Washington: Khi hay tin người bạn đồng nghiệp là người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, Mark Franken đã từ bỏ ước mơ của mình làm chủ nhà hàng hay chủ thương nghiệp để phục vụ cho người di dân, dồn nỗ lực phục vụ cho người di dân đã đưa sự nghiệp của ông tới đỉnh cao với chức vụ Giám Đốc Văn Phòng Phục Vụ người Di Dân và Tị Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Với cương vị ấy, ông đã nổi danh và có mặt hầu hết trong những hội nghị lớn như Hội Nghị của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc dành cho người tị nạn được tổ chức tại Geneve vào năm 2004 hay những buổi họp mặt tại Phủ Tổng Thống trong các vấn đề liên quan đến người di dân và tị nạn.

Sau khi đã làm việc tại nhiều nơi phục vụ cho người di dân và tị nạn từ năm 1980 và giữ chức giám đốc trong hơn một thập niên, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong chương trình tổ chức lại cơ cấu và cắt bớt nhân viên để cắt giảm ngân quỹ, ông Mark Franken đã đồng ý để xin về hưu vào cuối tháng 6/2007 vừa qua, dịp này ông đã kể lại cảm nghiệm của ông.

Ý niệm đeo đuổi làm việc cho người di dân và tị nạn đến với ông Mark Franken thật không ngờ, vì khi còn là một thanh niên đã xin gia nhập binh chủng Hải Quân sau khi vừa tốt nghiệp xong trung học, đậu bằng thương nghiệp với tiền trợ cấp GI Bill và ước mơ một ngày nào đó sẽ làm chủ một nhà hàng hay tiệm buôn.

Thế nhưng khi Mark Franken đến chiến đấu tại Việt Nam, Bộ Chỉ Huy Hải Quân đã bổ nhiệm ông để huấn luyện binh sĩ Việt Nam. Một số sĩ quan Việt Nam cùng huấn luyện với ông đã trở thành những người bạn. Họ đã mời ông đến nhà chơi và giới thiệu ông với gia đình họ.

Sau khi kết thúc thời gian phục vụ tại Việt Nam, Mark Franken đã trở về Mỹ và tiếp tục theo học đại học. Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào năm 1975, người tị nạn Việt Nam bắt đầu dồn dập đặt chân tới Hoa Kỳ. Tình cờ một ngày tại Pensylvania, Hội Hồng Thập Tự đã điện thoại cho ông, báo cho biết là một người Việt Nam đã từng làm việc chung với ông khi còn ở Việt Nam cách đây 4 năm muốn tìm người để xin bảo trợ để được chấp thuận thường trú là người tị nạn tại Hoa Kỳ.

Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Franken không chỉ bảo trợ cho chính người Việt Nam ấy mà còn bảo trợ luôn cho 4 người bạn khi ông đến chở người bạn này tại Pensylvania. Mark Franken đã giúp họ để có một nơi trú ngụ, tìm kiếm cho họ việc làm để họ bắt đầu một đời sống mới tại Hoa Kỳ.

Chính vì đi tới đi lui và lo hồ sơ bảo lãnh cho người bạn mà Mark Franken đã bắt đầu quen với thủ tục cho người Việt xin thường trú và cuối cùng ông đã giữ một vai trò “bất đắc dĩ” trong Giáo Hội Công Giáo để giúp đỡ và tìm kiếm nơi trú ngụ cho người tị nạn Việt Nam.

Đối với người Mỹ, gia đình ít con và họ sống mình ên nhưng đối với Việt Nam thì khác, tại Ohio, Mark Franken phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm nhà cho một gia đình có 13 người, trong đó một người là một cô bạn gái của một trong 5 người thanh niên mà ông đã bảo lãnh lúc trước.

Ông thố lộ: “Thời gian những tháng trôi qua mà gia đình này vẫn còn ở trong trại tị nạn”, vì làm sao có thể kiếm được một căn nhà nào lớn như thế, hơn nữa các chủ nhà rất ngần ngại cho những gia đình nhiều người đến mướn căn nhà của họ.

Cuối cùng Mark Franken nghe lời khuyên của mẹ, và ông đã gọi điện cho Tổ Chức Bác Ái Công Giáo mà họ cũng đang làm việc với người tị nạn trong giáo xứ.

