CHIANG MAI, Thái Lan (UCAN) -- Bảy phép lạ trong Tin Mừng của Thánh Gioan có ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Giám mục phụ tá John Tong Hon của Hồng Kông.

Trong phần trình bày hôm 19-10 tại Hội nghị Truyền giáo Á châu lần thứ nhất, Đức cha Tong nói rằng các đoạn Tin Mừng đó đã giúp ngài hiểu được cuộc đời của mình.

Giống như các buổi "chia sẻ đức tin" nổi bật trong suốt hội nghị từ ngày 18-22/10 tại Chiang Mai, cách Bangkok khoảng 700 kilômét về phía bắc, bài nói chuyện của đức cha phụ tá của Hồng Kông phản ánh chủ đề chung của hội nghị là Câu chuyện Chúa Giêsu tại châu Á: Một Cử hành Đức tin và Sự sống, và còn chú trọng một chủ đề đặc biệt.

Chủ đề của Đức cha Tong là "người cao tuổi", nhưng ngài còn nhắc lại những thời điểm quan trọng trong đời ngài và trong lịch sử gần đây của Giáo hội Trung Quốc.

Ngài nói về lễ truyền chức linh mục của ngài ở Rôma cách đây 40 năm và đức tin của mẹ ngài đã giúp ngài đạt tới cột mốc đó trong đời ngài như thế nào.

Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa năm 1979, vị linh mục của giáo phận Hồng Kông bắt đầu viếng thăm Trung Quốc đại lục và được truyền cảm hứng bởi đức tin của người Công giáo đại lục, họ đã chịu nhiều đau khổ và không được lãnh các bí tích trong một thời gian dài.

Khi còn nhỏ, ngài đã cảm động trước cử chỉ bác ái của một linh mục thừa sai đến độ ngài bắt đầu nhận thấy mình được kêu gọi làm linh mục.

Đức cha Tong cho biết việc Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc vào giữa năm 1997 đã gây nhiều lo âu cho một số giáo sĩ của giáo phận, nhưng Đức cố Hồng y John Baptist Wu Cheng-chung của Hồng Kông đã giúp họ can đảm đối mặt với tương lai, và những nỗ lực truyền giáo của giáo phận đã có kết quả từ đó.

Những suy tư của đức cha còn đề cập đến tình hình khó khăn của thuyền nhân Việt Nam bị kẹt ở Hồng Kông nhiều năm, và dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính) kinh sợ trong lãnh thổ này hồi năm 2003.

Sau đây là bài tham luận của Đức cha Tong:

Bảy Phép lạ trong Đời Tôi của Đức cha John Tong

Theo cách xếp loại người cao tuổi của Liên Hiệp Quốc, người có tuổi từ 65-74 được xếp vào loại bắt đầu tuổi già, từ 75-84 là tuổi già, và từ 85 tuổi trở lên là loại cao tuổi. Hiện tôi 67 tuổi, vì thế tôi chỉ có tư cách nói thay cho người mới bắt đầu già.

Tôi thích suy niệm Tin Mừng của Thánh Gioan. Tôi không phải là độc giả duy nhất thích chia sách Tin Mừng này thành hai phần, với Ga 11:44 là điểm giữa. Phần đầu ghi chép lại bảy phép lạ của Chúa Giêsu, tất cả đều nói về Mầu nhiệm Vượt qua trong phần hai của Tin Mừng này. Mục đích của phần trình bày này được nói rõ trong Ga 20:31: "Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người".

Tôi muốn đặt cuộc đời của tôi trong bối cảnh của bảy phép lạ này.

Phép lạ thứ nhất: Chúa Giêsu biến nước thành rượu ở Cana (Ga. 2:1-11)

Sau khi học tại tiểu chủng viện ở Ma Cao và đại chủng viện ở Hồng Kông, tôi được cử sang Rôma học tại Pontificio Collegio Urbano de Propaganda Fide. Lớp chúng tôi tốt nghiệp năm 1966 có 69 chủng sinh đến từ 25 quốc gia. Chúng tôi giống như một gia đình. Điều đó thể hiện tính Công giáo của Giáo hội. Chúng tôi được cho là sẽ chịu chức trước Giáng sinh năm 1965. Mọi thứ đã được chuẩn bị. Chúng tôi bắt đầu tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức. Chúng tôi thật ngạc nhiên khi một ngày nọ cha giám đốc đến thông báo rằng chính Đức Thánh cha muốn phong chức cho chúng tôi vào ngày 6-1-1966. Tình hình diễn ra như thế chính là nhờ Chúa Quan Phòng. Qua việc dời lễ phong chức từ Giáng sinh sang Lễ Hiển Linh, nhắc nhở tôi rằng tôi phải trở thành chứng nhân của Ngài trước toàn thế giới.

