LAHORE, Pakistan (UCAN) -- Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo Pakistan nói rằng Giáo hội địa phương thận trọng trong công tác truyền giáo, chủ yếu tập trung phục vụ trong quốc gia đa số người Hồi giáo này.

Đức Tổng Giám mục Lawrence J. Saldanha của Lahore, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Pakistan, gần đây đã tham dự Hội nghị Truyền giáo Á châu diễn ra từ ngày 18-22/10 tại Chiang Mai, Thái Lan. Hội nghị do FABC tổ chức và tập trung vào chủ đề "Câu truyện về Chúa Giêsu tại châu Á: Một Cử hành Đức tin và Sự sống". Phái đoàn Pakistan gồm 14 người trong đó có Đức Giám mục Max John Rodrigues của Hyderabad và các linh mục đại diện tất cả các giáo phận.

Đức Tổng Giám mục Saldanha phát biểu với UCA News về ý nghĩa truyền giáo tại Pakistan. Ngài còn bình luận về kinh nghiệm của ngài tại hội nghị.

Sau đây là cuộc phỏng vấn:

UCA NEWS: Kính thưa Đức cha, công việc truyền giáo ở Pakistan như thế?

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LAWRENCE J. SALDANHA: Trong tỉnh Sindh Giáo hội đang làm việc giữa người bộ lạc bằng cách truyền giáo trực tiếp giữa nhiều đẳng cấp Ấn giáo khác nhau như Kohlis, Bheels, Marvaris, v.v. Trong các thành phố lớn như Lahore và Karachi, chúng tôi làm chứng cho Đức Kitô gián tiếp thông qua các trường học, bệnh viện và công tác xã hội.

Đài Chân lý Á châu là phương tiện rất hữu hiệu để thúc đẩy các giá trị Phúc Âm và thông điệp của Đức Kitô. Người ngoài Hồi giáo nghe các chương trình của đài và khám phá các điểm quan trọng trong đức tin. Vì thế đây là một cách truyền giáo trực tiếp, không dính líu đến chúng tôi, vì chính sách Nhà nước không cho phép trực tiếp sử dụng truyền hình để truyền giáo. Trong khi các quốc gia khác có thể sử dụng truyền hình và vô tuyến, chúng tôi sống trong một hoàn cảnh khác -- và phải thật thận trọng vào lúc này.

Vậy Giáo hội Pakistan có thể chia sẻ Đức Kitô với người Hồi giáo bằng cách nào?

Chúng tôi có thể làm chứng cho các giá trị bác ái, trung thực, chân lý và quảng đại của Đức Kitô bằng cách hòa nhập với người Hồi giáo trong đời sống hàng ngày.

Trong trường hợp ở Sangla Hill, người Hồi giáo hết sức khâm phục tính nhẫn nại của Kitô hữu chúng tôi khi bản hòa ước được ký kết ngày 5-1-2006, giữa các bên Kitô giáo và Hồi giáo sau sự kiện ngày 12-11-2005, khi một băng đảng tấn công các nhà thờ Công giáo và giáo phái Niên Trưởng, hai nhà nguyện, một tu viện, một phòng khám bệnh, hai nhà giáo dân, một trường nữ sinh và bốn gia đình Kitô hữu trong và gần thị xã Sangla Hill.

Vì thế, chúng tôi có thể chia sẻ bằng chứng sống trong những lúc căng thẳng bằng cách không trả thù và bày tỏ lòng khoan dung.

Cộng đoàn Kitô giáo ở Pakistan đang trải qua giai đoạn thử thách. Đây là một cộng đoàn rất nhỏ, một "đàn chiên bé nhỏ". Chẳng những không thu mình khi đối mặt với những cuộc đàn áp và chống đối, mà họ còn cảm thấy được khích lệ trở thành men muối trong xã hội.

Đức cha có suy nghĩ gì về người Hồi giáo ở Pakistan?

Đa số người Hồi giáo là những người ôn hòa, rất hiền lành và lịch sự. Tuy nhiên, có một số người cuồng tín xem người Kitô giáo thuộc đẳng cấp thấp và không ăn chung đĩa. Các nhóm hiếu chiến như Jamaat-e-Islami và Lashkar-e-Taiba có quan điểm Hồi giáo cực đoan. Những người theo chủ nghĩa cực đoan và chính thống này không lắng nghe người khác và khó tiếp xúc. Cũng chính các nhóm đó đã huấn luyện những kẻ đánh bom liều chết và mang lại tiếng xấu cho Hồi giáo và Pakistan.

