Phép lạ sự sống

Sự sống con người từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi chết tự nhiên là cả một huyền nhiệm, là một phép lạ trọng đại. Đó là một phép lạ mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện mỗi ngày trước con mắt chúng ta và cho chúng ta. Bởi vậy, đáng lẽ ra con người phải cảm tạ, thờ kính Thiên Chúa và tôn trọng phép lạ sự sống đó, con người lại vô ơn, thờ ơ đối với Thiên Chúa và khinh thường, bóc lột và giết hại sự sống đó, kể cả ngay khi nó mới bắt đầu chớp nở trong cung lòng mẹ nó, trong suốt cuộc sống, mãi cho tới lúc chết.

Trong những dòng sau đây của bà Martina Kronthaler(1), đặc trách về lãnh vực Truyền thông và Thông tin của phong trào Phò Sự Sống ở Áo quốc, chúng ta cùng thử nhìn lại những giai đoạn của sự sống con người.

Lòng mẹ là nơi cư trú êm ái hạnh phúc đầu tiên của chúng ta

Tiến sĩ Gerald Hüther, nhà thần kinh-sinh vật học người Đức đã khẳng định: «Đại đa số các kinh nghiệm chúng ta có được thì không phải vào cuối đời nhưng là vào lúc bắt đầu cuộc đời. Nhất là thời gian trước khi được sinh ra có một ý nghĩa hết sức đặc biệt». Bởi thế, một điều hết sức quan trọng là phải quan tâm một cách đặc biệt đến nơi cư trú đầu tiên của một con người: Cuộc sống trong tử cung, trong lòng mẹ.

Thật vậy, sau khi thụ thai, thai nhi, con người mới, phải trải qua một cuộc hành trình kéo dài bốn ngày, từ ống dẫn trứng cho tới tử cung. Vào ngày thứ bảy thì nó hoàn toàn chính thức cắm lều cư ngụ trong đó. Và chính nơi đây, trong tử cung của mẹ nó, nó sẽ triển nở một cách đầy hạnh phúc trong suốt 9 tháng trời, cho tới khi trở thành một đứa trẻ nặng từ 3 đến 4 ký lô gram. Bào thai phát triển các cơ năng để nó có đủ khả năng có thể tiếp nhận được chất dinh dưỡng từ bộ máy tuần hoàn huyết cầu của mẹ nó và để định cư một cách yên hàn trong đó. Ngay từ lúc này, nó sẽ dự phần vào tất cả những gì xảy ra cho mẹ nó: Sự vui mừng, xúc động, sợ hãi hay buồn phiền. Tất cả những trạng thái đó sẽ biểu diễn một cách rõ ràng trên nhịp đập của tim, của mạch máu và của các chất kích thích tố, những chất mà trong những trường hợp như thế sẽ đẩy nhanh sự tuần hoàn máu trong khắp cơ thể thai nhi một cách mạnh mẽ khác thường. Vì qua máu và thai bàn (lá nhau) những chất đó cũng đi tới đứa bé.

Cây Sự Sống

Thai bàn (placenta) thành hình bởi một nhóm các tế bào của chính bào thai và bởi phôi bì dinh dưỡng. Vào tháng thứ bốn trước khi sinh thì thai bào phát triển đầy đủ. Chính trong thai bào luôn có một sự tương quan hết sức hổ tương giữa hai cá nhân: Những yếu tố của bào thai kích thích sự cung cấp máu từ màng niêm dịch của tử cung người mẹ, trong khi đó những yếu tố tăng trưởng của người mẹ lại kích thích sự phát triển của bào thai. Nếu quan sát một cách chính xác, thai bào trông như một chiếc ghế độn bông bao gồm những mạch máu. Những mạch máu này thuộc về bào thai và chia ra làm hai như thể hai cành cây. Bào thai được nối liền với thai bàn bằng một sợi dây rốn kỳ lạ. Hình ảnh đó nhắc lại cho hết mọi người chúng ta một cách vô thức về Cây Sự Sống.

Thai bàn đóng một vai trò chính yếu

Quả thực, thai bàn đóng vai trò chính yếu trong suốt thời gian nuôi dưỡng sự sống của chúng ta trước khi sinh: Những mạch máu của thai bàn được bao bọc bởi máu huyết của người mẹ và cung cấp các chất dinh dưỡng, các Vitamin, các chất vô cơ, nước và không khí…, là những chất bào thai nhận được qua người mẹ. Những phân tử nhỏ trong các chất dinh dưỡng sẽ ngấm thấm qua các lỗ bé li ti của thành các mạch máu của cây thai bàn và rồi vào tới cơ cấu tuần hoàn máu của thai nhi. Đồng thời qua thai bàn, thai nhi sẽ loại đi những chất dư thừa; nói cách khác, thai bàn chịu trách nhiệm lo giải quyết những chất dư thừa mà thai nhi không sử dụng nữa.

