GIÁO DỤC CON CÁI - Bài 5 : Phương pháp dự án hành động



Trên phương diện tính tình học, người ta dựa vào bốn khả năng căn bản là tình cảm, tư tưởng, tưởng tượng và cảm xúc, để đưa đến bốn khuynh hướng tính tình căn bản là hiếu tình, hiếu lý, hiếu tưởng và hiếu động. Khuynh hướng thứ tư nêu rõ ra một trong bốn nhu cầu chính yếu của con người là hành động.

Ý tưởng, dù đẹp mấy đi nữa nếu kh ông đưa đến hành động thì cũng chỉ là ý tưởng chết. Bởi vậy, nếu việc giáo dục ở gia đình cũng như ở học đường chỉ bám vào sách vở, chỉ vịn vào kinh sách, mà không đi vào hành động, không đi vào cuộc sống thì trẻ nhỏ thụ hưởng việc giáo dục ấy vẫn chỉ sống trong một thế giới giả tạo. Thành ra giáo dục bằng hành động là việc rất quan trọng và có thể tóm tắt qua những nguyên tắc chính yếu sau đây :

51. Ba mục tiêu căn bản của phương pháp giáo dục bằng hành động là : làm việc, phát triển trí tuệ và tạo được những kiến thức đích danh.

a) Giáo dục bằng hành động, theo nghiã đen là giáo dục bằng việc làm tay chân : suy tư với bàn tay, học bằng làm việc. Những việc làm cụ thể công giáo, như rước kiệu, hành hương, diễn tuồng thương khó, sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể, hát ca đoàn, dâng hoa, chầu lượt,... và tất cả những bí tích, từ rửa tội, xưng tội và rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối,... đều là những hành động giáo dục đức tin rất cụ thể và rất hữu hiệu, ghi sâu vào lòng con trẻ đức tin và nếp sống công giáo. Dĩ nhiên tay chân và làm việc tay chân là quan trọng; nhưng làm việc không chỉ có nghĩa là làm việc bằng tay chân. Nếu không thì những trẻ khuyết tật, bất toại hoặc bất động không làm việc được sao ? Làm việc, ngoài làm việc bằng tay chân, còn có thể là làm việc bằng trí óc, bằng ngôn ngữ. Cầm điện thoại nói chuyện với khách hàng, nghe họ nói, hỏi họ, mời được khách hàng mua một căn nhà, đó chẳng phải là việc làm quan trọng sao ? Trong những doanh nghiệp bán nhà, việc mời được khách hàng mua nhà quan trọng hơn việc xây nhà.

b) Từ việc làm tay chân đi đến phát triển trí tuệ. Nói theo Jean Jacques ROUSSEAU, thì “Những bậc thầy tư tưởng đầu tiên của ta là đôi chân của ta, đôi tay của ta, cặp mắt của ta... Thay vì đóng kín con trẻ vào sách vở, mà cho nó làm việc trong một xưởng, thì đôi tay của nó sẽ làm việc để giúp phát triển trí tuệ của nó“[[1]]. Như vậy việc làm trí tuệ quả thực là quan trọng, trí tuệ hiểu như là trí phán đoán. Chính vì vậy mà MONTAIGNE đã viết : “Có cái đầu giỏi (suy xét) thì tốt hơn là có cái đầu đầy (kiến thức),... Làm người khôn thì hay hơn là làm người biết nhiều“[[2]]. Nhà sư phạm Mỹ là DEWEY cũng đồng ý như vậy, khi ông viết : “Vai trò của nhà trường không phải là truyền thông cái kiến thức đã làm sẵn, nhưng là dậy cho con trẻ biết cách đoạt được cái kiến thức ấy khi nó cần“[[3]]. Nhưng thế nào là một trí tuệ phát triển, thế nào là một cái đầu giỏi ? Và nhất là làm sao để giáo dục phát triển trí tuệ, làm sao để đào tạo cái đầu giỏi ? Bảy việc sau đây là cần thiết :

· Trước hết phải lay cho trí tuệ tỉnh dậy, nghĩa là làm nổi dậy tính tò mò hiếu kỳ, lòng ham biết, ham học, ham hiểu.

