GIÁO DỤC CON CÁI

Bài 4 : Ðối thoại về « Cha mẹ giáo dục con cái »



Sau đây, như là một thí dụ cụ thể của phương pháp đối thoại, tơi xin giới thiệu MỘT LỚP HỌC DÙNG PHƯƠNG PHÁP ÐỐI THOẠI ÐỂ KHÁM PHÁ ÐỀ TÀI « CHA MẸ GIÁO DỤC CON CÁI ». Ðó là cuộc đối thoại mà tôi đã thực hiện với các khoá sinh đến học khoá chuẩn bị hôn nhân, trong khoá thứ mười và nhiều khoá tiếp sau. Bài đối thoại này đã được viết ra và mang lên mạng Giáo Xứ www.giaoxuvnparis.org.

Ngày 19-03-2000, trong khĩa X Chuẩn Bị Hôn Nhân, tôi lo hướng dẫn 17 anh chị đang chuẩn bị lập gia đình trao đổi về vấn đề giáo dục con cái. Chúng tôi có một giờ để trao đổi.

41. Trước nhất tôi đặt vấn đề và nghe những câu hỏi

Sau khi đã trình bày về mục tiêu muốn đạt, là gây một sự ý thức về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái hầu khám phá ra những điều quan trọng cần hiểu biết trong đề tài ấy và phương pháp sẽ được xử dụng là đặt vấn đề, tôi đặt ngay một câu hỏi với lớp học: Các anh chị có câu hỏi gì về vấn đề giáo dục con cái không ?

Một chị giơ tay xin nói. Tôi mời:

- Xin mời chị.

- Dạ thưa thầy, theo thầy làm sao để dậy con nên người ?

- Câu hỏi của chị nặng quá. Trả lời ngay e khó. Tôi xin chẻ câu hỏi của chị ra làm nhiều mảnh nhỏ hơn và xin hỏi lại chị, theo chị ‘‘nên người’’ nghĩa là làm sao ? Có phải nên người là hay đi lễ hay đi nhà thờ. Hay nên người là hay đóng góp tích cực vào việc xây dựng giáo xứ, xây dựng cộng đoàn ? Hay nên người là nên người con hiếu thảo với cha mẹ, biết giữ gìn gia phong, biết làm phong phú gia cảnh? Hay nên người là người có địa vị, tiền tài, có học cao ? Hay nên người là người có lòng nhân, thương người khốn cùng, thấp cổ bé miệng. Và còn nhiều khía cạnh khác của lý tưởng ‘‘nên người.’’

Tôi vừa nói rằng: ‘‘Câu hỏi của chị nặng quá, trả lời ngay e khó’’ là vì, tôi xin lấy một ví dụ cụ thể, chị muốn làm một món cá, chị phải làm thế nào ? Tùy theo chị muốn ăn cá chiên, cá nướng, cá rang, cá kho, cá hấp, cá gỏi hay cá canh ? Cách làm mỗi món khác nhau phải không chị ? Việc ‘‘dậy con nên người’’ của chúng ta cũng vậy.

Trước khi tìm câu trả lời, tôi xin ghi nhận câu hỏi của chị đã đặt hai vấn đề lớn về mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục.

Một anh khác xin nói :

- Thưa giáo sư, phải dạy con làm sao để chúng đừng quên mình là người Việt Nam và giữ được truyền thống dân tộc ?

- Theo em nghĩ, một chị trả lời, thứ nhất phải dạy chúng nói tiếng Việt, thứ hai phải đưa chúng đi lễ đi nhà thờ Việt Nam, thứ ba mình phải đi lại, kết thân với người Việt Nam để chúng cùng chơi với bạn bè Việt Nam.

-Theo em thì, một chị khác xin tiếp, phải cho chúng ăn cơm Việt Nam, phải dẫn chúng đi thăm ông bà, cô bác, họ hàng mình; và chính mình phải làm gương giữ tập tục Việt Nam. Em chỉ thấy vấn đề là cuộc sống bên này lặn lội quá. Cả tuần vợ chồng đi làm, sáng đi sớm, tối về khuya. Không còn thời giờ, gặp con còn khó, huống hồ là dậy con nên người Việt Nam ? Em khơng biết làm sao ?

Giờ trao đổi cứ thế diễn tiến. Một câu hỏi được đặt ra. Ba câu hỏi khác được nêu thêm. Thấm thoát ba khắc đồng hồ đã trôi qua. Còn một khắc nữa là tôi phải chấm dứt giờ trao đổi. Tôi buộc lòng phải làm tổng kết.

