HỌ CÓ CÒN LÀ ĐỒNG CHÍ CỦA NHÂN DÂN KHÔNG?

Vài suy nghĩ đêm đầu năm về ĐỒNG CHÍ - Thân tặng các “đồng chí” cán bộ công an, cán bộ chính quyền đang trấn áp người dân, tặng những người dân vẫn ngọt ngào vô tư hai chữ “đồng chí”.

Trên các báo quốc doanh trong nước, trên báo đảng, trên TV và trong lời nói giao tiếp hàng ngày ở VN, chữ “đồng chí” được dùng như một danh xưng phổ biến cuả một thời.

Thời mà tất cả thông tin về ta là anh hùng, là nhất thế giới, là “đánh thắng hai đế quốc to”, là trí tuệ nhân loại, là đạo đức, là văn minh… và muôn vàn từ ngữ nghe như chuông kêu pháo nổ. Thời mà thế giới bên ngoài chỉ là xấu xa, là bẩn thỉu, bóc lột và “phồn hoa giả tạo”.

Khi cánh cửa ra thế giới không còn cách nào khác là buộc phải mở ra để cứu đói, người dân mới cảm nghiệm với nhau một điều thật chua cay: À, thì ra thế giới nó “phồn vinh giả tạo”, nhưng ta thì nghèo đói thật.

Những năm tháng mở cửa, người dân lại hiểu một điều rất đơn giản nhưng phải mất một quá trình rất dài: Những người mà họ thường gọi là “Đồng chí” đã không còn ĐỒNG CHÍ với họ từ lâu. Cái mà các “đồng chí” phục vụ, các “đồng chí” hành động, không giống như những hoạt cảnh luôn được trình chiếu dưới cái nhãn Xã hội chủ nghĩa “vì nhân dân mà phục vụ” - Một cái nhãn nhiều sắc màu dễ làm nhầm lẫn lòng người cả tin.

Nhân dân lao động vốn dễ tin người, nhưng một quá trình dài trải nghiệm, họ đã hiểu được các “đồng chí” qua những hành động, lời nói và mục đích của việc các “đồng chí” đã thể hiện.

Một thời chiến tranh, một thời bom đạn, máu xương đổ ra cho cuộc chiến vì ý thức hệ cộng sản được gọi là “chống Mỹ cứu nước” lực lượng công an đã được trao phó quá nhiều quyền hành, đến nỗi tất cả những việc làm của họ, nhiều khi bất chấp luật pháp vẫn bình an vô sự.

Với người dân, công an là nỗi khiếp sợ, với nhà nước, công an là lực lượng con cưng, được nuông chiều hết mực, chỉ vì đó là lực lượng bảo vệ vững chắc cái ghế độc tài cho thể chế chính trị chẳng giống ai. Vì vậy, tất cả những hành động của các “đồng chí” công an đã làm là tuyệt đối đúng dù vi phạm luật pháp một cách hiển nhiên.

Qua báo chí trong nước gần đây, cứ tìm hiểu ta sẽ thấy, nào là công an đánh người, công an múa kiếm, công an bao che tội phạm, công an mua bán bảo kê ma túy… có đủ mọi mặt. Nhưng thử hỏi có được mấy vụ xét xử nhanh chóng như những thường dân? Câu nói của một cán bộ công an “miệng tao là pháp luật” có cơ sở của nó trong thời đại ngày nay ở Việt Nam.

Bước ra khỏi nhà, đi xe máy, người dân luôn sợ các “đồng chí” sờ gáy theo kiểu “anh hùng núp” – thay vì hướng dẫn giao thông an toàn, các “đồng chí” núp một chỗ khó nhìn, rình con mồi vào bẫy là chộp. Nhưng điều dễ thấy là không vì các đồng chí “chộp” như thế mà tai nạn giao thông dừng lại, mỗi năm, cả chục ngàn người chết do tai nạn giao thông, hơn cả một cuộc chiến.

Đến cơ quan công quyền, gặp các “đồng chí” đầy tớ của nhân dân, thì ông chủ nhận được những lời quát tháo như một thằng nô lệ. Muốn là bất cứ việc gì thuộc quyền đương nhiên của mình, phải Xin, để các “đồng chí” Cho mới được. Ông chủ phải xin lũ đầy tớ đủ mọi chuyện, từ xin cấp hộ khẩu, từ xin chứng thực lý lịch xin việc làm, từ việc xin khai sinh, xin kết hôn, xin làm nhà, và cả xin đi tù… Nếu cứ cái đà này, chắc còn phải có đơn “Xin chết”.

Đã xin thì có cho mới được, nếu chưa cho, hoặc không cho, có nghĩa là phải chịu, nếu không muốn chịu, phải có “Bác Hồ” dẫn đường.

Về những mục đích các “đồng chí” phấn đấu, đâu còn là “phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” mà trước hết phải là “Trung với đảng” dù họ đang ăn cơm của dân, mặc áo của dân. Vì có trung với đảng, họ mới có cơ may leo lên những nấc thang danh vọng trong bộ máy công quyền do “đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” – Nhưng không chịu trách nhiệm toàn diện và tuyệt đối với những yếu kém, sai lầm, tụt hậu - với phương châm “Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta” như câu ca nhân dân vẫn thuộc nằm lòng và ngâm ngợi.

