Tại Ba Lan

Thượng Viện Ba Lan hôm nay (7/2/2007) đã thông qua dự luật cho phép kiểm tra quá khứ của hơn 400,000 công dân Ba Lan gồm các vị thẩm phán, các công chức cấp cao đặc biệt của ngành tư pháp và ngân hàng, thành viên đoàn chủ tịch các xí nghiệp, các vị chủ nhiệm và biên tập viên trưởng của các cơ quan truyền thông nhà nước; và các vị lãnh đạo các cơ quan liên hệ đến an ninh quốc gia. Theo dự luật mới được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/3, những người trong danh sách bị điều tra có thời gian một tháng để làm rõ quá khứ của mình và những lời tuyên bố của họ sẽ được tòa án địa phương kiểm chứng.

Về phía Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan, cha Józef Kloch, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, cho biết 44 Giám Mục chính tòa tại Ba Lan, chiếu theo đề nghị của cuộc họp bất thường của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan diễn ra hôm thứ Sáu 12/1/2007, đã yêu cầu ủy ban Sử Học và Viện Ký Ức Quốc Gia giúp kiểm chứng hồ sơ về các vị trong văn khố của cơ quan mật vụ cộng sản Sluzba Bezpieczenstwa (SB). Trong giai đoạn kế tiếp sẽ đến lượt hồ sơ của 89 Giám Mục Phụ Tá và các vị cựu Giám Mục sẽ được kiểm chứng. Sau đó, các vị lãnh đạo của các giáo phận sẽ kiểm điểm quá khứ của các vị giáo sĩ khác trong thời kỳ cộng sản. Hiện nay, ủy ban Sử Học làm việc mỗi ngày đến tận 10 giờ đêm và chỉ nghỉ trưa có 1 giờ đồng hồ.

Nhận định về diễn biến này, thủ tướng Ba Lan, ông Jaroslaw Kaczynski, cho rằng Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan đã là nhóm đầu tiên đưa ra những biện pháp cụ thể để đối diện với quá khứ thời cộng sản. Các nhóm khác trong xã hội Ba Lan giờ đây cũng phải theo gương Giáo Hội Công Giáo trong việc này. Ông cũng nhận xét rằng trong cuộc tranh luận ồn ào hiện nay người ta có nguy cơ quên mất rằng chính Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã là thành trì chống cộng sản và đã góp phần quan yếu trong việc làm sụp đổ chế độ này. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan mật vụ cộng sản SB đã đặc biệt chiếu cố theo dõi các chức sắc của Giáo Hội Công Giáo ngay từ khi họ còn là chủng sinh. Trong số 49 đơn vị hành chính tại Ba Lan, đơn vị nào cũng có từ 100 cho đến 150 nhân viên có nhiệm vụ theo dõi từng bước hoạt động của các giáo sĩ Công Giáo.

Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cũng loan báo thành lập một ủy ban lịch sử trung ương gồm 5 thành viên sẵn sàng hoạt động khi được yêu cầu kiểm điểm hồ sơ về các Giám Mục. Ngoài ra các Đức Giám Mục cũng đã thành lập các ủy ban điều tra ở cấp giáo phận với nhân sự chủ yếu là các linh mục và Giám Mục. Riêng tại tổng giáo phận Warsaw, một trong 12 thành viên là giáo dân.

Tại Tiệp

Hôm 29/1/2007, Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Tiệp đã ra thông báo về việc các giáo sĩ có liên hệ với cộng sản. Thông báo của Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Tiệp khẳng định trong thời cộng sản, Giáo Hội Công Giáo tại nước này đã là một nạn nhân đau thương của chế độ.

Thông báo được đưa ra sau hai ngày họp nhấn mạnh rằng “không người dân nào thoát khỏi” tình trạng độc đoán mà nước này đã trải qua. Sau khi Klement Gottwald lên nắm quyền vào năm 1948, nhà nước cộng sản Tiệp Khắc đã chấm dứt mọi hoạt động tôn giáo mà họ không kiểm soát được. Nhà nước cộng sản đã cố gắng tạo ra cái vẻ bề ngoài cho phép tiếp tục hoạt động tôn giáo của những người được họ chọn lựa kỹ lưỡng. Họ thành lập các phong trào như “Linh mục phụng sự hòa bình” với mục đích chống lại ảnh hưởng của các cơ quan, và các tín hữu Công Giáo nước ngoài, đặc biệt là của Đức Giáo Hoàng. Trong thời gian này, cơ cấu của Giáo Hội bị đảo lộn do việc các Giám Mục bị bắt bớ và thay vào bằng các linh mục do đảng chọn lựa. Hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ bị bắt; các tu viện bị đóng cửa; và việc giảng dạy giáo lý tại các trường học bị cấm.

