SAIGÒN -- Sau cuộc biểu tình đầu tiên vào sáng 9 tháng 12 chống Trung Cộng tuyên bố sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào huyện Tam Sa, sinh viên Sài Gòn hẹn nhau qua Internet, điện thoại di động, tiếp tục biểu tình vào ngày chủ nhật 16 tháng 12.

Sinh viên Sài Gòn biểu tình chống Trung Cộng (Photo: Người Việt)
Tối 15 tháng 12, tôi đi dạo một vòng quanh khu vực Lãnh Sự Quán Trung Cộng để quan sát. Hầu hết những ngả đường dẫn tới Lãnh Sự Quán Trung Cộng đều có “chốt” do công an lập. Ngang Nhà Văn Hóa Thanh Niên, đêm văn nghệ ngoài trời vẫn diễn ra như bình thường, tiếng người MC hét rất to: “Ðêm Giáng sinh sắp tới các bạn ước mơ gì?...” Tôi thầm nghĩ, vì đối diện Lãnh Sự Quán Trung Cộng và là một nơi công cộng, ngày mai có thể đoàn biểu tình sẽ bắt đầu từ đây... Chọn xong điểm ưng ý cho việc quan sát diễn biến, tôi ra về.

Sáng Chủ Nhật, tôi dậy sớm, đón xe bus ra khu vực Hồ Con Rùa và đi bộ đến Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Dù còn sớm nhưng tất cả các ngả đường dẫn vào Lãnh Sự Quán Trung Cộng đều đã bị công an phong tỏa bằng hàng rào. Xe cộ bị cấm lưu thông. Chỉ có những người đi bộ riêng lẻ mới có thể băng qua hàng rào. Dù vắng người nhưng không khí có vẻ khá căng thẳng cho cả hai phía: phía biểu tình và phía chống biểu tình.

Bất ngờ đầu tiên khi tôi đã lọt vào trong là Nhà Văn Hóa Thanh Niên đóng cửa. Các cổng đều treo bảng: “Hôm nay nhà văn hóa nghỉ. Lý do: sửa chữa!” Trước những cổng này là “nhân viên công lực”, không phải công nhân. Tôi đoán, nơi thuận tiện nhất có lẽ sẽ là công viên trước Dinh Ðộc Lập, bởi nó rộng rãi và cũng là nơi công cộng, công an không thể cấm tụ tập...

Bảy giờ sáng, công an, trật tự đô thị, dân phòng càng lúc càng đông. Chưa kể Cảnh Sát 113 (lực lượng phản ứng nhanh) sử dụng mô tô quần đảo trong khu vực và bắt đầu xua đuổi những người đậu xe trên lề đường. Thấy không khí bắt đầu căng thẳng, những người cùng ngồi uống cà phê vỉa hè với tôi bắt đầu tản dần... Khoảng 8 giờ sáng, phía công viên bắt đầu chộn rộn, tôi vội vàng trả tiền cà phê và băng qua đó. Một nhóm bạn trẻ đang cởi áo ngoài, bên trong, tất cả đều mặc những chiếc áo thun có dòng chữ: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!” Rồi họ bắt đầu giương cao những biểu ngữ chống Trung Cộng. Lực lượng trật tự mang phù hiệu bằng tiếng Anh “Security Tourist” và tiếng Việt: “Trật tự du lịch” lập tức tràn tới, lập thành vòng vây, cô lập nhóm sinh viên này.

Tuy ít nhưng sinh viên rất bình tĩnh và ôn hòa, họ giải thích lý do hành động với những người vây quanh đang đông dần lên.

Cũng vào lúc đó, những sinh viên khác bắt đầu dồn tới. Vòng tròn được nới rộng cho những sinh viên mới tới nhập vào. Do ở bên ngoài, tôi nghe một người có vẻ là chỉ huy ra lệnh cho “trật tự du lịch”: “Áp sát vào đám sinh viên. Lập hàng rào không được để họ tràn ra ngoài!” Lập tức, hàng rào đó dày lên. Mấy thiếu nữ nãy giờ vẫn tìm cách “chui ra, chui vào” giữa hàng rào an ninh và đám biểu tình bị một người nạt: “Mấy cô này! Hoặc ra hẳn ngoài kia, còn muốn tham gia thì vô hẳn trong kia, không được chạy qua chạy lại gây rối trật tự!” Nghe vậy, họ chui luôn vào bên trong.

