LTS: VietCatholic xin giới thiệu với quý cha và anh chị em bản dịch bài báo đăng trên tờ Turkish Daily News sáng thứ Sáu 1/12/2006 để hiểu phần nào sự thành công vang dội trong chuyến tông du sang Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha..

Nguyên bản bằng Anh Ngữ có thể coi tại đây: http://www.turkishdailynews.com.tr/article.php?enewsid=60614

Tác giả: Mustafa Akyol

Đức Thánh Cha và thủ tướng Thổ
Đức Thánh Cha và vụ trưởng Tôn Giáo Thổ
ĐTC và lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ
ĐTC và ĐTP ký Tuyên Ngôn Chung
Bây giờ là ngày thứ ba [chú thích của người dịch: Yếu tố này cho thấy bài này đã được viết trước khi Đức Thánh Cha thăm Đền Thờ Xanh của Hồi Giáo], chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tại Thổ Nhĩ Kỳ dường như tích cực hơn so với những tiên đoán của các quan sát viên bi quan. Mặc dù Đức Giáo Hoàng đến Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu để gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bathôlômêô I, ngài cũng đã có thể xây được những nhịp cầu với người Hồi Giáo. Những tít lớn và những lời bình luận của giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên ngày càng tích cực hơn từ khi Đức Giáo Hoàng đặt chân lên đất Thổ.

Vẫn còn những nhóm oán giận ngài vì những điều ngài đã nói về Hồi Giáo tại Regensburg, nhưng những nhóm đó dường như đã trở thành ngoài lề. Cuộc biểu tình của họ hôm Chúa Nhật tuần qua với chủ đề “Đức Giáo Hoàng, đừng đến!” đã trở thành đầu đề của vô số báo chí Tây phương, nhưng đa số những bài báo này đã không nói thêm rằng đảng tổ chức cuộc biểu tình đó là đảng Saadet (Hạnh Phúc hay Hoan Hỉ) (SP) chỉ chiếm được 3% số phiếu trong kỳ bầu cử vừa qua.

Bước tiến lại gần nhau thực ra là từ hai phía. Nó thực sự bắt đầu với cuộc đón tiếp nồng nhiệt của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan dành cho Đức Giáo Hoàng khi ngài đến. Erdoğan, một người Hồi Giáo thực hành đạo, đã tổ chức một buổi họp báo sau khi gặp gỡ Đức Thánh Cha trong đó khi được hỏi về bài diễn văn tại Regensburg, ông đã trả lời rằng “Đức Thánh Cha bày tỏ với tôi là ngài kính trọng Hồi Giáo. Điều này đáng hoan nghênh và chúng ta sẽ nhìn về tương lai, không nhìn về quá khứ”

Từ lúc đó, Đức Bênêđíctô đã làm nhiều cử chỉ mà người dân Thổ muốn nghe và muốn nhìn thấy. Về phương diện chính trị, ngài đã nói theo chiều hướng thuận lợi về hai vấn đề quan trọng của Thổ: quốc gia Hồi Giáo này lẽ ra phải có một chỗ đứng ở Âu Châu và vấn đề đảo Cyprus nên được giải quyết bởi Liên Hiệp Quốc – trong khi chính quyền Hy Lạp khăng khăng về một giải pháp do Liên Hiệp Âu Châu đưa ra vì họ là thành viên của khối đó trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thì không. Thái độ tích cực của Đức Giáo Hoàng đối với cố gắng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Thổ, mà thời gian gần đây đã bước vào một giai đoạn “tiến triển chậm chạp”, đã được báo giới Thổ Nhĩ Kỳ nhiệt liệt hoan nghênh.

Tại İzmir, nơi ngài viếng thăm Nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, Đức Giáo Hoàng cũng đã nói những lời tốt đẹp về quốc gia Thổ. Ngài đã mở đầu bài giảng của mình bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (“Anh chị em thân mến, xin Chúa ở cùng anh chị em”) và vẫy một lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ khá lớn. Tờ báo bảo thủ đông đảo độc giả Zaman mô tả điều này như là “Những cử chỉ từ Đức Giáo Hoàng bằng tiếng Thổ và lá cờ Thổ”. Theo tờ báo lớn Hurriyet, Đức Giáo Hoàng đang đưa ra “hết cử chỉ này đến cử chỉ khác”.

Về phía Hồi Giáo, Đức Giáo Hoàng đã đề cập nhiều lần với lòng kính trọng. Cuộc gặp gỡ và tuyên bố chung với thẩm quyền Hồi Giáo tối cao trong quốc gia này, vụ trưởng tôn giáo vụ Ali Bardakoğlu, là một giây phút hòa giải. Thần học gia Hồi Giáo này tuyên bố Hồi Giáo là một tôn giáo hòa bình, và vị khách Công Giáo đã đồng ý [chú thích của người dịch: Đây có lẽ chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả].

Các chuyên gia Hồi Giáo đã và đang tranh luận về những sứ điệp nồng nhiệt của Đức Giáo Hoàng trên đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua. Đa số họ nhấn mạnh rằng việc đưa ra các phản ứng dữ dội trước các chỉ trích về Hồi Giáo như diễn từ tại Regensburg chỉ làm các vấn đề thêm xấu đi. Trong bài “Đáp lại Đức Giáo Hoàng như thế nào” đăng trên nhật báo Hồi Giáo được ưa chuộng là tờ Yeni Şafak, tiến sĩ Ahmet Kızılkaya, một triết gia tại đại học Ankara, đã chỉ trích “chủ nghĩa phản ứng” của thế giới Hồi Giáo trước diễn từ Regensburg. Kızılkaya tranh luận rằng người Hồi Giáo cần phải hiểu những luận điểm triết học trong diễn từ quan trọng đó, và đáp lại cách khôn ngoan bằng cách sử dụng các khí cụ trí thức của triết học Hồi Giáo.

Hüseyin Hatemi, một bỉnh bút của cùng tờ báo và là một khuôn mặt Hồi Giáo có thế giá, đã viết một bài nhan đề “Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” trong đó ông tranh luận rằng Đức Bênêđíctô XVI đã âm thầm rút lại các luận điểm của ngài tại Regensburg [chú thích của người dịch: Đây chỉ là ý kiến chủ quan của Hatemi]. “Đó là lý do tại sao giờ đây tôi yêu mến Đức Giáo Hoàng”. Hatemi viết thêm, “Ngài đã nhấn mạnh đến sự tương đồng của chúng ta trong chủ thuyết tôn giáo độc thần”. Hatemi đã kết thúc bài xã luận của mình với lời chào bằng ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng: “Herzlich Willkommen, Bruder!" (Chân thành chào đón người anh em!)

Và trong cuộc gặp gỡ lịch sử hôm qua với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo, Đức Bênêđíctô làm rõ cố gắng phục hoạt Kitô Giáo, là điều đã gây ra các quan ngại tại Thổ Nhĩ Kỳ, với một cách thế đại kết. Tuyên Ngôn Chung mà hai nhà lãnh đạo Giáo Hội ký nhấn mạnh tình huynh đệ Kitô Giáo nhưng đồng thời cũng ghi nhận tầm quan trọng của “một cuộc đối thoại liên tôn chân thành và chân thực”. Và trong khi nhấn mạnh đến nhu cầu “bảo vệ các căn cội Kitô” của Âu Châu cũng không quên ghi nhận rằng lục địa này cần “mở rộng cho các tôn giáo khác và cho các cống hiến văn hóa của họ”. Đây thực là một điệu nhạc êm dịu đối với các đôi tai Thổ.