LM. SẢNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN THÍCH



Buổi nói chuyện ngày chủ nhật 15-4-2007
Thuyết trình viên : Vân Uyên Nguyễn Văn Ái


Kính thưa quý vị, quý Cha, quý bạn,

Lời nói đầu tiên của tôi là gửi lời chào thân aí tới tất cả quý vi. Tôi rất mừng được tái ngộ với quý vị trong Giáo Xứ VN Paris ngày hôm nay. Trong mấy năm gần đây sức khỏe của tôi đã suy giảm rất nhiều. Đi đứng khó khăn. Nói chuyện lâu là lại nổi cơn ho. Nên tôi đã vắng mặt trong những buổi họp tại Giáo Xứ. Nhân dịp tôi cũng ngỏ lời xin lỗi các thân hữu đã không đi dự được những buổi họp văn nghệ do quý vị tổ chức.

Thuyết trình viên Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái
Hôm nay nhân dịp Giáo Xứ VN đang mừng 60 năm hiện diện tại Paris (1947-2007) và nhân dịp Sinh Nhật Thư Viện của Giáo Xứ, LM. phụ trách thư viện, Cha Joseph Sách ngỏ ý muốn tôi tới Giáo Xứ nói chuyện với quý vị về một người đã được GS. Nguyễn Lý Tưởng và Nữ tu Mai Thành gọi là : « hiền nhân của thời đại », tức LM. Sảnh Đình Nguyễn Văn Thích.

Thật ra tôi chỉ nghe tiếng Cha Thích. Chứ không quen và cũng chưa hề gặp một lần nào. Nói chuyện về một người mình không quen, sẽ thiếu những kỷ niệm cảm thông, khó có thể gây xúc cảm về tình người cho người nghe. Vì vậy tôi xin lỗi trước với quý vị nếu tôi không tìm được những lời trung thực để nói về một người mà tôi chỉ mới được biết qua hai tác phẩm,
Ø hai cuốn thơ của tác giả : Cổ Việt Phong Dao và Sảng Đình Thi Tập,
Ø qua những tài liệu nghiên cứu sưu tầm của giáo sư Lê Ngọc Bích và nhà văn Đoàn Khoách,
Ø và qua những bài viết giới thiệu của các giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, Võ Long Tê và Nữ tu Mai Thành.

Tất cả các tài liệu này gồm gần 1000 trang sách in. Đa số những tác giả viết về LM. Sảng Đình Nguyễn Văn Thích là những học trò cũ của LM ở Đại Học Huế, ban Hán Văn. Điều này chứng tỏ LM đã là một giáo sư đại học được hâm mộ về tài về đức đến mức độ nào. Bài nói chuyện của tôi hôm nay chỉ là tóm tắt lại những gì các tác giả nêu trên đã viết.


BÚT HIỆU

Trước nhất nói về bút hiệu của LM. Sảng Đình. Sảng nghĩa là sáng, là đẹp. Đình là cái đình, đền thờ hay Nhà Chung. Trong chuyện Kiều có câu : Làm cho đổ quán xiêu đình như chơ. Bút hiệu ‘’Sảng Đình’’ có thể hiểu là Ánh sáng đẹp của Nhà Chung, của Nhà Thờ. Theo đó ta có thể hiểu phần nào chí hướng tâm nguyện của tác giả, khi đọc những tác phẩm, hoặc những chi tiết kỳ lạ trong đời sống của LM. do những người thân ghi lại.


GIA TỘC

Cuộc đời của Ngài trong 87 năm ( 1891-1978 ) trôi theo chiều dài của lịch sử từ cuối triều Nguyễn ( vua Thiệu Trị ) đến khi Cộng Sản nắm trọn quyền thống trị tại Việt Nam.
Ngài vốn là người con trai thứ 2, nếu kể cả con gái là con thứ 3 của quan thượng thư Nguyễn văn Mại, thượng thư Bộ Lễ. Theo chế độ đa thê Cụ thượng có mấy chục người con trong số có 11 người con trai. Cụ Sảng Đình tên ghi trong gia phả là Nguyễn Hy Thích sau này đổi thành Nguyễn Văn Thích.
Bà mẹ của Sảng Đình cũng thuộc dòng dõi danh gia, dòng họ Thân Trọng sản xuất nhiều khoa bảng như cụ Thân Trọng Huề làm quan dưới triều Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định.
Được thân phụ hướng dẫn Sảng Đình theo học chữ Hán từ thủa nhỏ để nối chí cha đi vào con đường hoạn lộ lập công danh. Vốn thông minh đĩnh ngộ từ năm 4 tuổi đã được học bài ngũ ngôn tứ tuyệt ‘’Xuân Hiểu’’ của Mạnh Hạo Nhiên. Lớn lên cần cù giùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Với gia tộc ấy, với thông minh ấy, ai ai cũng tưởng đường đời của Sảng Đình đã được vạch sẵn. Nhưng không ai học được chữ ngờ.