Đứng trước làn sóng đàn áp kéo dài mấy chục năm như thế, một phần mười các linh mục có thể là đã cộng tác với các cơ quan mật vụ StB của cộng sản Tiệp Khắc. Theo các sử gia, nguyên trong tổng giáo phận Praha, 58 linh mục đã thú nhận hành vi làm “ănten” cho công an cộng sản.

Đức Hồng Y Miloslav Vlk, Tổng Giám Mục Praha, cho biết hầu hết các trường hợp là do những áp lực rất mạnh và dai dẳng từ phía công an, kể cả áp lực thể lý nữa.

“Nhiều linh mục nói với tôi là họ không có sức để kháng cự lại. Họ không phải là anh hùng, họ đã sợ hãi”.

Đức Hồng Y Vlk cho biết ngài không lo sợ một vụ tai tiếng tương tự như vụ Đức Cha Stanislaw Wielgus ở Ba Lan dù báo chí tại Cộng Hòa Tiệp cho rằng có đến 600 linh mục đã cộng tác với cơ quan mật vụ StB của cộng sản. Trong danh sách này có cả tên của Đức Cha Frantisek Lobkowicz, đương kim Giám Mục Ostrava-Opava, người được cho là đã cộng tác với mật vụ cộng sản từ 1984-1989. Tuy nhiên, Đức Cha Lobkowicz đã lên tiếng phủ nhận.

Trong thông báo đưa ra hôm 29/1, Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Tiệp nhìn nhận đã có những linh mục đã bị bó buộc hợp tác với cơ quan mật vụ StB nhưng các Giám Mục Tiệp cũng tố cáo xã hội Tiệp “đang tỏ ra bao dung cách lạ lùng” cho những người cựu đảng viên cộng sản. Nhiều người leo lên những chức vụ rất cao như đại biểu Quốc Hội. Những người này vẫn công khai là đảng viên của đảng cộng sản hiện nay. Trong khi xét đoán gay gắt các giáo sĩ, cũng chỉ là những nạn nhân của một chế độ tàn bạo, xã hội Tiệp lại không đặt câu hỏi hay phản đối trường hợp các kẻ đã truy nã các nạn nhân, đã tra tấn hành hạ các giáo sĩ về tâm lý, thể lý và nhiều khi thủ tiêu họ nữa nay vẫn tiếp tục giữ quyền bính trong guồng máy quốc gia. Các Giám Mục Cộng Hòa Tiệp bày tỏ sự ngạc nhiên về sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đối với các linh mục phần lớn là nạn nhân của các cơ quan mật vụ cộng sản.

Thông báo cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Tiệp đã cứu xét và cập nhật hồ sơ của các linh mục bị cáo buộc đã cộng tác với cơ quan mật vụ StB trước khi chính quyền công bố quyết định thanh lọc các thành phần cựu cộng sản. Vì thế, những giáo sĩ trong Giáo Hội Công Giáo tại Tiệp đạt đến những chức vụ của mình nhờ sự hợp tác với cơ quan StB nay đã phải từ chức.

Ngay trong năm 1990, một năm sau khi cộng sản bị sụp đổ, một cuộc hành hương thống hối đã được tổ chức tại đền thánh Velehrad cho những ai đã cộng tác với cơ quan mật vụ cộng sản. Hội Đồng Giám Mục Tiệp cũng đã nhiều lần yêu cầu các linh mục đã từng dính líu với cộng sản hãy làm sáng tỏ tình trạng của mình và nếu cần thì phải xin lỗi hay từ chức. Các Giám Mục Tiệp đặt ra câu hỏi là “có nhóm nào trong nhân dân Tiệp đã hành động mau lẹ như thế hay không?”