42. Sau đó tôi lặp lại các câu hỏi đã được đặt ra

Trên bảng ghi các câu hỏi, tôi đếm được tất cả 29 câu hỏi :

1. Làm sao dạy con biết kính trọng trên dưới, biết ngoan ngoãn vâng lời ?
2. Làm sao cho con giữ và sống đức tin ?
3. Làm sao tránh ảnh hưởng xấu cho con cái ?
4. Xin thầy cho biết phương pháp và phương cách giáo dục con cái ?
5. Đâu là lý tưởng của việc dạy con ?
6. Đâu là tiêu chuẩn biết mình dạy con đúng ?
7. Phải dùng phương tiện nào trong việc giáo dục con cái ?
8. Tại sao mình cứ lo lắng phải dạy con nên người ? Tại sao mình phải dạy con ?
9. Bây giờ chúng em phải chuẩn bị thế nào để mai sau dạy con cho thành người tốt ?
10. Giáo dục con có phải là thương con không ? Phải thương thế nào, và đến mức nào?
11. Xin tóm lược cho biết một vài nguyên tắc và một vài lý tưởng về giáo dục con cái theo văn hoá Âu Châu và văn hoá Á Đông ?
12. Giáo dục là dạy con nên người, cho con được đầy đủ, được hạnh phúc, nhưng phải làm thế nào ?
13. Trong việc giáo dục con cái, sự quan tâm của cha mẹ phải để ý nhất đến chỗ nào ? Đến sự giao thiệp của chúng với bạn bè chăng ?
14. Em vẫn thắc mắc chưa hiểu phải dùng phương pháp nào để giáo dục con cái hay biện pháp nào để giáo dục con cái được. Xin thầy giải thích.
15. Sự giáo dục con cái là do gương mẫu của cha mẹ, bố mẹ em vốn bảo thế. Nhưng phải làm gương làm sao và ở những chỗ nào ?
16. Theo em, giáo dục là không nên đánh con. Nhưng phải kiên nhẫn giải thích cho chúng hiểu, có phải thế không ?
17. Giáo dục con là cho con học hành tử tế. Nhưng phải học đến đâu ? Môn gì ? Ngành gì ?
18. Làm sao để con cái mình được đạo đức ? Sống đời sống công giáo tốt đẹp, mà không phóng khoáng ?
19. Làm sao để con cái đừng quên mình là Việt Nam ?
20. Làm sao để con cái giữ được các tục lệ tốt của Việt Nam ?
21. Làm sao để con không ‘‘tây’’ quá ?
22. Chúng em chưa cùng một đạo. Sự kiện đó có nguy hại đến việc giáo dục con cái mai sau của chúng em không ?
23. Làm sao để chúng em có cùng một ý hướng giáo dục con cái ?
24. Trong việc giáo dục con cái, trách nhiệm của cha mẹ là đến thế nào ?
25. Cả hai đều có trách nhiệm ngang nhau hay không ?
26. Tại sao ở Việt Nam lại trọng trai hơn nữ ?
27. Làm sao giữ liên lạc trò truyện dễ dàng với con cái ?
28. Làm sao sửa dạy con cái ở tuổi dậy thì và thanh thiếu niên ?
29. Cái mẫu nào là tốt để làm cha và làm mẹ ?

43. Rồi tổng hợp các câu hỏi vào vài ba nhóm chính và trả lời

Sau khi đã lặp lại 29 câu hỏi mà chính 17 anh chị đã đặt ra, để các anh chị dễ nhớ, tôi tóm tắt lại bằng cách gom góp chúng thành bốn nhóm câu hỏi :

• Vì sao phải giáo dục con cái ?
• Phải giáo dục con cái ở những lãnh vực nào ?
• Phải giáo dục con cái theo lý tưởng nào ?
• Và phải giáo dục con cái bằng cách nào ?

Về câu thứ nhất và thứ hai : Vì sao phải giáo dục con cái ? Và Phải giáo dục con cái ở những lãnh vực nào ?

Theo ý các câu hỏi đã được đặt ra và một số trả lời đã được gợi đến, đại cương 17 anh chị có mặt trong buổi trao đổi đã đưa ra những trả lời sau đây :

• Vì giao ước hôn nhân hay nghĩa vợ chồng đòi ta phải dạy và đặc biệt dạy con trong lãnh vực luân lý cho có đức.
• Vì lẽ tự nhiên của đời sống đưa ta tự nhiên đến việc phải giáo dục con cái và đặc biệt giáo dục chúng trong lãnh vực thể lý cho được khỏe được đẹp.
• Vì gia phong và nợ tông đường buộc ta phải dạy con và đặc biệt dạy con biết cư xử trong các liên lạc xã hội cho có cương thường.
• Vì ích lợi kinh tế đòi hỏi, đã sinh con phải dạy con cho có nghề nghiệp làm ăn, cho mình bớt tốn, bớt lo, mà còn có thể được nhờ được vui.
• Vì bí tích Hôn Phối và giáo huấn của Giáo Hội đòi buộc ta phải dạy con trong lãnh vực đức tin cho có đạo đức và thánh thiện.

Kết luận cho hai câu hỏi này, các anh chị nêu ra nguyên tắc giáo dục toàn diện ở mọi lãnh vực : luân lý, thể lý, xã hội, nghề nghiệp và đức tin.

Về câu hỏi thứ ba và thứ bốn : Phải giáo dục con cái theo lý tưởng nào ? Và Phải giáo dục con cái bằng phương pháp nào ?