ƠN GỌI

Đối với những người đã lớn tuổi như Sảnh Đình ơn gọi thường đến bất chợt ở những khúc quanh của cuộc đời. Sảng Đình đã từng đi thi Hương hai khoa nhưng đều hỏng ở trường ba vì phạm trường quy. Sau này Sảng Đình vẫn nhắc tới việc hỏng thi này qua những câu thơ :
Ai về nhắn với mẹ cha
Mua heo ai trả, trường ba hỏng rồi.
(CVPD câu 218)
Thi chi thi hủy thi hoài
Cử nhân nõ có, tú tài cũng không.
(CVPD câu 272)

Sau khi thi Hương hỏng Sảng Đình chuyển hướng theo Tân học, học Pháp văn, Việt văn và các môn khác tại trường Quốc học Huế và trường dòng Pellerin ( Huế ). Trường Pellerin là một tư thục được thành lập năm1904 do các Sư huynh Lasan ( St Jean Baptiste de la Salle ). Sảng Đình thuộc thế hệ học sinh đầu tiên của trường. Nhà trường ngoài những môn học đời, còn dạy giáo lý kitô-giáo là môn học bắt buộc cho học sinh không phân biệt lương hay giáo. LM. Léculier ( tên việt là Cố Lựu ) làm tuyên úy nhà trường. Chính nơi đây là khởi điểm những suy tư và cầu nguyện của học sinh Sảng Đình vốn đã thấm nhuần những tư tưởng và triết lý Nho giáo.

Năm 1909 cậu Sảng Đình tốt nghiệp Trung Học (Diplôme d’études Primaires Supérieures). Học thêm một năm về khoa Sư Phạm, ra trường được bổ Trợ Gíáo dạy tiếng Pháp tại trường tỉnh Khánh Hòa tháng 2 năm 1911.
Thời gian làm giáo viên tại Khánh Hòa cậu Sảng Đình vẫn giữ liên lạc với LM. Tuyên úy Lécullier (tức cố Lựu), và chỉ bốn tháng sau cậu quyết định trở lại đạo Công Giáo mặc dù gia đình không chấp thuận. Cha mẹ đã tìm mọi cách ngăn cấm không cho theo đạo. Nhưng ngày 29 tháng 6 năm 1911 cậu Sảng Đình đã chịu phép rửa tội với tên thánh là Joseph Marie tại nhà thờ Bình Cang, tỉnh Khánh Hòa, do LM. Charles Eugène Saulcoy (tên việt là Cố Ngoan) chủ lễ. Do đó sau này nhiều bài xã thuyết do Sảng Đình viết thấy ký bút hiệu là J.M. Thích. Nhớ lại ngày chịu phép rửa tội Sảng Đình có viết bài thơ sau :
Bỉ cực rồi thì đến thái lai
Nỗi mừng nửa khóc nửa vui cười
Muôn vàn cảm đội công ơn Chúa
Bao xiết cao rao phước phận tôi
Mấy độ gian nan còn để dạ
Ba năm cầu nguyện đã như lời
Thôi thôi đừng bạn cùng ta nữa
Ôi sự công danh phú quý ôi!

Trái lại khi được tin thân phụ Cụ thượng Nguyễn Văn Mại đã nổi giận lôi đình đánh nhừ tử đứa con bất hiếu. Một trong những người em gái của Sảng Đình bà Thiếu Hải đã ghi lại việc này trong những câu thơ như sau :
Trong nhà đùi gậy ba toong
Rút ra đánh hết chẳng còn cái mô
Chị em ai nấy sững sờ
Lính tráng vú bõ không rờ đến cơm. ..
Sảng Đình tiếp tục đi dạy học nhưng xin đổi về dạy ở Huề để gần gia đình trông nom. Trong thời gian này Sảng Đình thường đàm luận với phụ thân về chữ Thiên theo Khổng giáo và Kitô-giáo. Đây cũng là thời gian đã chín mùi để Sảng Đình lựa chọn hướng đi cho tương lai : sống ngoài đời hay theo con đường tu hành. Phụ thân chắc cũng dự đoán được ý nghĩ của con, nên một mặt sai người coi chừng, một mặt nhờ Đức Gíám Mục Allys (tên việt là Đức Cha Lý) mai mối để lấy vợ cho con là con gái của cụ Thượng công giáo Nguyễn Hữu Bài. Được tin Sảng Đình quyết định từ giã gia đình để đi tu. Sảng Đình làm đơn xin từ chức Trợ giáo, cải trang làm con gái để ra khỏi nhà, mua vé tàu đi Cửa Tùng Quảng Trị, vào xin học ở Tiểu chủng viện An Ninh năm 1917.
Đây là một trường hợp chưa từng có, chủng sinh vào tiểu chủng viện thường từ 12 đến 14 tuổi, Sảng Đình lúc đó đã 26 tuổi. Nhưng Đức Cha Allys hiểu rõ hoàn cảnh nên đặc cách chấp nhận. Sảng Đình học các môn cần thiết như La tinh, Giáo lý, đồng thời cũng dậy Pháp văn, Quốc văn và Hán văn cho các lớp chủng sinh.
Sau hai năm Sảng Đình đuợc lên Đại chủng viện Phú Xuân ( Huế ) học Triết học, Thần học,. .. và 6 năm sau được thụ phong Linh mục (18-12-1926).