“Hai ngày sau tôi nhận được điện thoại trả lời. Họ nói là họ có thể giúp gia đình này. Họ có một giáo xứ có một căn nhà, nhưng họ xin lỗi là phải đợi một tuần nữa mới có”. Hẳn nhiên gia đình này đã ở trại cả tháng chứng kiến những người khác trong trại từ từ ra đi có nơi thường trú, có đợi thêm một tuần nữa thì đó cũng là chuyện nhỏ.

Những nỗ lực phấn đấu để giúp đỡ các gia đình người tị nạn của Mark Franken đã được người khác chú ý tới và hơn nữa ông đã từng làm việc bán thời gian tại văn phòng giáo phận khi vừa học xong Trung Học. Chính công việc bất đắc dĩ đã trở thành sự nghiệp cho cuộc đời ông.

Kể từ khi ông bắt đầu can dự giúp người tị nạn vào khoảng năm 1975, ông cho biết Giáo Hội Công Giáo đã giúp thường trú cho gần 1 triệu người tị nạn tại Hoa Kỳ.

Ngoài công việc giúp thường trú cho người tị nạn, Văn Phòng Phục Vụ cho Người Di Dân và Tị Nạn mà ông lãnh đạo, còn có nhiệm vụ bảo đảm cho họ có một sự chăm sóc về mục vụ nữa. Ngoài ra còn có những chương trình đặc biệt dành cho người tị nạn Cuba và Haiti, các nạn nhân buôn người và các trẻ em di dân một mình.

Trong quá khứ từ 10 đến 15 năm qua, hiện tượng di dân đã thay đổi một cách đáng kể. Số lượng người rời bỏ quê hương ước lượng lên đến 200 triệu người coi như là con số tăng gấp đôi so với 20 năm về trước.

“Điều đó không những chỉ ảnh hưởng đến quốc gia chúng ta nhưng còn đối với thế giới nữa. Hiện nay người ta di chuyển nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử”.

Ông cho biết một phần vì những người tình nguyện ra đi khỏi quê hương mình, nhưng “tình nguyện” đôi khi có nghĩa là quyết định rời khỏi, đó chỉ còn là cách để nuôi sống cho một gia đình.

Những người khác trở thành người tị nạn vì những lý do truyền thống của nó.

“Sự bất nhân của con người đối với con người đã khơi dậy và rồi con số người tị nạn gia tăng lên”.

Trong thời gian ông Mark Franken làm giám đốc cho Văn Phòng Phục Vụ người Di Dân và Tị Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gọi tắt là MRS (Migration and Refugee Services), thử thách đối với giáo hội là đáp ứng những nhu câu cho người di dân không phải “chúng ta đáp ứng thế nào” nhưng còn phải “làm thế nào để có một cảm nghiệm tích cực” cả đối với người di dân và đối với cư dân đang sống mà có người di dân đến.

Thí dụ, MRS cũng đã mở một văn phòng Công Lý cho Người Di Dân nhằm giáo dục tất cả người Công Giáo về vai trò của Giáo Hội đáp ứng nhu cầu cho người di dân.

Ông Franken cũng cắt nghĩa, ngoài ra MRS cũng có một số những thay đổi khác nữa. Cách đây 10 năm, MRS không can dự để giúp các nạn nhân bị buôn người. Bây giờ MRS đã có hợp đồng 6 triệu Mỹ Kim từ chính phủ liên bang để giúp đỡ những người bị coi như đồ vật và bị cưỡng ép hành nghề mãi dâm.

Ông Franken cũng rất toại nguyện với nhiều thành quả mà MRS đã thực hiện trong những năm mà ông coi sóc và ông rất hãnh diện với nhân viên của ông.

“Chúng tôi đã thu hút được nhân viên có lòng trắc ẩn, những người hoàn thành công việc đã trở nên sự ganh tị đối với các cơ quan khác” Nhưng ông hiểu rằng tại sao họ đã làm việc cho người di dân dưới sự bảo trợ của Công Giáo”.

Cuối cùng ông thố lộ rằng “Sự nối kết thật là tuyệt vời. Tôi đã tìm thấy nơi Giáo Hội một chỗ để nâng đỡ và dấn thân cho những người tị nạn”. Trong tất cả những năm qua, tôi không hề ngã lòng khi Giáo Hội đã đáp ứng thế nào đối với người tị nạn. Tôi đã phật lòng đối với chính quyền, đối với Liên Hiệp Quốc, nhưng đối với Giáo Hội trong mọi tầng cấp, lúc nào cũng sẵn sàng”.

“Giáo Hội thật sự là một nơi để làm những công việc này”.