất bạo động và chung sống hòa bình do ông đề xướng vẫn chưa được thực hiện. Dịp lễ Giáng Sinh năm 2007 vừa qua phong trào Ấn giáo cực đoan Sangh Parivar đã chủ mưu một loạt các vụ tấn công các Kitô hữu và đốt phá các nhà thờ và cơ sơ Kitô, trong vùng Kandhamal, miền đông bang Orissa, khiến cho 6 tín hữu thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Khoảng 70 cơ sở của Kitô giáo trong đó có các nhà thờ, trường học, viện mồ côi, trường nội trú và tu viện đã bị đốt phá bình địa, trước thái độ hoàn toàn bất động của lực lượng an ninh và sự im lặng của chính quyền địa phương.

Linh Mục Laxmikanta Pradhan, cha sở giáo xứ Balliguda, hiện vẫn đang phải lẩn trốn trong các vùng chung quanh giáo xứ, cho biết vào khoảng 7 giờ rưỡi chiều ngày 24-12-2007, các nhóm tín hữu Ấn cuồng tín vũ trang gươm, dao, súng lục, thanh sắt và rìu, đã phá cửa ùa vào bên trong giáo xứ, đe dọa và chĩa súng vào các linh mục nữ tu và các tín hữu đang trang hoàng nhà thờ cho thánh lễ đêm Giáng Sinh. Và thế là mọi người bỏ chạy vào trong rừng. Từ trong rừng họ trông thấy lửa bốc cháy thiêu rụi nhà thờ, nhà xứ và trường nội trú.

Các sách nhiễu bách hại chống lại các Kitô hữu trong mấy năm qua chứng mình cho thấy Ấn Độ, quốc gia dân chủ to lớn nhất thế giới, vẫn còn rất xa lý tưởng của lòng khoan nhượng, sự sống chung hòa bình và bất bạo động do ông Gandhi đề xướng.

Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ hiện có 17 triệu tín hữu, tức chiếm 1,6% tổng số dân, và chiếm 66% tổng số Kitô hữu, với 17 tổng giáo phận và 122 giáo phận. Tín hữu Kitô Ấn độ vẫn tự hào là con cháu của thánh Toma Tông Đồ, đã tới truyền đạo tại đây hồi thế kỷ thứ I. Từ đó phát sinh ra hai lễ nghi công giáo là Siro Malabar và Siro Malankara, trong khi Giáo Hội Công Giáo Latinh có từ thời thuộc địa của Bồ Đào Nha. Giáo Hội Công Giáo rất dấn thân trong lãnh vực văn hóa, giáo dục, y tế xã hội, và được nhân dân ưa chuộng. Nhưng đây lại là lý do khiến cho các tín hữu Kitô bị các nhóm Ấn giáo cuồng tín thù ghét, với sự hỗ trợ của các nhóm chính trị cuồng tín.

Lòng tin Kitô được du nhập vào bang Orissa cách đây hơn 3 thế kỷ, nhưng chỉ mới phát triển mạnh từ 150 năm nay. Năm giáo phận trong bang này có khoảng 500 ngàn tín hữu trên tổng số 37 triệu dân. Kể cả tín hữu thuộc các Giáo Hội hay cộng đoàn Kitô khác số tín hữu được khoảng 1 triệu. Orissa là bang có nhiều người thuộc lớp cùng đinh ”dalít” nhất, chiếm khoảng 39% dân số.

Trước đây tương quan giữa tín hữu các tôn giáo đã rất tốt đẹp, vì có sự khoan nhượng và cảm thông. Nhưng từ nhiều năm nay có sự căng thẳng và xung khắc công khai giữa các tín hữu Ấn giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Lý do là vì vào thập niên 1980 nảy sinh phong trào ấn giáo cực đoan Sangh Parivar, được nhiều chính trị gia ủng hộ. Phong trào này chủ trương ”ấn giáo hóa” toàn nước Ấn, và đặc biệt có óc nghi ngờ và thù ghét các Kitô hữu, bị tố cáo là đi theo thực dân và xa lạ với nền văn hóa Ấn. Nó được các chính trị gia sử dụng và lèo lái cho các lợi lộc chính trị, và vì thế cũng khiến cho hàng trăm giai tầng, tiểu giai tầng, và các nhóm bộ tộc khác thuộc thế giới ấn giáo trở thành nạn nhân, cùng với các tín hữu Kitô.

