TÂM TÌNH VỤN VẶT TRƯỚC THỀM LỄ CHÚA GIÁNG SINH



Mấy hôm nay, trong những bức điện thư tới tấp nhận được, phần lớn là những lời cầu chúc và hình ảnh Giáng Sinh tươi vui, tôi chọn được hai bức, một vui, một buồn, nhưng cả hai đều mang một chút gì đó để suy nghĩ, khiến cho tâm hồn có được một vài phút lắng đọng khi đang chiêm ngắm Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người.

Con búp bê tóc vàng và bông hồng trắng



Câu chuyện diễn ra trong khu thương xá nhộn nhịp, vào ngày sắm sửa tất bật nhất trước lễ Giáng Sinh.

Giống như biết bao nhiêu người khác, cứ chờ nước đến chân rồi mới nhẩy, tôi đợi đến sát ngày mới chạy vội đi mua sắm quà Giáng Sinh cho lũ trẻ. Đi vào giờ chót, thành ra không thể tránh được những trở ngại chẳng ai muốn mà vẫn không sao tránh được: tìm được một chỗ đậu xe, chen lấn lòn lách qua cả một rừng người để chọn cho được món hàng muốn mua, để rồi khi đã xong xuôi thì lại bước vào một “mùa vọng” mới, đó là xếp hàng trả tiền. Thôi thì ai cũng vậy, một năm chỉ có một lần, tôi tự an ủi.

Đang lúi húi chọn món đồ chơi cho thằng cháu, tôi chợt thấy một thằng bé chừng năm, sáu tuổi, đang ôm xiết con búp bê vào ngực, thỉnh thoảng đưa mấy ngón tay bé nhỏ xua vào mái tóc óng ả, xem chừng ưng ý lắm. Tôi thầm nghĩ không hiểu sao thằng bé này lại thích con búp bê ấy đến thế.

Bỗng nó quay qua người đàn bà đang đứng gần mà nãy giờ tôi không để ý:

“Bà ơi! Không đủ tiền mua búp bê thật hả bà?”

“Ừ,” người đàn bà đáp lại, “Đào đâu ra tiền mà mua cái con búp bê đắt giá ấy!”

Nói xong, bà quay đi, nhưng không quên dặn thằng bé đứng ở đấy đợi thêm mấy phút để bà còn đi mua thêm mấy thứ khác nữa. Thằng bé vẫn đứng yên, tay không ngừng mân mê con búp bê tóc vàng. Tò mò, tôi bước đến bên, hỏi dò:

“Cháu thích con búp bê này lắm hả? Cháu muốn mua cho cháu hay cho ai vậy?”

“Ông ơi, em cháu nó thích con búp bê này lắm! Nó cứ mong ông già Nôen mùa Giáng Sinh năm nay sẽ mang đến cho nó!”

Tôi vội vàng an ủi:

“Ừ, thế nào rồi ông già Nôen cũng sẽ đem búp bê tóc vàng đến cho em cháu!”

Ánh mắt thằng bé bỗng buồn rượi thay cho nụ cười mà tôi đang chờ đợi.

“Không đâu ông ơi, ông già Nôen không thể đem búp bê đến chỗ em cháu được. Cháu sẽ phải đem búp bê cho mẹ cháu, rồi thì mẹ cháu sẽ đem đến cho em cháu.”

Vẫn với cái giọng buồn man mác ấy, thằng bé kể:

“Ông không biết đâu, em cháu đã về với Chúa rồi. Bố cháu bảo mẹ cháu cũng sắp đi về với Chúa luôn. Chính vì thế mà cháu nghĩ mẹ cháu có thể đem búp bê đi và đưa cho em cháu.”

Tim tôi như quặn thắt. Thằng bé nhìn tôi rồi tiếp:

“Ông biết không? Cháu nói với bố cháu bảo mẹ cháu đừng đi vội. Chờ cho cháu đi mua sắm về đã.”

Nói rồi thằng bé chìa bức hình của nó cho tôi xem: hình chụp nó đang tươi cười, thật dễ thương. Thằng bé liến thoắng:

“Ông ơi, cháu muốn mẹ cháu mang bức hình này theo để khỏi quên cháu. Cháu yêu mẹ cháu lắm! Cháu không muốn mẹ cháu đi, nhưng bố cháu bảo rằng mẹ cháu phải đi để trông nom em cháu.” Miệng nói, tay thằng bé cứ tiếp tục mân mê vuốt ve con búp bê tóc vàng, ánh mắt trĩu buồn.

