Trong khi “không thể đưa ra bất cứ liên hệ nào giữa các chính sách của Quốc Xã đối với người Do Thái và chính sách hiện nay của Do Thái đối với người Palestine”, các Giám Mục Đức không thể câm nín trước tình trạng của người Palestine ngày nay, ông Ulrich Pöner, giám đốc Ủy Ban Quốc Tế Sự Vụ và Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Đức đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho DW-WORLD.DE.

“Điều căn bản cần phải được chấp nhận ngay cả đối với những ai đưa ra những tuyên bố nào đó chỉ trích các Đức Giám Mục là các ngài không thể câm nín trước tình trạng của người Palestine”.

“Các ngài không thể làm vậy, không nên làm vậy, và sẽ không làm vậy. Cũng như các ngài cũng sẽ tiếp tục đề cập đến, đặc biệt với người Palestine, về quyền tồn tại của quốc gia Do Thái và những nguy cơ an ninh đè nặng lên người Do Thái”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là những nhận xét của Đức Cha Gregor Hanke, Giám Mục giáo phận Eichstaett và Đức Cha Walter Mixa, Giám Mục giáo phận Augsburg, đưa ra tại Do Thái đã gây ra một phản ứng dữ dội trong cộng đồng Do Thái tại Đức.

Hội Đồng Trung Ương Do Thái tại Đức và tòa Đại Sứ Do Thái tại Đức đã phản ứng giận dữ trước nhận xét của Đức Cha Hanke khi ngài so sánh tình trạng của người Palestine tại Ramallah với tình trạng của người Do Thái trong các ghetto ở thủ đô Vácxava của Ba Lan dưới thời thế chiến thứ hai. Ghetto là từ thường được dùng để chỉ những khu vực ổ chuột mà người Do Thái bị buộc phải cư trú trong thế chiến thứ Hai.

Báo chí Do Thái cho biết Đức Cha Hanke đã nhận xét rằng: “Buổi sáng tại Yad Vashem chúng tôi thấy những bức tranh về sự vô nhân đạo trong các ghetto ở Vácxava, buổi chiều chúng tôi đi đến ghetto ở Ramallah. Quý vị chỉ có thể đụng nóc nhà”.

Nhận xét của Đức Cha Walter Mixa, cũng làm cho phía Do Thái điên tiết lên khi ngài nói rằng người Palestine bị “kỳ thị” tại Do Thái.

27 vị Giám Mục Đức đã hành hương Thánh Địa từ 26/2 đến 4/3. Các vị và đi thăm nhiều nơi, đến với các cộng đoàn Công Giáo, thăm các trường học và các cơ sở từ thiện, bác ái Công Giáo. Các Đức Giám Mục Đức cũng đã thăm viếng viện bảo tàng diệt chủng Yad Vashem.

Về nhận xét của các Đức Giám Mục Đức đưa ra tại Do Thái, ông Pöner nhận định rằng

“Một số Giám Mục Đức đã đến Bethlehem và Ramallah lần đầu tiên và cũng là lần đầu các ngài tiếp xúc gần gũi với đau khổ của người Palestine. Điều đó dẫn đến những tuyên bố mang tính xúc cảm của một vài Giám Mục”.

Tuy nhiên, ông Pöner phản đối việc đặt những tuyên bố trên trong bối cảnh bài Do Thái. “Các ngài không có ý đó và các tuyên bố của các ngài không thể bị hiểu như thế”.

“Cả Hội Đồng Trung Ương Do Thái Giáo tại Đức và Đại Sứ Quán Do Thái tại Đức đều chỉ ra rằng họ hiểu được những chỉ trích liên quan đến tình cảnh người Palestine, như thế người ta phải được phép đưa ra các chỉ trích về các chính sách của Do Thái”.