Theo truyền thống, vào ngày 6-1 các Kitô hữu Đông phương kỷ niệm việc Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Jordan, và phép lạ tại Tiệc cưới Cana. Vì thế khi tôi dâng Thánh lễ đặc biệt vào ngày này, tôi cầu xin Chúa Giêsu, đã hóa nước thành rượu cách đây 2000 năm, sẽ tiếp tục biến tôi thành nhân chứng hữu hiệu của Ngài.

Phép lạ thứ hai: Đức Giêsu chữa con của một sĩ quan cận vệ của nhà vua (Ga. 4:46-54)

Giống như đa số người dân Hồng Kông, ông bà tôi thực hành các tôn giáo phổ biến khác nhau bắt nguồn từ đạo Lão, đạo Phật, và kính trọng một số anh hùng trong lịch sử. Mẹ tôi là người đầu tiên trong dòng họ theo đạo Công giáo. Khi bà học tại một trường trung học do các nữ tu quản lý, bà có ấn tượng tốt về những cử chỉ tốt lành của các nữ tu, đặc biệt là của cô hiệu trưởng, nữ tu Mabel Anderson, FDCC, và bà bắt đầu học giáo lý. Mẹ tôi chọn Thánh Mabel làm thánh bổn mạng, như là để tỏ lòng kính trọng đối với người đã mở lòng trí cho bà đến với đức tin và thực hành Kitô giáo. Kết quả là, giống như viên sĩ quan cận vệ và cả gia đình ông, mẹ tôi và gia đình tôi dần dần tin theo Chúa Giêsu.

Phép lạ thứ ba: Đức Giêsu chữa một người bại liệt đã 38 năm (Ga. 5:1-9)

Năm 1979, khi Trung quốc bắt đầu mở cửa và cải cách, nhiều người ở Hồng Kông nghĩ rằng chúng tôi cần có một trung tâm về Giáo hội tại Trung Quốc. Về mặt địa lý, dân tộc và văn hóa, không nơi nào có liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục hơn Hồng Kông. Vì thế Đức cố Hồng y John Baptist Wu thành lập Trung tâm Nghiên cứu Thánh Linh năm 1980 để giải quyết những bận tâm này, và tôi được chỉ định làm giám đốc.

Ngay từ đầu, trách nhiệm mới của tôi mang lại cho tôi những thách thức lớn. Lúc đó, tôi đang dạy tại chủng viện, và tôi là chủ tịch Ủy ban Đại kết Giáo phận. Vì thế tôi cùng với các nhóm nghiên cứu Tin lành đến thăm Trung Quốc, và có các cuộc tiếp xúc với Giáo hội Công giáo công khai và với các viên chức của Hội Công giáo Yêu nước. Kết quả là, Trung tâm bị nhiều người chỉ trích. Với sự giúp đỡ của Chúa, sau đó tôi nhận ra rằng chính phủ đã thành lập Hội Công giáo Yêu nước để kiểm soát Giáo hội. Tôi liền cắt đứt quan hệ với hội yêu nước này. Việc chúng tôi làm sau đó tại Trung tâm Nghiên cứu Thánh Linh chứng tỏ rằng chúng tôi quan hệ với toàn Giáo hội Trung Quốc, cả Giáo hội công khai lẫn bí mật, và chúng tôi đã chứng minh sự thật rằng chỉ có một Giáo hội tại Trung Quốc. Vì thế Trung tâm chúng tôi đã có được niềm tin của người Công giáo. Phục vụ Giáo hội Trung Quốc là niềm vui đối với tôi. Những kinh nghiệm quý báu của người Công giáo Trung Quốc đã dạy cho tôi biết làm thế nào để tăng cường đức tin của mình và làm thế nào để làm chứng cho đức tin. Tôi cảm tạ Thiên Chúa về tấm gương tốt của một số linh mục Trung Quốc trung thành đã cử hành Bí tích Thánh Thể hàng ngày trên giường trong mùng lúc nửa đêm trong các trại cải tạo. Tôi tạ ơn Thiên Chúa về tấm gương tốt của một số giáo dân Trung Quốc trung thành đến phòng giải tội được giáo lý viên treo dây các phép của linh mục. Từng người một kể lớn tội lỗi của mình với dây các phép, vì họ không có linh mục trong một thời gian dài. Mặc dù Giáo hội Trung Quốc đã bị tê liệt hơn 30 năm, nhưng nhờ ơn Chúa và với nhiều năm nỗ lực, nhiều giáo phận Trung Quốc đã đầy sức sống. Đây là kết quả của sự đau khổ và bách hại.