Tôi móc ví ra, dúi vào tay nó vài tờ giấy bạc: “Cháu đếm lại coi, xem liệu đã đủ tiền mua búp bê chưa?”

Rồi vừa phụ nó đếm tiền, tôi vừa nhét thêm vài tờ giấy bạc nữa để thằng bé không thấy. Đếm xong, tôi thấy còn dư được chút ít.

Thằng bé tươi vui hẳn lên, tâm sự:

“Ông biết không, tối hôm qua, trước khi đi ngủ, cháu có cầu xin Chúa cho cháu đủ tiền mua búp bê, để kịp đem cho mẹ đưa cho em cháu. Chúa đã nghe lời cầu xin của cháu rồi! Cháu còn muốn có đủ tiền để mua cho mẹ cháu một bông hồng trắng nữa, nhưng cháu không dám xin Chúa nhiều quá. Thế mà Chúa lại cho cháu đủ tiền để mua cả búp bê lẫn hoa nữa. Ông biết không, mẹ cháu thích hoa hồng trắng lắm!”

Một lát sau, người đàn bà trở lại. Tôi vội chào và tiếp tục đi mua sắm. Không hiểu sao, hình ảnh thằng bé cứ luẩn quẩn mãi trong đầu óc tôi. Tôi chợt nhớ đến bản tin đăng báo hai ngày trước về một tai nạn giao thông khi một chiếc xe vận tải nhẹ do người tài xế say rượu lái đã đâm vào một chiếc xe du lịch, do một người mẹ trẻ cầm lái, chở theo một đứa con gái nhỏ. Bé gái nhỏ chết ngay tại chỗ, còn người mẹ thì hoàn toàn hôn mê. Gia đình đang phân vân không biết có nên rút dây trợ sinh ra không, bởi vì quá ít hy vọng người phụ nữ trẻ có thể thoát được cơn hiểm nghèo. Liệu đây có phải là gia đình thằng bé mình vừa gặp chăng?

Hai ngày sau, báo đăng tin người phụ nữ trẻ qua đời. Không sao cầm lòng được, tôi đi mua một bó hồng trắng rồi tìm đến nhà quàn.

Nàng nằm đó, tay cầm một đóa hồng trắng, cùng với bức hình tươi cười của thằng bé. Trên ngực nàng, con búp bê tóc vàng cũng đang nằm êm ái. Tôi đứng đó, bất động như một pho tượng. Trí óc tôi quay cuồng suốt thời gian ở lại nhà quàn. Khi bước ra, đôi mắt tôi cay xè, hai hàng lệ nhỏ ứa ra lúc nào không hay. Hình ảnh thằng bé rõ ràng trong tôi, rực rỡ tựa pha lê, như tình yêu nó dành cho người mẹ quá cố và đứa em xấu số vẫn ngời sáng trên khuôn mặt sớm biết đau thương.

Giáng Sinh năm ấy, đối với tôi, không còn giống như những mùa lễ năm xưa nữa.

***

Lời ca bài hát “Giáng Sinh Kỷ Niệm” của một tác giả nào đó bỗng vọng về trong tôi, bâng khuâng, rã rời:

“Đêm giáng sinh, Chúa đến đem an bình,

Nhưng sao quanh đây vẫn vọng vang tiếng súng,

Bao tấm thân ngã gục dưới đạn bom,

Giáo gươm kia vẫn chưa trui thành liềm,

Hận thù và nước mắt tuôn tràn như dòng suối…

Đêm giá băng, Chúa giáng sinh ra đời,

Nơi hang tanh hôi, bởi phòng thơm đã hết,

Nhưng Chúa ơi, biết bao thân hài nhi,

Chẳng khi nao biết sinh nhật là gì,

Bởi vì mầm sống đó đã bị từ chối rồi…”

Lời ca tức tưởi, trách oán như thầm bảo: “Ừ thì ít ra, dù nghèo khổ, bị xua đuổi, nhưng Chúa cũng còn được sinh ra, chứ không như lũ thai nhi kia, chẳng biết đến sinh nhật là gì nữa, bởi vì mạng chúng đã bị chối từ trước khi được sinh ra đời.” Tôi thoáng nhớ đến những thơ nhi vô tội sinh ra cùng thời với Chúa Hài Đồng đã phải chết oan uổng dưới lưỡi gươm Hêrôđê gian ác.