MỘT CON NGƯỜI TÀI HOA

Sảng Đình là một con người tài hoa, biết làm thơ, viết văn, soạn nhạc, thông thạo Hán văn, Pháp văn, Quốc văn, vẽ cổ họa, viết chữ nho theo thư pháp tuyệt đẹp. Nếu ai có được một trong những tài của Sảng Đình cũng đủ để lừng danh một thời. Nhưng LM. Sảng Đình Nguyễn Văn Thích đã chỉ xử dụng những tài thiên phú của mình để làm dạng danh Thiên Chúa giúp đời yêu người theo tinh thần làm tông đồ.
Sảng Đình làm thơ là để hứng khởi lòng người theo sách Luận ngữ (Hưng ư Thi), ý tưởng này được trình bầy trong tập ’Cổ Việt Phong Dao’ do Sảng Đình sưu tập 300 câu, gợi lại con số 300 ( Thi tam bách ) của Kinh Thi :
Ba trăm thiên của Khổng Thánh xưa
Ba trăm câu bất tiếu tôi vừa tìm ra
Cho hay văn của nước nhà
Cũng phú, tỷ, hứng cũng là Kinh Thi. ..
Sống vào thời Phan bội Châu và thi sĩ Tản Đà với những câu thơ :
Nhớ lời nguyện Nước thề Non
Nước đi chưa lại non còn đứng trông
Sảng Đình qua tập Cổ Việt Phong Dao cũng gửi một sứ điệp kêu gọi mọi người hãy nhớ đừng quên nước nhà; thí dụ những câu :
Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai bới ai đào mà sâu
…………………………………
Vì ai nên nỗi sầu này
Chùa tiên vắng vẻ tớ thầy xa nhau
……………………………………
Chiều chiều ra đứng vườn cau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chìu
……………………………………
Gáo vàng đem múc giếng Tây
Khôn ngoan cho lắm tớ thầy người ta
Khi đọc tới những câu :
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gàThọ Xương
tôi hơi bỡ ngỡ vì thường thầy ghi : tiếng chuông Thiên Mụ. ., chùa Thiên Mụ ở Huế, còn đền Trấn Vũ ở Hà Nội, không biết câu nào đúng ?

Những câu thơ trong Cổ Việt Phong Dao đều có tính giáo dục dạy người sống trong vòng lễ nghĩa chung thủy, thí dụ những câu sau :
Khuyên ai giữ chí cho bền
Dầu ai đổi hướng xoay nền mặc ai.
……………………………………
Uốn cây uốn thuở còn non
Dậy con dạy thuở con còn thơ ngây.
…………………………………………
Dậy con dạy thuở còn thơ
Dậy vợ dậy thuở bơ vơ mới về.
……………………………………
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ cũng là đi tu.
……………………………
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy khe cũng lội mấy đèo cũng qua.
……………………………
Dầu xây chín tháp phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người
. ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ..
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Thi tập Cổ Việt Phong Dao được trình bầy như một bài thơ dài theo thể bục bát, vần cứ nối tiếp nhau cho đến hết bài, vì Sảng Đình coi thể lục bát và song thất lục bát như những thể thơ thuần túy việt nam :
Văn chương quốc ngữ kém gì Trung Hoa
Nhưng đây lục bát dân ca
Không dùng chữ hán toàn là chữ nôm
Song thất không phải thất ngôn
Lục bát là điệu hùng hồn việt nam.