Phép lạ thứ tư: Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (Ga. 6:1-15)

Tôi sinh ở Hồng Kông năm 1939. Khi tôi hai tuổi, Nhật Bản xâm chiếm Hồng Kông. Gia đình tôi chạy sang Ma Cao. Từ đó chúng tôi đến Quảng Châu, một thành phố ở miền nam Trung Quốc. Tôi bắt đầu học tiểu học ở Quảng Châu sau khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Chẳng bao lâu sau đó, cộng sản dần dần bắt đầu lên nắm quyền kiểm soát Trung Quốc. Nhiều người lính bị thương và người tị nạn chạy từ miền bắc sang miền nam. Mỗi ngày tôi thấy nhiều binh lính bị thương và người tị nạn tụ tập trước nhà thờ. Tôi còn thấy cha xứ của tôi là Bernard Meyer, M.M, một thừa sai ngoại quốc, bận rộn cấp phát thuốc men, hàng cứu trợ và tiền bạc cho những người lạ mặt túng thiếu hàng ngày. Mẹ tôi và tôi thường giúp ngài phát hàng cứu trợ và truyền đơn nói về Công giáo. Việc làm đó trông giống như một phép lạ, nhưng ngày nào ngài cũng có một thứ gì đó để phát cho người ta. Cảm động trước tình thương bao la giống như Chúa Giêsu của cha Meyer dành cho những binh sĩ bị thương và người tị nạn, tôi muốn trở thành linh mục giống như ngài sau này. Tình yêu của cha Meyer là mầm mống phát triển ơn gọi của tôi.

Phép lạ thứ năm: Đức Giêsu đi trên mặt nước (Ga. 6:16-21)

Đã gần 2000 năm qua, biển động và gió lớn tượng trưng cho những thách thức mà Giáo hội gặp phải. Trong những năm trước khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc vào ngày 1-7-1997, hơn 100.000 dân Hồng Kông sợ hãi và di cư sang nhiều nước khác. Trong giáo phận Hồng Kông chúng tôi, một số linh mục, nữ tu và giáo dân có thiện chí đã viết thư cho Đức Hồng y Wu đề nghị chuyển văn khố, một số nhân viên và tài sản tài chính của giáo phận đến những nơi khác cho an toàn. Tôi là một trong hai tổng đại diện của Giáo phận Hồng Kông từ năm 1992, vì thế một số thư từ đó đã được chuyển qua bàn làm việc của tôi. Sau khi cầu nguyện chung, Đức Hồng y Wu nói với chúng tôi: "Đừng sợ". Ngài cám ơn những người đã có đề nghị đó, nhưng ngài quyết định không thay đổi gì cả. Đến nay, đã chín năm trôi qua trong thời đại mới này, công tác truyền giáo của chúng tôi ở Hồng Kông vẫn suôn sẻ, và giáo phận tiếp tục có 5.000 người theo đạo được rửa tội vào mỗi đêm Vọng Phục sinh. Trong đó một nửa là người lớn, và một nửa là ấu nhi và trẻ em.

Phép lạ thứ sáu: Đức Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga. 9:1-41)

Từ khi tôi trở thành một trong hai tổng đại diện ở Hồng Kông, tôi làm trưởng ban mục vụ các nhóm Công giáo thiểu số trong Giáo phận. Vì thế tôi đã viếng thăm các trại giam người Việt Nam vào tháng 12-1996. Lễ Giáng sinh được trang trí vui nhộn, nhưng cộng đoàn đã khóc vì lo lắng trong Thánh lễ. Tại sao vậy? Bởi vì họ không thấy một chút ánh sáng tương lai nào. Một số người đã tị nạn suốt cả đời. Khi còn nhỏ, họ tị nạn trong Thế Chiến thứ hai. Năm 1949 họ chạy từ miền nam Trung Quốc sang miền bắc Việt Nam để trốn chế độ cộng sản. Năm 1954, Việt Nam bị chia làm hai miền, và họ lại chuyển đến miền nam Việt Nam. Sau khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản năm 1975, họ bắt đầu tìm cách bỏ trốn bằng thuyền. Một số thuyền may mắn đến được Hồng Kông, nhưng những người đi thuyền này sau đó lại bị giam giữ hơn một thập niên, thậm chí là 20 năm. Họ đã phải chạy trốn bốn lần, để rồi cuối cùng bị giam giữ đằng sau đường dây kẽm gai. Giờ đây cộng sản sắp đến trong nửa năm nữa. Họ khóc và tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại đối xử với họ khắc nghiệt như thế. Tôi an ủi họ, và kêu gọi họ nhớ lại Chúa Giêsu hồi nhỏ cũng tị nạn ở Ai Cập. Tôi thúc giục họ tin vào Chúa, sau ngày 1-7-1997, họ được hòa nhập yên ổn vào xã hội Hồng Kông. Mỗi ngày Chúa nhật họ vẫn tụ tập tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Kowloon. Sau này, họ không phải chạy trốn nữa. Đức Giêsu đã mở mắt cho họ, và họ thấy được một chỗ ở bảo đảm và một mái ấm tinh thần.

