NĂM HỢI GỢI CHUYỆN HEO THEO KINH THÁNH



Bây giờ là thế kỷ thứ 21, thời đại vi tính liên mạng. Cả thế giới gần gũi nhau như hàng xóm. Năm châu bốn biển như chung một nhà. Bất kỳ nơi đâu xảy ra một biến cố gì quan trọng là ngay tức khắc khắp nơi đều biết. Thế mà còn ngồi bấm đốt tay tính tuổi theo kiểu tí-sửu-dần-mão, thì quả là còn hoài cổ, còn lưu luyến những năm tháng canh-tân-nhâm-quý lắm vậy.

Nhưng dù sao, để mừng Tết cổ truyền Việt Nam, cho ngày đầu năm Con Lợn theo truyền thống Á Đông có thêm được hương vị Nhà Đạo, chúng tôi cũng xin được gợi lại chuyện về con heo, con vật cầm tinh, biểu tượng cho năm Hợi này, dưới cái nhìn theo Kinh Thánh.

Heo, theo giáo lý

Chúng tôi vẫn nhớ như in, ngày còn nhỏ, cứ mỗi chiều chủ nhật, gia tiên nghiêm thường với tay lên chồng sách trên bàn thờ, lấy quyển sách chữ nôm ra ngồi trên ngưỡng cửa, mở bài Phúc âm chủ nhật tuần ấy ra, đọc theo cung giọng Evan. Giọng ông lên bổng xuống trầm chẳng khác gì giọng thầy già quản đọc Evan trước lễ. Lời kinh Evan sang sảng vang lên, quyện theo gió chiều, lan vọng cả đến hàng xóm.

Sau đó, ông lại mở cuốn sách giáo lý bìa cứng, cẩn thận lật từng trang, dẫn giảng cho chúng tôi xem hình. Đây là cuốn giáo lý khổ rất to, in ở mãi tận bên Tây bằng chữ Quốc ngữ. Tôi không còn nhớ nhan đề cuốn sách, nhưng chỉ nhớ cứ mỗi trang chữ, lại có một trang hình. Hình vẽ đẹp, tuy chỉ là đen trắng. Tôi nhớ mãi cảnh vẽ Hoả ngục có bảy cửa đi xuống. Mỗi cửa có một con vật biểu tượng, dựa theo bày mối tội đầu. Bảy con vật đến nay tôi còn nhớ được năm con: Công, Dê, Rắn, Rùa và Lợn.

Hình ành con lợn béo múp míp, phì nộn, bước đi ục ịch dẫn đầu một đoàn người cũng phục phà phục phịch, vừa đi vừa tu rượu kìn kìn, vừa ngoạm đùi gà nhồm nhoàm… lặc lè bước theo con heo xuống cửa thứ năm của Hoả ngục.

Sách giáo lý đó khi dẫn giải Kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bày Đức, đã vẽ con lợn làm biểu tượng cho sự ham mê ăn uống, để minh họa cho câu: thứ năm kiêng bớt chớ mê ăn uống.

Con heo đã được đưa vào sách giáo lý, theo cái nhìn của người đời, cũng như con heo đã có từ xa xưa trong Kinh Thánh.

Heo trong Ngũ thư

Đối với người công giáo, Ngũ thư là năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh. Thế kỷ thứ ba trước Chúa Giáng sinh, các dịch giả Hy Lạp đã chia các sách đầu tiên của Cựu Ước thành năm cuốn, cuộn lại để trong một hộp đựng có năm ngăn, mỗi ngăn một cuốn. Vì thế mới gọi là Ngũ thư.

Cuốn thứ ba trong bộ Ngũ thư là Sách Lêvi, ghi chép các luật lệ dân Israel phải tuân giữ. Sách Lêvi đã nói đến con heo khi viết về luật thanh khiết.

Theo đó, Chúa truyền cho ông Maisen và ông Aaron dạy dân Israel chỉ được ăn thịt các súc vật tinh sạch, còn các con vật kể là nhơ nhớp thì không được ăn thịt chúng, mà cũng không được đụng đến chúng để giữ cho mình được tinh sạch.

Những súc vật được kề là tinh sạch phải gồm đủ hai điều kiện: có móng chân chẻ đôi và nhai lại, như trâu, như bò… Còn vật nào chỉ có một trong hai điều kiện trên thì kể là nhơ nhớp, như con lạc đà, con thỏ… tuy có nhai lại nhưng không có móng chân chẻ đôi (xem Lv 11,1-6). Ngược lại “lợn tuy chân có móng và móng chẻ hai, nhưng không nhai lại: nó sẽ là nhơ đối với các ngươi. Thịt chúng các ngươi sẽ không ăn, thây chúng các ngươi sẽ không đụng đến, chúng sẽ là nhơ đối với các ngươi” (Lv 11,7-8).