SOẠN NHẠC

Cụ Sảng Đình biết sử dụng nhiều loại nhạc khí Tây phương Đông phương (violon, harmonium, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, …). Cụ thuộc nhiều điệu hát Huế, nhạc cung đình cũng như nhạc dân gian.
Cụ soạn nhiều bài hát, bài thơ đạo và đời do chính cụ phổ nhạc, cho các thiếu nhi và hướng đạo sinh, hoặc các ban phụng ca hát trong thánh lễ, thí dụ những bài kể sau :
Ø Trời cao đất thấp gặp nhau
Ø Trời cao đất thấp gặp nhau (dịch bài hát Pháp văn : Le ciel a visité la terre)
Đấng tôi yêu mến ngự vào lòng tôi
Thánh tình ôi ! Nhiệm mầu thôi !
Hồn tôi thờ lạy khôn lời nói ra.
Ø Bao giờ tôi được lên trời
Bao giờ tôi được lên trời
Ở cùng Đức Mẹ thì tôi phỉ nguyền
Ôi ! lòng tôi yêu đương
Ôi ! lòng tôi mến thương
Ôi ! lòng tôi mong ước
Trông xem mặt mẹ cho tường
Ø Cái Nhà
Cái nhà là nhà của ta
Công khó cha ông lập ra
Cháu con ta gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.


THƯ PHÁP và CỔ HỌA

Cụ Sảng Đình có hoa tay viết chữ nho đẹp nổi tiếng theo thư pháp tài hoa nhưng trang trọng, được nhiều người đến xin chữ về làm câu đối. Còn về họa cụ Sảng Đình vẽ theo lối cổ họa. Tại tòa Tổng Giám Mục Huế còn trưng bầy bức họa được đề tên là : Mater Misericordiae (Từ Mẫu). Ngoài ra gia đình và thân thuộc còn giữ được những bức họa : Đức Mẹ Maria, Cuộc kiệu Mình Thánh

Chúa ở Huế năm 1943, các chân dung của Nữ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, của thánh Gioan Maria Vianey, bức tự họa của Sảng Đình, bức phù điêu khắc hình bán thân của cụ thân sinh và bức họa Thác lớn Bạch Mã được in ở trang bìa cuốn sách của Lê Ngọc Bích, ở góc phải bức họa có bốn chữ ‘’Cao Sơn Lưu Thủy’’ là thủ bút của cụ Sảng Đình.


LÀM BÁO

Năm 1936 LM. Sảng Đình Nguyễn Văn Thích sáng lập làm chủ bút tuần báo ‘’Vì Chúa’’ sau đổi thành nguyệt san xuất bản tại Huế, để truyền bá đạo Chúa và văn hóa dân tộc. Tờ báo được nhiều nhà trí thức cộng tác như : cụ Ưng Trình, cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn. Báo ‘’Vì Chúa’’ mỗi lần in 3000 số cho phát hành gởi bán khắp Đông dương. Báo ‘’Vì Chúa’’ là báo tam ngữ : Việt, Hán, Pháp, sống được 9 năm. Đến năm 1945 tự đình bản vì thời cuộc (Nhật đảo chính Pháp). Sau 1945 LM. J. M. Thích vẫn tiếp tục viết văn cho tạp chí ‘’Tổ Quốc’’ (Huế, 1945-1946), nguyệt san ‘’ Vinh Sơn’’ (Huế, 1949-1050), Nguyệt san ‘’ Nguồn Sống’’ (Huế, 1958-61), ‘’ Cổ Học Quí San’’ của Hội Cổ Học thành lập tại Huế giữa thập niên 1950. Những bài văn LM. Thích thường viết ngắn, từ nửa trang đến một trang sách in. Các câu viết cũng ngắn, thí dụ trong bài viết về tôn chỉ báo ‘’ Vì Chúa’’ có những câu như sau :
Tư tưởng vì Chúa
Ngôn luận vì Chúa
Hành động vì Chúa
………………………
Vì Chúa ta gắng công
Ta thẳng lên vì Chúa.
Cố nhiên những bài viết về đạo là nhiều nhất, nhưng cũng có những bản dịch bài của Bossuet, Boileau, Louis Veuillot … bài trả lời một độc giả xin giải nghĩa về hai chữ ‘’ Hồn Mộng’, những bài kỷ niệm về chuyến gặp gỡ trên xe lửa một người Lào ngợi khen phong cảnh miền Trung, một người muốn xin đăng thơ và bài viết vào báo ‘’ Vì Chúa’. Có một bài làm tôi nực cười là bài nói về thú chơi
’nhảy đầm’ đã lan tràn vào đến Huế có những câu :
Toa nhảy… moa nhảy
…………………………
Ai gọi là văn minh
Ta cho rằng hổ thẹn

Còn những bài viết dài nhiều trang là những bài đăng trong tạp chí Đại Học hay trong tờ Cổ Học Quí San, vì là những bài tham khảo trìết lý xưa nay Đông Tây, để chọn cái phải mà theo.


SẢNG ĐÌNH THI TẬP

Những bài thơ của LM. J.M. Thích được thâu góp trong cuốn Sảng Đình Thi Tập. Lúc đầu tác phẩm được in trọn hai kỳ trong nguyệt san ‘’ Vì Chúa’’ số 239 và 240 trong năm 1943. Nguyệt san ‘’ Vì Chúa’’ là tờ báo tam ngữ, Sảng Đình Thi Tập cũng là một tập thơ tam ngữ : Việt, Hán, Pháp. Tập thơ gồm có 84 bài thơ quốc văn, 14 bài thơ Hán văn, 5 bài thơ Pháp văn, 31 bài dịch thơ Hán văn và 30 bài dịch thơ Pháp văn.