· Thức tỉnh rồi, điều thứ nhất mà trí tuệ phải đạt được là có tầm nhìn rộng, đủ để nắm được và phân tích được một cách rõ ràng những toàn thể đa tạp và di động trên chúng một cách dễ dàng.

· Sau đó phải học được thói quen suy nghĩ, thích thú suy nghĩ, chú ý suy nghĩ và chín chắn suy nghĩ, không vu vơ, hời hợt, vội vã.

· Rồi luyện được năng khiếu so sánh và nối chắp nhanh chóng giữa những đối tượng để tìm ra những liên hệ xa gần, trong thời gian và không gian

· Rèn được khả năng phân biệt mau lẹ điều chính yếu với điều phụ tuỳ.

· Quen với ưu tư tìm ra nguyên nhân và đi đến hiệu quả.

· Và cuối cùng là quen với nhu cầu kiểm soát, kiểm soát có phương pháp và theo những thông tin chính xác, thực tế và cụ thể.

c. Để tạo được những kiến thức đích danh. Kiến thức chỉ đích danh là kiến thức khi nó là kiến thức của ta, kiến thức ta đã tiêu hoá được, kiến thức gắn bó với trí tuệ và tâm hồn của ta. Kiến thức đích danh này, nhiều khi ta không ý thức, vì nó đã được thu thập, kiến tạo và đoạt lấy từ lúc ta còn tấm bé, qua trăm ngàn kinh nghiệm hàng ngày. Kinh nghiệm hàng ngày, cái kinh nghiệm sống ấy đã như là một thức ăn nuôi dưỡng trí tuệ ta, biến tan vào tâm trí ta để tạo ra cái bản chất trí tuệ cá biệt của ta, làm thành cái khí lực cho mọi hành động của ta cũng như cho mọi tư tưởng của ta. Cái kiến thức học ở nhà trường, ở sách vở chỉ là cái vỏ nước sơn. Cái kiến thức do cuộc sống và từ cuộc sống mới thật là kiến thức đích danh. “Những bài học mà học sinh truyền cho nhau ờ sân trường có hiệu lực gấp trăm lần những bài học thầy dậy trong lớp“. Đa số những trường kỹ sư, thương mại ngày nay ý thức điều này. Đó là lý do khiến họ gởi sinh viên đi thực tập trong những xí nghiệp. Cũng vì vậy mà một giáo sư, một bác sỹ, một kỹ sư chỉ thật là giáo sư, bác sỹ, kỹ sư khi đã thực sự hành nghề và sống với nghề. Tóm lại, học bằng làm, học bằng sống, đó mới là thật học. Điều đó không có nghĩa là buông thả trẻ nhỏ để nó tự sống, hầu tự học. Nhưng có nghĩa là cha mẹ phải xen vào, phải lãnh lấy trách nhiệm dạy con, dạy con bằng và qua cuộc sống. Muốn dạy con nói tiếng Việt và văn hoá Việt nam, không gì hay bằng nói tiếng Việt với con trong gia đình. Muốn dạy con giữ đạo, không gì hay bằng cùng con giữ đạo. Muốn dạy con nên người, không gì hay bằng chính mình nên người và cùng con nên người.

52. Ba phương pháp quan trọng và khoa học là : theo cá biệt tính của trẻ, theo những nguyên tắc tâm lý phát sinh và chuyên biệt của trẻ và theo môi trường trẻ sống