Thà chết, không ăn thịt heo

Luật ấy, dân Israel vẫn luôn trung thành tuân giữ, cho dù trong những thời kỳ ngặt nghèo bị các vua dân ngoại chiếm đóng. Vua Antiôkhô đã chiếm đoạt tất cả các đồ thờ tự trong đền thờ Giêrusalem, cướp Đền thờ để làm nơi thờ thần Dớt Ôlimpia. Trong các dịp cúng thần, dân Israel bị ép buộc phải ăn thịt heo.

Một trong những kinh sư quan trọng của Israel là cụ Êlêasa, tuy đã 90 tuổi, nhưng cụ phương phi đẹp lão. Cụ bị bắt phải há hàm để nhét thịt heo vào miệng, nhưng cụ thà chết vinh hơn sống nhục, đã khạc nhổ hết thịt heo ra khỏi miệng, rồi tự nguyện tiến ra nơi hành hình.

Những người chủ tiệc kính thần, vì quen cụ đã lâu nên đã kéo cụ ra riêng một chỗ, khuyên cụ ăn một miếng thịt khác không phải là thịt lợn, rồi giả vờ như đang ăn thịt heo tuân lệnh nhà vua. Làm như vậy cụ sẽ thoát chết. Nhưng cụ trả lời họ: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng làm gương mù cho lớp trẻ, họ sẽ bảo là ông già Êlêasa đã 90 tuổi mà còn theo dân ngoại ăn thịt heo, và họ bị lầm lạc vì tôi đã giả vờ…”

Cụ đã bị hành hình, lúc sắp lìa đời, cụ vừa rên rỉ vừa thì thào nói: “Đức Chúa là Đấng thông biết mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những cực hình nơi thân xác, mà tâm hồn tôi vui vẻ vì tuân giữ luật Chúa”.

Cụ đã từ giã cuộc đời. Cái chết của cụ thật là tấm gương cao thượng chói sáng, không những cho các thiếu niên, mà còn cho phần lớn dân tộc.(xem 2Mcb 6,18-31).

Lại một tiệc cúng heo

Dưới ách đô hộ của ngoại bang, dân Israel bị cưỡng bức tham dự các dịp cúng thần. Ngoài các lễ chính, mỗi tháng vào ngày sinh của vua, họ lại phải ngậm đắng nuốt cay khi bị bắt buộc tham dự bữa cúng để cầu phúc cho vua.

Trong một tiệc cúng, nổi bật trong số người Israel bị ép tham dự, có một gia đình tám mẹ con. Vua Antiôkhô cho lấy roi gân bò mà đánh mẹ con họ, bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Maisen cấm. Người con cả đã thay mặt gia đình lên tiếng: “…Chúng tôi thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.”

Thế là anh bị chặt tay chân, rồi lý hình đem nướng anh trong cái vạc lớn đã được nung đỏ…

Đến lượt người thứ hai, vua tưởng anh ta đã tởn khi thấy anh cả bị chết thảm như vậy, sẽ vâng lệnh vua mà ăn thịt heo. Ngờ đâu, anh ta lại mạnh mẽ trả lời “không”. Vì thế anh ta cũng bị xử như vậy.

Rồi người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm, người thứ sáu, lần lượt cũng đều bị hành hạ đến chết vì tội không chịu ăn thịt lợn.

Còn cậu con út, vua dụ dỗ hứa ban nhiều bổng lộc và quan tước để cậu sống vinh hoa phú quý mà nối dõi tông đường, nếu cậu ăn thịt lợn. Cậu không nghe. Vua lại mất nhiều thì giờ thuyết phục bà mẹ khuyên con duy nhất còn lại tuân lệnh vua, để mẹ con sống giầu sang vinh hiển. Mặc dầu bà đã chứng kiến sáu cái chết thảm của sáu người con, bà cũng vâng lệnh khuyên con. Bà đã dùng tiếng của tổ tiên để khích lệ con, khuyên con hãy can đảm, theo gương các anh mà tuân giữ luật Chúa.

Vua Antiôkhô nổi giận, ngậm đắng nuốt cay vì bị người con út lăng nhục, nên đã trừng trị cậu tàn bạo hơn những người trước.

Sau cùng, cả bà mẹ, mạnh dạn không sợ hiểm nguy ấy, cũng bị hành hình.