Đặc biệt với cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2009 tới đây, bang Orissa là môi trường thí nghiệm chích sách ”ấn giáo hóa” toàn nước, sau bang Gujarat, là nơi từ nhiều năm qua đã liên tục xảy ra các vụ bạo động và bách hại Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác.

Trong những ngày vừa qua Đức Hồng Y Telesphore Toppo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã đi thăm cộng đoàn Kitô vùng Bubhaneshwar về, và đã tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn của 70 cơ sơ nói trên. Đức Hồng Y cho biết mặc dù đau khổ các tín hữu Kitô vẫn can đảm hy vọng. Họ chờ mong các anh chị em khác tại Ấn giúp họ tái thiết cuộc sống. Họ đã bị thử thách trên thân xác, trong tâm lý và tinh thần, nhưng các sức mạnh của sự ác đã không chiến thắng được họ, vì không ai có thể chấp nhận sự tàn ác vô nhân ấy. Ấn Độ là một quốc gia đời nhưng dân chủ. Vì thế Đức Hồng Y Toppo yêu cầu các giới chức chính trị đem nội vụ ra công lý, đồng thời kêu gọi tình liên đới của Kitô hữu toàn nước trong việc cứu trợ các tín hữu Kitô bang Orissa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn vài nhận định của Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục giáo phận Cuttack-Bubhaneswar, về tình hình bách hại Kitô hữu tại Ấn Độ. Giáo phận của Đức Cha đã là nơi xảy ra các vụ tấn kích và bách hại tín hữu Kitô hồi tháng 12 năm 2007.

Hỏi: Thưa Đức Cha Cheenath, hơn một tháng sau khi xảy ra các vụ tấn kích tín hữu Kitô trong giáo phận của Đức Cha, tình hình tại đây hiện nay ra sao?

Đáp: Hiện nay tình hình xem ra yên ắng, nhưng các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân công giáo vẫn lo sợ là đích điểm tấn kích của lực lượng Sangh Parivar. Nhiều trẻ em nội trú trong giáo xứ không còn chỗ sống nữa, vì vài trường học đã bị đốt cháy. Do đó các em bị gửi trả về gia đình, với nguy cơ là bị mất đi một năm học. Rất nhiều cha mẹ của các em vẫn còn lẩn trốn trong rừng vì sợ hãi. Và đây không phải là chuyện tình cờ, vì họ thường xuyên bị đe dọa. Bầu khí nghi ngờ rất là mạnh. Chính quyền có gửi đồ cứu trợ, nhưng qúa ít, không thấm vào đâu. Tuy đã có các biện pháp bồi thường những người đã mất nhà cửa và công ăn việc làm, nhưng cho tới nay hơn một tháng đã trôi qua mà các tổ chức phi chính quyền và Giáo Hội vẫn chưa được phép cứu trợ dân chúng trong vùng.

Việc tái thiết vật chất luôn là điều có thể làm được, vì có sự liên đới của tín hữu công giáo toàn Ấn độ, nhưng để tái thiết sự tin tưởng, cần phải mất nhiều thời gian hơn. Tất cả tùy thuộc rất nhiều nơi cách thức chính quyền kiểm soát tình hình.

Hỏi: Câu chuyện đầu đuổi đã xảy ra như thế nào, và người ta đã tìm ra các thủ phạm và bắt giữ họ chưa, thưa Đức Cha?

Đáp: Các vụ bạo động đã xảy ra lúc 8 giờ sáng ngày áp lễ Giáng Sinh tại làng Bamunigam, không xa đồn cảnh sát bao nhiêu. Tại đây cộng đoàn thổ dân Hui Kalyan Samiti đã tổ chức một cuộc biểu tình không dính dáng gì tới tôn giáo, mà chỉ có mục đích chính trị, và nó đã là ngòi nổ cho bạo lực. Các tín hữu Kitô đã nghi ngờ mưu toan này của họ, nên hai ngày trước đó đã báo cho viên cảnh sát trưởng quận Kandhamal biết. Ông ta hứa là sẽ che chở cộng đoàn Kitô. Và riêng tôi, thì tôi đã ra lệnh cho các linh mục là phải trốn chạy, khi bị tấn công. Sự kiện này đã cho phép cứu sống nhân mạng, nhưng lại khiến cho các nhóm ấn giáo cuồng tín đốt phá các cơ sở của Giáo Hội như họ muốn.