Cha Đinh Đồng Thượng Sách, Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái, GS Trần Văn Cảnh
Trong số những thi sĩ Pháp được LM.Sảng Đình chọn thơ để dịch ra thơ Quốc Văn, phải kể tới : Sully Prud’homme (những bài Nid brisé, Un Songe), Chateaubriand (bài Le montangard émigré), Théophile Gautier (La source), Montrouzies (Le grillon), Ste Thérèse d’Avila (Je me meurs de ne point mourir),
Ste Thérèse de l’Enfant Jésus (Ma paix et ma joie, Mon chant d’aujourd’hui, L’abandon, Ce que j’aimais), Claude Augé (Les bulles de savon, Réveil), A. de Musset (L’espérance, L’étoile du soir), Victor Hugo (Mer et montagne, L’été), Besse de Larges (Sur le lac), J.Rebout (L’ange et l’enfant), Louis Veuillot (Des ailes), George Guérin (Nuit de printemps), Và đặc biệt là vở kịch Polyeucte của Corneille được dịch thành ‘’Tuồng Phổ -Liệt’’ được trình bầy nhiều lần ở Chủng Viện An ninh.
Còn những thơ Hán văn được Sảng Đình dịch thành thơ Quốc văn gồm có : những bài trong cuốn : Lô Giang Tiểu Sử là tác phẩm của cụ thân sinh Nguyễn Văn Mại, những bài của cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài, của cụ Kim Giang Nguyễn Trọng Hiệp, của cụ Lương Khê Phan Thanh Giản, của Đức ông Thương Sơn Tùng Thiện Vương (con thứ 0 của vua Minh Mạng), thơ đời nhà Trần (của Trần Nhân Tông), thơ đời nhà Lý (của Thiền sư Mãn Giác, thơ đời nhà Lê (bài Côn Sơn Ca của Nguyễn Trãi), bài phú của Khương công Phụ (người Việt làm quan đời Đường bên Tầu), những cổ thi Trung Hoa đời Tống, đời Đường bài thơ Lý Bạch mời rượu :
Trong hoa một bầu rượu
Ta rót biết mời ai
Cất chén mời nàng Trăng
Với bóng là ba người
Phần thơ Pháp văn của Sảng Đình gồm có 5 bài, nhưng toàn là những bài hát : 3 bài tặng các Hướng đạo sinh : Toujours plus haut, Pour le rallye ‘’Thần Kinh’’, Les petits Scouts d’Annam; 1 bài tặng các Tiểu chủng sinh đi nghỉ hè : Les Blancs Moineaux; và 1 bài kính Nữ Thánh Têrêsa Hài Đồng : À la Petite Reine, gồm có 1 Điệp khúc và 12 Phiên khúc. Tôi ghi dưới đây điệp khúc Pháp văn và bản dịch của GS. Võ Long Tê :
À LA PETITE REINE
Gloire, honneur en ce jour
À la Petite Reine
Dans la céleste cour
Ah ! Je la vois sereine
Trôner près de Jésus
Au milieu des Élus.
……………………
BẢN DỊCH
Hôm nay ngày quang vinh
Kính NữHoàng bé nhỏ
Đăng quang trên thiên đình
Nữ Hoàng thanh thản ngự
Bên cạnh Chúa Giê-su
Giữa triều thần Chúa lựa.

Trong số những bài thơ Hán văn của Sảnh Đình có hai bài thường được nhắc tới. Thứ nhất là bài ’Thánh Giáo Yếu Lý Ngâm’’ cũng được gọi là ‘’Quy Y Thánh Giáo Thập Thư’’gồm 10 đoạn thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, 2 đoạn nhật tụng, nói về những điểm chính trong Giáo lý Kitô-giáo và những kinh đọc hàng ngày. Các bài này có ý viết cho những người Nho học muốn học đạo khi gấp chịu phép Rửa tội. Thứ hai là bài ‘’Vật Lý Suy Nguyên’’. Ý chính của bài thơ là khi ngắm nhìn vũ trụ, trời đất, trăng sao, động vật, thảo mộc, thời tiết, tự nhiên phải biết có đấng Tạo Hóa. Bài này được in chữ đỏ ở trang bìa cuốn sách của Đoàn Khoách và in chữ đen cùng bản phiên âm ở trang bìa mặt sau cuốn sách của Lê Ngọc Bích. Tản Đà dịch thành thơ lục bát, Sảng Đình cũng tự dịch ra Quốc văn như sau :
ĐỨNG GIỮA CÀN KHÔN
Đứng giữa càn khôn thử nhắm trông
Trời cao đất rộng tứ vô cùng
Gương nga đầy khuyết qua rồi lại
Mây Tạo xoay vần hạ với đông
Sinh trưởng vô tình vui thảo mộc
Vẫy vùng đắc ý mặc ngư long
Suy trong vật lý ta nên tỉnh
Nhân biết trời trên có chủ ông.