a. Theo cá biệt tính của trẻ. Như chúng ta vừa xem ở đầu bài, mỗi người chúng ta đều có bốn khả năng căn bản là tình cảm, tư tưởng, tưởng tượng và cảm xúc, nhưng không đều nhau. Người thì nhiều tình cảm, thành ra có khuynh hướng hiếu cảm, ưa làm việc xã hội, dễ tha thứ. Người thì nhiều suy tưởng, ưa lý luận, thành có khuynh hướng hiếu lý, thích kỷ luật, hay nghiêm khắc. Người thì nhiều tưởng tượng, thành có khuynh hướng hiếu tưởng, ưa tìm tòi, hay thay đổi. Người thì nhiều cảm xúc, ưa hoạt động, thành có khuynh hướng hiếu động, khó ở yên, ưa ồn ào, ham hoạt động. Rồi nếu nhân bốn khả năng này với bốn yếu tố khác là phán đoán, tri giác, hướng nội, hướng ngoại, thì ít nhất ta có 16 loại tính tình khác nhau. Thật là chẳng có ai giống ai. Đúng là “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính“. Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Bởi vậy phương pháp giáo dục đầu tiên là phải tuỳ theo tính cá biệt của mỗi trẻ. Muốn biết tính cá biệt của mỗi trẻ, phải quan sát chúng. Chăm cây phải tuỳ theo loại, nuôi vật phải tuỳ theo giống, dậy người phải tuỳ cá thể. Còn gì hợp lý hơn ? Giáo dục là đồng hành với trẻ, phụ nó một tay, giúp bản tính tự nhiên của nó được phát triển, mà bí quyết chính yếu là làm sao điều hoà được giữa điều phải dạy với mức độ, sức lực và tính cá biệt của trẻ.

b. Theo những nguyên tắc tâm lý phát sinh và chuyên biệt của trẻ, mà việc quan sát, nhất là quan sát cách nó nói năng, cách nó chơi đùa, cách nó chạy nhảy, cách nó phản ứng, sẽ giúp cha mẹ biết phải dậy cái gì, dậy lúc nào và dậy làm sao. Nhà tâm lý giáo duc người Hoa Kỳ là ông DEWEY đã đưa ra nhận xét chính xác này : “Rèn sắt phải rén lúc nó nóng đỏ, rèn người cũng vậy, phải rèn đúng lúc trẻ thích thú và có dồi dào khả năng“. Sớm quá cũng không được, mà muộn qua cũng chẳng xong. « Trăng đến rằm thì trăng mới tròn » là vậy.

c. Và theo môi trường trẻ sống. Giáo dục là hướng về tương lai. Nếu muốn cho tương lai được xây dựng trên những nền tảng vững chắc, thì phải tựa vào hiện tại, tức là môi trường sống hằng ngày của trẻ. Giáo dục là mở rộng chân trời hành động cho trẻ, nâng cao các khả năng của trẻ. Muốn được như vậy, phải tựa vào nhữnng kinh nghiệm hiện thời của trẻ và phải hoà hợp với trẻ trong hoàn cảnh địa dư nó sống.

Một trong những người có uy tín trong việc áp dụng phương pháp giáo dục hành động là Jean Jacques ROUSSEAU, mà tác phẩm “Emile“ là một dẫn chứng tóm tắt cụ thể. Tôi xin trích lại vài câu điển hình :

“Ít khi bạn phải đề nghị cho nó điều nó phải học; chính nó là người phải thích điều nó muốn học, phải kiếm điều nó muốn học và phải tìm ra điều nó muốn học“

“Bạn cần giúp cho học trò của bạn biết chú ý đến những biến cố thiên nhiên, như vậy, bạn sẽ giúp nó sớm biết hiếu kỳ. Đặt ra cho nó những câu hỏi đúng với tầm mức của nó rồi để nó tự tìm ra giải đáp“

“Nếu nó lầm, hãy cứ để thế, đừng vội sửa những lầm lẫn của nó, hãy yên lặng chờ đợi cho đến lúc nó tự thấy những sai lầm của nó và tự sửa lấy; cùng lắm, vào một lúc thuận tiện, bạn có thể đưa ra một vài hành động có thể giúp nó cảm thấy những sai lầm của mình“

Sau ROUSSEAU, nhiều áp dụng phương pháp giáo dục hành động đã được nhiều nhà giáo dục đưa ra, như MONTESSORI, DECROLY, FREINET, DEWEY, KERSCHENTEINER.

Đặc biệt trong ngành quản trị, một áp dụng mới về phương pháp giáo dục hành động đã được đưa ra và từ ba chục năm nay, từ những năm 1970, đa số các trường dạy nghề, ở đủ mọi cấp khác nhau, đều áp dụng. Đó là phương pháp dự án.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] ROUSSEAU J. J. : Emile, tr. 199

[2] MONTAIGNE : Essais, L.I, ch. XXVI

[3] DEWEY, trường học ngày mai, tr. 28

TRẦN VĂN CẢNH

tranvancanh_paris@yahoo.fr