Nhìn những “đồng chí” công an, cán bộ quận, các ban ngành đằng đằng sát khí, dùi cui súng đạn, lưỡi lên sáng loáng trước những “ông chủ” hiền lãnh nhẫn nhục ở Xứ Thái Hà ngày hôm nay, người dân mới hiểu: Ai là đồng chí của họ, ai là đối tượng họ đang bảo vệ và ai là đối tượng họ đang trấn áp? Họ là kẻ thù của các “đồng chí” chăng?

Lực lượng vũ trang, được quy định nhiệm vụ: giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chống lại những tội phạm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ đời sống yên vui cho nhân dân. Đối tượng cần bảo vệ là nhân dân, đối tượng cần trấn áp là những kẻ xâm phạm đến lãnh thổ, an ninh đất nước, đời sống nhân dân.

Thời gian qua, qua các hành động của lực lượng công an trong ngăn chặn, trấn áp người dân tham gia biểu tình chống bọn bành trướng cướp nước phương bắc, người dân thắc mắc: Có phải những người dân này là đối tượng xâm phạm lãnh thổ đất nước? Còn cái Đại sứ quán Trung Quốc được hàng rào dày đặc của công an bảo vệ, họ mới là nhân dân, cần bảo vệ cho đời sống được yên vui?

Trong vụ việc ở Xứ Thái Hà, người dân hoang mang tự hỏi: Có phải họ không còn là nhân dân, có phải họ là đối tượng tội phạm chính trị, kinh tế văn hóa cần trấn áp? Trong khi rõ ràng, những kẻ cướp đoạt đất đai của người khác đang sờ sờ trước mặt, những kẻ ngang nhiên chiếm đoạt lấy của công làm của tư, những kẻ cướp đoạt bán mua đất đai của người khác, họ mới là “nhân dân” theo định nghĩa của các “đồng chí”, họ mới cần bảo vệ?

Viết đến đây, tôi chợt nhớ từ “Ngụy’ mà tôi thường được nghe một quãng đời không ngắn. Tìm hiểu các định nghĩa của nó, tôi mới hiểu rằng: Ngụy, có nghĩa là dối trá, nói một đằng làm một nẻo, nghĩ một đằng nói một nẻo. Vậy ai đang là “ngụy” ở đây?.

Câu Hịch tướng sỹ năm nào trong lịch sử như còn văng vẳng đâu đây: “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn; Làm tướng triều đình phải đi hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm…”. Thì mới thấy người xưa đã thấu hiểu lòng người sâu sắc.

Nhìn những gương mặt sát khí đằng đằng trước đám dân đen, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Nhân dân (trong đó có 1/10 nhân dân là người công giáo) đã bóp hầu bao, thắt lưng buộc bụng nuôi một đội ngũ công an đông đảo phải chăng để dùng bảo vệ cho những lợi ích cướp đoạt của ai đó như vụ việc ở Xứ Thái Hà vài ngày qua nói riêng.

Xa hơn một chút, những người dân biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược kia, chắc họ không thể hiểu nổi, để bảo vệ ai, khi công an trấn áp họ khi họ biểu thị lòng yêu nước?

Vậy thì họ có còn là ĐỒNG CHÍ của nhân dân?

Vậy mà những nạn nhân của họ, vẫn cứ vô tư gọi họ là đồng chí? Những người dân đen hiền lành, vốn ít suy nghĩ chuyện chữ nghĩa đã đành, những người viết trong và ngoài nước vẫn vô tư gọi “đồng chí” như là một chuyện hiển nhiên.

Xin lưu ý rằng: Qua một quá trình, hầu như đã phần nào hiểu được thái độ của nhân dân với các “đồng chí” nên ngay cả đài Truyền hình Việt Nam và báo chí Việt Nam hiện nay, cũng đã rất ít dùng từ “đồng chí”, chắc vì tự họ thấy phản cảm?

Và cũng qua đây, xin có vài điều với các “đồng chí” của nhân dân. Cách đây hơn 650 năm, Nguyễn Trãi từng nói lên cái gốc của sức mạnh dân tộc: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” . Âu đó cũng là kế sâu rễ bền gốc của một thể chế, một chế độ. Những kẻ đứng trên nhân dân, lấy dân làm gốc, lại chặt đúng cái gốc của mình, họ sẽ đứng ở đâu?

“Chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” , câu nói đó ngàn năm sau vẫn nên ghi nhớ.

Sự dã man, tàn bạo nào cũng có cái giá của nó, sự nô bộc, xu nịnh nào cũng có cái giá của nó, xin hãy là một con người đúng tên gọi xưa nay – CON NGƯỜI – đừng để phần con lấn át phần người như đã thấy vừa qua.

Hà Nội, ngày 7 tháng 1 năm 2008.