Phép lạ thứ bảy: Đức Giêsu cho Lazarô sống lại từ cõi chết (Ga. 11:1-44)

Hồng Kông hết sức hoảng hốt lo sợ vào năm 2003 khi bệnh dịch SARS bắt đầu lan rộng từ tháng 3-6. Nhiều người bị bệnh và 299 người chết. Chúng tôi không bị buộc tay chân như Lazarô trong mồ, nhưng miệng chúng tôi lại bị bịt khẩu trang trong suốt thời gian đó. Một số người Công giáo đề nghị với Đức cha Zen rằng chúng tôi phải ngưng tất cả các hoạt động ở nhà thờ kể cả lễ Chúa nhật để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm virút SARS. Nhưng sau khi cầu nguyện chung với nhau, Đức cha Zen của chúng tôi, nay là Đức Hồng y Zen, trả lời rằng chúng ta cần tin cậy nơi Chúa, và chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống đạo đức của mình. Nhờ quyết định này, giáo phận chúng tôi mới có thể tiếp tục cử hành phụng vụ ngay cả trong mùa Chay và Phục sinh. Giờ đây chúng tôi tạ ơn Chúa, giống như Lazarô, chúng tôi đã trở lại từ cõi chết.

Cuối cùng, để trả lời cho những người có thể hỏi: "Chúng ta có thể làm gì cho Giáo hội tại Trung Quốc?" Tôi xin đưa ra ba đề nghị như sau:

Thứ nhất, cầu xin cho người Công giáo ở Trung Quốc đại lục hưởng được tự do hoàn toàn, đặc biệt là tự do tôn giáo.

Hai là, nếu có cơ hội, chúng ta hãy viếng thăm Trung Quốc và gặp gỡ anh chị em Công giáo ở đó một cách khôn ngoan và khéo léo.

Ba là, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ cho việc đào tạo chủng sinh của Trung Quốc và nữ tu ở đó. Việc này có thể được thực hiện bằng cách gởi tài liệu giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chúng ta, và tăng cường giao lưu để giúp nhau tốt hơn.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với quý vị một lời cầu nguyện, phỏng theo Thánh vịnh 23, do tôi viết để tạ ơn 40 năm linh mục.

Chúa là Mục tử của tôi, tôi thực sự không cần chi nữa.

Nơi người dân và đất cổ xưa của Trung Quốc, Ngài đã sinh ra tôi. Ngài đã dẫn đưa tôi đến với Con Ngài là Đức Giêsu và chọn tôi làm tư tế, vì người dân Trung Quốc đau khổ của Ngài.

Ngài giao cho tôi một sứ mệnh, làm cầu nối hiệp nhất và hòa giải giữa các tín hữu Công giáo Trung Quốc.

Mặc dù tôi gặp khó khăn và buồn rầu, nhưng tôi không sợ thử thách, vì Ngài ở với tôi, là nguồn an ủi và sức mạnh của tôi.

Khi tôi nhìn thấy Giáo hội Công giáo bị kiểm soát chặt chẽ, Ngài ban cho tôi ơn khôn ngoan và nhẫn nại. Khi tôi gặp anh chị em Công giáo Trung Quốc của tôi, Ngài dạy cho tôi biết giá trị của chứng nhân và đau khổ.

Ôi! Bao nhiêu điều tốt lành và thánh thiện theo tôi mọi ngày trong đời. Để tỏ lòng biết ơn và trung thành, tôi sẽ luôn chúc tụng Chúa.

Chắc chắn một ngày nào đó Tin Mừng sẽ trổ hoa kết trái mãi mãi trên quê hương Trung Quốc.