Câu chuyện về bữa tiệc cúng thần, có tám mẹ con vì không chịu ăn thịt heo mà phải chịu các hình khổ quái ác đến chết, được chép trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách Macabê, quyển thứ hai, trọn chương thứ bảy.

Isaia dùng heo tuyên sấm

Isaia là tiên tri của lòng tin. Thời những cuộc khủng hoảng xảy ra cho dân tộc Israel, ông đòi hỏi mọi người chỉ tin tưởng nơi một Thiên Chúa. Đó là cơ may giải thoát duy nhất.

Trong một bài sấm về tình cảnh tôn giáo, ông đã mô tả thảm cảnh dân bỏ Chúa, theo bọn ngỗ nghịch đi trên đường bất lương, hùa theo phường bất chính:
Chúng ngồi xó vó nơi mồ mả, thức đêm trong những nơi ngóc ngách, chúng ăn thịt lợn với canh thịt ôi thối trong bát đĩa. (Is 65,4).
Và những kẻ đó sẽ bị Thiên Chúa oán trả.
Sau đó, tiên tri tuyên sấm để vạch tội những kẻ không xứng đáng mà dám tiến vào Đền thờ để dâng tiến lễ tế:
Kẻ tế bò, một kẻ sát nhân, - kẻ dâng chiên, một kẻ hạ chó, - kẻ thượng tiến lễ vật, là kẻ dâng tiết lợn, - kẻ dâng hương khấn nguyện là kẻ khâm sùng ma quái
. (Is 66,3).

Lại còn những phái “nhiệm” của ngoại giáo cũng mang ảnh hưởng đến dân Chúa. Chúng tụ tập nơi vườn hoang để cử hành cúng tế, rồi ăn uống với nhau những thực phẩm nhơ nhớp. Đó là “những kẻ thanh tẩy, rửa mình tiến vào vườn, tụ tập đằng sau một người đứng ở giữa vườn, chúng ăn thịt lợn, côn trùng và cả chuột. Công việc của chúng, ý nghĩ của chúng sẽ khánh tận một trật. (Is 66,17).

Cuối cùng, Chúa sẽ thâu họp chư dân khắp mọi nước, và mọi người sẽ thấy vinh quang của Chúa. (xem phần cuối của Is 66).

Heo, theo thi ca giáo dục

Thi ca giáo dục của Thánh Kinh làm theo thể văn vần. Trong đó có bài ca nài xin Chúa khôi phục lại dân Ngài, vì dân Chúa đã không còn tuân giữ giao ước. Thánh vịnh ví dân Israel như vườn nho Chúa đã vun trồng, đang xum xuê hoa trái mà sao Chúa bỏ cho hoang tàn:
Làm sao Người nỡ triệt hạ tường giậu nó
Mặc cho khách qua đường bứt quả
Mặc cho heo rừng phá phách tan hoang
. (Tv 79, 13-14)

Chúa đã sai các tiên tri kêu gào dân hoán cải để Chúa khôi phục lại dân Người. Nhưng lời kêu gọi như bay vào không gian hoang vắng, dân Chúa như điên dại, không thèm để ý. Sách Huấn ca đã phải than thở:
Với người dại chớ có nhiều lời, đừng đồng hành với con lợn. (Hc 22,13).

Còn sách Cách ngôn, một cuốn sách điển hình nhất của văn chương khôn ngoan Israel, cũng cho rằng người dại khờ khó có thể hiểu được những lời khôn ngoan hướng dẫn, họ giống như:
Đàn bà nhan sắc mà đần,
Khác nào vòng xuyến đeo nhầm mõm heo
. (Cn 11,22)

Heo, theo Tân Ước

Nối tiếp Cựu Ước, Tân Ước cũng nêu lên cùng tư tưởng, người điên dại có óc như óc lợn, thường khinh rẻ lời khôn ngoan châu ngọc hướng dẫn, Phúc âm Thánh Matthêu chép: “châu ngọc chớ quăng trước bầy heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em. (Mt 7,6).

Như chúng ta đã biết, đối với dân Israel, heo là vật nhơ nhớp, không được ăn thịt, nên chắc chắn không nhà nào nuôi heo. Nhưng với dân ngoại, người ta vẫn nuôi heo từng đàn, không cần chuồng trại như ở Việt Nam, mà lùa đi thả ăn như đàn cừu. Có đàn lớn lên đến hàng ngàn con. Điều này đã được Phúc Âm thuật lại.

