Mạc Tư Khoa - Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa Alexi II đã lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI như là vị lãnh đạo tinh thần “can đảm, không mệt mỏi lên án sự dữ trong thời đại chúng ta, và dấn thân trong các nỗ lực hiệp nhất Kitô Giáo ngõ hầu tất cả các Kitô hữu có thể trở nên những chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta”.

Trong điện văn chúc mừng sinh nhật thứ 80 của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Đức Thượng Phụ Alexi II cũng cầu chúc cho Đức Thánh Cha được sức khoẻ tốt, trường thọ, và nhiều ơn thánh Chúa trong sứ vụ Mục Tử Toàn Thể Giáo Hội Công Giáo.

Điện văn có đoạn viết: “Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt về cuộc đời của hiền huynh, một cuộc đời dâng hiến toàn bộ cho sứ vụ của giáo hội, và một cuộc đời đã đưa hiền huynh lên đến chức vụ người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Rôma”.

Trong phần kết luận, Đức Thượng Phụ cho rằng Đức Thánh Cha “là một thần học gia nổi tiếng dâng hiến trọn cuộc đời bảo vệ và khẳng định các giá trị truyền thống của Kitô Giáo” trong xã hội tân tiến hiện nay. Ngài nhận định “Đó sẽ trở nên một căn bản vững chắc cho những quan hệ tốt đẹp và sự hợp tác mang lại lợi ích chung giữa Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma”.

Tại Mạc Tư Khoa, cha Igor Vyzhanov, thư ký ủy ban Kitô Giáo sự vụ của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng đã bày tỏ lòng kính trọng của người Chính Thống Giáo dành cho Đức Thánh Cha, và sự đánh giá cao các nỗ lực của ngài dành cho tiến trình đại kết Kitô Giáo.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa khẳng định lòng chân thành muốn đối thoại với Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga và toàn thể xã hội Nga. Đức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh đến “chiều sâu thần học” của Đức Giáo Hoàng và “lập trường rõ ràng” của ngài “đối với các vấn đề tế nhị trong thế giới ngày nay”. Đức Cha nói: “Ở trung tâm thần học của ngài là Chúa Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, là Đấng con người luôn trông đợi. Ở nền tảng giáo huấn của ngài là nghĩa vụ chúng ta phải xây dựng tương lai cho một Châu Âu đang đầy rẫy chủ nghĩa thế tục, luân lý tương đối và sự từ khước căn cội Kitô của mình”.