TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3 tháng 2
Vĩnh Long

V/v Ngày Thiếu Nhi của Giáo Phận

Kính gởi : Quí Cha,

Quí Tu Sĩ Nam Nữ,

Anh Chị Em Giáo Dân trong Gíao Phận Vĩnh Long

‘Hỡi người Galilê, sao cứ đứng nhìn lên trời ?’ (Act.1,11)

Ngày 3.7.2007 là Ngày Thiếu Nhi của Giáo Phận hành hương về Đình Khao. Nhân dịp nầy, chúng ta muốn đề ra cho Thiếu Nhi một đường hướng Sống Đạo: Trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu và làm nhân chứng Nước Trời theo gương Thánh Philipphê Phan Văn Minh.

1. Hơn hai ngàn năm trước đây, Con Thiên Chúa đã làm người: sinh tại Bêlem, xứ Giuđa, quê quán của Đavid, lưu lạc tại Ai cập, rồi trở vê Nadarét, xứ Galilê (x.Mt 2,1-23). Chúa Giêsu đã chọn cho mình một gia đình, một Quê Hương là Đất Nước Do Thái, Dân Tộc Israel ( Israel là tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Giacob, tổ phụ của dân Do Thái gồm 12 chi tộc), có một ngôn ngữ riêng. Thế nhưng Người vẫn là Thiên Chúa, là Con Yêu Dấu của Chúa Cha. Ta có thể nói Người có một Quê Hương khác là Thiên Quốc, là Nhà của Cha trên trời. ‘Nhờ việc nhập thể, Con Thiên Chúa làm Người, một cách nào đó, đã kết hợp với mọi người’ ( Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 8 ), Người đến trần gian nầy để mạc khải Nước Trời cho chúng ta, để kêu gọi và làm cho chúng ta trở thành những công dân của Nước Trời, làm con của Cha trên trời và làm anh chị em của nhau trong Đại Gia Đình Thiên Chúa ( Lumen Gentium 51). Người đã đoái thương làm con của Đức Maria, để ta được làm con của Thiên Chúa (x. GLHTCG, 460 ).

2. Lúc 30 tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng trong các thành thị và các làng mạc của người Do Thái. Chúa gặp gỡ, kêu gọi các môn đồ, rồi tuyển chọn và thiết lập Nhóm 12 Người để ở với Chúa. Sau cùng Chúa trao cho họ sứ mạng đi khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô, rao giảng Nước Trời và thu nhận các tín hữu, hợp thành Đoàn Dân Mới của Người. Đó là công trình xây dựng Hội Thánh, được tiếp tục không ngừng, trước tiên do Thánh Phêrô và các Tông Đồ, sau đó do những người kế vị các Ngài là Đức Giáo Hoàng và hàng Giám Mục với sự cộng tác của các Linh Mục, các vị Thừa Sai, các Dòng Tu và mọi thành phần dân Chúa, tất cả chung sức loan báo Tin Mừng và làm nhân chứng Nước Trời.

3. Chúa Giêsu đã nhờ Mẹ Maria, một thiếu nữ Do Thái, cưu mang và sinh hạ, để gia nhập dòng tộc Do Thái; nhờ Thánh Giuse bảo bộc mà được gọi là con vua David, con của Abraham (x. Mt1,1-16); con của Adong (x. Lc 3,38). Còn đối với chúng ta, nhờ ơn Chúa quan phòng tạo dựng, cha mẹ chúng ta đã cho chúng ta được may mắn làm người Việt Nam, có ông bà tổ tiên, có anh chị em, có họ hàng có quê hương! Và hơn nữa, chúng ta còn được làm người Công Giáo. Hội Thánh trong đó có cha mẹ chúng ta, có Họ Đạo, có các Tu Sĩ và các Linh Mục, đã lo cho chúng ta được gia nhập Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa(1 Phêrô, 2,9), và được gọi là con cái của Thiên Chúa, trở thành anh chị em với nhau (1 Gioan 3,1), là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa ( Eph 2,19)với niềm hy vọng được sự sống đời đời (Titô 1,2; 3,7).