Các Đức Giám Mục Tiệp cảnh báo các cơ quan truyền thông Tiệp hãy thận trọng trong việc công bố các tài liệu do cơ quan StB để lại. Nguyên sự việc một người có tên trong danh sách của StB không có nghĩa là họ có lỗi về điều gì. Vì thế các Đức Giám Mục Tiệp yêu cầu đừng sử dụng các tài liệu của cộng sản mà không truy xét. Trái lại cần tỏ ra hết sức thận trọng, nhất là đừng sử dụng chúng để thanh toán các mối tư thù gây thương tổn hay bôi nhọ một số nhóm trong xã hội.

Tại Hung Gia Lợi

Cha Laszlo Nemeth, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục nước này nói với thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ rằng Giáo Hội tại Hung Gia Lợi đã nêu ra vấn đề thanh lọc từ những năm 1990 và đã yêu cầu nhà nước cho mở kho văn khố thời cộng sản nhưng đến nay kho này vẫn chưa được mở cho các nhà nghiên cứu được tìm hiểu.

“Chúng tôi muốn chính quyền ban hành luật về việc sử dụng và giải thích các văn kiện thời cộng sản nhưng các đại biểu Quốc Hội dường như chưa sẵn sàng thông qua một đạo luật cho phép nghiên cứu khách quan trong lãnh vực phức tạp này”.

Cha Laszlo Nemeth cho biết thêm:

“Nhiều hồ sơ đã bị tiêu hủy và một số được ngụy tạo. Nếu chúng tôi không thể tìm ra những sự thật từ những hồ sơ này, làm sao chúng tôi có thể thanh lọc hàng giáo sĩ của chúng tôi một cách thích đáng được”.

Theo cha Nemeth, hầu hết các Giám Mục được tấn phong thời cộng sản thì giờ đây đã được thay thế bởi các giáo sĩ trẻ hơn, những người không dính líu gì đến cộng sản.

“Bất cứ ai có thành tựu gì, biết các sinh ngữ hay đạt đến một mức độ quan trọng nào trong xã hội đều bị kiểm soát và bị yêu cầu hợp tác. Nhiều người đã nhượng bộ vì coi đó là một sự ác nhỏ hơn sau khi thực hiện các điều lớn lao cho Giáo Hội. Vì thế họ cảm thấy khó chịu trước việc lôi tất cả những điều đó ra trước công luận”.

Tại Rumani

Cha Francisc Dubos, phát ngôn viên Tòa Tổng Giám Mục Bucharest cho biết tổng thống Traian Basecu đã thúc giục mở các hồ sơ của cộng sản liên quan đến sự hợp tác với các cơ quan mật vụ cộng sản của các giáo sĩ Chính Thống Giáo và Công Giáo sau khi bộ trưởng tư pháp nước này kêu gọi công bố danh tính các giáo sĩ đã cộng tác với cộng sản.

Cha Francisc Dubos cho biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Rumani cho rằng yêu cầu này do những động cơ chính trị lèo lái và đã không đưa ra một phản ứng chính thức nào. “Mặc dù các Đức Giám Mục của các giáo phận đã bàn bạc riêng về vấn đề một số giáo sĩ bị cáo buộc cộng tác với cộng sản, đến nay chưa có tuyên bố cũng như các hướng dẫn về điều này”.

Cha Francisc Dubos cho biết thêm: “Nhiều linh mục đã rõ ràng có dính líu với nhà cầm quyền cộng sản, cho nên một vụ như ở Ba Lan cũng có thể xảy ra tại đây”.

Tại Nga

Cha Igor Kovalevsky, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Nga cho biết vấn đề giáo sĩ hợp tác với các cơ quan mật vụ cộng sản không được đặt ra vì 90% trong số 270 linh mục tại Nga đều là những thừa sai nước ngoài.

“Không giống như ở Ba Lan, Giáo Hội Công Giáo tại Nga đã sống 8 thập niên dưới một chế độ vô thần toàn trị luôn tỏ ra thù địch nặng nề với Giáo Hội, cho nên việc thanh lọc và sám hối không thực sự cần thiết tại đây”.