Lẽ cố nhiên trong cuốn Sảng Đình Thi Tập những bài thơ Quốc văn là nhiều nhất, viết theo những đề tài về đạo, tả cảnh hay thời sự. Thơ đạo viết về : lễ Giáng sinh (như những bài : Máng cỏ, Ngôi sao lạ, Nhạc thiên thần, Thiên đàng); về những nhân vật trong Phúc âm (như những bài Phêrô khóc tội, Đề tượng thánh Giuse, Lời than thở cùng Đ.C.G. Hài Đồng, bốn bài về Đức Mẹ; về Giáo Hội (như ba bài kính Đ.G.H. Piô XI, bà thánh Jeanne d’Arc nhân ngày lễ phong thánh năm 1921, bài tặng Thầy Giuse Kiểu thăng linh mục, bài 12 cái mến tặng Cha Anselme Châu Sơn, bài 25 cái nhớ tặng các anh em giáo hữu); về các thánh tử đạo Việt nam (thánh Micae Hồ đình Tụng thời Tự Đức, thánh Tô-ma Trần văn Thiện và thánh Antôn Nguyễn hữu Quỳnh thời Minh Mạng).
Các bài thơ đạo làm tôi cảm động nhất là ba bài viết về người em gái cùng cha khác mẹ đi tu dòng kín Carmel (Huế) năm 1921. Câu chuyện cô em này được ơn gọi cũng kỳ lạ và đột ngột như chuyện của người anh LM. Thích. Khi còn là trẻ sơ sinh được mẹ bế đi lễ chùa xin đặt pháp danh là Như Ngộ. Lúc 6 tuổi học chữ Hán, 9 tuổi học Pháp văn và Quốc văn. Sau khi tốt nghiệp Trung Học và Sư Phạm đi dạy học làm trợ giáo ở Khánh Hòa và ở Hà Tĩnh. Nhân dịp nghỉ hè trở về gia đình, một hôm cô bỏ nhà ra đi chỉ mang theo một bộ quần áo, để lại một bức thư và tất cả nữ trang và xin đi tu vào dòng kín đổi tên là Như Ngọc, mặc dù cha mẹ đã phản ứng rất mạnh. Sảng Đình viết ba bài thơ đưa em Như Ngọc vào dòng kín, dưới đây chỉ ghi lại 10 câu như sau :
Cổi lốt trần gian mặc áo dòng
Từ rầy sự thế thế là xong
. ...............................................
Bây giờ ngoảnh lại xem trần thế
Một bước mà xa mấy vạn trùng
. ...................................................
Sững sờ nửa tỉnh nửa như say
Ai khéo đưa em đến chốn này
. ..............................................
Say mùi đạo đức quên lòng tục
Bỏ chữ công danh nặng chữ nhàn
Mới biết một ngày trong phúc kín
Hơn trăm ngàn kiếp phúc trần gian.

Thơ tả cảnh Sảng Đình cũng viết nhiều, thí dụ những bài : Hừng Đông, Mặt trời, Đêm trăng, Mùa Đông, Đêm thu không ngủ, Lên đèo ngang, Thừa lương Cửa Tùng, Bạch Mã Ngâm. Trong thơ tả cảnh của Sảng Đình có nhiều câu đầy nghệ sĩ tính, thí dụ để tả mầu trắng của bông hoa huệ :
Trắng nuốt không hề vương tục lụy
Trong ngần nào chút nhuốm trần tiêu
để tả mầu đỏ của bông hoa phượng :
Ấy trời đổ xuống son điều thắm
Hay đất phun lên huyết đỏ ong