Bỗng dưng mầu nhiệm sự ác, mầu nhiệm các trẻ thơ vô tội bị chết oan lại dấy lên trong tôi, dằn vặt, nhức nhối, bởi dường như không có câu trả lời.

Thật ra, niềm tin dậy cho tôi biết rằng thắc mắc về sự ác chỉ là một phần nhỏ trong cái mầu nhiệm lớn hơn, đó là mầu nhiệm Ngôi Hai giáng thế: một vị Thiên Chúa trở nên người phàm, bắt đầu từ cái cùng kiệt của kiếp người, một hài nhi yếu ớt, sinh ra khốn khổ nơi hang bò lừa vì các quán trọ đã hết phòng, sống những ngày đầu đời dong duổi tha hương như kẻ tỵ nạn. Lớn lên tưởng khá hơn, nhưng rốt cuộc cũng không lấy gì làm huy hoàng hoặc thế giá cao sang. Cuối cùng lại chọn cái chết tủi nhục và quá đau thương để kết thúc một kiếp đời ngắn ngủi. Nếu “làm sao giải nghĩa được tình yêu,” như một thi sĩ đã nói, mà đó mới chỉ là tình yêu nhân loại đó thôi, thì làm sao có thể giải nghĩa được tình Chúa yêu con người đến độ dại khờ đến thế? Sau biết bao thao thức suy niệm trước cái nghịch lý thần linh này, thánh Phaolô đã tìm ra một hình dung từ độc đáo: điên rồ. Phải, đúng là điên rồ thật, sự điên rồ của thập giá. Và thánh nhân đã mau chóng đem sự điên rồ này đối kháng với sự khôn ngoan của loài người (xem 1 Cor. 1:18). Thì ra ngôn ngữ và trí khôn phàm nhân buộc phải bất lực thúc thủ trước mầu nhiệm tình yêu cao siêu của Thiên Chúa.

Hóa ra mầu nhiệm không phải là để thắc mắc thuần lý, mà là để chiêm ngưỡng, thần phục và tôn thờ với trọn vẹn tin yêu. Đức Mẹ đã chẳng có thái độ như thế sao, khi Người ghi nhớ kỹ tất cả những điều ấy trong lòng? (xem Lc 3:51)

Nhưng thôi, lễ Chúa giáng sinh mà nói chuyện kiểu này thì còn gì là “Merry Christmas” nữa? Vậy xin phép được đổi đề tài.

Những lời cầu xin của con trẻ



Giáng Sinh là thời điểm trẻ con tây phương viết thư cho Santa Claus, tức Ông già Nôen, để kể công rồi xin quà. Những lời cầu xin sau đây, tuy không thuộc loại ấy, nhưng vẫn là những lời con trẻ, rất dễ thương, đôi khi ngây thơ ngộ nghĩnh, nhưng đặc biệt là rất thực tế, tự phát và cũng rất gợi ý.

Bé Lucy hỏi Chúa thế này: “Lậy Chúa, có thực là Chúa vô hình, hay đó chỉ là xảo thuật của Chúa đó thôi?”

Bé Sam thì thực tế hơn: “Lậy Chúa, con muốn được giống y như bố con, nhưng Chúa nhớ đừng để con có lông lá tùm lum nhé.”

Norma thì có vẻ thắc mắc: “Lậy Chúa, Chúa cố tình dựng nên con hươu cao cổ có hình thù kỳ dị như thế, hay chỉ là vì trục trặc kỹ thuật?”

Ngao ngán trước cảnh tuyết phủ lạnh lùng, Mark đã cầu xin thế này: “Lậy Chúa, con đang mong chờ cho mùa Xuân lại đến, nhưng chưa thấy gì cả. Chúa đừng quên nhé!”

Cám cảnh về sinh ly tử biệt, bé Jane lên tiếng: “Lậy Chúa, thay vì để cho thiên hạ cứ người này chết đi, người kia được sinh ra, thì tại sao Chúa không giữ lại tất cả mọi người như đang sống hiện nay, như thế có đỡ rắc rối hơn không?”

Mới bé tí xíu mà Neil đã nhìn thấy được những cảnh ‘chướng tai gai mắt’ rồi: “Lậy Chúa, con đi dự lễ cưới, mà thấy người ta cứ ôm hôn nhau ngay trong nhà thờ, như vậy có được không cơ?”

Ruth thì có vẻ thông thạo: “Lậy Chúa, con tin rằng cái đồ đóng sách bằng ghim đúng là một sáng kiến rất giá trị của Chúa đấy.”