Xin đừng dùng thuốc lá…

Qua thai bàn, thai nhi sẽ tiếp nhận được những điều tốt và những điều xấu hay nguy hại trong thời gian trước khi sinh. Những điều xấu và nguy hại là khi người đàn bà mang thai, nhưng lại hút thuốc lá, uống rượu hay nghiện các chất ma túy. Trong khi mang thai mà người mẹ hút thuốc thì chất Ni-cô-tin sẽ làm cho các mạch máu trong thai bàn bị tắc nghẽn. Như thế việc nuôi dưỡng thai nhi sẽ trở nên xấu đi, sẽ làm cho tim thai nhi đập nhanh lên và sẽ đẩy máu từ hai chân vào trong thai bàn. Thai nhi đành phải nâng đỡ chính thai bàn, hầu có thể bảo đảm cho mình có được đủ máu và khí thở. Qua đó đứa bé về sau cũng học được là tôi phải làm gì để có được đầy đủ điều mong ước, như tình thương yêu của cha mẹ và của anh chị em chẳng hạn.

… và đừng uống rượu

Điều xấu tương tự cũng xảy ra cho thai nhi, khi người mẹ trong suốt thời gian mang thai mà uống rượu hay hay sử dụng chất ma túy. Nhưng ngược lại với trường hợp người mẹ sử dụng chất Ni-cô-tin như trên, khi người mẹ sử dụng rượu, thì để chống cự lại chất độc khỏi lan lây tới thai nhi qua thai bàn, nhịp đập của thai nhi lại hạ thấp xuống. Ngoài ra xương chậu thai nhi sẽ căng ra. Và do đầu gối giơ cao thẳng lên, các mạch máu bị ép lại, và như thế làm cho máu lưu thông với thai bàn bị nghẹt lại. Qua đó thai nhi sẽ không nhận được đầy đủ máu. Đó chính là kinh nghiệm đầu tiên cho đứa trẻ, ngay khi chưa được sinh ra, là phải tự tranh đấu cho sự sống còn của mình. Thai nhi sẽ cảm nghiệm rằng chính nơi cư trú đầu tiên của mình lẽ ra phải êm ấm hạnh phúc thì nay lại trở nên thù địch với mình. Chính tình trạng này sẽ có ảnh hưởng rất mạnh về sau đến khả năng quan hệ của đứa bé với người khác.

Điệu nhạc cuộc đời

Thai bàn đối với chúng ta quả thực là «đối tác tình yêu», là bạn đời thực sự đầu tiên của chúng ta. Điều này nói lên rằng việc «chung sống» tốt đẹp đó với thai bàn sẽ ảnh hưởng sâu xa trên những tương quan và định kiến về sau của con người đối với thế giới ngoại cảnh. Điều đó cũng muốn nói lên rằng khả năng yêu thương hai chiều của con người thực sự đã được đặt nền tảng từ trong lòng mẹ rồi, đó là: Tình yêu đối với chính mình và tình yêu đối với tha nhân; khả năng biết tin tưởng vào tha nhân hay quay trở lại với chính mình để tự vệ… Ở đây con người học được điệu nhạc cho trọn cả cuộc đời mình: Thai nhi khi đang trong dạ mẹ đã cảm nhận được rằng nó được tiếp nhận và được chăm sóc lo lắng. Sự cảm nghiệm đó sẽ có một ảnh hưởng tích cực trong suốt cuộc đời một người sau này.

Bởi vậy, chúng ta có sứ mệnh phải giúp cho các tầng lớp thanh niên thiếu nữ nhận thức sâu xa được điều đó. Cũng vì thế, chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc lo lắng và giúp đỡ những người đàn bà đang mang thai. Vì nếu một người đàn bà khi mang thai mà cảm nhận được tình yêu, sự chấp nhận và sự chăm sóc của người khác, thì bà cũng sẽ san sẻ những cảm nhận đó sang cho thai nhi mà bà đang cưu mang trong lòng. Chính tất cả những tình cảm tích cực và hạnh phúc đó sẽ làm cuộc sống của một người đang trong lòng mẹ, trước khi được sinh ra, trở thành thiên đàng.

Vậy, không phải là một điều vô ích, khi Cây Sự Sống - như đã được diễn tả trong Sách Sáng Thế - nhắc cho chúng ta nhớ lại cây thai bàn trong nơi cư trú đầu tiên của chúng ta : Cung lòng êm ái của mẹ chúng ta!

____________________

(1)Nguyệt San ‘Betendes Gottes Volk’, số 230, tháng 2/2007, trang 8-9.