Thật đúng tâm hồn nghệ sĩ khi tả cái sắc của hoa phượng : đỏ như trời đổ son hay đất phun huyết. Trong bài thơ tả cảnh hồ Tịnh Tâm có những câu phảng phất lời thiền :
Lặng lẽ bức hồ gương
Lòng ta cùng lặng lẽ
…………………………
Lợi dục đứng ngoài xa
Xôn xao không vẫn không
Sảng Đình viết ba bài thơ về Sông Hương. Dưới đây là tóm tắt những ý kiến của GS. Võ Long Tê về những bài thơ này :
• Tiếng hát thuyền chèo trên Sông Hương.
Thấp thoáng thuyền ai chèo trước gió
Dặt dìu tiếng hát dội ngang sông
. ..........................................
Cảnh ấy tình này thêm vấn vít
Mối sầu vạn cổ gỡ sao xong
Bài này gợi nhớ tiếng hát của thương nữ không biết hận vong quốc trong những thơ của Đỗ Mục và Tùng Thiện Vương. Mối sầu vạn cổ là mối sầu mất nước.
• Đêm trăng đi thuyền trên Sông Hương.
. ..............................................
Một vùng lăng tẩm còn trơ đó
Muôn thuở anh hùng hãy vắng teo
. ............................................
Bài này tả nỗi buồn khi ngắm nhìn những lăng tẩm tự hỏi bao giờ mới có người gỡ được thế rối ngả nghiêng của đất nước.
• Thi vị Sông Hương.
Sông Hương có dòng nước lục
Trong vẻo trong veo mà không bao giờ đục
Đây, ta thả thuyền chơi
Ta lội, ta bơi
Ta rửa sạch mọi điều trần tục
***
Sông Hương có bóng mát trăng thanh
Yếng bạc bủa rải trên lườn sóng long lanh
Soi tấm lòng ta vằng vặc
Đối với tạo vật
Biết bao nhiêu là cảm tình
***
Sông Hương có lườn gió mát
Phưởng phất dịu dàng như tay ai khéo quạt. Nó thổi sạch mây mù
Thổi sạch u sầu
Kìa tiếng thông reo, tiếng chài hát.
Bài này Sảng Đình viết theo thể thơ mới câu dài câu ngắn, nội dung có ý đạo chịu ảnh hưởng bài thơ ‘’L’Esprit et l’Eau’’ của nhà thơ công giáo Paul Claudel.

Về những bài thơ thời sự tôi chọn giới thiệu hai bài : Đi xe hơi và Tầu bay, vì vào thời của Sảng Đình xe hơi và tầu bay được coi như máy móc tối tân, năm 1914 tầu bay mới tới Huế lần đầu.
Đi Xe Hơi.
Mù mù thẳm thẳm mấy ngày đàng
Một phút xe hơi đã vượt sang
……………………………………
Máy thần vụt vụt cơn dông dậy
Bánh điện ầm ầm tiếng sấm vang
………………………………………
Tầu Bay.
………………………………………
Chớ gọi là tài mà cậy tài
Chim mỏi một mai chim rã cánh
Khuyên ai đắc chí hãy khoan cười.

Khi đọc những bài này tự nhiên tôi liên tưởng tới báo Giáo Xứ của chúng ta cũng có một thi sĩ từng làm thơ về ‘’ tê-lê-phôn poóc-táp’’.


MỘT NHÀ-GIÁO LINH-MỤC

Đối với Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, ơn gọi tận hiến làm Linh Mục hầu như gắn liền với ơn gọi làm Nhà Giáo từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học. Trước khi làm linh mục Sảng Đình đã là nhà giáo trường công tại những trường tiểu học ở Khánh Hòa rồi ở Huế (1911-1917). Khi được vào Tiểu chủng viện An-ninh, Sảng Đình vừa là học sinh vừa là thày giáo của trường này. Sau khi chịu chức linh mục Sảng Đình được Giáo Quyền bổ nhiệm làm giáo sư Dòng Thánh Tâm (Huế, 1927), sau đó tại trường Thiên Hựu (Institut de la Providence, Huế,1933), tại Tiểu Chủng Viện An Ninh ở Cửa Tùng từ năm 1937.
Đến năm 1942 được chuyển về làm Tuyên úy Trường Pellerin, Huế. Nhân dịp này chính quyền bổ nhiệm cụ làm giáo sư trường Trung học Khải Định (tức là trường Quốc Học). háng 4 năm 1946 LM. Sảng Đình về làm cha Chánh Xứ họ Kim Long (Xuân Long, Huế) vào thời gian Cộng Sản nắm được chính quyền và có nhiều ảnh hưởng trong giới thanh niên. Cũng trong thời gian này địa phận Huế không có giám mục, trong khi chờ đợi người thay thế, linh mục đoàn bầu LM. Sảng Đình làm Nhiếp chính cai quản địa phận cho đến năm 1948 có tân giám mục.
Sau khi chính quyền Quốc Gia được thành lập tại Miền Nam, LM. Sảng Đình trở lại dạy học ở trường Quốc Học và các trường tư thục công giáo tại Huế. Từ 1958 đến 1970 LM. làm tuyên úy trường Pellerin và dạy ở Đại học Huế, Viện Hán Học Huế, Đại học Đà-lạt, Đại học Saigon về môn Hán văn và Triết học Đông phương. Thật cũng kỳ lạ, một người ở tuổi thanh niên thi Hương hỏng trường ba, về sau lại trở thành Giáo sư Hán văn và Triết học Đông phương trong các trường Đại Học Việt Nam. Năm 1963 LM. mở một lớp Mẫu Giáo (có lẽ là lớp mẫu giáo đầu tiên ở Việt nam) trong khuôn viên trường Pellerin đặt tên là Nhà Trẻ Hương Linh cho các ấu nhi không phân biệt lương giáo. LM. đào tạo các nữ giáo viên tình nguyện theo phương pháp hướng đạo (Học là chơi, chơi là học).
LM. được mời tham gia nhiều công tác văn hóa giáo dục trong đó phải nói tới công tác làm Tổng tuyên úy Toàn quốc Hướng đạo Việt nam. LM. đã tham dự nhiều trại họp bạn Hướng Đạo tại Việt Nam (Trại trường Bạch Mã) và trên thế giới. Nhiều lần LM đã thuyết trình về phong trào này. Tên rừng của LM là ‘’Bồ câu rừng gan dạ ‘’.
Sau năm 1970 ĐTGM. Nguyễn Kim Điền thấy lm. Sảng Đình tuổi đã 80 nên mời về ở tại nhà Hưu Dưỡng cạnh Tòa Tổng Giám Mục Huế. LM vẫn đi dậy học cho đến năm 1975.

