TÔI ĐÃ THẤY...

“NHƯ CHA SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM”

Một tháng sống với anh em Dân Tộc J'rai nghèo khổ, tại vùng đất Ialy huyền thoại, tôi thêm xác tín về những lời xác quyết của Đức Giê-su: người nghèo là người được ưu tiên đón nhận Tin Mừng Cứu Độ ( Mt 11, 5; Lc 4, 16, 21 ). Họ được chúc phúc không phải vì yếu tố giai cấp xã hội hay một lý do nào khác, nhưng hoàn toàn do tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Chính Ngài đã đồng hóa với họ và chấp nhận những gì người ta làm cho họ là làm cho chính Ngài ( Mt 25, 31- 45 ).

Quả thật, nhìn vào cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta thấy ngay từ lúc nhập thể, Con Thiên Chúa đã tự trở nên nghèo khó đến mức tận cùng ( Lc 2, 7; Pl 2, 6-11 ). Ngài đã sống một đời sống rất bình thường giữa bao người như mọi người ở làng quê Na-da-rét nghèo khó ( x. Ga 1, 46 ). Trong cuộc đời hoạt động công khai, Chúa Giê-su đã chấp nhận cảnh nay đây mai đó ( Lc 9, 58 ). Và nhất là qua cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giê-su đã thể hiện sự nghèo khó đến tột bậc vì tình mến đối với Chúa Cha và nhân loại ( Lc 22, 42 ). Vì thế, Công đồng Vatican II đã khẳng định: "Đức Ki-tô đã hoàn thành công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi trên con đường ấy ngõ hầu chuyển thông ơn Chúa cho nhân loại" ( LG, số 8 ).

Như vậy, tin vào Đức Giê-su là người môn đệ được mời gọi đi con đường Đức Giê-su đã đi ( 1 Ga 2, 6 ); con đường thế gian cấm cách và bách hại: "Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ" ( Mt 10, 24 ). Kinh nghiệm một tháng thực tế vừa qua đã cho tôi thấy rõ điều đó.

Chị Rơ Châm H'Jưng, một giáo viên cấp I, học Giáo Lý tân tòng bị chính quyền gọi đến xã ngăm đe cấm đoán. Sau nhiều lần, chính quyền đã đưa chị vào thế phải chọn lựa một trong hai: hoặc làm giáo viên, hoặc theo đạo Chúa. Không cách nào khác, chị đã khẳng khái trả lời: Tôi chọn theo đạo Chúa ! Sau câu trả lời ấy, chính quyền đã ký giấy bắt chị nghỉ việc. Chị kể lại, mặc dầu khi cầm tờ giấy nghỉ việc trong tay, chị thấy mọi dự định tương lai của bản thân, gia đình và con cái đều sụp đổ, nhưng từ đáy tâm hồn chị lại dội lên một niềm vui khôn tả. Với mọi người, chị là kẻ ngu si dại dột, nhưng trong Chúa chị trở thành người khôn ngoan: "Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người" ( 1Cr 2, 25 ).

Buộc phải rời khỏi ngôi trường mà chị đã gắn bó nhiều năm, chị trở về bản làng làm lụng kiếm ăn. Bà con dân bản biết chị theo đạo đã kéo đến nhà xin chị dạy đạo. Chị trả lời: “Tôi đâu có biết gì nhiều về Giáo Lý. Tôi không thể giúp bà con được !” Họ nói chị biết cái gì, biết bao nhiêu chị cứ dạy cho họ. Họ năn nỉ... Thế là một lần nữa chị lại bị dồn vào thế phải lựa chọn. Lần trước chị bị đặt vào thế phải chọn lựa giữa khôn ngoan nhân loại và điên dại thập giá; lần này chị phải chọn lựa giữa cái ăn cái mặc và sứ mạng ngôn sứ của mình.

Một cách nào đó, chị đã trải nghiệm cùng một kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a xưa kia: "Tôi những tự nhủ: tôi sẽ không nghĩ đến nữa, tôi sẽ không nói nhân Danh Người nữa ! Nhưng nơi lòng tôi như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt tôi. Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được" ( Gr 20, 9 ).

Chị buộc phải nói về Chúa cho họ. Nhưng để nói về Chúa, trước hết chị phải nói với Chúa. Chị đã đi vào đời sống cầu nguyện bằng cách đọc và suy niệm Lời Chúa. Chúa đã nhậm lời và mở trí cho chị. Và chị đã mạnh dạn chia sẻ những hiểu biết Giáo Lý cho mọi người. Lúc đầu người trong làng kéo đến nhà chị, về sau nhiều người ở các làng xa cũng kéo đến. Trước cảnh tượng ấy, chính quyền cấm chị không được nói về Chúa nữa, đồng thời cũng cấm mọi người không được kéo đến nhà chị; nhưng nghịch lý ở chỗ càng cấm thì số người kéo đến càng đông ! Họ chấp nhận bị ngăm đe, bị nộp phạt. Có một điều đặc biệt là những người đến học Giáo Lý đều là người nghèo không chỉ về vật chất, điều ấy dường như đã trở thành "truyền thống", thành "số phận" của họ, mà còn nghèo về đời sống tinh thần. Họ đi bộ 20 – 30 km để đến nghe chị giảng dạy một bài Giáo Lý rồi lại vui vẻ đi về.

Nếu hôm chính quyền ký giấy buộc chị thôi việc, chị cảm nghiệm cái được-mất thế nào, thì khi nhìn vào gương mặt của những bà con từ các làng xa đến học Giáo Lý, chị lại càng thấy rõ cái mất- được ấy hơn nữa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24 ). Chính những người ấy, sau một thời gian dài cầu nguyện và học hỏi, đã trở thành nhân tố trụ cột trong việc hướng dẫn người khác. Như men trong bột, như vết dầu loang, từ những người không một chút "tham vọng" Truyền Giáo đã trở thành những sứ giả Tin Mừng. Thế mới hay lời chúc: phúc cho người nghèo ! Người nghèo đón nhận Tin Mừng và người nghèo rao giảng Tin Mừng.

Bên cạnh việc hướng dẫn cầu nguyện và dạy Giáo Lý, Chúa còn dùng chị cũng như những người tin vào Ngài như khí cụ tốt để xoa dịu những tâm hồn tan nát và chữa lành người bệnh tật. Tôi được nghe nhiều câu chuyện về những người bệnh được ơn chữa lành do lời cầu nguyện. Chính qua những dấu chỉ cụ thế đó mà nhiều người tin vào quyền năng của Chúa và xin theo đạo. Và niềm tin của họ rất mạnh khiến cho những lời cầu xin của họ được Chúa nhậm lời. Quả đúng như Kinh Thánh đã nói, tiếng kêu của người nghèo khổ luôn thấu đến tai Thiên Chúa ( x. Gr 34, 28 ) và Ngài ra tay cứu độ ( Tv 71, 4 ).

Một tháng sống tại vùng Truyền Giáo Tây Nguyên, tôi chưa làm được việc gì đáng giá, nhưng những gì tôi đã thấy thì nhiều. Thấy rằng Chúa luôn đi trước chúng ta, thấy Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của người nghèo, thấy sự nghèo khó là con đường dẫn đến Thiên Chúa ( Đnl 8, 2 – 3 . 7 - 18 ) và thấy Chúa Thánh Thần gieo vào lòng các tín hữu cùng một tinh thần Truyền Giáo như đã thúc đẩy chính Chúa Ki-tô. Những điều tôi đã thấy đang trở thành sự sống, thành hành trang cho cuộc đời dâng hiến của tôi.