Vài ý nghĩ về bộ sách Thao Thức

Ðức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần viết nhiều, rất nhiều và đều tay như chính ngài tâm sự: “viết nhiều đến nỗi nó (ngón tay này) không co lại được. Ðau lắm”. Những bài viết thật đa dạng, đề tài phong phú, nhưng luôn mang mãi nhịp thở của trái tim. Hình như viết là một cách thế sống, suy tư là một cách hiện hữu, như triết gia Descartes đã nói: “tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu” (cogito ergo sum). Do đó những thao thức của đức cha Bùi Tuần thật chân thành và thật nhạy cảm, thật lý tưởng nhưng cũng thật thiết thực. Cho nên đọc những bài giảng thuyết, các suy tư trăn trở của ngài, tôi đã bắt gặp chính xương máu, da thịt của một người đang đi một hành trình đức tin trong một cảnh sống cụ thể hằng ngày.

Một nhóm Cựu Chủng Sinh Long Xuyên và thân hữu tái xuất bản bộ sách Thao Thức của ngài, gồm 5 tập: Mở lòng ta ra, Làm chứng cho Ðức Kitô, Hãy sang bờ bên kia, Ðịa chỉ mới của đức tin và Thách đố mới, với số trang thật đồ sộ khoảng 2500. Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa bộ sách không có chất lượng, trái lại tôi vẫn tìm được một trân trọng, một thiết tha với từng tư duy diễn tả bằng một ngôn từ thật chau chuốt, cũng như tấm lòng thiết tha yêu Chúa, yêu đời, yêu người của Ðức cha Bùi Tuần.

Nhắc lại vài biến cố trong cuộc đời thật riêng tư, nhớ lại các địa danh đã đi qua, ôn lại các gặp gỡ không thể quên, gợi lại các hàn huyên không thể nào xóa mờ trong tâm khảm, suy niệm về Ðức Mẹ, về Thánh Giá, về thánh Giuse hay thánh Gioan Baotixita, mơ uớc trong những ngày đầu xuân những bài viết của đức cha Bùi Tuần chuyên chở những băn khoăn thao thức, những trăn trở làm chứng nhân cho Tin Mừng trước và trong các chìm nổi của cuộc sống hôm nay. Làm chứng cho Tin Mừng không những chỉ một mình đơn lẻ, nhưng còn cùng với những người khác, “những người cùng đi, đã đi, đã nếm vị đắng của chuyến đi ấy” để “làm cho biến cố đau thương trở thành sứ điệp của tình yêu cao thượng”.

Tôi đọc bộ sách Thao Thức với thấp thoáng tư tưởng của triết gia Jean-Paul Sartreá: “tôi chỉ thật sự là chính tôi nhờ người khác” (je ne suis moi-même que par un autre). Người khác với đức cha Bùi Tuần là những anh chị em hèn mọn nghèo khổ, bất hạnh, những người thiện chí. Người Khác chính là Ðức Kitô với Tin Mừng của Người. Qua người khác tôi sẽ học thật sự là chính tôi với tam cương ngũ thường nhân nghĩa lễ trí tín. Bởi người khác tôi thao thức đi tìm về nền tảng đời chứng nhân, thao thức đào sâu tinh túy các giá trị Phúc âm.

Tôi đọc bộ sách Thao Thức, tôi cảm thấy mình chìm đắm vào những lời nhắn nhủ thầm thì của một hiện tại đang sống của con người cụ thể “nơi này và ngay lúc này” ( hic et nunc), cùng với tha nhân thao thức về phút giây tương lai đang tới, bởi vì “ý tưởng đồng hành đòi hỏi nhiều chuyển biến”, chuyển biến chính mình, chuyển biến não trạng tháp ngà hay vỏ ốc, theo đòi hỏi của Tin Mừng, để thấy rằng “biết bao lần những cái nhìn thinh lặng, đầy thông cảm, tuy chỉ một giây, một phút, đã trao gửi được sức mạnh nâng đỡ cho suốt cả cuộc đời”.

Những trang giấy bộ sách Thao Thức trải dài trước mắt, trầm lắng nhưng thật nhiều giai điệu trầm bổng rung động, hoà nhập vào nhau thành một thao thức duy nhất: Yêu thương trong Phục vụ.

Tôi cầm bộ sách trên tay và tôi đã thấy được nhiều nụ cười, lắm đóa hoa trong trăn trở Thao Thức của đức cha Bùi Tuần, của “nhiều người biết sống đạo đức, như những cây nến tỏa sáng chứ không tỏa khói, trong nhà thờ và nhất là trong xã hội, giữa đời, giữa thế gian”, những người nhận chân rằng “truyền giáo là chuyện của trái tim nhiều hơn là chuyện của lý trí. Truyền giáo là chia sẻ một tình yêu hơn là truyền đạt một giáo lý”.

Trong triền miên hoài niệm như thế tôi đã gặp lại đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, người thầy của tôi hơn ba mươi năm về trước, qua bộ sách Thao Thức tôi vừa đọc.