Cha JM. Thích là linh mục triều nên được quyền giữ tiền riêng, lương giáo sư đại học dậy nhiều giờ của Cha rất cao, cao hơn bất cứ giáo sư nào ở Huế. Nhưng bình sinh Cha sống chí đạo, nêu gương kiêm hạ bác ái và khó nghèo. Biết ai nghèo khổ Cha đều đem tiền bạc, thức ăn, áo quần đến giúp đỡ. Nhiều sinh viên lợi dụng lòng tốt của Cha, nhưng Cha vẫn vui cười không từ chối một ai. Khi đi thăm trẻ mồ côi, bệnh nhân, Cha đều đem quà đến cho. Sau khi cử hành thánh lễ, còn bao nhiêu tiền trong túi Cha đều trao hết cho các Sœurs phụ trách. Như vậy dù lương cao bao nhiêu cũng không đủ để phân phối.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hoàn cảnh của Cha rất cô đơn. Tòa Tổng Giám Mục Huế bị bao vây theo dõi đêm ngày. Tuy vậy Cha vẫn làm việc tông đồ, đến thăm những người nghèo Cha quen biết, hoặc những bạn già trong đó có cụ Tôn Thất Sa.
Linh mục Joseph Marie Nguyễn Văn Thích về chầu Chúa ngày 9-12-1978, trong túi không còn một xu, chỉ mặc quần đùi và chiếc áo chùng thâm linh mục. Cha được an táng tại Phủ Cam, sau cải táng năm 1982 vào nghĩa địa các linh mục sau núi Thiên Thai.

Kính thưa quý vị,
Tôi vừa trình bầy hầu quý vị một cách sơ lược, rất sơ lược, về cuộc đời của một con người tài hoa, một nhà giáo tận tụy với nghề nghiệp yêu thương học trò như chính những con của mình, một linh mục sống trung thành với những lời tuyên hứa trước Giáo Hội và Thiên Chúa. Một tâm hồn đơn sơ thánh thiện, một lương tri an bình thanh tao, thảo nào khi ra đi miệng còn vui vẻ ca hát theo ánh sáng thần linh, Theo như bút hiệu ’’Sảng Đình’’, ánh sáng đẹp của nhà chung, ánh sáng của đức tin :
Ánh sáng …………long lanh
Soi tấm lòng ta vằng vặc
Đối với tạo vật
Biết bao nhiêu là cảm tình.
(Đoạn 2 bài Thi Vị Sông Hương)

*****************************************

THƯ MỤC THAM KHẢO

Cổ Việt Phong Dao (Sảng Đình Nguyễn Văn Thích sưu tập 300 câu), nhà in Thánh Tâm Huế ấn hành, 1968.
Một hiền nhân của thời đại : Sảng Đình Nguyễn Hy Thích. (Nguyễn Lý Tưởng, Định Hướng số 6, 1994, trg 48-71)
Sảng Đình Thi Tập của LM. Nguyễn Văn Thích (Võ Long Tê, Định Hướng số 9, 1996,Trg 41-58 ).
Sảng Đình Thi Tập của JM. Thích (Đoàn Khoách biên tập thực hiện, Thanh Tịnh xuất bản, California, USA, 2001 ).
Sưu tập Thơ Văn Nhạc Họa của LM. Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (Lê Ngọc Bích biên tập thực hiện, Saigon, 2003.
Một hiền nhân của thời đại, LM. Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978). Nữ Tu Mai Thành, Dòng Đức Bà, (Từ Ánh sáng mặt trời tình yêu, Tập II, trg 8 – 33)