Từ nhiều tháng nay nhóm Sangh Parivar do Swami Laxmananda Saraswati lãnh đạo. Ông này tự phong cho mình tước hiệu là ”người khắc khổ” nhưng là một người cuồng tín và đã chủ mưu tấn công các Kitô hữu. Các nhóm của họ gồm 200 người kéo đến giáo xứ Bamunigam và 500 người kéo đến giáo xứ Balliguda, là nơi bị tấn công nặng nhất. Họ tới bằng xe vận tải và được trang bị để tấn công chớp nhoáng và gây ra nhiều thiệt hại chừng nào có thể. Mọi đường vào quận Kandhamal đều bị chặn bằng cây lớn để không ai có thể tiếp cứu được. Họ tấn công 7 địa điểm khác nhau trong cùng một lúc. Và điều này đã xảy ra với sự đồng loã và yểm trợ của các lực lượng an ninh địa phương. Một nhóm tín hữu công giáo đến cứu chữa các tín hữu bị tấn công đã bị cảnh sát ngăn chận và đuổi ra khỏi quận.

Rất tiếc là chưa bắt được thủ phạm nào, và chúng tôi cũng không thể tin cậy và trông mong gì nơi các lực lượng an ninh trật tự của chính quyền, vì đa số các biến cố đã xảy ra dưới sự chứng kiến của cảnh sát. Chẳng hạn, nhà thờ Bamunigam đã bị tàn phá trước sự hiện diện của 20 cảnh sát viên, mà không một cảnh sát nào can thiệp để ngăn chặn việc tàn phá ấy. Các thủ phạm thuộc các nhóm theo phong trào ấn giáo hóa mọi sự; nó là một chủ trương thanh lọc chủng tộc, bằng cách phổ biến thù hận và bất khoan nhượng. Tuy nhiên chúng tôi có thể nói rằng các thủ phạm của các xáo trộn này đến từ các làng khác và các quận khác, để không bị nhận diện. Họ không phải là người thuộc quận Kandhamal.

Hỏi: Thưa Đức Cha, các lý do nào đã gây ra cuộc khủng hoảng trong giáo phận của Đức Cha?

Đáp: Các người ấn giáo vu khống chúng tôi là tìm lôi kéo các tín hữu ấn theo Kitô giáo. Nhưng mà đây chỉ là cớ che đậy âm mưu biến Ấn Độ trở thành một quốc gia ấn giáo, trong đó tín hữu các tôn giáo thiểu số phải thích ứng hay biến mất, không được quyền tồn tại. Ngay hiện nay nữa vẫn còn có các nhóm tín hữu ấn cuồng tín diễn hành qua các đường phố Kandhamal, và đưa ra các lời đe dọa đối với các cá nhân hay gia đình. Họ đưa ra ba điều kiện: thứ nhất là rời bỏ xứ sở; thứ hai là theo Ấn giáo; thứ ba là chết. Đây là một thử thách rất lớn đối với tín hữu Kitô. Rất nhiều Kitô hữu đang gặp khó khăn vì đã mất hết của cải. Lý do đích thật của các hành động bạo lực hướng tới các tín hữu Kitô là những người thuộc các giai tầng thấp kém trong xã hội, đó là tiến trình giải phóng họ khỏi tình trạng thấp kém này.

Từ bao thế kỷ qua họ đã bị chèn ép khai thác bóc lột. Và từ lâu Giáo Hội đã phát động phong trào giải thoát các anh chị em thuộc lớp cùng đinh dalit, với các sáng kiến giáo dục, y tế, phát triển qua các thừa sai cũng như qua các tổ chức phi chính quyền. Kết qủa là ngày nay nhiều người cùng đinh đã cải tiến cuộc sống, và có được vai trò mới trong xã hội.

Nhưng thực tại này khiến cho họ đụng chạm tới các lợi lộc của các phong trào ấn giáo cuồng tín, bao gồm các giai tầng xã hội cao hơn. Từ đó phát xuất ra các hành động bạo lực và đàn áp này, nhằm mục đích duy trì các anh chị em dalit trong tình trạng tùng phục họ và bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội.

(Avvenire 30-1-2008)

Linh Tiến Khải