Liệu khái niệm thánh chiến có cổ vũ cho việc làm này không, thưa Đức cha?

Thánh chiến có nghĩa là đấu tranh cho lối sống của Hồi giáo. Tuy nhiên, ý nghĩa cao quý này hiện nay đã bị nhiễm quan điểm cực đoan. Thực vậy nó đang đối diện với ngu dốt, tệ nạn xã hội, bệnh tật, ma túy, AIDS, ô nhiễm, v.v.

Có thể sử dụng những tập tục hay truyền thống nào trong văn hóa Pakistan để diễn tả Tin mừng không?

Âm nhạc của chúng tôi phong phú và là phần nổi bật nhất trong văn hóa. Nhạc dân gian và qawwali (lối hát thể hiện lòng sùng đạo thần bí Hồi giáo bằng cách lập đi lập lại một câu kinh theo tiếng vỗ tay và tiếng trống) là phương tiện tốt nhất để rao giảng Phúc Âm. Người Hồi cũng rất thích nghệ thuật thư pháp, nhưng họ không thích nhảy múa hay hội họa.

Giáo hội Công giáo ở Pakistan đẩy mạnh công tác truyền giáo bằng cách nào?

Truyền giáo học được giảng dạy trong Chủng viện Kitô Vua ở Karachi. Chúng tôi có một số linh mục là học giả về Hồi giáo. Từ quan điểm thực tế, đối thoại liên tôn là một nguồn quan trọng, qua đó chúng tôi có thể tìm thấy các điểm quan trọng trong đức tin và cuộc sống.

Một sự kiện như Hội nghị Truyền giáo Á châu liên quan như thế nào đến Giáo hội địa phương?

Đó là cuộc họp lớn nhất từ trước đến nay của người Công giáo Á châu. Chia sẻ các câu chuyện về đức tin ở các quốc gia khác nhau hết sức cảm động và truyền cảm. Thật tuyệt vời khi chứng kiến các đại diện của các quốc gia khác nhau cử hành đức tin Kitô trong bối cảnh chung Á châu.

Cuộc họp gồm các tư tưởng và kinh nghiệm hay nhất đến từ châu Á đã khích lệ chúng tôi tìm hiểu mỗi Giáo hội nhìn nhận công tác truyền giáo của mình như thế nào khi người Công giáo địa phương tìm cách, trong các hoàn cảnh khác nhau, xây dựng một Giáo hội Á châu địa phương. Đó là một sự kiện cử hành đức tin có một không hai và không thể nào quên. Cảm hứng đó mang lại cho chúng tôi một nhiệt huyết mới để thực hiện sứ mệnh Đức Kitô giao cho chúng tôi trong Giáo hội địa phương thuộc một quốc gia có đa số người Hồi giáo.

Các đại diện Pakistan đã đóng góp những gì tại AMC?

Chủ đề của chúng tối cũng giống như thế -- kể truyện về Chúa Giêsu tại Á châu, người Kitô hữu và các hội truền giáo đã kể như thế nào qua hàng thế kỷ và chúng ta đang đi đâu. Các thành viên của chúng tôi tích cực tham gia các hội thảo, kể về sự đóng góp của Giáo hội trong quốc gia đa số Hồi giáo thông qua các bệnh viện và trường học.

Chúng tôi trưng bày bản đồ của các giáo phận chỉ rõ tất cả các nhà thờ cũng như thống kê dân số theo Kitô giáo và Hồi giáo. Ngoài ra còn có các áp phích, album và bản báo cáo về các chương trình của giáo phận như Chúa nhật Truyền giáo, Holy Childhood Day, các tập sách mỏng của các Hội Thừa sai Giáo hoàng, v.v. Riêng tôi mang theo một số đĩa CD, audio và video, được sản xuất bởi studio WAVE (Hội thảo về giáo dục bằng hình ảnh và âm thanh), trung tâm nghe nhìn quốc gia của Giáo hội.

Đức cha thấy gì về tương lai truyền giáo ở Pakistan?

Giáo hội ở Pakistan sẽ thực hiện bổn phận kể truyện về Chúa Giêsu và nhắc nhở giáo dân về trách nhiệm làm nhân chứng và chia sẻ Đức Kitô với người khác. Giáo hội sẽ luôn tiếp tục phục vụ thông qua giáo dục, y tế và công tác xã hội, cho dù tình hình nguy hiểm thế nào đi nữa. Đa số Kitô hữu ở đây nghèo khổ và ít được ăn học nhất, tuy nhiên họ vững tin.