Tình hình tôn giáo ở Tây Bắc thực trạng và giải pháp

LTS: Xin giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Lê Vui đăng trên Trang điện tử của Uỷ ban Dân tộc nói về sự phát triển của đạo Tin Lành và Công Giáo trên vùng Tây Bắc Việt Nam, trong đó có nói rằng "từ năm 1990 trở lại đây, tình hình tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp". Câu hỏi đặt ra là đây có phải là một tín hiệu hy vọng hay là những biện pháp của chính quyền nhàm hạn chế sinh hoạt tôn giáo của người M'Hong nói riêng và của người Công giáo và tin Lành? Chúng tôi xin đăng nguyên văn để rộng đường dư luận.

Tình hình tôn giáo ở Tây Bắc thực trạng và giải pháp

Vùng Tây Bắc nước ta bao gồm các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình và miền Tây tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, đây là vùng “phên dậu” của Tổ quốc, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc. Cộng đồng các dân tộc chung sống trong vùng có gần 40 dân tộc anh em với hơn 6 triệu người, trong đó có một số dân tộc có số dân đông như: Thái, Mường, Tày, Mông, Dao… Các dân tộc sinh sống xen ghép với nhau, cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong suốt quá trình lịch sử, trải qua biết bao thăng trầm nhưng chưa xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột dân tộc nào. Đó là một truyền thống tốt đẹp tạo nên sự ổn định bền vững và phát triển cho vùng Tây Bắc nước ta. Tuy nhiên những năm gần đây do đạo Tin Lành phát triển với tốc độ nhanh đã gây ra nhiều phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh trật tự và văn hoá - xã hội của vùng này.

Trước tình hình trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TƯ về công tác tôn giáo; Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 01-CT/TTg về một số công tác đối với đạo Tin Lành. Như vậy Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, tự do theo đạo và không theo đạo của mọi công dân, nghiêm cấm việc ép buộc đồng bào theo đạo hoặc bỏ đạo; đồng thời kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoặc đội lốt tôn giáo để kích động, lôi kéo đồng bào gây chia rẽ dân tộc, chống phá đất nước.

Qua nghiên cứu khảo sát về đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng các dân tộc ở Tây Bắc, chúng ta thấy đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc phần lớn theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, tôn thờ thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió… mang đậm sắc thái văn hoá của cư dân nông nghiệp, cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Nhưng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và những cuộc di dân (có tổ chức và tự do) của cư dân vùng đồng bằng lên xây dựng cuộc sống mới ở Tây Bắc đã mang đạo công giáo đến vùng này. Năm 1905, thực dân Pháp đã xây dựng nhà thờ bằng gỗ ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái). Đến năm 1945, chỉ có vài trăm hộ theo đạo (240 hộ) và đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, ở vùng Tây Bắc số hộ theo đạo Công giáo chỉ tăng tự nhiên theo phát triển dân số.

Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, tình hình tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các tôn giáo tranh giành đức tin từ công chúng, gây ra sự xáo trộn về tư tưởng, tâm lý của một bộ phận đồng bào các dân tộc, xâm hại đến giá trị văn hoá truyền thống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo “Vàng Chứ”, nhiều gia đình đã bỏ cả sản xuất, mổ lợn, mổ bò để đón “Vàng Chứ” về cứu thế thoát khỏi nghèo đói. Niềm tin mù quáng của một số người đã khiến họ trở thành nạn nhân của cái gọi là “đạo Vàng Chứ”.

Cùng thời điểm này đạo Tin Lành xuất hiện ở Tây Bắc thông qua hệ thống tuyên truyền từ bên ngoài bằng tiếng Mông của đài Manila (Philippin), đài VOA và các vị chức sắc tôn giáo từ miền xuôi lên trực tiếp truyền đạo. Do hình thức truyền đạo của họ giản đơn, thiết thực, kết hợp với làm từ thiện và tận dụng những nội dung của giáo luật gần gũi với tâm lý của đồng bào nên số tín đồ theo đạo này ngày càng đông. Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết hiện nay có 805 thôn bản, 242 xã, 42 huyện có đồng bào theo đạo Tin Lành, trong số tín đồ đạo Tin Lành, người Mông chiếm 96%.

Qua khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Khoá XI) tại 6 tỉnh Tây Bắc có tổng cộng 52.970 người theo đạo Tin Lành và 35.181 người theo Công giáo trong đó Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La là những tỉnh có đông đồng bào theo đạo Tin Lành. Các diễn biến tôn giáo (chủ yếu là Công giáo và Tin Lành) ở các tỉnh Tây Bắc có những đặc điểm riêng biệt về phạm vi và tính chất. Ví như ở Lào Cai, người Pháp truyền đạo Công giáo vào Sa Pa từ năm 1905, nhưng số người theo đạo Công giáo chủ yếu là người Kinh, chỉ có số ít người Mông ở hai xã Hầu Thào và Lao Chải theo Công giáo.

Từ năm 1990 trở lại đây cả Công giáo và Tin Lành đều phát triển nhanh. Đạo Công giáo đã thành lập được 8 ban hành giáo, với 5.700 tín đồ. Đạo Tin Lành phát triển tại 136 thôn bản, 45 xã, 7 huyện với 11.002 tín đồ. ở Sơn La, việc truyền đạo lại do người địa phương thực hiện. Năm 1986 bà Thào Bả Hụ cùng với Sùng Bá Rế, Thào Bá Cho, Thào Bả Sáng ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã đã đến Trạm Tấu (Yên Bái) để học đạo và vận động 16 hộ ở bản ít Lót theo đạo.