4. Chúng ta có phúc vì được làm người, có cha mẹ, anh chị em, họ hàng, và lại có phúc hơn nữa vì được làm con của Thiên Chúa, làm thành viên của Hội Thánh Công Giáo. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng để giao tiếp và thông truyền cho nhau những ý nghĩ và những tâm tình của riêng mình. Chúng ta có tiếng Việt Nam của chúng ta, phong phú trong cách xưng hô đặc biệt : anh chị em, chú bác, cô dì…. Còn Dân Công Giáo thì dùng ngôn ngữ nào để thông truyền cho nhau? Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ : ‘Cứ dấu nầy mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con thương mến nhau’(Gioan 13,34-35). Vậy ngôn ngữ của người Công Giáo là thương mến, không những gọi nhau là anh chị em, mà còn diễn tả tình bác ái huynh đệ bằng sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nhau, quí trọng nhau, hợp nhất và hy sinh cho nhau.

Một trong những nét đặc biệt trong cuộc sống của mỗi dân tộc là thức ăn. Cơm là thức ăn chính, thức ăn thường ngày của người Việt Nam. Còn lương thực chính của người Công Giáo là gì ? Không phải là Lời Chúa và Bánh Thánh Thể sao. Chúa Giêsu quả quyết :’Ta là Bánh hăng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh nầy, sẽ sống đời đời; và Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống’(Gioan 6,51-52). Phêrô thưa với Chúa Giêsu: ‘Lạy Thầy, chúng con sẽ đi đến ai, Thầy có những lời ban sự sống đời đời’(Gioan 6,69). Thế nên bạn sẽ không ngạc nhiên, khi thấy Hội Thánh là người mẹ hiền luôn luôn lấy Lời Chúa và Mình Thánh Chúa để nuôi sống con cái mình. Người Bỏ Nhà Thờ, bỏ Lễ là dấu chỉ của niềm tin sút giảm, cũng giống như người bỏ cơm tức là hết muốn sống.

5. Ngày 3.7.2007, cũng là Ngày Giáo Phận Vĩnh Long mừng Thánh Philipphê Phan Văn Minh Linh mục tử đạo năm 1853. Thánh Philipphê Minh đã nêu gương đời sống tốt đẹp, đời sống hy sinh vì đức tin. Sinh năm 1815 trong một gia đình đông con (tất cả 14 người con, Philipphê Minh là người con thứ 12), gia đình đạo đức ( cha làm ông câu trong Họ ). Cha mẹ qua đời khi người còn nhỏ, nhưng nhờ người chị cả là Anna Phan Thị Viên, khéo léo và tận tuỵ lo lắng mà Philipphê Minh và các anh chị được nuôi dưỡng và học hành chu đáo. Nhân dịp Đức Cha Taberd Từ đến ban Bí tích Thêm sức, Philipphê Minh xin được đi theo Người. Sau đó Philipphê Minh được nhập Chủng Viện Lái Thiêu rồi được gởi sang Chủng Viện Pinang. Thấy Thầy Philipphê có khả năng, Đức Cha lại gọi sang Calcutta giúp Đức Cha soạn hai bộ Tự Điển Latinh-Việt Nam và Việt Nam-Latinh. Năm 1840, Đức Cha Từ qua đời, Thầy Philipphê trở lại Pinang học Thần Học, được các cha giáo sư và các bạn quí mến. Về Việt Nam năm 1844, Thầy được ở bên cạnh Đức Cha Thể ( tử đạo năm 1861) để học tập cử hành các Bí Tích và làm mục vụ. Thầy được Đức Cha Thể truyền chức linh mục vào cuối năm 1846, lúc 31 tuổi.

Tình hình ngày càng khó khăn hơn vì vua quan tìm cách bắt các giáo sĩ, tiêu diệt Đạo, cha Philipphê Minh vẫn đi khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long : Đầu Nước (Cù lao giêng), Xoài Mút, Chợ Bưng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng rùm (Phước Hảo), Thâu râu (Cầu Ngang), Rạch Lọp, Chà Và (Vĩnh Kim), Rạch Ụ, Cái Đôi, Mặc Bắc. Đi dến đâu, cha lo giảng Đạo và chăm sóc các Cộng Đoàn Tín Hữu : dạy giáo lý, ban các Bí Tích, lo cho trẻ con được rước lễ, Thêm Sức, thăm viếng và an ủi bệnh nhân, khuyên bảo những người bê trễ.