Các anh chị đều đồng ý rằng :

• Trong lãnh vực luân lý, phải tôn trọng các nguyên tắc luân lý, phải để ý đến tư cách tính tình của con, làm sao cho con ngoan ngoãn, hiền lành. Lý tưởng ở đây là đạt được hai chữ : tốt và có đức. Cách giáo dục tốt nhất ở đây là làm gương, là làm sao để hai cha mẹ đồng nhất tư tưởng về vấn đề giáo dục con cái. Những việc cụ thể các anh chị nêu lên là : Kiên nhẫn, để ý đến tính tình con cái, sửa trị tính xấu, duy trì và phát triển tính tốt, biểu lộ tình thương bằng lời và việc, công bằng với con và tôn trọng con.

• Trong lãnh vực thể lý, phải lưu tâm đến cách đi đứng, ăn mặc, phải chăm sóc cách ăn uống và tình trạng sức khỏe của con cái, phải lưu tâm đến việc nghỉ ngơi, học hành và làm việc điều độ, cảm thông với thiên nhiên. Lý tưởng là đạt được hai chữ : khỏe và đẹp. Những việc cụ thể là tiên liệu những thay đổi để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách đáp ứng, giữ thể diện cho con, bao dung và quảng đại.

• Trong lãnh vực xã hội, phải lưu tâm đến tư cách trong cách giao thiệp của con cái, trong gia đình biết hiếu thảo, kính trên nhường dưới, ngoài xã hội biết tín trung. Lý tưởng ở đây là đạt được hai chữ : Trong hiếu ngoài sang. Phương pháp cần dùng là quan sát, cắt nghĩa, uốn nắn, sửa sai và hỗ trợ. Những việc cụ thể là dạy lễ giáo và đạo đức, tế nhị, nhẹ nhàng, thông cảm, tha thứ, cha mẹ kính trọng lẫn nhau.

• Trong lãnh vực kinh tế, phải lo cho con trước là học hành tử tế, sau là có nghề nghiệp và chuyên cần làm ăn. Lý tưởng tóm vào ba chữ : Học giỏi, nghệ tinh và thân vinh. Phương pháp qui về ba việc : chỉ bảo, giúp đạt mục tiêu và bày vẽ. Cụ thể nên làm những việc sau : cộng tác với nhà trường, cho thời giờ, cho lời khen, giúp chọn bạn tốt, tin vào khả năng của con, nhẫn nại vui tươi, trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm của con, lưu tâm đến các ảnh hưỏng của học đường, xã hội và bạn bè, giúp tạo dựng sự nghiệp và xây dựng gia đình.

• Trong lãnh vực đức tin, phải lưu ý về sự hiểu biết và thực hành đức tin của con : cho đi học giáo lý, dẫn đi lễ đi nhà thờ, lo việc xưng tội rước lễ và chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khác, thực hiện việc đọc kinh tối sáng. Lý tưởng tóm vào hai chữ : Mến Chúa, yêu người. Phương pháp nên dùng ở đây là đi lại với giáo xứ, giữ đạo đứng đắn và cầu nguyện đều đặn. Những việc cụ thể cần làm : giúp con có đời sống đạo, tập thói quen tốt, giúp học giáo lý, khuyến khích gia nhập đoàn thể công giáo tiến hành, đốc thúc nhận lãnh bí tích, tạo niềm tin vui gia đình và thăng tiến lòng đạo đức.

Kết luận chung cho hai câu hỏi này, các anh chị nêu ra nguyên tắc giáo dục tình yêu.

Tóm kết lại, qua một giờ trao đổi về vấn đề giáo dục con cái, 17 anh chị lần lượt đã nêu lên 29 câu hỏi khác nhau. Các câu hỏi này qui về bốn câu chính là : Vì sao giáo dục con cái ? Ở những lãnh vực nào ? Theo lý tưởng nào ? Và bằng cách nào ?

Hai câu trả lời tổng quát mà các anh chị đã đưa ra là giáo dục toàn diện và giáo dục bằng tình yêu. Phương pháp áp dụng phải tùy theo tuổi, tùy theo hoàn cảnh.

Tôi khen các anh chị đã có nhiều suy nghĩ chín chắn và xin chấm dứt giờ trao đổi. Giải tán giờ học, tôi đang xoá bảng và bỏ đồ vào cặp, hai anh chị đến gần và nói :

- Xin cám ơn giáo sư đã trình bày rõ ràng vấn đề
- Rõ ràng ở chỗ nào ? Tôi có trình bày gì đâu?
- Dạ thưa giáo sư, giáo sư đã giúp cho chúng em suy nghĩ và đặt được nhiều câu hỏi, qui tụ vào bốn câu hỏi lớn trong việc giáo dục con cái.

Tôi bắt tay, cám ơn anh chị và xin từ giã ? Ra khỏi phòng học, một cặp anh chị khác đón tôi và thưa :

- Thưa thầy, học với thầy, học xong còn nhiều thắc mắc hơn là chưa học.

- Ấy, tôi đã giúp giải tỏa một số thắc mắc bằng cách đọc cho các anh chị một số câu ca dao bình dân Việt Nam và một số trích dẫn Thánh Kinh rồi mà.

- Dạ thưa thầy, vẫn chưa đủ. Chúng em vẫn chưa hiểu hết.

TRẦN VĂN CẢNH

tranvancanh_paris@yahoo.fr