Trong Phúc âm nhất lãm, cả ba tác giả Matthêu, Maccô và Luca đều trình thuật về đàn heo và người bị quỷ ám, tuy có đôi chút khác biệt. Matthêu nói có hai người bị thần ô uế ám tại Gađara, còn Maccô và Luca thì kể một người bị đạo binh quỷ ám tại Ghêsara, từ trong mồ mả ra đón gặp Chúa Giêsu. Chúa trừ quỷ cho anh ta. Quỷ đã xin Người cho chúng nhập vào đàn heo.

Theo Thánh Matthêu: Có một đàn heo nhiều con được thả chăn cách đó xa xa. Ma quỷ nài xin Ngài rằng: Nếu Ngài đuổi chúng tôi xin hãy sai chúng tôi vào đàn heo. Ngài bảo chúng: Đi đi!. Xuất ra chúng nhập vào đàn heo, và này tất cả đàn heo theo sườn núi chênh vênh, xồng xộc nhào xuống biền, mà chết dưới nước. (Mt 8,30-32).

Thánh Luca cũng nói đàn heo khá đông (Lc 8,32), còn Thánh Máccô thì kể rõ số heo: cả bầy heo chừng hai ngàn con… Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. (Mc 5,13-14).

Người chăn heo

Người chăn heo Palestin thời Chúa Giêsu có lẽ nghèo đói và bẩn thỉu hơn người chăn chiên, họ thuộc loại hạ cấp, cùng đinh trong xã hội. Chuyện người con phung phá Thánh Luca thuật lại chứng tỏ điều đó.

Một chàng thanh niên con nhà giầu, đòi bố chia gia tài. Rồi lấy tiền của đó đi kết bè kết đảng, tiêu pha phung phí, ăn chơi đàng điếm. Lúc hết tiền, bạn bè ăn nhậu đều xa lánh. Miền đó lại gặp nạn đói, anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, ông chủ bắt anh ta ra đồng trông coi đàn lợn. Anh ta ước gì có thể lấy những muồng muồng heo ăn mà thốn cho đầy bụng mà cũng chẳng có ai bố thí cho. (Lc 15,15-16). Lúc ấy anh ta mới hối hận mò về…

Anh ta được người cha nhân hậu tiếp đón niềm nở, sai mở tiệc ăn mừng. Không biết sau đó anh ta có chí thú làm ăn lương thiện trong nhà cha, hay lại theo lối xưa, ngu xuẩn quay lại với sự điên dại cũ, như Thánh Phêrô cành cáo:
Heo tắm sạch lại tìm rạch đẵm bùn. (2Pr 2,22).

Người gọi heo rừng

Để kết thúc chuyện heo theo Thánh Kinh, chúng tôi xin kể lại một chuyện lạ Chúa làm nơi tín hữu tồ tiên chúng ta, ngày Tin Mừng mới được gieo rắc trên quê hương Việt Nam. Câu chuyện được chính Thừa sai Alexandre De Rhodes (cha Đắc lộ) tường thuật trong “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài” cuốn thứ hai, chương bốn mươi tám.

Ngày xưa, trong mùa Chay tín hữu công giáo phải kiêng thịt trong suốt 40 ngày. Vào một chủ nhật lễ Phục Sinh thập niên 1640, có một giáo dân rất đạo hạnh tên thánh là Simon, ở thôn Tam Giang (Tamdang), một tỉnh miền tây sông Hồng. Ông có việc vào rừng, thấy một con heo rừng đang sục sạo kiếm ăn. Ông đơn sơ ước muốn xin Chúa ban cho ông một ơn, như thường ban cho người lành, là xin cho ông có thể truyền khiến được con heo rừng vâng phục mình. Ông liền làm dấu Thánh giá và đọc một Kinh Lạy Cha. Sau đó ông điềm đạm, đầy tin tưởng và gọi con heo rừng đến gần ông. Con heo rừng vâng theo, trở nên hiền lành như con cừu, không chống cự ngay cả khi người ta thọc tiết.

Thế là cả xóm đạo được ăn mừng lễ Phục Sinh bằng một bữa cỗ thịt heo rừng thịnh soạn, sau một mùa Chay đã giữ nghiêm ngặt luật kiêng thịt. Ông Simon cũng cho mời cả người nghèo trong thôn đến dự, và xin mọi người cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì ơn Người mới ban cho.

Kính chúc quý vị một Tết Nguyên Đán vui vẻ, và năm mới được Chúa ban ơn theo ý nguyện, như xưa ông Simon đã nhận được ơn Chúa một cách nhãn tiền và cụ thể.
(Arlington, Tết Đinh Hợi 2007)