Elliot vẫn còn lẫn lộn: “Lậy Chúa, con vẫn nghĩ đến Chúa ngay cả khi con không cầu nguyện.”

Robert thắc mắc về quốc tịch: “Lậy Chúa, con là người Mỹ, thế còn Chúa là người gì?”

Joyce vẫn tin cậy dù không được như ý: “Lậy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì đã cho con một đứa em trai, nhưng thật ra con chỉ cầu xin Chúa cho con một con chó con thôi!”

Donna thật là lý sự: “Lậy Chúa, con tin rằng thật khó mà Chúa yêu được hết mọi người trên toàn thế giới này. Gia đình con mới chỉ có 4 người thôi mà con đã thấy không yêu nổi rồi!”

Ginny rất ưa những ngày lễ nghỉ: “Lậy Chúa, xin đặt một ngày lễ nữa vào giữa hai lễ Sinh Nhật và Phục Sinh. Hiện giờ chẳng có ngày lễ nào hay hay ở giữa hai ngày lễ đó cả!”

Mickey thì lí lắc khoe khoang: “Lậy Chúa, Chúa Nhật tới đây con đi lễ, nếu mà Chúa để ý thì sẽ thấy con đi một đôi giầy mới.”

Cầu xin như Denise thế này thì mới hết ý: “Lậy Chúa, nếu có dựng nên con lần nữa, xin đừng cho con làm con Jennifer Horton, bởi vì con ghét nó lắm!”

Chris chỉ thích sống lâu: “Lậy Chúa, xin cho con sống đến 900 tuổi như mấy ông gì ở trong Cựu Ước ấy.”

Raphael cò kè bớt một thêm hai: “Lậy Chúa, nếu Chúa cho con có cây đèn thần như của Alladin, thì con sẽ cho Chúa tất cả những gì con có, ngoại trừ mấy đồng tiền con góp nhặt được và cái hộp đựng đồ chơi của con.”

Bé Hoa tâm sự: “Chúa biết không? Con đọc sách thì thấy nói rằng ông Thomas Edison làm ra ánh sáng, còn thầy cô ở trường Giáo Lý Việt Ngữ lại dậy con rằng Chúa mới là người dựng nên ánh sáng. Như vậy, con chắc là ông ấy đã ăn cắp sáng kiến của Chúa rồi.”

Jonathan khen ngợi Chúa: “Lậy Chúa, nếu mà Chúa để cho những loài khủng long không bị tận diệt, thì chắc bây giờ không có quốc gia nào tồn tại được. Chúa làm thế là đúng lắm.”

Peter không thích chơi với thằng bạn: “Lậy Chúa, kỳ cắm trại tới đây, Chúa nhớ đem thằng Dennis Clark sang một đội khác, chứ đừng cho nó ở chung đội với con như năm ngoái nữa.”

Charles khéo léo: “Lậy Chúa, con thấy chẳng có ai bằng Chúa cả. Mà con chỉ muốn cho Chúa biết như thế thôi. Chứ không phải con nịnh Chúa vì Chúa là Chúa đâu nhé.”

Larry thì rất thực tế: “Lậy Chúa, con nghĩ rằng Cain sẽ không giết Abilê nếu chúng nó mỗi đứa có phòng riêng biệt. Con thấy điều đó áp dụng đúng cho con và em con.”

***

Trong không khí vui tươi của mùa Giáng Sinh, trước khi kết thúc những dòng vụn vặt này, xin cầu chúc bạn đọc hưởng một mùa Giáng Sinh trọn vẹn ý nghĩa trong tâm tình tôn thờ và thần phục tình yêu giáng sinh của Thiên-Chúa-làm-người.

Riêng với quý vị nào đang đi chơi ở vùng Las Vegas trong dịp Giáng Sinh này, mà khi đi lễ Nửa Đêm, đến lúc quyên tiền dâng lễ, móc túi ra không thấy đồng nào, mà chỉ mò được mấy đồng chips, thì xin qúy vị cứ tự nhiên bỏ vào giỏ tiền, không cần thắc mắc là của Casino nào. Lý do là vì điạ phận Las Vegas vừa mới ký hợp đồng với một tu viện dòng thánh Phanxicô, nơi các thầy sẽ nhận tất cả mọi đồng chips, rồi phân loại, sòng bài nào ra sòng bài nấy, sau đó đem chips đến các sòng bài chủ mà qui thành tiền. Chẳng mất đi đâu cả, chỉ hơi mất…công tí thôi! (xem http://funnies.com/vegaschurches.htm)