Sinh viên với các biểu ngữ chống Trung Cộng (Photo: Người Việt)
Khi hàng rào an ninh đã đủ chặt, một nhóm người lớn tuổi xuất hiện để “đối thoại” với sinh viên. Một vị tự xưng là hiệu trưởng của một trường đại học dân lập kể lể hồi trẻ ông ta cũng tham gia phong trào nọ, phong trào kia... rồi phán: “Các em biểu tình như thế này cũng không đòi được Hoàng Sa, Trường Sa đâu!” Một số sinh viên bất bình la to: “Chúng tôi hiểu! Nhưng chúng tôi muốn nhà nước phải hành động!” Khi nhà giáo già, có vẻ hiền lành này đuối lý. Một người khác còn trẻ, tự xưng là giáo sư “đăng đàn”: “Tôi là giáo sư, các em là sinh viên, chúng ta là những người có học, có gì chúng ta về trường đối thoại, chứ giữa những người ngoài xã hội như thế này, tôi không thể đối thoại với các em được vì không đảm bảo tính tôn nghiêm của môi trường giáo dục!” Sinh viên lại la to: “Phản đối! Phản đối! Yêu nước không phải là độc quyền của sinh viên!” Dù tự phát nhưng sinh viên tỏ rõ họ có khả năng kiềm chế rất tốt, khi sinh viên nào đó có hành động hoặc lời nói quá khích, các sinh viên khác nhắc nhở ngay để tránh trường hợp bị đàn áp. Thất bại, nhóm thuyết khách là học giả rút ra ngoài. Một sinh viên hô to: “Thôi, đừng tranh luận nữa. Chúng ta cần tiến về Lãnh Sự Quán Trung Quốc!” Lời kêu gọi này được hưởng ứng tức khắc, sinh viên nhất tề tiến tới và hàng rào an ninh siết chặt tay, đẩy họ dội ngược. Lúc này, đồng hồ trên tay tôi chỉ 9 giờ 55 phút. Trong lúc xô đẩy, có vài tiếng kêu của nữ sinh viên làm cho không khí thêm căng thẳng. Song cả hai bên: biểu tình và ngăn chặn đều cùng kiềm chế.

Một phụ nữ lớn tuổi đứng trong đoàn sinh viên biểu tình tỏ ra bất bình. Chị bảo toán ngăn chặn: “Tại sao lại ngăn các em? Phải để cho các em đi chớ! Ðất nước này là của ông bà tổ tiên mình đổ biết bao xương máu để giữ gìn, bây giờ đâu có thể ngồi yên mà nhìn Trung Quốc cướp như vậy?!” Lực lượng áo xanh im lặng, không trả lời nhưng nét mặt của một số người trong họ giãn ra, bớt lạnh lùng...

Không thể tiến về phía Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc, sinh viên quay ngược lại, bước về hướng đường Nam Kỳ Khởi nghĩa (Công Lý cũ). Nhưng lại có lệnh qua bộ đàm: “Lập hàng rào ngay! Lập hàng rào ngay! Giá nào cũng không được để cho sinh viên bước xuống đường!” Một “hàng rào” nữa lại bủa quanh hướng đó. Một sinh viên chui qua hàng rào an ninh, than: “Thất bại rồi! Công an đông quá, không thể làm gì được!” Ðúng là như vậy. Không biết tại sao, hôm ấy, “trật tự du lịch” đông khác thường trong khi ngày thường, lực lượng này chẳng có bao nhiêu người. Ngoài “trật tự du lịch”, quanh đó nhan nhản cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, trật tự đô thị, dân phòng...

Không thể bước xuống đường, sinh viên bèn di chuyển trong công viên và hát vang những bài hát trước 1975 như: “Dậy mà đi! Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!...” Tiếng hát của họ thống thiết, hào hùng. Sinh viên di chuyển tới đâu thì hàng rào chuyển động theo tới đó. Cuối cùng, sinh viên ngồi tại chỗ, mặc cho đủ thứ lực lượng vây quanh.