Thời gian bị giam giữ trong tù, từ tháng 3 đến 7 năm 1853, khi thì bị dụ dỗ, lúc bị doạ nạt, nhưng cha Philipphê Minh vẫn một lòng cương quyết trung thành với Chúa Kitô và Hội Thánh; cha còn khuyên nhủ những người cùng bị giam giữ vì Đạo Thánh Chúa hãy bền lòng chịu khó, và cầu nguyện cho những người tố cáo làm cho cha bị bắt, lao tù.

Cuối cùng cha Philipphê đã đón nhận án tử hình như thế nào ? Ngài quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi an ủi các bạn tù và thống thiết khuyên bảo họ: ‘Từ nầy về sau, dầu anh em phải khốn khó thể nào, anh em cũng hãy ở vững vàng trong đức tin, cùng hết lòng cậy trông vào Chúa, Ngài chẳng bỏ anh em đâu ’. Thật là một lời tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời đời, một lời rao giảng Quê Hương Vĩnh Cửu trên trời.

Trên đường ra pháp trường, cha Philipphê vừa đi vừa lần chuỗi, nét mặt thanh thản an bình. Cha tiến ra pháp trường với Mẹ Maria, cũng như Chúa Giêsu vác Thánh Giá lên Núi Sọ, có Mẹ Maria cùng đi, để cùng tế lễ với Con Yêu Quí của Mẹ. Cuộc đời của cha Philipphê Minh luôn có Mẹ bên cạnh, trong mọi hoàn cảnh. Cha không bao giờ cô độc lẻ loi.

Hôm đó, trưa ngày 3.7.1853, lưỡi gươm ác nghiệt của lý hình đã kết liễu cuộc đời cha Philipphê Minh. Đầu cha rơi rụng, máu cha tuôn đổ, lưỡi cha không còn nói được nữa, nhưng hương thơm đời sống của cha, sự hy sinh của cha vẫn luôn luôn là lời rao giảng hùng hồn nhất, và máu của vị Tử Đạo đã trở thành hạt giống trổ sinh nhiều Kitô hữu. Cha Philipphê Minh đã sống trọn vẹn 38 năm, theo đuổi ơn gọi nhờ tác động của gia đình, của thân nhân và các vị Giám Mục và Linh Mục, nói tóm lại của Hội Thánh.

Đời sống và sự Hy sinh của cha thánh Philipphê Minh là một lời mời gọi chúng ta hãy biết sống vì Quê Hương Chân Thật trên trời. Cha Thánh Philipphê Minh yêu mến Quê Hương Việt Nam, đồng bào Việt Nam. Cha hy sinh mạng sống mình là để tuyên xưng đức tin và bảo đảm cho mọi người : Chúa là hạnh phúc thật ‘ Ai ghét mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ được nó ở đời sau’(Gioan 12,25).

Cuộc đời của mỗi người là một hành trình. Để khởi hành và đi đến nơi, mà không bị lạc hướng, cần có người dẫn đường. Thiên Chúa an bài cho chúng ta có Gia đình, Họ Đạo, Hội Thánh để cùng đồng hành với chúng ta. ‘Mỗi người là con đường của Hội Thánh’ (Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc con người, số 14).

Lo cho Tuổi thơ được hạnh phúc là xây dựng tương lai tốt đẹp, tương lai tươi sáng của gia đình, của Xã Hội và của Hội Thánh. Vì vậy chúng ta hãy góp phần với Hội Thánh lo cho các Thiếu Nhi biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Gioan 14,6;x.11,25) và noi theo gương Chúa Giêsu, trở thành những người con ngoan trong gia đình, những người bạn tốt của nhau (x.Luca 2,51-52), những tông đồ nhiệt thành làm chứng Nước Trời, theo gương Thánh Philipphê Minh : Lòng vẫn luôn hướng về Trời, vì đó là Quê Hương chân thật của chúng ta; nhưng đồng thời cũng thiết tha loan báo Nước Trời cho người chung quanh sao cho mọi người được trở thành công dân Nước Trời, trở thành những người đồng hương với các Thánh,.

Vĩnh Long, ngày 21.5.2007

Tôma Nguyễn Văn Tân

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long,