Năm 1992, nhiều hộ Công giáo ở đây chuyển sang theo đạo Tin Lành. Năm 1993 cả Công giáo và Tin Lành đã xuất hiện ở 26 bản, 12 xã, 5 huyện với 379 hộ/2.055 người (trong đó Tin Lành 178 hộ/987 người). Đến năm 2000 đã có 64 bản, 29 xã, 7 huyện với 726 hộ theo đạo (trong đó có 496 hộ/3.301 người theo đạo Tin Lành).

Trong đạo Tin Lành có hai hệ phái thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam và Hội thánh Liên hữu Cơ đốc. Còn ở tỉnh Điện Biên, việc truyền đạo lại có nhiều hội thánh, đến nay có 3 hội thánh đang hoạt động đó là:

1. Hội thánh Tin Lành Việt Nam, hoạt động ở 109 bản, 24 xã, 5 huyện với 3.749 hộ/22.022 người;

2. Hội thánh Liên hữu Cơ đốc miền Nam hoạt động ở huyện Điện Biên Đông với 99 hộ/837 người;

3. Hội thánh Liên đoàn truyền giáo Phúc âm Ngũ tuần có 157 hộ/1.179 người ở 10 bản, 2 xã của huyện Mường Chà.

Qua một số dẫn liệu về tình hình phát triển của đạo Công giáo và Tin Lành để thấy rằng: các tôn giáo, trong đó có các giáo phái đang có xu thế gia tăng, tranh giành ảnh hưởng và tín đồ của nhau. Có Hội thánh đầu tư xe máy, máy ảnh, viđiô… để làm phương tiện truyền đạo; Hội trưởng được trả lương và phụ cấp hàng tháng (600.000đ); người có công vận động tín đồ theo đạo được khen thưởng. ặc biệt ở một số nơi, các chức sắc tôn giáo đã phối hợp với chính quyền trong việc thực hiện xây dựng nếp sống mới, làm từ thiện, giúp đỡ những gia đình khó khăn. Những việc làm này phù hợp với giáo luật nên đồng bào cảm thấy “đạo gần với đời”. Trước các diễn biến về tôn giáo ở vùng Tây Bắc, đòi hỏi chúng ta cần nhìn nhận khách quan đối với một bộ phận đồng bào các dân tộc có đạo. Theo điều tra đánh giá của các ngành chức năng, đa số đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Song bên cạnh đó vẫn còn những người nghe theo kẻ xấu cố tình lôi kéo, kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình trên, các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La… đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác tôn giáo theo quan điểm đổi mới, xoá bỏ mặc cảm đố kỵ giữa người có đạo và không có đạo, tạo ra mối quan hệ đoàn kết “lương giáo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên công tác quản lí Nhà nước về tôn giáo ở các tỉnh vùng Tây Bắc còn hạn chế, để xảy ra tình trạng truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là các cấp, các ngành, cán bộ và đồng bào các dân tộc chưa nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác tôn giáo được kiện toàn, song chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác tôn giáo trong bối cảnh hội nhập quốc tế; do vậy việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Để đưa sinh hoạt tôn giáo của một bộ phận đồng bào các dân tộc có nhu cầu vào nề nếp, có tổ chức, đảm bảo cho các tín đồ tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, “phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”, cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với tôn giáo đã được thể hiện trong Nghị quyết số 25/NQ-TƯ về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền chủ động đưa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào có nhu cầu tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ, nhà tu hành thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của người công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; các cấp chính quyền và cơ quan làm công tác tôn giáo cần hướng dẫn để các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động đúng pháp luật, khuyến khích các tôn giáo phát huy nội dung tích cực của tôn giáo trên các lĩnh vực văn hoá, đạo đức, hướng thiện; thực hiện phương châm tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết hoà hợp đồng bào có đạo và không có đạo cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu, hành động của các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo để lừa bịp, lôi kéo đồng bào các dân tộc gây rối trật tự ở khu dân cư; kiên quyết vạch trần âm mưu, thủ đoạn của những kẻ lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách tôn giáo, đi ngược lại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến huyện và xã, sắp xếp lựa chọn những người có năng lực, có trách nhiệm để tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền về nhiệm vụ công tác tôn giáo trong thời kỳ mới. Cần nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của công tác tôn giáo không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn liên quan đến quốc tế. Đối với bộ phận đồng bào bị lôi kéo, kích động, cần cẩn trọng trong việc giải quyết các vướng mắc, lấy tuyên truyền, thuyết phục là chính, dựa vào vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng để cảm hoá đồng bào, tránh chủ quan, áp đặt khi chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thứ tư, tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở vùng Tây Bắc. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, bởi thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc sẽ tạo bước phát triển ổn định, bền vững về kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế cho vùng dân tộc và miền núi, giúp cho đồng bào “về thể xác được ấm no; về tình thần được thong dong”.

Do vậy, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc, sớm đưa vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Trước mắt cần thực hiện tốt các chính sách 134, 135 và các chính sách khác, tạo điều kiện để đồng bào hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

(Nguồn: Lê Vui, Dân Tộc)