Cũng từ lúc này, bắt đầu có những cuộc tranh luận mới. Khi có sinh viên nào đó phát biểu hăng hái và phát biểu được các sinh viên khác hoan hô thì vài người mặc thường phục tới “dìu” bạn đó, đưa ra khỏi đoàn biểu tình. Vài sinh viên tìm cách trở vào. Một bạn trong số này bị một người mặc thường phục cản lại và tra vấn về nhân thân. Bạn trả lời: “Anh hỏi tôi tên gì, học năm mấy, trường nào để làm gì? Anh chỉ cần biết tôi là sinh viên và tôi đến đây cùng các bạn tôi để bày tỏ thái độ với Trung Quốc khi họ cướp đất của Việt Nam. Chúng ta tranh luận với nhau dựa trên lẽ phải, vì lẽ phải chứ không cần biết đời tư của nhau để làm gì...”

Tôi rời khỏi nhóm sinh viên biểu tình bị chặn ở công viên và đi sang bên kia đường, phía Nhà thờ Ðức Bà vì ở đó có rất đông người đứng coi. Nhiều người đứng coi đã vỗ tay hoan hô khi sinh viên hát. Chính sự cổ vũ này đã mở ra mặt trận thứ hai: Những sinh viên đi riêng lẻ, nãy giờ không nhập được vào nhóm biểu tình đang bị bao vây đã tập hợp lại với biểu ngữ để hình thành đoàn biểu tình thứ hai. Ngay lập tức, một đoàn “trật tự du lịch” được điều đến và một hàng rào mới được thiết lập để cô lập họ. Cả hai đoàn biểu tình chỉ có thể nhìn nhau, ca hát, reo hò cổ vũ nhau chứ không thể sáp lại, nhập làm một.

Vài nữ sinh viên thoát ra vừa dán decal lên nón (“Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam!”) vừa lầu bầu “rủa” các lực lượng ngăn cản sinh viên phản đối Trung Quốc: “Toàn một bọn Lê Chiêu Thống!” Bên trong vòng vây, tiếng một sinh viên oang oang tranh luận: “Báo, đài, lãnh đạo thành phố suốt ngày cứ ra rả là dân chủ cơ sở là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra! Sinh viên chúng tôi cũng là dân đây, chúng tôi cũng muốn biết, muốn bàn, muốn làm, muốn kiểm tra xem nhà nước đã có ‘kế sách’ gì với Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta chưa? Hay vẫn chỉ là những lời an dân suông? Nước mất nhà tan, chúng tôi phải có trách nhiệm, chúng tôi phải lên tiếng...” Ý kiến này được đám đông sinh viên vỗ tay, hò reo tán thưởng...

12 giờ trưa, có lẽ do sinh viên đã thấm mệt, không khí “xìu” xuống. Tôi rời khỏi khu vực của nhóm biểu tình thứ hai,băng qua đường về phía cao ốc Plaza, nơi có rất nhiều người dân đang tập trung ở đó. Một chị đang “cự” những nhân viên “trật tự du lịch”: “Tôi không phải là du khách, tôi không cần các anh bảo vệ, hãy để yên cho tôi đi!” Mọi người cười ồ nhưng những nhân viên “trật tự du lịch” vẫn lầm lì, nghiêm túc chấp hành chỉ thị “lập hàng rào”...

12 giờ 40, nhiều nhân viên “trật tự du lịch” lên tiếng nửa đùa, nửa năn nỉ sinh viên: “Mấy em ơi, trưa lắm rồi, về nghỉ đi cho mấy anh, mấy chú về ăn cơm”. Sinh viên không trả lời, chỉ cười rồi từ từ tan hàng...

Tôi quyết định ra về. Ra khỏi khu vực này, tôi mới hiểu vì sao dân chúng không thể tham gia ủng hộ sinh viên: Các ngả đường dẫn vào khu vực biểu tình đều có hàng rào, không cho đi vào. Trên đường về nhà, tôi sực nhớ một tuyên bố hình như của Nguyễn Thái Học: “Không thành công thì thành nhân”...

(Nguồn: Văn Lang / Người Việt, ngày 4.1.2008)